Sự phản đối mạnh mẽ về bom chùm
Tác giả : Ross Muscato
Biên dịch : Thanh Nguyên
Nguồn: Báo Mai Ngày đăng: 2023-07-11


Sau nhiều tháng tranh luận nội bộ, quyết định của chính phủ Tổng thống (TT) Biden đưa bom chùm vào gói viện trợ mới trị giá 800 triệu USD cho Ukraine đã bị các nghị sĩ trong chính đảng của ông tại Quốc hội phản đối, nhưng về phương diện khác họ lại là đồng minh với chính phủ trong việc ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến với Nga.
Các nghị sĩ Đảng Dân Chủ của Quốc hội đã đăng trên trang web của họ cũng như có các tuyên bố trên Twitter để lên án quyết định này.
Dân biểu Chrissy Houlahan (Dân Chủ-Pennsylvania) là một cựu binh Lực lượng Không quân và luôn kiên định ủng hộ chính sách Ukraine của chính phủ, nhưng bà cho rằng việc trang bị đạn chùm cho Ukraine là sai lầm.



Bà Houlahan nói: “Ngay từ đầu cuộc chiến phi nghĩa của Nga, tôi đã là một trong những nghị sĩ Quốc hội lên tiếng và ủng hộ nhiều nhất khi đề cập đến việc cung cấp cho Ukraine các nguồn lực và hệ thống vũ khí mà họ cần để bảo vệ chính bản thân và chủ quyền của họ.”
“Tôi tin rằng một chiến thắng cho Ukraine là một chiến thắng cần thiết cho các nền dân chủ trên toàn cầu, nhưng chiến thắng đó không thể đến từ cái giá phải trả là các giá trị Mỹ của chúng ta và do đó là chính nền dân chủ. Bom chùm gây sát thương bừa bãi, và tôi cật lực phản đối việc cung cấp những vũ khí này cho Ukraine.”
Loại vũ khí gây tranh cãi



Được sử dụng lần đầu tiên trong Đệ nhị Thế chiến, bom chùm còn được gọi là đạn chùm là các vỏ chứa khi bung ra trong không trung sẽ phân tán khoảng vài chục đến 600 cục chất nổ, đôi khi được gọi là bom con, trên hàng chục ngàn mét vuông mặt đất. Loại bom chùm này có thể được phóng ra bằng cách thả từ phi cơ hoặc bằng các cuộc không kích bằng pháo và hỏa tiễn.
Bom chùm là một đề tài gây tranh cãi.



Mặc dù các trái bom con sẽ phát nổ khi va chạm, nhưng nhiều trái bom vẫn không hoạt động trong nhiều năm và có thể phát nổ khi thường dân, trong đó có trẻ em (những người có thể nhầm những trái bom đó là đồ chơi), tiếp xúc với các cục chất nổ. Đồng thời, một tỷ lệ lớn bom chùm rơi tự do, không được dẫn đường chính xác, và có thể trôi dạt vào các khu dân sự.
Trong bài diễn văn hôm 07/07 thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp bom chùm cho Ukraine, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã đề cập đến những rủi ro đối với thường dân, tuy nhiên ông lập luận rằng hậu quả của việc không cung cấp vũ khí sẽ còn tệ hại hơn.
“Vì vậy, điểm mấu chốt là, chúng tôi nhận ra rằng bom chùm tạo ra nguy cơ gây hại cho thường dân từ những quả chưa nổ,” ông Sullivan nói. “Đây là lý do tại sao chúng tôi trì hoãn ra quyết định này càng lâu càng tốt.”
“Nhưng cũng có một nguy cơ gây tổn hại thường dân rất lớn nếu quân đội và xe tăng Nga tràn qua các vị trí của Ukraine, chiếm thêm lãnh thổ Ukraine và khuất phục nhiều thường dân Ukraine hơn. Bởi vì Ukraine không có đủ pháo.”



