Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen mang “friendshoring” đến Việt Nam: Chiến lược đặt sản xuất tại các quốc gia bằng hữu mà Mỹ khởi xướng có gì cần lưu ý?
Tác giả : Thiên Di - Linh Anh | Nguồn: Market Times | Ngày đăng: 2023-07-21 |
Trong chuyến công du Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã đề cập tới cái gọi là “friendshoring” - chiến lược đặt sản xuất tại các quốc gia bằng hữu mà Việt Nam được xướng tên là một trong những đối tác của Mỹ. Về nội dung này, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, cho rằng đây là cơ hội lớn mà Việt Nam có thể tranh thủ nhưng cần căn cứ từ chính lợi ích của mình.
Tận dụng thế mạnh của Mỹ trong những mục tiêu Việt Nam cần
Chương trình nghị sự của Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen trong chuyến công du Việt Nam đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có mối quan hệ kinh tế sâu sắc giữa Việt Nam và Mỹ, giúp tạo ra khả năng phục hồi kinh tế lớn hơn thông qua cái bà Yellen gọi là “friendshoring – đặt sản xuất tại các quốc gia bằng hữu”. Vậy Đại sứ đánh giá điều này có ý nghĩa thế nào tới quan hệ Việt – Mỹ trong thời gian tới?
- Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh: Về thông điệp của chuyến thăm, đầu tiên, người Mỹ đã khẳng định rằng 10 năm quan hệ đối tác toàn diện và 28 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã đưa hai nước Việt Nam và Mỹ ngày càng trở thành đối tác sâu rộng, có lợi cho cả hai bên lẫn khu vực.
Bên cạnh đó, bà Yellen cũng sẽ bàn về các vấn đề tài chính – kinh tế, vốn là chuyên ngành của bà. Đây cũng là lĩnh vực hai quốc gia đang hợp tác rất tốt và muốn tăng cường hơn nữa.
Thứ ba, Mỹ muốn tăng cường năng lực trong một thế giới nhiều biến động thông qua việc đảm bảo tính bền vững của các chuỗi cung ứng.
Riêng về friendshoring, nước Mỹ muốn bàn bạc với các nước được coi là bạn bè để xây dựng những chuỗi cung ứng đáp ứng hai yếu tố quan trọng là bảo đảm tính bền vững và sự tin cậy. Nước Mỹ luôn rất quan tâm tới vấn đề về an ninh quốc gia.
Ngoài ra, Washington cũng dành nhiều sự quan tâm tới kinh tế số, chuyển đổi xanh, công nghệ, nguyên liệu hiếm…. Trong những lĩnh vực này, nước Mỹ đều có thế mạnh nhưng cũng cần đến các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam.
Cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh.
Trải qua một thập kỷ trở thành đối tác toàn diện, quan hệ kinh tế Việt Nam và Mỹ ngày càng phát triển và có lẽ đang ở cột mốc chưa từng có. Đơn cử, 10 năm trước khi bắt đầu quan hệ đối tác toàn diện, thương mại hai chiều giữa hai nước mới là 35 tỷ USD. Đến cuối năm 2022, con số đã lên tới 123 tỷ USD. Trong đó, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường duy nhất đạt trên 100 tỷ USD.
Câu chuyện này góp phần nói lên rằng quan hệ kinh tế, thương mại, tài chính giữa Việt Nam và Mỹ đang trên đà phát triển. Bên cạnh đó, hai nước cũng đang cùng nhau tạo điều kiện xây dựng những chuỗi cung ứng tin cậy về các lĩnh vực quan trọng mà Việt Nam cần và Mỹ có thế mạnh, nhất là chuyển đổi số xanh. Thứ ba, song song với tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, tài chính với Mỹ, Việt Nam cũng có thể phát triển các chuỗi cung ứng mang tính tin cậy và bền vững với các đối tác khác trong khu vực và trên thế giới (chẳng hạn các FTA của Việt Nam với châu Âu hay khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương…).
Chính bởi những lý do đó, “friendshoring” có thể tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế mới đồng thời mang đến sự đa dạng cho Việt Nam trong quan hệ với bạn hàng và các đối tác kinh tế hàng đầu chứ không chỉ riêng với Mỹ.
Vậy Việt Nam có thể tận dụng điểm mạnh gì từ “friendshoring”?
