Tôi Đi Nhà Thờ
Tác giả : Nguyễn Văn Thông | Nguồn: Diễn Đàn Phụng Sự Xã Hội | Ngày đăng: 2023-08-01 |
Theo đạo thì đi chùa hay nhà thờ là chuyện dĩ-nhiên. Đạo Chúa, luật giáo-hội dạy đi lễ ngày Chúa Nhật tức là tuần một lần - cũng như xưng tội năm một lần - dễ ợt. Nhưng nhiều người sốt-sắng lại đi nhà thờ mỗi ngày. Vợ tôi ở trong số đó, và muốn tôi cùng đi mang theo hai đứa con. Thế mới là vấn-đề.
Sáng sớm mở mắt dậy là đi làm, chiều 3, 4 giờ mới về tới nhà, 6 giờ đã phải có mặt ở nhà thờ rồi. Bao nhiêu chuyện nhà, chuyện sở phải làm hoặc chuẩn-bị cho ngày hôm sau. Thấy tôi ngần-ngại, vợ tôi khuyến-khích:
- Đi lễ có nửa tiếng thôi mà. Cố-gắng, Chúa ban ơn cho!
Lễ dài nửa giờ thật nhưng đường đi và về mất thêm nửa giờ nữa chứ đâu ít. May mà nhà thờ không xa lắm. Có người mất cả giờ đi về, còn bỏ tiền qua đường hầm nữa chứ! Đáng nể thật, nhưng đấy là những người không phải đi cày.
Cãi nhau chuyện đi nhà thờ trước mặt con không nên, làm gương xấu cho chúng nó. Thế nên tôi phải ngoan-ngoãn làm theo. Bà con trong cộng-đoàn thấy cả nhà tôi đi lễ hằng ngày còn khen nữa chứ. Đành vậy, dù trong lòng tôi ấm-ức chứ chẳng tốt-lành gì.
Tôi ngẫm-nghĩ, giữa vợ tôi và tôi, chưa chắc ai yêu Chúa, tin Chúa hơn ai. Chưa chắc người đọc kinh nhiều tốt hơn người đọc kinh ít. Chưa chắc ai chịu-đựng hơn ai, ít phàn-nàn hơn ai. Chưa chắc ai vác thánh giá hơn ai. Chưa chắc ai dám chết vì Chúa hơn ai. Các Thánh tử-đạo hồi xưa cũng như thế là cùng chứ mấy! Và còn nhiều cái chưa chắc khác. Tôi nghĩ bụng, mình sẽ phân-tích dần dần cho cô ấy biết tay!
Phải công-bằng mà nói, tới với cộng-đoàn cầu-nguyện có nhiều điều hay. Mình được chung vui sẻ buồn, cầu-nguyện cho người đau yếu, qua đời, thăm hỏi, giúp-đỡ nhau. Có tin-tức gì là biết sớm nhất. Các cô bác, anh chị dù lớn tuổi nhưng vẫn muốn cùng nhau chung tiếng hát cho thánh lễ thêm sốt-sắng, dù là ngày thường. Thế là tôi lại được nhờ tập hát, lại phải đi sớm “hơn một chút”.
Có lần chạy vội-vàng vượt bảng STOP bị cảnh-sát bắt, ghi giấy phạt. Vợ tôi làm ra vẻ con chiên ngoan đạo nói rằng, thưa ông, chúng tôi vội đi sửa-soạn cho ca-đoàn hát lễ ở nhà thờ cho kịp giờ lễ, xin ông … nhanh nhanh cho ! Ông cảnh-sát gật gật “OK, OK” viết cho mảnh giấy cảnh-cáo, bảo chạy cẩn-thận. Xe chạy, hai đứa con chúng tôi mới hết lo. Chắc chúng nghĩ Chúa vừa làm phép lạ để bố không bị phạt mất gần ngày lương.
