Nga « thắng » phương Tây trên mặt trận Sahel ở châu Phi
Tác giả : Thu Hằng Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-07-28
Niger, thành trì cuối cùng của phương Tây chống thánh chiến trong vùng Sahel châu Phi, vừa bị đảo chính. Ngày 28/07/2023, tổng thống Mohamed Bazoum tuy chưa từ chức nhưng bị giam lỏng. Người thân cận của ông, ngoại trưởng Hassoumi Massaoudou, « đứng đầu chính phủ chuyển tiếp lâm thời » và kêu gọi làm thất bại « cuộc phiêu lưu đầy nguy hiểm » này. Theo giới quan sát, cuộc đảo chính ở Niger đánh dấu chiến thắng của Nga trước phương Tây trên « mặt trận » Sahel ở châu Phi.


Biểu tình của người thân Nga trước Quốc Hội Niger, ở Niamey, 27/07/2023. REUTERS - STRINGER
Hiệu ứng domino đảo chính cũng lan đến Niger, « đối tác chủ chốt » cuối cùng của Mỹ và Pháp trong cuộc chiến giữ an ninh ở vùng Sahel. Hiện tại, Mỹ có hơn 1.000 quân và một căn cứ drone ở miền bắc Niger, đầu tư hơn 500 triệu đô la trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ và đào tạo quân sự từ năm 2012. Pháp cũng điều chuyển hơn 1.000 quân, một phần bộ chỉ huy chiến dịch Barkhane trước đây và nhiều thiết bị quân sự từ Mali. Liên Hiệp Châu Âu đã triển khai đợt tập huấn quân sự trị giá 27 triệu euro tại Niger vào năm 2023, cùng với nhiều triệu euro để hạn chế làn sóng di dân thông qua mạng lưới buôn người.
Thành trì cuối cùng sụp đổ
Vụ đảo chính tại Niger có lẽ giáng « một cú nặng nề cho Niger và là một thắng lợi cho lực lượng thánh chiến », theo nhận định của ông Jonathan Guiffard, Viện Montaigne, chuyên gia về vùng Sahel và Tây Phi. Đây cũng là một « thất bại » đối với Pháp, theo nhà nghiên cứu Serge Michaïlof, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS), nguyên chuyên gia thuộc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), bởi vì « lần đầu tiên lập được một nền dân chủ nghiêm túc » thì « lại không thể bảo vệ được »« giờ chỉ còn mỗi việc hồi hương quân (Pháp) và những drone sát thủ hiện đại vốn được chuyển từ Gao (Mali) sang ».
Tại sao dân chủ lại khó tồn tại ở các nước Tây Phi ? Trả lời đài RFI ngày 28/07, giám đốc nghiên cứu Jean-Pierre Olivier de Sardan, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS), kiêm giáo sư cộng tác Đại học Abdou Moumouni ở Niamey (Niger) phân tích :
« Từ nhiều năm qua, nền dân chủ không còn được lòng dân và bị chỉ trích nặng nề là một chế độ làm gia tăng tham nhũng, chạy theo lợi nhuận và không giải quyết được các vấn đề. Nền dân chủ bị coi là gắn kết với một chế độ đến từ phương Tây, trong khi ngược lại, đó là sản phẩm của các cuộc đấu tranh của nhân dân, của sinh viên vào giai đoạn đại hội toàn quốc. Nền dân chủ không được phương Tây bảo vệ đúng đắn, hoặc một cách ngạo nghễ nên bị bác bỏ…
Vấn đề thực thụ phía sau là cuộc khủng hoảng sâu sắc của các nền dân chủ ở châu Phi, được hình thành sau làn sóng đảo chính quân sự đầu tiên chống lại các chế độ độc đảng bất hợp pháp. Tình hình hiện giờ lại hoàn toàn khác. Làn sóng đảo chính thứ hai này chống lại chính nền dân chủ vốn là hợp pháp. Đó là điểm mới, nhưng dĩ nhiên điểm mới này lại không có gì đáng mừng ».
Bắt tay với Wagner để cải thiện « tình hình an ninh xấu đi »
Theo AP, Mali và Burkina Faso, hai nước láng giềng của Niger, luôn khó chịu về lập trường thân phương Tây của tổng thống Mohamed Bazoum. Sau khi cắt đứt hợp tác với Pháp trong chiến dịch chống khủng bố Barkhane, Mali và Burkina Faso đã quay sang các đối tác khác, trong đó có tập đoàn quân sự Wagner của Yvegeny Prigozhin. Tâm lý chống Pháp ngày càng dâng cao tại Niger, nhất là do chiến dịch bóp méo thông tin rộng lớn của Nga, đặc biệt là từ công ty Wagner kể từ đầu năm 2023.
Chiều thứ 27/07, sau cuộc đảo chính, cờ của Nga đã bay phấp phới trên quảng trường Công ước ở thủ đô Niamey. Cuộc tập hợp thu hút hàng trăm người, giương cao những khẩu hiệu ủng hộ Wagner. Yvegeny Prigozhin, ông chủ của Wagner tự tin phát biểu : « Chuyện xảy ra ở Niger là cuộc chiến của nhân dân chống lại những kẻ thực dân. Đó là giành độc lập. Phần còn lại sẽ tùy thuộc vào người dân Niger ».
Trong thông cáo đọc trên truyền hình chiều 28/07 với tư cách là « chủ tịch Hội đồng Cứu quốc Quốc gia », tướng Abdourahamane Tchiani chỉ huy lực lượng cảnh vệ đã tiến hành đảo chính, lên án chính quyền Bazoum khiến người dân tin rằng « mọi chuyện đều ổn thỏa », nhưng « thực tế lại hoàn toàn khắc nghiệt với không biết bao nhiêu người chết, phải sơ tán, bị hăm dọa, sợ hãi ». Để cải thiện « tình hình an ninh xấu đi » ở một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, chắc chắn người đứng đầu cuộc đảo chính không bắt tay với Pháp và Mỹ.
----------