Trung Quốc nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân với quy mô chưa từng có
Tác giả : Thanh Phương Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-04-28


Tên lửa đạn đạo DF-17 trong lễ duyệt binh mừng 70 năm thành lập Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, ngày 01/10/2013, tại Bắc Kinh, Trung Quốc. AP - Mark Schiefelbein
Trung Quốc đang thúc đẩy việc phát triển kho vũ khí hạt nhân của nước này với quy mô chưa từng có, để chuẩn bị cho khả năng xảy ra xung đột với Hoa Kỳ trong tương lai. Đó là nhận định của các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn ngày 26/04/2023.
Theo thẩm định của Viện Quốc tế Nghiên cứu về Hòa bình Stockholm (SIPRI), hiện nay, Trung Quốc chỉ mới có khoảng 350 đầu đạn hạt nhân, còn ít hơn nhiều so với Nga ( 4.777 ) và Hoa Kỳ ( 3.708 ).
Năm 2035: 1.500 đầu đạn hạt nhân
Nhưng số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Trong một báo cáo được công bố vào tháng 11 năm ngoái, Lầu Năm Góc thẩm định đến năm 2035, Bắc Kinh có thể sở hữu đến 1.500 đầu đạn nguyên tử. Trả lời AFP, ông Matt Korda, thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ, ghi nhận: “Trung Quốc không còn bằng lòng với vài trăm đầu đạn hạt nhân để bảo vệ an ninh của nước này”.
Kể từ khi tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên vào năm 1964, Trung Quốc vẫn duy trì một kho vũ khí tương đối khiêm tốn và luôn khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ là nước đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột. Trung Quốc cũng thường nhấn mạnh họ giữ "lực lượng hạt nhân ở mức thấp nhất cần thiết cho an ninh quốc gia".
Nhưng trong những năm gần đây, dưới thời chủ tịch Tập Cận Bình, Trung Quốc đã bắt đầu nỗ lực hiện đại hóa quân sự với quy mô lớn, bao gồm nâng cấp vũ khí hạt nhân để không chỉ ngăn chặn kẻ thù, mà còn có khả năng phản công, nếu việc ngăn chặn thất bại.
Theo lời ông David Logan, giáo sư tại Đại học Chiến tranh Hải quân Hoa Kỳ, nói với AFP, "Trung Quốc đang tiến hành mở rộng và hiện đại hóa lực lượng hạt nhân với quy mô lớn nhất trong lịch sử nước này". Bắc Kinh không chỉ gia tăng sản xuất đầu đạn nguyên tử, mà còn nâng cao khả năng phóng các đầu đạn đó bằng bộ ba hạt nhân: tên lửa, máy bay và tàu ngầm.
AFP trích lời ông Eric Heginbotham, nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế, Viện Công nghệ Massachusett: "Những thay đổi đang diễn ra là rất quan trọng và sẽ biến Trung Quốc từ một quốc gia có khả năng trả đũa hạt nhân thành một cường quốc hạt nhân lớn thứ ba thế giới". Theo ông, như vậy là "lần đầu tiên trong lịch sử, các cường quốc hạt nhân sẽ phải xem xét không phải một đối thủ cạnh tranh hạt nhân tiềm năng, mà là hai đối thủ cạnh tranh"
Trong báo cáo tháng 11 năm ngoái, Lầu Năm Góc cho biết Trung Quốc đang "nhanh chóng" xây dựng các cơ sở phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, với tổng cộng hơn 300 hầm chứa tên lửa.
Chiến dịch Quốc tế Xóa bỏ Vũ khí Hạt nhân, tập hợp nhiều tổ chức phi chính phủ, đã ước tính rằng Trung Quốc đã chi 11,7 tỷ đô la cho chương trình hạt nhân của nước này vào năm 2021, chưa bằng một phần ba so với số tiền Hoa Kỳ được cho là đã chi ra.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, có những trở ngại đối với kế hoạch nhanh chóng xây dựng kho vũ khí nguyên tử của Trung Quốc, vì nước này có những phương tiện hạn chế để sản xuất các vật liệu phân hạch cần thiết cho việc chế tạo đầu đạn.
Nga có thể hỗ trợ Trung Quốc
Nhưng rất có thể là Bắc Kinh sẽ có sự hỗ trợ từ Matxcơva. Trong cuộc họp thượng đỉnh gần đây giữa Tập Cận Bình và Vladimir Putin, hai lãnh đạo Nga Trung đã cam kết sẽ tăng cường hợp tác hạt nhân.
