Nâng cấp quan hệ Việt Mỹ: bây giờ hoặc không bao giờ
Nguồn: Đài Á Châu Tự Do Ngày đăng: 2023-08-03


Tàu sân bay USS Ronald Reagan cập cảng Đà Nẵng hôm 25 tháng 6 năm 2023 (ảnh minh họa)
Vào ngày 28/7 Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cho biết lãnh đạo Việt Nam muốn gặp ông tại hội nghị thượng đỉnh khối các nước G20 vào tháng 9 năm 2023 ở Ấn Độ, để thảo luận về việc nâng cấp quan hệ song phương. Hôm 29/7, Reuters đã dẫn nguyên văn lời Tổng thống Biden như sau: “Tôi nhận được cuộc gọi từ người đứng đầu Việt Nam, hết sức mong muốn gặp tôi khi tôi đến dự hội nghị thượng đỉnh G20. Vị này muốn nâng quan hệ với chúng tôi lên làm một đối tác quan trọng, cùng với Nga và Trung Quốc”. Ông Biden phát biểu như vậy trong một sự kiện ở tiểu bang Maine, khi gặp gỡ nhiều nhà tài trợ cho chiến dịch tái tranh cử tổng thống của ông. Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đến Việt Nam vào tháng 4, 2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Hoa Kỳ cũng đã bày tỏ mong muốn tăng cường mối quan hệ.
RFA phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer, giáo sư danh dự (Emeritus Professor) Học viện Quốc phòng Úc, Đại học New South Wales, về quan hệ Việt Mỹ nhân thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra.


Giáo sư Carl Thayer, Đại học New South Wales
RFA: Tổng thống Biden công bố thông tin nói trên trong bối cảnh một cuộc vận động tranh cử. Theo ông, thông tin này có phải là dấu hiệu của một tin tốt lành về mối quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới?
Carl Thayer: Tốt nhất là nên thận trọng khi diễn giải lời nói của Tổng thống Biden rằng “người đứng đầu Việt Nam, hết sức mong muốn gặp tôi.” Đó là cách nói thông tục của người Mỹ khi Thủ tướng Việt Nam đã chủ động đề nghị gặp bên lề.
Tốt nhất cũng nên thận trọng trước nhận xét của Tổng thống Biden rằng “Thủ tướng Việt Nam muốn nâng quan hệ với chúng tôi lên làm một đối tác quan trọng, cùng với Nga và Trung Quốc”. Điều này không hoàn toàn chính xác và Tổng thống Biden có thể đã nói nhầm. Việt Nam và Hoa Kỳ đang thảo luận nâng quan hệ song phương từ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược.” Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc ở cấp độ cao hơn được gọi là “đối tác chiến lược toàn diện.”
Một thông tin tích cực là Thủ tướng Chính phủ đã đề nghị gặp Tổng thống Biden bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Ấn Độ. Điều này thể hiện sự tiếp nối cuộc điện đàm trước đó của Tổng thống Biden với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó cả hai đã đồng ý trao đổi các chuyến thăm.
Nếu hai bên đã muốn nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới thì quyết định này cần phải đưa ra ở một địa điểm và thời điểm nào đó. Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Hoa Kỳ và hội nghị thượng đỉnh cuối năm của ASEAN tại Indonesia đều mang lại cơ hội cho việc đó. Tổng thống Biden có thể thăm Hà Nội khi thăm Indonesia.
RFA:Ngày 25 tháng 7 năm 2023 là dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, nhưng hai nước không có hoạt động gì ý nghĩa để kỷ niệm. Ông nghĩ gì về triển vọng nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ trong năm nay?
Carl Thayer: Vào tháng 3, 2023, Tổng thống Joe Biden và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đồng ý nâng tầm quan hệ song phương và cử các quan chức có trách nhiệm tiếp nối các hoạt động tiếp theo cuộc điện đàm của họ. Kể từ đó, Bộ trưởng Blinken và Bộ trưởng Tài chính Yellen đã đến thăm Hà Nội và Trưởng Ban Đối ngoại Đảng Cộng sản Việt Nam (RFA chú thích: ông Lê Hoài Trung) đã đến thăm Washington.