Vì một số ngày kỉ-niệm đặc-biệt ít trùng vào cuối tuần nên chúng tôi cùng với Cha quản-nhiệm sửa-soạn cho sốt-sắng hơn: có lời nguyện riêng, có dâng lễ, có bài hát nức-nở hơn, như ngày 30/4, ngày giỗ Tổng Thống Diệm, các ngày tranh-đấu cho tự-do tôn-giáo và nhân-quyền cho Việt Nam, cầu cho Cha Nguyễn Văn Lý… Đấy là chưa kể những ngày lễ, Tết đúng ngày.
Nhưng rồi những ngày tháng bình-thường lại tiếp nối. Tìm lúc vắng các con, tôi bảo vợ:
- Đi nhà thờ được nhiều ơn ích nhưng mình cũng có bao nhiêu bổn-phận phải làm. Thánh Don Bosco nói “làm việc là cầu-nguyện”. Mình làm việc tốt là cầu-nguyện. Hơn nữa, sự quân-bình trong cuộc sống là cần-thiết. Đi nhà thờ để cầu-nguyện, để tạ-ơn thì mình cũng cần làm việc, và trau-dồi kiến-thức trong cuộc sống. Cha giảng về Chúa, mình cũng cần biết về con người, về tâm-lý, về xã-hội nữa chứ…
Vợ tôi bảo:
- Một ngày mình đến với Chúa đâu có bao nhiêu mà rộn!
Tôi lại mở chiến-thuật khác.
- Em thấy không, cái gì nhiều cũng dễ trở nên tầm-thường, ít mới quí. Ngày nào cha cũng giảng giông giống nhau. Bàn tiệc Thánh Thể vô-giá đã đành nhưng bàn tiệc Lời Chúa là món ăn thiêng-liêng mỗi ngày, cần thay đổi, cần thích-hợp với nhu cầu sinh-động của cuộc sống…
- Nhưng coi chừng, anh muốn ngày nào cũng có cao-lương mĩ-vị thì làm sao tiêu-hóa được, rồi cũng chán, phải không? Thức ăn ngon mà không biết cách ăn để hấp-thụ chất bổ-dưỡng thì nào có ích gì.
Chắc Chúa Thánh Thần dùng miệng vợ tôi nói nên tôi đành chịu thua. Chiều chiều lại theo vợ con đi nhà thờ.
Nhiều năm trôi qua, đại dịch COVID-19 ập tới. Nhà thờ đóng cửa, khỏi đi nhà thờ. Lòng tôi vừa buồn vừa thấy… thoát gánh nặng. Coi lễ online, trực-tuyến nửa tiếng ngày thường, một tiếng ngày Chúa Nhật, thuận-tiện biết bao!
Tôi đã già hơn xưa, về hưu rồi, cũng đạo-đức hơn một tí, ít phàn-nàn về chuyện đi nhà thờ. Bây giờ chúng tôi đi lễ buổi sáng. Nhớ đến các con xa nhà, sợ chúng lười đi nhà thờ nên mỗi dịp lễ quan-trọng là gởi text và email nhắc các con.
Tôi bảo, chúng con bận đi làm, đi học nhưng đừng quên đi lễ Chúa Nhật. Không có Chúa, mình chẳng là gì cả. Ba để ý, ngay cả những chuyện lặt-vặt mà Chúa cũng lo cho mình. Không có Chúa, việc nhỏ cũng khó, chuyện bé cũng xé ra to. Chả thế mà Bác Kính vẫn nói: “Chúa không ban cho bác phép lạ lớn nhưng phép lạ lặt-vặt thì nhiều lắm. Cộng cả lại thì cũng bằng phép lạ lớn, nên lúc nào bác cũng tạ-ơn Chúa.”
Ba cũng thấy y như bác thấy. Mình chỉ cần mở mắt ra là thấy liền. Con đi ngủ, thức dậy, lái xe đi làm, tất cả mọi sự, ngẫm mà xem, có phải là Chúa hướng dẫn che-chở con không? Có phải tình thương Chúa bao-bọc chúng ta hay không? Con hãy đến với Chúa như đến với cha, thầy, và bạn. Hãy đến, gần-gũi, trò-chuyện với đầy-đủ các đặc-tính ấy mà trình-bày những vui buồn trong công-việc và cuộc sống. Hãy tâm-sự với Chúa. Hãy xin Chúa sự hướng-dẫn và nghị-lực. Cần khóc thì khóc với Chúa, muốn cười thì cười với Chúa. Chúng con bây giờ xa ba mẹ, hãy đến gần Chúa, bám lấy Chúa là ba mẹ vui lắm rồi.