Hoa Kỳ, Ukraine, và Nga không nằm trong số 123 quốc gia ký kết hoặc các quốc gia thành viên của Công ước Bom đạn chùm (CCM), một hiệp ước quốc tế được thiết lập vào năm 2008 nhằm “cấm tất cả việc sử dụng, tích trữ, sản xuất, và chuyển giao bom chùm.” Có hai mươi ba quốc gia đồng minh NATO của Hoa Kỳ đã tham gia CCM.
Cả Nga và Ukraine đều được cho là đã sử dụng bom chùm trong cuộc xung đột đang diễn ra.
Các nghị sĩ Đảng Dân Chủ cật lực phản đối



Một mối lo ngại chung của các nghị sĩ Đảng Dân Chủ là việc cung cấp bom chùm cho Ukraine khiến Hoa Kỳ sẽ đồng lõa với các tội ác trái nhân đạo đồng thời từ bỏ nền tảng đạo đức cao hơn trong việc tham gia vào một cuộc xung đột được nhiều người xem là do sự xâm lược của Nga.
Dân biểu Betty McCollum (Dân Chủ-Minnesota) là một nhà lập pháp khác tin rằng Hoa Kỳ nên giúp đỡ Ukraine nhưng không phải bằng bom chùm.
“Quyết định chuyển giao bom chùm cho Ukraine của chính phủ Tổng thống Biden là không cần thiết và là một sai lầm kinh khủng,” bà McCollum nói. “Quốc hội đã tuyên bố rõ là cấm chuyển giao bất kỳ loại bom chùm nào có tỷ lệ bom không nổ lớn hơn 1%.”



“Việc cho phép các loại bom chùm cũ của Hoa Kỳ có mặt tại chiến trường ở Ukraine làm suy yếu động cơ đạo đức của chúng ta và đặt Hoa Kỳ vào một vị trí mâu thuẫn trực tiếp với 23 đồng minh NATO của chúng ta, những nước đã tham gia Công ước về Bom đạn chùm.”
Hai dân biểu Hạ viện thuộc Đảng Dân Chủ, bà Ilhan Omar đại diện cho Minnesota và bà Sara Jacobs đại diện cho California cho biết họ sẽ giới thiệu một sửa đổi đối với dự luật quốc phòng hàng năm để cấm Hoa Kỳ bán bom chùm.
Bà Omar cho biết, “Bom chùm là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Tổng cộng có 123 quốc gia đã phê chuẩn công ước cấm sử dụng loại vũ khí này trong mọi trường hợp bao gồm gần như tất cả các đồng minh của chúng ta.”



“Không khó để hiểu lý do tại sao. Vì bom chùm tung ra nhiều quả bom con trên một khu vực rộng lớn nên chúng sát hại thường dân cả trong và sau cuộc tấn công. Gần đây tôi đã ở Việt Nam, nơi tôi đã tận mắt nghe thấy những thường dân vô tội vẫn tiếp tục bị bom chùm của Hoa Kỳ sát hại sau khi cuộc xung đột kết thúc tròn 50 năm. Hàng chục ngàn bom nổ được tìm thấy mỗi năm ở đó.”
Trong một dòng tweet, Dân biểu Jim McGovern (Dân Chủ-Massachusett) cho biết: “Tôi tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ việc giúp Ukraine đứng vững trước cuộc chiến tranh xâm lược tàn bạo của Nga. Nhưng bom chùm sẽ không giúp được gì.”
Chúng là những vũ khí sát thương bừa bãi phát tán hàng trăm quả bom con có thể bay xa khỏi các mục tiêu quân sự và gây thương tích, tàn tật, và lấy mạng thường dân rất lâu sau khi cuộc xung đột kết thúc.
Các tổ chức nhân quyền lên án



Việc các nghị sĩ Đảng Dân Chủ lên tiếng phản ánh mối lo ngại của các tổ chức nhân quyền đã thận trọng và cố gắng ngăn chặn chính phủ TT Biden lựa chọn viện trợ bom chùm cho Ukraine.
Hôm 16/06, một liên minh gồm 38 tổ chức cứu trợ nhân đạo bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ, Bác sĩ vì Nhân quyền (PHR), UNICEF Hoa Kỳ, và Oxfam Hoa Kỳ đã gửi một lá thư tới Tổng thống Joe Biden để chỉ trích việc Hoa Kỳ cân nhắc cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Liên minh này viết: “Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, quân đội Nga đã nhiều lần sử dụng bom chùm kể từ cuộc xâm lược hồi tháng 02/2022, với những tác động tàn phá đối với thường dân và các công trình dân sự, như nhà cửa, bệnh viện, và trường học.”



