Nhà quan sát: USS Ronald Reagan đến Đà Nẵng là chuyện nội bộ của Việt Nam, không cần Thủ tướng Chính ‘qua chầu’ Trung Quốc
Tác giả : Quốc Phương Nguồn: Đài Á Châu Tự Do Ngày đăng: 2023-06-26


Thủ tướng VN Phạm Minh Chính bắt tay Thủ tướng TQ Lý Cường ở Bắc Kinh hôm 26/6/2023
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ không thể ‘xé rào’ trong quan hệ Việt – Trung để làm điều gì ‘đột phá’ liên quan Biển Đông trong chuyến thăm Trung Quốc này, tuy nhiên, có thể đặt vấn đề với phía Trung Quốc về hai khía cạnh ‘lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc’, ‘bảo vệ an ninh năng lượng của Việt Nam thông qua đảm bảo các dự án thăm dò, khai thác dầu khí trên Biển Đông’. Đó là nhận định của nhà quan sát và phân tích thời sự, chính trị Việt Nam và khu vực - ông Trương Nhấn Tuấn từ Marseille, Pháp Quốc - với RFA hôm 26/6/2023.
Vẫn theo ông Tuấn, Việt Nam tiếp tục chính sách ngoại giao ‘cây tre’, mà thực chất là ‘đưa người cửa trước, rước người cửa sau’, cũng như việc Hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Mỹ cập bến Đà Nẵng là chuyện nội bộ của Việt Nam, mà không cần Thủ tướng Phạm Minh Chính phải ‘qua chầu’ bên Trung Quốc làm gì.
Nếu không ‘xé rào’, thì cũng nên học Philippines
RFA: Có ý kiến nói trong chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính, ông Chính đề cập 'thẳng thắn' với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông? Theo nhà nghiên cứu, Thủ tướng Việt Nam có 'đặt vấn đề' đó dịp này không? Và Trung Quốc có thể phản ứng ra sao, nếu có?
Ông Trương Nhân Tuấn: Theo tôi trên phương diện cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ không có kế hoạch nào về Biển Đông trong chuyến đi này hết cả. Nếu ông Chính có kế hoạch nào đó thì (kế hoạch này) cũng không thể ra ngoài những chương trình đã được soạn trước giữa hai đảng CSVN và CSTQ. Việt Nam (VN) có quan hệ thân thiết, nếu không nói là phụ thuộc nhiều thứ vào Trung Quốc (TQ). Từ ý thức hệ chính trị đến mô hình phát triển quốc gia. VN là một bản “photocopy” của TQ. Mọi quan hệ giữa hai quốc gia VN và TQ trước tiên phải thông qua kênh “đảng”. Chuyện tranh chấp Biển Đông vì vậy không ngoại lệ.
Nhưng nếu ông Chính “xé rào”, hay là ông Chính tuân theo cẩm nang của Đảng, đặt vấn đề tranh chấp Biển Đông với TQ trong chuyến đi này, theo tôi, có hai vấn đề quan trọng cần được ưu tiên đặt ra. Thứ nhứt là chuyện TQ cấm biển (vùng biển bắc vĩ tuyến 12°). VN phải có một giải pháp giải quyết các vấn đề kinh tế, về công ăn việc làm cho ngư dân VN trong thời gian không hoạt động (do TQ cấm biển). Kêu gọi ngư dân bám biển (một cách bất chấp sinh mạng) không phải là giải pháp.
Thứ hai là chuyện TQ cản trở VN khai thác các mỏ dầu khí trên thềm lục địa của VN. Theo tôi thấy hiện thời an ninh năng lượng của VN bị đe dọa. Có nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chính yếu là VN không thể xây dựng các nhà máy điện khí theo dự kiến. TQ đã cản trở VN khai thác các mỏ khí đốt (hay đặt ống dẫn khí đốt từ Indonesia về VN.) An ninh năng lượng là an ninh quốc gia. Thiếu năng lượng, công kỹ nghệ VN sẽ bị đình đốn và VN sẽ không thể cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực trong việc thu hút tài phiệt đầu tư.
