Khách hàng vũ khí của Trung Quốc chỉ ‘mua 1 lần rồi đi’
Tác giả : Richard A. Bitzinger
Biên dịch : Xuân Hoa
Nguồn: NTD Vn Ngày đăng: 2023-06-23


Máy bay chiến đấu J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc, trong một cuộc tập trận ở Biển Hoa Đông vào tháng 04/2018. (Ảnh: AFP qua Getty Images)
Bí quyết thành công của một nhà xuất khẩu vũ khí là gì? Đó là xây dựng được tệp khách hàng thân thiết. Đây là điều mà Trung Quốc không thể làm được trong vài thập kỷ qua.
Các quốc gia mua vũ khí từ các nhà cung cấp nhất định nào đó vì những lý do cụ thể như: hiệu năng, độ tin cậy, chi phí, liên minh chính trị, v.v.. Một dấu hiệu quan trọng cho thấy một nhà sản xuất vũ khí thành công là họ có được cơ sở khách hàng ngoại quốc lớn và đáng tin cậy — những quốc gia đều đặn quay lại hàng năm để mua thêm vũ khí.
Đây là điều mà Trung Quốc không làm được với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí. Đúng vậy, Bắc Kinh chiếm khoảng 5% hoạt động kinh doanh vũ khí toàn cầu, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI). Con số này đặt Trung Quốc ở vị trí tương đương với Anh, Pháp, Ý và Đức - nhưng kém xa so với Nga và Hoa Kỳ (2 quốc gia này lần lượt chiếm 16% và 40% tổng lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu).
Trong hoàn cảnh hiện tại, Trung Quốc vẫn duy trì là một tay chơi thị trường ngách của thị trường vũ khí thế giới. Phần lớn vũ khí của họ được bán cho một số lượng rất nhỏ các quốc gia. Ví dụ, trong 20 năm qua, hơn 60% tổng doanh số bán vũ khí của Trung Quốc chỉ đến từ 3 nước: Bangladesh, Myanmar và Pakistan.
Bắc Kinh từng có một số khách hàng khác - trong một số trường hợp là khá nhiều khách hàng khác - trong một khoảng thời gian, nhưng sau đó những khách hàng này đã không mua nữa. Các ví dụ bao gồm Algeria, trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2016, đã mua lượng vũ khí trị giá 900 triệu USD từ Trung Quốc nhưng sau đó đã tạm dừng các giao dịch tiếp theo; Ai Cập, Iran, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ đều mua vũ khí của Trung Quốc trong những năm 2000 nhưng sau đó ngừng mua vào những năm 2010 và 2020.
Trong khi đó, vào cùng thời kỳ (2003–2022), hơn 30 quốc gia đã liên tục (tức là gần như hàng năm) mua vũ khí từ Hoa Kỳ.
Điều này đặt ra câu hỏi: Nếu các hệ thống vũ khí hiện tại của Trung Quốc thực sự tốt như họ quảng cáo, thì tại sao sức hấp dẫn của chúng lại hạn chế như thế? Tại sao tệp khách hàng truyền thống của Bắc Kinh vẫn là con số quá ít ỏi? Trên thực tế, người ta có thể suy luận từ số lượng lớn các vụ mua “một lần” như thế này rằng, hầu hết vũ khí Trung Quốc, dù chắc chắn là tốt hơn quá khứ nhưng vẫn chỉ đáp ứng được các tiêu chuẩn tối thiểu, trong khi các hệ thống vũ khí nước ngoài khác - của phương Tây, Nga và Israel - luôn vượt trội hơn so với vũ khí của Trung Quốc ở hầu hết các khía cạnh.
Quay trở lại những năm 1980 và 1990, có rất nhiều bằng chứng mang tính giai thoại về sự kém cỏi của vũ khí Trung Quốc. Một cây bút quân sự phương Tây đến thăm Thái Lan năm 1989 đã tiết lộ rằng xe tăng Type-69 do Trung Quốc sản xuất trong kho của Thái Lan có các mối hàn khá thô, chất lượng thép có vẻ không đủ tiêu chuẩn, và động cơ bị rỉ dầu và nhả nhiều khói; nghiêm trọng hơn, hệ thống điều khiển hỏa lực của xe tăng và súng không ổn định, khiến súng bị chao đảo và mất độ chính xác khi bắn.
Cùng thời gian đó, các nhà báo phương Tây đã tham quan một số cơ sở sản xuất máy bay của Trung Quốc và đã chứng kiến được rằng nhiều loại máy bay chiến đấu của Trung Quốc có “các khớp nối lồi lõm”, “keo dính trong suốt được bôi cẩu thả đầy buồng lái” và “phần bề mặt nhiều đinh tán lởm chởm”.
Các hệ thống vũ khí của Trung Quốc trong thế kỷ 21 có thể đã được cải tiến, nhưng chúng vẫn còn nhiều vấn đề. Ví dụ, vào giữa những năm 2000, Nigeria đã mua của Bắc Kinh 15 máy bay chiến đấu F-7 (phiên bản Trung Quốc của MiG-21 của Liên Xô). Kể từ đó, một số chiếc đã bị mất do tai nạn, trong khi 7 chiếc khác phải gửi trở lại Trung Quốc để nhận “bảo trì và sửa chữa chuyên sâu”.