Cuộc điện đàm giữa Biden và Trọng dẫn đến đồn đoán rằng quan hệ song phương sẽ được nâng lên thành đối tác chiến lược vào cuối năm nay, 2023. Hiện chưa có công bố chính thức nào về thời điểm trao đổi các chuyến thăm của Biden và Trọng. Các nguồn tin riêng của tôi từ Việt Nam đã đặt dấu hỏi về sức khỏe của Trọng nếu thực hiện một chuyến đi dài đến Hoa Kỳ.
Cho đến trước cuộc điện đàm giữa Biden và Trọng, Việt Nam đã khá dè dặt trong việc nâng cao quan hệ song phương, khi vấn đề này được Bộ trưởng Quốc phòng Austin và Phó Tổng thống Harris nêu ra trong chuyến công du Hà Nội vào năm 2021.
Hiện nay, Việt Nam đã cho thấy tín hiệu rõ ràng rằng họ sẵn sàng thực hiện bước này. Việc nâng cấp mối quan hệ nếu được thực hiện thì phải thực hiện “bây giờ (năm nay) hoặc không bao giờ”, do chu kỳ bầu cử và bầu cử sơ bộ của Mỹ vào năm 2024.
RFA: Có ý kiến cho rằng tầm quan trọng của mối quan hệ Việt - Mỹ đã bị thổi phồng quá mức. Bất kể mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam tốt đẹp như thế nào, bất kể mối quan hệ hai nước có được nâng cấp hay không, thì vị trí của Việt Nam trong mối quan hệ Việt Trung không thể thay đổi. Cũng có ý kiến khác cho rằng mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ có giá trị nội tại của nó, do đó Việt Nam không nên đặt quan hệ Việt - Mỹ trong bối cảnh quan hệ Việt - Trung và Mỹ - Trung. Quan điểm của ông là gì?
Carl Thayer: Cả hai quan điểm nói trên đều thiển cận vì họ áp đặt một khuôn khổ nhị phân lên chính sách “đa dạng hóa và đa phương hóa” các quan hệ đối ngoại của Việt Nam. Những điều này mang hình thức của một mạng lưới các quan hệ “đối tác chiến lược”“đối tác chiến lược toàn diện.” Các đối tác chính của Việt Nam bao gồm Nga, Ấn Độ, Nhật Bản cũng như Hoa Kỳ. Việt Nam tìm cách duy trì quyền tự chủ chiến lược của mình bằng một trạng thái cân bằng động. Việt Nam tránh các kết quả có tổng bằng không của những khuôn khổ nhị phân trong quan hệ quốc tế.
Việt Nam cũng quản lý quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ theo khuôn khổ “vừa hợp tác vừa đấu tranh”. Việt Nam sẽ hợp tác với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ ở những nơi có lợi cho Việt Nam. Việt Nam sẽ đấu tranh chống lại Trung Quốc và Hoa Kỳ khi họ làm tổn hại đến lợi ích của Việt Nam, chẳng hạn như tranh chấp biển ở Biển Đông, đối với Trung Quốc, hay cổ súy cho quyền con người, đối với Hoa Kỳ.
Việt Nam rõ ràng coi trọng cả hai mối quan hệ với Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Nhưng, kể từ năm 1998, khi Việt Nam công bố Sách Trắng Quốc phòng đầu tiên, Việt Nam đã theo đuổi chính sách “ba không”, được nâng lên thành “bốn không” trong Sách Trắng Quốc phòng gần đây nhất xuất bản năm 2019:
“Việt Nam nhất quán chủ trương không tham gia bất kỳ liên minh quân sự nào, không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”
Sách Trắng 2019 của Việt Nam nêu rõ Việt Nam sẽ phản ứng ra sao nếu có bất kỳ cường quốc nào cố gắng gây áp lực buộc Việt Nam phải đứng về phía nào. Sách trắng tuyên bố:
“Việt Nam cũng đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với các nước nhằm nâng cao năng lực bảo vệ đất nước, giải quyết các thách thức an ninh chung. Tùy hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, Việt Nam xem xét phát triển quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết và phù hợp, với các nước, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, các nguyên tắc cơ bản và luật pháp quốc tế, hợp tác cùng có lợi, phù hợp với lợi ích chung của khu vực và cộng đồng quốc tế.”
RFA: Xin cảm ơn GS. Carl Thayer đã dành cho độc giả của chúng tôi cuộc phỏng vấn này.
----------