Về phản ứng của TQ, theo tôi, mục tiêu của TQ là kìm hãm VN phát triển. TQ sẽ không thể trở thành đại cường nếu các quốc gia có cùng biên giới với TQ, như VN, cũng là một đại cường. Hành vi TQ thường xuyên cho tàu bè hải cảnh, hải giám, tàu nghiên cứu… vào quấy nhiễu thềm lục địa VN mục tiêu hàng đầu là ngăn cản VN khai thác các mỏ dầu khí. TQ không để VN tự chủ về an ninh năng lượng. Do đó TQ sẽ không dễ dàng chấm dứt chuyện quấy nhiễu này.
Về chuyện cấm đánh cá thì từ đã 21 năm rồi, năm nào TQ cũng ra lệnh cấm đánh cá. Và cũng đã 21 năm VN không có bất kỳ một giải pháp nào, cho dầu tạm bợ, để giải quyết vấn đề ngư dân VN. Nếu so sánh bạn “đồng hội đồng thuyền” cùng hoàn cảnh với VN là Philippines thì ta thấy học giả cũng như giàn chính trị gia của quốc gia này đã có những bước đi đột phá, mục đích giải quyết các tranh chấp với TQ bằng luật lệ. Phán quyết của tòa PCA 13-7-2016 là thí dụ điển hình. Theo những gì tôi theo dõi thì trong thời gian gần sắp tới, có thể Philippines sẽ xúc tiến kiện TQ thêm lần nữa, kỳ này liên quan đến “quyền đánh cá của ngư dân trong vùng đánh cá truyền thống”, nếu những đàm phán giữa TT Marcos Jr. của Philippines với TQ không đạt kết quả cụ thể. Theo tôi, chính quyền và Đảng CSVN cần lấy Philippines là một tấm gương để có những động thái thích hợp bảo vệ lợi ích của công dân mình.
Ngoại giao dồn dập, ngẫu nhiên hay có ngụ ý?
RFA: Có ý kiến cho rằng Việt Nam trong thời gian vừa rồi đã có các tiếp xúc, thúc đẩy quan hệ (ngoại giao, quốc phòng, an ninh...) với cả bốn quốc gia thành viên khối QUAD (Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang thăm Ấn Độ, VN đón Thủ tướng Úc đến thăm (lần đầu trên cương vị đó của tân Thủ tướng Úc tới VN), đón nhóm tàu khu trục trực thăng Nhật thăm, đón tàu sân bay USS Ronald Reagan ghé, chưa kể cũng tiếp đón Tổng thống Hàn Quốc, ông có bình luận gì về việc này, đây là ngẫu nhiên, hay có kế hoạch với ngụ ý gì?
Ông Trương Nhân Tuấn: Tôi thấy với chính sách ngoại giao “cây tre” và chủ trương quốc phòng “bốn không”, VN khó có thể có mối quan hệ lâu dài và bền vững với bất kỳ quốc gia nào. VN muốn có một quan hệ “tốt” với “tất cả” mà điều này là không thể (trong hoàn cảnh TQ và Mỹ cạnh tranh chiến lược).
Để “minh họa”, tôi thử đưa một thí dụ điển hình, về kinh tế. Đó là chúng ta thấy VN là một trong những quốc gia “mở” so với các quốc gia lân bang. VN có mặt trong hầu hết các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng như VN ký đủ thứ hiệp ước về kinh tế với hầu hết các quốc gia tiên tiến, bao gồm Mỹ, TQ, Nhật, khối Châu Âu, Nam Hàn, Đài loan v.v… Nếu nói nôm na thì “mâm nào VN cũng có mặt”. Nhưng kết quả thì thật là khiêm nhường. Có tiếng mà không có miếng. VN vẫn là quốc gia kém mở mang hơn hết trong khu vực.
Theo tôi, VN chỉ cần (chọn ngay) một vài đối tác lớn, và thân thiện, như Mỹ và Châu Âu, tất cả những hiệp ước FTA khác sẽ trở thành thừa thãi. Về quốc phòng cũng sẽ như vậy. VN muốn “chơi” với tất cả, vì vậy VN sẽ không thân thiết được với ai. Về quan hệ với Ấn Độ, tôi đánh giá cao quan hệ VN và Ấn Độ.