Nếu đứng từ góc độ đề xuất của nước Mỹ, Washington muốn đảm bảo độ tin cậy của các chuỗi cung ứng, nhất là với những vấn đề có liên quan đến quan ngại về an ninh quốc gia của Mỹ. Tuy nhiên, sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng đã là xu thế chung của thế giới trong những năm qua và khu vực Đông Nam Á và Nam Á hiện đóng vai trò rất quan trọng đối với Mỹ, trong đó có Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, căn cứ vào lợi ích của chính mình, Việt Nam có thể đón nhận và tận dụng những cơ hội liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu, không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề tranh thủ nguồn lực cho tài chính xanh, hạ tầng xanh và năng lượng xanh.
Ở chiều ngược lại, căn cứ vào lợi ích của chính mình, Việt Nam có thể đón nhận và tận dụng những cơ hội liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu, không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là vấn đề tranh thủ nguồn lực cho tài chính xanh, hạ tầng xanh và năng lượng xanh.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là Việt Nam chỉ làm việc với Mỹ. Chúng ta cũng có các chuỗi cung ứng khu vực khác như ASEAN với các đối tác bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, EVFTA với châu Âu…. Chính bởi thế, hãy căn cứ vào lợi ích của Việt Nam, đa dạng hoá thị trường và chuỗi cung ứng để Việt Nam để tận dụng tối đa lợi thế.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải nâng cao khả năng của mình trong việc đáp ứng được những tiêu chuẩn của Mỹ khi được chọn là một bộ phận quan trọng và tin cậy trong chuỗi cung ứng “friendshoring” này.
Chẳng hạn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi sạch và biến đổi khi hậu đòi hỏi những cam kết, tiêu chuẩn rất cao. Việt Nam cũng đang hướng tới những chất lượng, tiêu chuẩn đó nhưng không phải điều gì Việt Nam cũng có thể làm được hết. Cho nên, đứng trước cơ hội, Việt Nam có nhiều điểm cần tranh thủ nhưng đồng thời cũng phải chuẩn bị, nỗ lực đổi mới và cải cách để phù hợp với đòi hỏi, mong muốn từ phía đối tác. Đó là chìa khóa để hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế của Việt Nam.
Việt Nam nên ứng xử thế nào với “friendshoring”?
Nhiều tờ báo uy tín của phương Tây cho rằng chiến lược friendshoring của Mỹ ra đời nhằm mục tiêu “sửa chữa cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu”. Liệu sự ra đời của chiến lược này có thể tạo ra những thay đổi bước ngoặt nào với xu thế dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hiện nay hay không?
Chúng ta thấy các chuỗi cung ứng toàn cầu dịch chuyển là điều rất tự nhiên. Nó dịch chuyển đến khu vực thuận lợi nhất, mang lại lợi ích nhiều nhất và bảo đảm an toàn nhiều nhất. Thời gian qua, chúng ta cũng nhận thấy nhiều yếu tố gây ra sự đứt gãy và dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Thứ nhất và rõ ràng nhất là dịch bệnh, thứ hai là cạnh tranh các nước lớn và thứ ba là sự sắp xếp lại về mặt sản xuất và phân công lao động quốc tế. Ví dụ, chuỗi cung ứng phát triển ở nơi có giá thành lao động, giá thành nguyên liệu, giá thành vận chuyển quá cao, thì người ta sẽ tìm cách chuyển nơi khác. Cuối cùng là liên quan đến chính sách hạ tầng và nguồn nhân lực. Sự dịch chuyển này xảy ra thường xuyên và phần nào đó phụ thuộc vào sự điều chỉnh của các nước trước những biến chuyển và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Trong khi đó, Mỹ vẫn là nền kinh tế số 1 thế giới. Sự ra đời của “friendshoring” cùng những thế mạnh liên quan đến công nghệ, đến nguồn vốn, đến tài chính rồi đến hàng hoá tiêu chuẩn chất lượng cao…, nước Mỹ rõ ràng vẫn là địa chỉ hấp dẫn mà nhiều quốc gia muốn gắn kết. Không những vậy Mỹ còn là một thị trường tiêu thụ rất lớn. Chắc chắn tất cả các nước khu vực Đông Nam Á đều cần tranh thủ và dịch chuyển để đón chờ cơ hội. Các nền kinh tế khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia hay Thái Lan đều có những tính toán. Do vậy, Việt Nam cũng cần phải tính toán.
