Bản chất của chủ nghĩa cánh tả thời nay
Tác giả : Roger L. Simon
Biên dịch : Cẩm An
Nguồn: Báo Mai Ngày đăng: 2023-08-03


Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản đã hấp dẫn tôi hồi năm 14 tuổi bởi vì, theo một cách nào đó, tài liệu trên được viết ở cấp độ phù hợp với lứa tuổi này. Khi quý vị ngẫm về bản tuyên ngôn, thì nó khá là đơn giản, đặc biệt là về tâm lý con người.
Tuy nhiên, vào những ngày đó, tôi và nhiều người khác đều hiểu rõ cánh tả là gì đó là chủ nghĩa xã hội, giai cấp công nhân sở hữu các phương tiện sản xuất và v.v.., không còn những chiếc Cadillac có tài xế lái cho người hàng xóm hẹp hòi, hống hách của bố mẹ tôi nữa.
Tôi thậm chí còn nhớ đã đọc rằng cái chủ nghĩa xã hội “khoa học” này, dù sao thì theo Karl Marx, sẽ dẫn đến “sự tàn lụi của nhà nước.” Thế thì tuyệt quá, tôi thiết nghĩ. Tôi không chắc điều đó sẽ trông như thế nào, nhưng nghe có vẻ hay.



Và, vâng, tôi đã đọc những thứ này khá sớm, nhưng không chỉ có tôi; một số bạn bè của tôi cũng đọc. Chúng tôi muốn mình thật ngầu. Chúng tôi cũng nghe các đĩa hát của ông Miles Davis và đi xem một bộ phim của ông Ingmar Bergman, mặc dù chúng tôi không chắc về chuyện gì đang xảy ra.
Tất nhiên, tất cả điều này đã xảy ra rất lâu trước khi bất kỳ ai trong chúng tôi biết đến những thứ như Đại Nhảy Vọt và Đại Cách mạng Văn hóa Vô sản của Trung Cộng, hay các trại lao động cưỡng bức gulag của Liên Xô hoặc vụ chết đói hàng loạt của ông Stalin ở Ukraine cũng như tất cả hàng triệu người đã mất đi sinh mạng do những sự kiện này, và chủ nghĩa xã hội/chủ nghĩa cộng sản là cỗ máy sát nhân hàng loạt lớn nhất trong lịch sử nhân loại theo hàm số mũ như thế nào.



Rõ ràng là chúng ta biết Hitler là kẻ ác, nhưng chúng ta đã không biết rằng ông ta và ông Mussolini trên thực tế ban đầu là những người theo chủ nghĩa xã hội.
Nhưng giờ thì chúng ta biết hoặc nên biết.
Không có lý do gì để tin vào điều này nữa, hoặc thậm chí vào câu nói nhàm chán về thời đại “làm cho chủ nghĩa xã hội trở nên đúng đắn” này. Cần phải thử bao nhiêu lần nữa đây?
Tất nhiên, phần “nên” đó là điểm mấu chốt bởi vì với tình trạng của hệ thống giáo dục Hoa Kỳ, dễ dàng để tưởng tượng rằng đa số những người trẻ tuổi của chúng ta không biết bất kỳ vụ tàn sát hàng loạt nào trong số những vụ đã nói ở trên một người tìm hiểu thông tin sẽ trở nên lúng túng khiến cho chính những người đó đều trở thành những lựa chọn dễ dàng cho phiên bản chủ nghĩa cánh tả thời nay.
Nhưng vậy thì phiên bản đó là gì? Điều gì đã xảy ra với hệ tư tưởng của Engels, Chu Ân Lai, Che Guevara, và tất cả những người khác? Những hệ tư tưởng này đã biến đổi như thế nào?



Đầu tiên và quan trọng là những hệ tư tưởng đó chỉ có một chút tương đồng, nếu có, với cánh tả của ông Marx, ngoài mong muốn đạt được hoặc duy trì quyền lực.
Lý do tồn tại ban đầu của chủ nghĩa Marx, sự bóc lột giai cấp công nhân, không còn là một phần của phiên bản này và hiện đã không còn tồn tại trong một thời gian.
Qua rồi cái chế độ độc tài vô cùng quan trọng một thời của giai cấp vô sản hay thậm chí là chế độ độc tài quá độ của giai cấp tư sản.
Trên thực tế, giai cấp công nhân bị cánh tả ghét bỏ và phỉ báng, trừ phi thi thoảng vào thời điểm bầu cử, với mục đích đổ đầy két của các quan chức điều hành nghiệp đoàn. Nếu không, họ là “những người tệ hại.”