“Quân đội Ukraine cũng đã nhiều lần sử dụng bom chùm. Vào ngày 08/04/2022, một cuộc tấn công bằng bom chùm của Nga đã sát hại ít nhất 58 thường dân và làm bị thương hơn 100 người khác ở thành phố Kramatorsk đây chỉ là một trong hàng trăm vụ tấn công bằng bom chùm được ghi lại, báo cáo, hoặc viện dẫn một cách đáng tin cậy ở Ukraine kể từ cuộc xâm lược năm 2022.”
“Hoa Kỳ không được phép đồng lõa trong việc sử dụng loại vũ khí sát thương bừa bãi này.”
Ross Muscato _ Thanh Nguyên
-----------------
Ý kiến độc giả :

Khi bom chùm được thả bừa bải ra ngoài phạm vi của chiến trường thì nó sẽ gậy thương vong cho dân, còn khi được dùng ngay trên chiến trướng ở đó chỉ có địch quân thì không có vần đề gì phải phản đối ví càng giết nhiều quân thù thì càng mau chấm dứt chiến tranh.
Nên nhớ, bom chùm giết đưọc kẻ thù mau chóng và hiệu quả hơn để đuổi quân xâm lược ra khỏi quê hương, kẻ thù xâm lược chết càng nhiều càng tốt. Chỉ có những loại vũ khí tạo đau đớn khốc liệt cho con người mới nên bị cấm đoán, chẳng hạn như bom lân tinh hoặc súng phun lửa. Đối với quân thù thì có thể xài bất cứ loại vũ khí nào, miễn là chúng đừng gây hậu họa cho người dân thôi.
Nga đang xâm lược Ukraine và họ xài bom chùm thì họ đang giết dân Ukraine và đó là tội ác chiến tranh. Còn Ukraine vì tự vệ phải đuổi quân thù ra khỏi đất nước của mình thì khi dùng bom chùm thả xuống vùng địch quân đang chiếm đóng, ở đó chỉ có quân xâm lược mà thôi và không có dân thường lai vãng nơi trận địa nên dân không gặp nguy hiểm gì. Chỉ cần dạy trẻ con đừng đi lang thang lượm những quả bom nhỏ chưa nổ thì chảng có đứa nào chết vì bom chùm cả.
Thời buổi kỹ thuật tân tiến của thế kỷ 21, máy bay của các nưóc thuộc khối tự do thả bom chính xác vào trận địa chứ không thả bừa bải như hồi đệ nhị thế chiến, hay dùng B-52 "rãi thảm" như ở Việt Nam… ngoại trừ là bọn Nga xâm lược tàn bạo muốn giết dân Ukraine nên mới thả bừa bải thôi.
Ngoài ra khi chấm dứt chiến tranh, với kỹ thật tân tiến bây giờ thì việc rà tìm bom đạn sẽ rất mau chóng và hiệu quả, sẽ dễ dàng phát giác những quả bom bi nhỏ chưa nổ cho nên sẽ không có nhiều tai nạn cho thường dân. Hơn nữa với máy điện thoại di dộng có chụp hình thì khi gặp một vật gì khả nghi là bom mìn thì người dân có thể dùng điện thoại này để lìên lạc ngay với cơ quan phá gỡ bom mìn và họ sẽ hướng dẫn cách cắm cờ để đánh dấu nơi khả nghi đó và họ sẽ đến hiện trưòng mau chóng để hủy cuả bom mìn chưa nổ đó.
Chỉ vì chưa biết đến sự tiến bộ khoa học của việc ném bom chính xác và việc phát hiện bom min mau chóng mà các chính trị gia cứ la hoảng nghe khá buồn cười.
JB Trường Sơn 
----------