Radar do Trung Quốc sản xuất trên máy bay chiến đấu JF-17 bán cho Myanmar có độ chính xác kém; bản thân máy bay này thiếu khả năng đánh chặn tên lửa ngoài tầm nhìn. Điều này và các vết nứt trong cấu trúc đã khiến lực lượng không quân Myanmar phải đình chỉ sử dụng các máy bay JF-17.


Mô hình của máy bay huấn luyện phản lực K-8 được trưng bày trong Triển lãm Hàng không & Vũ trụ Quốc tế Bắc Kinh lần thứ 13 tại CIEC ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 25/09/2009. (Ảnh: Shutterstock)
Bangladesh, một khách hàng lớn khác của ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc, đã gặp sự cố khi cho chiếc máy bay tấn công hạng nhẹ K-8 (do Trung Quốc chế tạo) bắn đạn. Hơn nữa, 2 tàu ngầm lớp Ming mà Bắc Kinh giao cho hải quân Bangladesh được cho là không thể sử dụng được. Ngoài ra, lực lượng không quân Bangladesh cũng từ chối tiếp nhận máy bay vận tải Y-12 và MA60 do Trung Quốc sản xuất.
Các ví dụ khác là những chiếc xe do Trung Quốc sản xuất được bán cho Kenya mà sau đó bị phát hiện là không thể bảo vệ được binh lính ngồi bên trong chúng; và tên lửa hành trình chống hạm C-705 do Trung Quốc sản xuất cho hải quân Indonesia đã không bắn trúng mục tiêu trong các cuộc tập trận quân sự.
Ngay cả Pakistan, khách hàng lớn nhất và trung thành nhất của Bắc Kinh, cũng có nhiều trải nghiệm thất vọng to lớn với những vũ khí mà nước này mua từ Trung Quốc. Vào giữa những năm 2000, Pakistan đã mua 4 tàu khu trục nhỏ (khinh hạm) F-22P của Trung Quốc; những chiếc này được chuyển giao với nhiều vấn đề kỹ thuật khác nhau trong động cơ, hệ thống phòng không và radar. Đặc biệt, người Pakistan đã phát hiện ra rằng cảm biến hồng ngoại hình ảnh trên tên lửa phòng không chủ chốt của con tàu bị lỗi, khiến tên lửa không thể khóa mục tiêu.
Ngoài ra, loại xe tăng do Pakistan cùng phát triển với Trung Quốc, cũng như lựu pháo do Trung Quốc chế tạo bán cho Pakistan, đã thất bại trong các cuộc thử nghiệm bắn và các cuộc thử nghiệm khác, khiến Pakistan buộc phải trì hoãn việc mua chúng.
Hơn nữa, trong nhiều trường hợp, người Trung Quốc không hề quan tâm đến việc sửa chữa các loại vũ khí kém chất lượng mà họ bán ra. Islamabad không thể yêu cầu Bắc Kinh sửa chữa hay đại tu các tàu khu trục nhỏ mà họ mua từ Bắc Kinh, vì vậy họ đành phải ký hợp đồng nâng cấp chúng với Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhìn chung, rất ít quốc gia đang xếp hàng để mua các hệ thống vũ khí khác của Trung Quốc, hoặc nếu có, họ sẽ loại bỏ các bộ phận của Trung Quốc và thay thế chúng bằng các hệ thống của phương Tây. Điều này là bởi vì ngành công nghiệp quốc phòng của Bắc Kinh vẫn còn rất yếu trong các công nghệ then chốt như động cơ phản lực và thiết bị điện tử. Ví dụ, Algeria đã mua các tàu hộ tống nhỏ từ Trung Quốc và sau đó trang bị thêm cho chúng thiết bị liên lạc và radar của Pháp. Thái Lan đã chọn công ty hàng không vũ trụ và quốc phòng Saab của Thụy Điển để nâng cấp các khinh hạm do Trung Quốc chế tạo. Các máy bay phản lực JF-17 của Pakistan sử dụng động cơ của Nga và ghế phóng của Anh.
Trung Quốc với tư cách là nhà xuất khẩu vũ khí chỉ cung cấp các thiết bị cơ bản với mức giá thấp và rất ít cam kết, như họ vẫn luôn thế trong vài thập kỷ qua. Đặc biệt, Bắc Kinh cố gắng thống trị những loại vũ khí có thể được coi là “hàng hóa thiết yếu” — những loại vũ khí về cơ bản giống nhau về công nghệ, không đòi hỏi công nghệ cao và khi đó, chi phí thấp thường là yếu tố mang tính quyết định chính. Các ví dụ gồm có các loại vũ khí nhỏ, đạn dược, đạn pháo và xe bọc thép hạng nhẹ. Trung Quốc cũng đã tạo ra một thị trường ngách đặc biệt béo bở cho mình trong việc bán máy bay không người lái có vũ trang.
Ngay cả khi đó, các yếu tố như chất lượng, độ tin cậy và hiệu năng vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Trung Quốc, đặc biệt là các đơn đặt hàng sau đơn đầu tiên. Nếu Trung Quốc không đạt được cải thiện nào trong những khía cạnh này, nhiều khách hàng lần đầu của họ sẽ bỏ đi. Họ sẽ thực sự trở thành nhà cung cấp vũ khí mà khách hàng chỉ ‘mua 1 lần rồi đi’.
Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTD Việt Nam.
Xuân Hoa biên dịch
----------