Một học giả Pháp thập niên 90 có xuất bản một tập sách về địa chính trị khu vực Đông Nam Á. Tác giả cho rằng sẽ tốt cho VN nếu VN đi với Ấn Độ (thay vì TQ), sau khi Liên Xô sụp đổ. Rốt cục VN chọn “giải pháp tình thế” cứu nguy cho Đảng, quyết định ngả về TQ. Hôm nay nhìn lại ta mới thấy rằng VN đã không tồi tệ như hiện nay, nếu dàn lãnh đạo VN đi Ấn Độ, thay vì đi tới TQ để ký hiệp ước Thành Đô 1991.
VN ngả theo TQ là một “giải pháp tình thế”, có giá trị giai đoạn. Vấn đề là VN lấy một giải pháp “tình thế” để làm phương án lâu dài. Rốt cục càng ngày VN càng lệ thuộc sâu xa vào TQ, về mọi phương diện. Chính sách ngoại giao cây tre hay chủ trương bốn không của quốc phòng là hệ quả của sự lựa chọn mang tính “tình thế”. Một chính sách quốc gia được hoạch định (lâu dài) chỉ có mục đích duy nhất là phụng sự cho lợi ích của quốc gia. Ta thấy mọi chính sách (ngoại giao, quốc phòng) của VN chỉ có TQ là phía có lợi nhất.
Vì vậy, có thể đúng sai còn luận bàn, nhưng tôi chưa thấy giá trị thực tế về “niềm tin chiến lược” của VN đối với các đối tác, ít ra trong giai đoạn này, qua các chuyện bộ trưởng quốc phòng VN thăm Ấn độ, VN đón thủ tướng Úc, hàng không mẫu hạm Ronald Reagan cập bến Đà Nẵng hay tổng thống Nam Hàn thăm viếng VN v.v…
Bị quốc tế đưa vào danh ‘sách xám’, chuyện không hề ‘vui’


Tàu sân bay USS Ronald Reagan ở Đà Nẵng hôm 25/6/2023. US Navy/AP
RFA: Nhân ông vừa nhắc tới bang giao Việt – Hàn, một mở ngoặc, với chuyến thăm VN của Tổng thống Hàn Quốc, việc VN cho hay sẽ tham gia thúc đẩy quá trình 'phi hạt nhân hóa' bán đảo Triều Tiên, có thể có quan hệ thế nào với động thái từ quốc tế mới đây, mà theo đó Việt Nam bị liệt vào ‘danh sách xám’ các nước bị coi là ‘rửa tiền, tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt’, mà theo một thông cáo ngày 23/06/2023 của FATF, tổ chức lập danh sách này, ngoài thêm một nước ở châu Phi, thêm một nước khác ở châu Âu, Việt Nam vừa bị đưa vào danh sách đã có sẵn 23 nước trước đó?
Ông Trương Nhân Tuấn: Theo tôi chuyến công du VN của tổng thống Nam Hàn và phu nhân có mục đích kinh tế hơn là quốc phòng. Nam Hàn cần VN nhiều thứ, như về nhân công lao động và nguồn cung cấp đất hiếm. VN cũng là “khách hàng” tiềm năng của Nam Hàn, với 100 triệu dân, VN sẽ là thị trường lớn về xe cộ, đóng tàu, các mặt hàng điện tử… Ngoài ra VN còn là khách hàng đặc biệt của Nam Hàn, sau khi nguồn từ Nga bị nghẽn, về các loại vũ khí cũng như các trang bị thông minh dành cho quốc phòng.
Về vai trò của VN trong quá trình thúc đẩy “phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên. Tôi thấy là VN không đủ uy tín và khả năng để thực hiện chuyện này (mà trong quá khứ sáu bên Mỹ, Nga, TQ, Nhật, Nam và Bắc Hàn đã bỏ nhiều thập niên mà không thực hiện được).
Về chuyện VN bị xếp vào “danh sách xám” các quốc gia rửa tiền và “tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt”, tức là VN (có thể bị cho là) ngày càng tiến gần tới bản chất một quốc gia “mafia”, hay “quốc gia côn đồ” là một chuyện không vui cho mọi công dân VN. Chuyện này tôi có vài lời giải thích như sau.
Theo tôi, đứng trên quan điểm “quốc tế thượng tôn pháp luật - international rule of law”, VN vẫn là một quốc gia thường xuyên vi phạm những kết ước quốc tế. Điển hình về các công ước thuộc LHQ liên quan đến nhân quyền. VN thiếu uy tín trên trường quốc tế.