Thay vào đó, chúng ta có một chế độ độc tài của giới tinh anh, còn được gọi là chế độ đầu sỏ chính trị, được bao phủ bởi những luận điệu tân chủ nghĩa Marx ở Trung cộng rõ ràng là như vậy dưới lớp mặt nạ “thức tỉnh” hoặc những lời vòng vo tương tự được cho là đúng đắn về mặt chính trị, ESG, và những thứ còn lại.
Điều này đến với chúng ta thông qua ông Antonio Gramsci, Trường phái Frankfurt, và việc họ thay thế cuộc cách mạng giai cấp công nhân thất bại đó bằng một “cuộc trường chinh qua các tổ chức” (hãng truyền thông, giới học viện, giải trí, và v.v..). Họ đã thành công đến một mức độ nào đó nhưng đã tạo ra một chế độ đầu sỏ tinh anh, thay vì một nhà nước công nhân.
Do đó, “cánh tả” thời nay thực ra là về việc trở nên giàu có hoặc duy trì sự giàu có. Nỗi sợ bị bỏ rơi, bị tẩy chay cũng khá lớn.
Người đàn ông hay phụ nữ tầng lớp lao động không được đề cập đến ở bất cứ nơi đâu.
Thay vào đó, những gì chúng ta có là một Đảng Dân Chủ tràn ngập loại chủ nghĩa cánh tả giả tạo này.
Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người trong số họ khiếp sợ ứng cử viên Robert F. Kennedy Jr.



Điều duy nhất họ mang qua từ cánh tả cũ, bên cạnh ý chí nắm quyền, là ghét cay ghét đắng tự do ngôn luận.
Ông Kennedy lên tiếng ủng hộ Tu chính án thứ Nhất và họ nói trắng ra là phát điên lên, như chúng ta đã thấy nhiều lần trong các phiên điều trần của quốc hội.
Người ta đang đặt câu hỏi về những gì mà hình thức chủ nghĩa cánh tả mới này không thể đối mặt theo bất kỳ cách nào. Điều nghịch lý là họ đại diện cho rất ít giá trị và những gì ít ỏi mà họ đại diện lại thay đổi gần như hàng tuần, nhưng có lẽ sự thiếu thực chất này khiến tất cả họ trở nên phòng thủ hơn.
Vì vậy, khi chúng ta ở trong văn hóa của mình thảo luận về cánh tả, thì những gì chúng ta đang nói đến về căn bản là một cái vỏ trống rỗng. Để mượn lời nhà văn Gertrude Stein, không có gì nhiều ở đó cả, một tôn giáo không có thực chất, và tất nhiên là không có Chúa.
Những gì còn lại trong các chính sách của họ là khá nhiều mốt nhất thời vụng về và mang tính phá hoại, hiện tại là chủ nghĩa chuyển giới, trước đây là phong trào sai lầm về cắt giảm ngân sách của cảnh sát khi các thành phố lớn của chúng ta biến thành những đống rác bạo lực dưới trách nhiệm quản lý của họ.
Họ không biết phải làm gì trước tình trạng đó. Ở một mức độ nhất định, họ không quan tâm vì giới tinh anh giàu có đến mức họ có thể sống trong những khu có hàng rào bảo vệ ngăn cách, tránh xa sự nghèo khổ và suy tàn của đô thị xung quanh họ, trong khi đưa ra những tuyên bố được cho là về lòng tốt của chính họ.
Đó là bản chất của chủ nghĩa cánh tả thời nay.



Chúng ta ở một thời điểm mà nhiều người đang bắt đầu nhận ra điều này. Khó mà tưởng tượng rằng những người đang xếp hàng để xem bộ phim “Sound of Freedom” hoặc tán thưởng bản hit mới nhất của ca sĩ Jason Aldean lại không hoàn toàn chán ngấy những gì đã diễn ra.



Nhóm đó đang mở rộng.
Chúng ta có lý do để lạc quan ngoài sự bực bội vốn dĩ với những cuộc khủng hoảng thường ngày hoặc thậm chí với nền chính trị đương thời.
Roger L. Simon _ Cẩm An