Các quan chức cao cấp của Nga trong lĩnh vực năng lượng đã đồng ý hỗ trợ Trung Quốc hoàn thành các "lò phản ứng nhanh", có thể tạo ra vật liệu phân hạch với tốc độ nhanh hơn nhiều so với mức tiêu thụ. Bắc Kinh khẳng định thỏa thuận này chỉ liên quan đến chương trình hạt nhân dân sự, nhưng các chuyên gia cho rằng thỏa thuận Nga -Trung cũng có thể được sử dụng để xây dựng kho dự trữ vật liệu phân hạch cho đầu đạn.
Theo nhà khoa học Matt Kordan, “về mặt kỹ thuật, Trung Quốc có thể tăng đáng kể kho dự trữ plutonium của họ với các lò phản ứng dân sự mới, sử dụng nhiên liệu do Nga cung cấp. Tuy nhiên, hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc có ý định làm điều này."
Gregory Kulacki, Giám đốc Dự án Trung Quốc tại Liên minh các nhà khoa học quan tâm, một tổ chức của các nhà khoa học nói với AFP rằng Trung Quốc có "nguồn dự trữ rất hạn chế nên sẽ khó mà xây dựng nhanh chóng". Nói cách khác, Trung Quốc sẽ khó mà sản xuất được một cách nhanh chóng lượng plutonium mà họ cần.
Mục tiêu: Đối phó với Mỹ
Trung Quốc có nhiều lý do để làm các đối thủ của họ tin rằng khả năng hạt nhân của họ cao hơn những gì họ hiện có và chính Lầu Năm Góc cũng thường phóng đại khả năng đó để lấy cớ xin thêm ngân sách cho quốc phòng.
David Logan của Đại học Chiến tranh Hải quân cho biết: "Các chiến lược gia Trung Quốc đã lo lắng về khả năng Mỹ mở một cuộc tấn công hạt nhân trước khiến Bắc Kinh không thể đáp trả. Việc tăng cường hạt nhân một phần có thể là nhằm chống lại khả năng này."
Các chuyên gia cho rằng đánh giá của Trung Quốc về những yếu tố cấu thành khả năng răn đe hạt nhân đáng tin cậy cũng có thể đang thay đổi, và việc nâng cấp đáng kể các lực lượng hạt nhân của Trung Quốc sẽ khiến Hoa Kỳ phải ngần ngại về cái giá phải trả cho việc can thiệp vào một cuộc xung đột trong khu vực, nhất là xung đột ở vùng eo biển Đài Loan hay ở vùng Biển Đông đang tranh chấp.
Bắc Kinh đã tăng cường áp lực lên Đài Loan, và gần đây đã tiến hành hai đợt tập trận lớn xung quanh hòn đảo mà họ vẫn xem là lãnh thổ của Trung Quốc, sớm muộn gì cũng sẽ được thống nhất với Hoa lục, nếu cần thì sẽ dùng đến vũ lực. Ankit Panda, Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói với AFP: “ Rất có thể Bắc Kinh nghĩ rằng một lực lượng hạt nhân lớn hơn là cần thiết để ngăn cản sự tham gia của Hoa Kỳ vào một cuộc xung đột tiềm tàng trong tương lai ở eo biển Đài Loan, rằng một lực lượng hạt nhân lớn hơn sẽ giảm bớt mức độ rủi ro mà Hoa Kỳ sẵn sàng chấp nhận trong một cuộc xung đột thông thường, hạn chế.”
Nguy cơ chạy đua vũ khí hạt nhân
Kế hoạch phát triển kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc dĩ nhiên là đáng lo ngại, trong bối cảnh mà số đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được sử dụng trên toàn thế giới đã tăng đáng kể trong năm 2022.
Theo một báo cáo của một tổ chức phi chính phủ Na Uy, Norsk Folkehjelp, chín cường quốc hạt nhân Hoa Kỳ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Israël, Pakistan, Ấn Độ và Bắc Triều Tiên hiện có trong tay tổng cộng 9.576 đầu đạn nguyên tử sẵn sàng được sử dụng, tức là với cường độ gộp lại mạnh gấp hơn 135.000 quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima. Mức tăng này phần lớn là do sự phát triển vũ khí hạt nhân của Nga và Trung Quốc. Cũng theo tổ chức nói trên, số đầu đạn hạt nhân sẵn sàng được sử dụng đã liên tục gia tăng kể từ năm 2017.
Nếu thật sự Trung Quốc đến năm 2035 sẽ có 1.500 đầu đạn hạt nhân, tức là trên đường bắt kịp Hoa Kỳ, thì Washington chắc là sẽ sản xuất thêm đầu đạn, và như vậy là sẽ thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới giữa các cường quốc.
----------