Đôi khi, con hãy đọc kinh thánh. Hãy đọc trước bài Phúc Âm lễ Chúa Nhật, và suy-gẫm chủ-đề của ngày lễ. Hãy lắng-đọng ít phút lắng nghe xem Chúa muốn nói với mình điều gì. Ba mẹ bây giờ đi lễ hằng ngày nhưng vẫn tìm những thánh lễ online của các cha mình thích để được hưởng thêm những bữa tiệc Lời Chúa một cách phong-phú. Các con có thể thích nghe các cha giáo-sư thần-học và Kinh Thánh giảng trong bối-cảnh văn-hóa quê-hương mình, tuyệt-vời lắm. Mỗi lần nghe, ba mẹ đều sung-sướng cảm-tạ Chúa ban cho chúng ta có những vị đem Lời Chúa chạm đến trí-não và tâm-hồn để cuộc sống chúng ta được thăng-hoa xứng-đáng là con cái Thiên Chúa.
Nhưng thánh lễ online không thể thay thế thánh lễ ở nhà thờ được, trừ khi hoàn-cảnh bó-buộc. Con hãy nghĩ, gọi điện-thoại dù là nhìn thấy nhau nhưng không thể bằng gặp mặt. Hãy đến với Chúa khi có thể, quì trước Thánh Thể, nhìn Chúa, tâm-sự và lắng nghe Chúa. Hãy xem, có một “chúa” nào ở gần-gũi với mình như vậy không? Có Chúa nào muốn trở thành thịt máu để kết-hiệp, hòa-nhập vào thịt máu của con cái là chúng ta không? Đấy không phải là sáng-kiến tuyệt-diệu của tình yêu hay sao? Chúng ta hãy vui trong niềm tạ-ơn. Người biết cảm-nhận thì luôn có tâm-tình tạ-ơn. Hãy năng chạy đến với Chúa, dù chỉ là để giáp mặt, được nhìn Chúa một cái. Đẹp biết bao khi con cái mỗi ngày chạy đến với cha mẹ, hỏi các ngài một câu, ôm các ngài một cái, lắng nghe các ngài muốn nói mình điều gì, hay chỉ để nhận ánh mắt trìu-mến.
Đấy, nói bao giờ cũng dễ hơn làm, nhất là khi giảng cho các con. Nhưng cũng nhờ giảng cho các con mà tôi thấy cái gì có, cái gì không trong lòng mình. Cái gì cần phải có thì mình cũng phải thực-hành như lời mình giảng. Một trong những ý cầu-nguyện tuyệt-vời trong các thánh lễ truyền chức thánh là: Xin cho con tin điều con học, giảng điều con tin, và thi-hành điều con giảng.
Vâng, tôi đã học “đi nhà thờ” bằng con đường dài, đến với Chúa sau bao nhiêu so-đo tính-toán. Hơn nửa đời không thấy mặt cha, mấy chục năm không được cầm tay mẹ nhưng bây giờ mỗi ngày chạy đến với Chúa, dự thánh lễ, cầu cho Cha mẹ trong Lời Nguyện Thánh Thể, và khi rước Chúa vào lòng là tôi cảm thấy mình được bao-bọc trong tình cha, ôm-ấp vào lòng mẹ, vì cả đời các ngài chỉ mong các con được gần-gũi với Chúa như vậy. Mà trên hết, Chúa là cha mẹ tuyệt-đối. Trong Chúa có cha và mẹ, thầy và bạn. Thiên Chúa đấng chân thiện mỹ đầy yêu thương ấy đang hiện-diện trong bí-tích Thánh Thể ở với và sát bên tôi, làm sao tôi có thể thờ-ơ!
July 24, 2023
Nguyên văn Thông
Nguyên văn Thông
----------