Mô hình tổ chức quốc gia của VN hiện thời là mô hình tạm bợ. "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" là giải pháp tạm bợ đưa ra đầu thập niên 90 nhằm cứu Đảng trong nhất thời, trong hoàn cảnh thế giới XHCN sụp đổ. Bởi vì "kinh tế thị trường" thì không ai có thể "định hướng" được hết cả.
Khái niệm về "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" cũng là giải pháp tạm bợ, là phương tiện để VN hội nhập cộng đồng quốc tế với tư cách nhà nước được xây dựng trên hệ thống luật lệ. Tạm chấp nhận "Nhà nước pháp quyền" mang nội hàm của "Etat de Droit", thì "Etat de Droit" chỉ có thể xây dựng trên một xã hội dân sự, dân chủ tự do (chớ không thể xây dựng trên nền tảng XHCN).
VN vì vậy không phải là một quốc gia “trọng luật”. Hệ quả, phía quốc nội, tài phiệt đỏ VN khá giống các “oligarques” (tài phiệt) của Nga. Lợi dụng các kẽ hở trong pháp luật họ chiếm đoạt tài sản của đất nước, của nhân dân. Các vụ án tham nhũng gần đây cho ta thấy điều này. Đối ngoại, họ lợi dụng quyền lực, lợi dụng uy tín và danh nghĩa quốc gia để làm chuyện phạm pháp như rửa tiền hay tài trợ các tổ chức quốc tế chuyên buôn bán vũ khí lậu…
Các giải pháp tạm bợ đã giúp Đảng CSVN giữ được quyền hành nhưng câu hỏi đất nước VN sau này sẽ ra sao là một điều vô cùng nhức nhối.
Bang giao với QUAD ‘âm thầm’, tiếp tục ‘ngoại giao cây tre’ với Trung Quốc?
RFA: Cũng có ý kiến cho rằng trong quan hệ với khối QUAD và trong các hoạt động bang giao (ngoại giao, an ninh, quốc phòng...) rất gần đây đã diễn ra, Việt Nam tỏ ra 'khá âm thầm' trên báo chí, truyền thông Nhà nước, ông có nghĩ như vậy không? Hay thực sự chính quyền VN đang có một cách làm riêng đặc biệt nào đó?
Ông Trương Nhân Tuấn: Thái độ “ẩn mình” của VN hiện thời cho thấy VN đang đối diện với nhiều khó khăn nội tại. Ảnh hưởng chiến tranh Ukraine khiến kinh tế VN ảm đạm. Nước Nga bị cô lập trên trường quốc tế. Nước Nga lại bị sa lầy trong chiến cuộc khiến nguồn cung cấp vũ khí cho VN bị gián đoạn. Có tiếng nói gần đây cho rằng không phải Đài Loan, mà Việt Nam mới là Ukraine ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Sự “im lặng” thận trọng của VN khá hợp lý vì lãnh đạo CSVN lo ngại VN trở thành Ukraine Châu Á.
TQ thì có đủ lý do. Nếu Nga nại các lý do “quốc gia và dân tộc Ukraine không hiện hữu theo lịch sử”, sau đó “nhìn nhận hai cộng hòa Donetsk và Lugansk độc lập”, cuối cùng nại quyền “tự vệ tập thể chính đáng” để đổ quân vào đánh Ukraine, thì TQ có thể có nhiều lý do hơn Nga để làm chuyện tương tự với VN.
Hiệp ước Pháp-Thanh 1885 (còn gọi là Hiệp ước Thiên tân) có nội dung nhà Thanh "nhượng" VN lại cho Pháp. Tức là Pháp nhìn nhận VN trước kia "thuộc" Trung hoa. Hiệp định Genève 1954 mặc nhiên xác nhận VN “chưa bao giờ là quốc gia” độc lập có chủ quyền.
Vùng đất miền Nam là đất mới. Qua vụ ‘lùm xùm’ ở Tây Nguyên, ta thấy rằng đã có lần lãnh đạo CSVN nhìn nhận “quyền tự trị” của các dân tộc Thượng. Do đó, TQ có dư thừa lý do biến VN thành một Ukraine thứ hai. Ukraine có Mỹ và cả khối Châu Âu “chống lưng”. VN hiện không có ai hết cả.