Trong khi đó, Mỹ vẫn là nền kinh tế số 1 thế giới. Sự ra đời của “friendshoring” cùng những thế mạnh liên quan đến công nghệ, đến nguồn vốn, đến tài chính rồi đến hàng hoá tiêu chuẩn chất lượng cao…, nước Mỹ rõ ràng vẫn là địa chỉ hấp dẫn mà nhiều quốc gia muốn gắn kết. Không những vậy Mỹ còn là một thị trường tiêu thụ rất lớn. Chắc chắn tất cả các nước khu vực Đông Nam Á đều cần tranh thủ và dịch chuyển để đón chờ cơ hội. Các nền kinh tế khu vực như Singapore, Malaysia, Indonesia hay Thái Lan đều có những tính toán. Do vậy, Việt Nam cũng cần phải tính toán.
Có điều cần lưu ý rằng kinh tế Mỹ cực kỳ quan trọng nhưng không phải tất cả. Rõ ràng, Việt Nam cần Mỹ nhưng cũng cần các đối tác lớn khác, trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và châu Âu….
Vài ngày trước, bà Yellen cũng đề cập “friendshoring” và nhấn mạnh vai trò của nó trong chuyến công du Ấn Độ. Việc nhà lãnh đạo tài chính của Mỹ liên tục nhắc tới cụm từ này trong công du châu Á có thể hiện điều gì trong ưu tiên của người Mỹ hiện nay hay không?
Trước hết, friendshoring là của Mỹ. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhìn thấy 2 mặt từ chính sách này. Thứ nhất, nước Mỹ phải đảm bảo an toàn cho các lợi ích của quốc gia của mình. Thứ tự ưu tiên của Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng rất rõ ràng.
Đầu tiên, nước Mỹ phải giữ được ưu thế về những lĩnh vực chủ chốt về công nghệ lõi và công nghệ chất lượng cao. Thứ hai, trong một thế giới có nhiều những vấn đề bất ổn, phức tạp trong khi Washington lại cạnh tranh chiến lược với các nước lớn nên họ cũng quan tâm đến độ tin cậy. Rõ ràng, nước Mỹ không thể làm một mình và muốn chuyển dịch phải chuyển dịch sang các nước bạn bè mà họ thực sự tin cậy - bao gồm các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Từ hiện trạng đó, Việt Nam cần tranh thủ những dịch chuyển có lợi cho mình nhưng đồng thời cũng phải tính trước câu chuyện: Thế giới có thể đứt gãy do cạnh tranh nước lớn nên chính sách của Việt Nam là “không tập trung trứng vào một rổ” mà vẫn đa dạng hoá các thị trường, đa dạng hoá nguồn cung.
Và khi thực hiện hội nhập trên cơ sở đa tầng lớp và đa dạng như vậy, Việt Nam sẽ vừa tranh thủ được mặt lợi và vừa tránh bị kẹt vào các bẫy cạnh tranh của nước lớn.
Trong chuyến thăm này, bà Yellen cũng quan tâm đến các vấn đề khác, trong đó có thăm một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực pin xe điện của Việt Nam. Cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong lĩnh vực năng lượng xanh ra sao?
Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, bà Janet Yellen cũng có hai ưu tiên khác. Một là bà sẽ có những toạ đàm trao đổi với các nhà lãnh đạo kinh tế và doanh nghiệp nữ. Đây cũng là câu chuyện nước Mỹ rất quan tâm, đặc biệt là chính sách của Chính quyền Dân chủ. Họ quan tâm đến câu chuyện doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng như nâng cao kỹ năng, trình độ và tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân.
Bà Yellen thăm một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực pin và xe điện của Việt Nam.
Thứ hai, là liên quan đến thích ứng biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng sạch. Trong quan hệ chung giữa Việt Nam và Mỹ, chuyển đổi năng lượng là một câu chuyện quan trọng trong chương trình nghị sự hợp tác giữa hai bên.
Việt Nam đã có những cam kết cao về thích ứng biến đổi khí hậu và kiểm soát CO2 ở các nhà máy sản xuất. Chính điều đó đã khiến cho bạn bè như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia hay cả Mỹ đều quan tâm. Nếu chúng ta tranh thủ được sự ủng hộ của phía Mỹ, đặc biệt đối với công ty khởi nghiệp, thì đây sẽ là điều thuận lợi cho Việt Nam.
----------