Ukraine đang từ bỏ chiến thuật chiến đấu của phương Tây
Tác giả : Hải Đăng Nguồn: Việt Luận Ngày đăng: 2023-08-03


Nonstop punditry
Quân đội Ukraine đang từ bỏ chiến thuật chiến đấu của các nhà huấn luyện quân sự phương Tây và quay lại chiến lược tấn công Nga từ xa, tờ New York Times (NYT) đưa tin hôm thứ Tư (2/8).
Cuộc phản công của Ukraine từ khi bắt đầu hồi đầu tháng Sáu đã được các quan chức ở cả Washington và Kyiv thừa nhận rằng tiến quân chậm là thất vọng và tồi tệ nhất là thất bại.
Quân đội Ukraine do phải tấn công vào các trận địa mìn của Nga mà không có không quân hỗ trợ, nên xe tăng và xe thiết giáp của họ do phương Tây cung cấp đã bị nằm trong tầm ngắm bắn của không quân và pháo binh Nga. Phía Nga ước tính rằng, cuộc phản công của Ukraine tính đến nay đã khiến Kyiv thiệt hại ít nhất 30.000 quân.
Trên tuyến đầu phản công là chín sư đoàn quân Ukraine đã được NATO huấn luyện, một trong số đó là Sư đoàn Cơ giới hóa 47 được cho là trong hai tuần phản công đầu tiên đã bị thiệt hại 30% xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ cung cấp.
NYT dẫn theo ý kiến của “các quan chức Mỹ và các nhà phân tích độc lập” viết rằng phản ứng với những thiệt hại này, “các chỉ huy quân đội Ukraine đã đang thay đổi chiến thuật, tập trung làm suy yếu dần quân đội Nga bằng cách sử dụng pháo binh và tên lửa tầm xa thay vì lao vào các trận địa mìn dưới lửa đạn”.
NYT cũng lưu ý rằng quân đội Ukraine do chỉ được phương Tây huấn luyện trong thời gian hạn chế, nên họ đã phải gắng sức để áp dụng tiêu chuẩn NATO kết hợp với chiến thuật vũ khí vào thực tế. NYT dẫn ra một số ví dụ mà quân đội Ukraine gặp khó khăn khi tham chiến. Chẳng hạn một đơn vị quân đội Ukraine đã bị lạc khỏi tuyến đường an toàn vào một trận địa mìn, và một đơn vị bộ binh khác đã không thể theo sau một đợt đánh bom tấn công vào phòng tuyến của Nga, từ đó cho phép quân phòng thủ Nga có đủ thời gian để chuẩn bị cho cuộc phản công.
Các nhà hoạch định quân sự Mỹ đã bắt đầu huấn luyện quân đội Ukraine thực hành chiến tranh di chuyển tác chiến với mục đích cố gắng tiết kiệm đạn. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hồi tháng Hai đã giải thích: “Khi họ [quân đội Ukraine] chú trọng hơn vào di chuyển tác chiến… thì có khả năng cao là họ sẽ yêu cầu ít đạn pháo hơn”.
Mặc dù học thuyết quân sự của NATO thường giả định rằng chiến tranh tác chiến sẽ được thực hiện sau khi các lực lượng phương Tây đã thiết lập được sự ưu trội trên không, nhưng Ukraine đã phát động đợt phản công lần này mà thiếu đi thành tố trọng yếu đó của chiến lược. Hơn nữa, các quan chức và các hãng truyền thông phương Tây thậm chí đã tán dương chiến thuật của NATO mà Ukraine sử dụng là “lợi thế ẩn giấu” sẽ giúp “đem lại cho lực lượng vũ trang Ukraine sự lanh lợi và tốc độ mà họ cần để vượt qua được cuộc chiến tranh tiêu hao vốn là ưu tiên của Nga và giành lại được lãnh thổ đã bị Nga chiếm giữ”, theo tạp chí Foreign Affairs.
Thực tế điều đó đã không xảy ra “làm dấy lên những nghi vấn về chất lượng huấn luyện mà binh lính Ukraine nhận được từ phương Tây và về việc liệu số vũ khí trị giá hàng chục tỷ USD…đã đang làm chuyển dịch thành công quân đội Ukraine thành đội quân chiến đấu đạt chuẩn NATO hay không”, tờ NYT viết.
Với việc quân đội Ukraine dường như đang quay trở lại kiểu chiến đấu phụ thuộc vào trọng pháo, thì vấn đề đạn dược có lẽ sẽ được đặt lên hàng đầu trở lại. Tuy nhiên, các kho vũ khí của Mỹ đang cạn kiệt đạn rồi, nên vừa qua Washington mới phải chuyển cho Kyiv đạn chùm thay vì đạn 155mm theo tiêu chuẩn NATO. NYT nhận định rằng Ukraine thông qua việc đốt hết số đạn pháo hạn chế của mình, họ sẽ rơi vào rủi ro gặp “bất lợi” trong “cuộc chiến tranh tiêu hao” với Nga.
Hải Đăng
----------