Ngay cả khi quan hệ VN và TQ luôn tốt đẹp. Nhưng khi VN suy yếu, không còn khả năng tự vệ thì TQ sẵn sàng dùng vũ lực đối với VN để giải quyết các tranh chấp tồn đọng lãnh thổ, biển, đảo… do lịch sử để lại. Vì vậy trong thời gian sắp tới ta sẽ thấy VN càng thận trọng hơn trong các quan hệ quốc tế, nhứt là các quan hệ có thể làm phật lòng TQ.
RFA: Ông có bình luận gì thêm về chuyến thăm của tàu Mỹ (USS R. Reagan) tới VN lần này, vẫn là ngoại giao pháo hạm bình thường, gửi thông điệp cho TQ v.v..., hay có điều gì khác thêm đáng lưu ý?
Ông Trương Nhân Tuấn: Tôi cho rằng trên quan điểm địa chiến lược, Mỹ và TQ là hai siêu cường đang cạnh tranh. Một cường quốc Trung quốc đang trên đà phục hưng thế lực của đế quốc TQ ngày xưa. Hai là nước Mỹ siêu đại cường đã khẳng định từ sau Thế chiến thứ II, nay đang trên đường suy yếu. Cần và đủ, điều kiện để cái “bẫy Thucydide” thành hình.
Trên quan điểm lịch sử, VN và Mỹ là hai nước cựu thù. Hai bên tái lập lại quan hệ ngoại giao từ 1995. Do đối kháng ý thức hệ chính trị cũng như không chia sẻ các giá trị về nhân quyền, VN và Mỹ vẫn chưa xây dựng được “niềm tin chiến lược” để quan hệ hai bên có thể nâng lên mức cao hơn. Trong khi quan hệ giữa VN và TQ luôn thân thiết, ngay cả khi có giai đoạn hai bên xâu xé nhau. VN luôn lựa chọn dựa vào một đại cường có chế độ chính trị và mô hình phát triển quốc gia tương đồng.
Ông Phạm Minh Chính công du TQ từ ngày 25 đến 28 tháng 6/2023, theo lời mời của đồng nhiệm TQ tân Thủ tướng Lý Cường. Ta thấy lịch trình chuyến đi TQ của ông Chính lại trùng hợp với lịch trình cập bến Đà nẵng của hàng không mẫu hạm Mỹ Ronald Reagan. Theo tôi đây không phải là sự “trùng hợp ngẫu nhiên”, mà là hệ quả của chính sách “ngoại giao cây tre”, mà thực tế là chuyện “đưa người cửa trước, rước người cửa sau”. VN buộc phải làm hài lòng TQ, cho lãnh đạo TQ thấy bên nào trọng bên nào khinh.
Nhưng nếu VN là một quốc gia độc lập có chủ quyền thì chuyện chiếc Hàng không mẫu hạm Ronald Reagan cập bến Đà nẵng là chuyện nội bộ của VN, không cần Thủ tướng Chính phải qua chầu bên TQ.
RFA: Ông có dự đoán gì về kết quả chính của chuyến thăm TQ và dự diễn đàn kinh tế thế giới WEF của Thủ tướng VN Phạm Minh Chính?
Ông Trương Nhân Tuấn: Tôi không rành lắm về Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) do đó tôi không lạm bàn, nhưng theo tôi mục đích chuyến đi của ông Phạm Minh Chính ngoài thăm chính thức, rồi tham dự “Diễn đàn doanh nghiệp VN-TQ”, tham dự WEF, thì một mục tiêu là “cân bằng”, muốn cho TQ thấy rõ bên nào trọng bên nào khinh với Việt Nam qua chuyện chiếc hàng không mẫu hạm Ronald Reagan cập bến Đà Nẵng.
_______________________
Trên đây là cuộc trao đổi trên quan điểm riêng của ông Trương Nhân Tuấn, nhà quan sát, phân tích thời sự, chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, an ninh khu vực, Biển Đông, với Đài Á Châu Tự Do. Mời quý vị theo dõi phần tiếp theo cuộc trao đổi này, theo đó nhà quan sát từ Marseille, CH Pháp chia sẻ thêm góc nhìn cá nhân của ông về một số chuyển động trong thời sự và bối cảnh an ninh, chính trị quốc tế ở khu vực mà có thể Việt Nam cần quan tâm, tham khảo cho các chính sách bang giao, hợp tác quốc tế, khu vực của mình hiện nay. Mời quý vị đón theo dõi.
----------