Đa số người Mỹ phản đối việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine
Tác giả : Huyền Anh | Nguồn: NTD Vn | Ngày đăng: 2023-08-07 |
Một chiếc xe tăng của Ukraine trên một con đường gần Bakhmut, vùng Donetsk, hôm 30/11/2022. (Ảnh: Anatolii Stepanov/AFP/Getty Images)
Một năm rưỡi sau khi chiến tranh Nga - Ukraine nổ ra, các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng nhiều người Mỹ phản đối việc Quốc hội nước này tiếp tục cấp thêm ngân sách cho Ukraine.
Một năm rưỡi sau cuộc chiến Nga - Ukraine, đa số người Mỹ không ủng hộ việc tiếp tục viện trợ cho Kyiv
Theo một cuộc thăm dò do đài CNN của Mỹ công bố hôm thứ Sáu (4/8), 55% người Mỹ cho rằng Quốc hội nước này không nên tiếp tục cấp thêm ngân sách cho Ukraine, trong khi 45% duy trì lập trường ngược lại.
Đảng Cộng hòa có xu hướng phản đối viện trợ bổ sung cho Ukraine. Trong cuộc thăm dò nêu trên, 71% đảng viên Đảng Cộng hòa, 55% đảng viên độc lập và 38% đảng viên Đảng Dân chủ cho biết Quốc hội Mỹ không nên phê duyệt thêm ngân sách cho Kyiv.
Một số ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa, bao gồm cả cựu Tổng thống Donald Trump, hoài nghi về việc ủng hộ Ukraine. Điều đó có nghĩa là một khi các ứng cử viên đắc cử, họ có thể giảm bớt hoặc ngừng việc viện trợ cho Ukraine.
Viện trợ cho Ukraine có thể là một chủ đề trọng yếu trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm tới. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị hỗ trợ kiên định cho Ukraine và thúc giục Quốc hội nước này tăng cường viện trợ quân sự và các hình thức viện trợ khác cho đất nước đang bị chiến tranh tàn phá.
Động thái này cũng được lưỡng đảng Mỹ hoan nghênh, trong đó có Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell và Thượng nghị sĩ phe diều hâu có ảnh hưởng của Đảng Cộng hòa Lindsey Graham, người đã ủng hộ các nỗ lực hỗ trợ Ukraine.
Ông Trump: Chính quyền Biden đẩy Nga vào vòng tay của Trung Quốc
Hôm 9/5, chính quyền ông Biden thông báo rằng họ sẽ thực hiện một kế hoạch mới nhằm cung cấp cho Ukraine khoản viện trợ an ninh trị giá 1,2 tỷ USD để tăng cường năng lực phòng không và cung cấp thêm đạn pháo cho đất nước đang bị chiến tranh tàn phá.
Theo số liệu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, một trung tâm nghiên cứu kinh tế phi lợi nhuận nổi tiếng ở Đức, Mỹ là nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine với số tiền lên tới 78,4 tỷ USD. Khoản tiền khổng lồ này là nguyên nhân chính khiến Ukraine có thể cầm cự được cho đến nay. Nhưng cục diện này có thể duy trì lâu dài hay không còn tùy thuộc vào quyết định của Quốc hội Hoa Kỳ.
Tổng thống Ukraine Zelenskyy từng bày tỏ lòng cảm kích trước khoản viện trợ khổng lồ của Washington: "Chúng tôi rất biết ơn vì Hoa Kỳ đã sát cánh cùng chúng tôi và Ukraine trong suốt những năm qua, cùng chúng tôi đấu tranh vì những giá trị chung. Chúng tôi cảm nhận được sự ủng hộ của các đảng phái, sự ủng hộ của Quốc hội và Nhà Trắng”.
Tuy nhiên, đánh giá từ các cuộc thăm dò ở Mỹ cho thấy số người tin rằng Mỹ nên nên tiếp tục viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine đang giảm dần.
Một cuộc thăm dò do hãng tin AP tiến hành về thiện chí viện trợ cho Ukraine của công chúng Mỹ cho thấy tỷ lệ ủng hộ nỗ lực này đã giảm từ 60% vào tháng 5 năm ngoái xuống còn 48%. Cuộc thăm dò của đài NBC News cho thấy 2/3 cử tri Đảng Dân chủ ủng hộ việc tăng viện trợ cho Ukraine, nhưng chỉ 1/3 cử tri Đảng Cộng hòa có cùng quan điểm và sự khác biệt về chính sách đối ngoại trong nội bộ Đảng Cộng hòa đã bắt đầu xuất hiện.
Cả cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Thống đốc tiểu bang Florida DeSantis đều đặt câu hỏi về việc tiếp tục viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley và cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tin rằng Washington phải tiếp tục ủng hộ Ukraine một cách kiên định.
Ông Trump từng nói: "Một trong những điều quý vị học về lịch sử hồi còn nhỏ là quý vị không bao giờ muốn Nga và Trung Quốc là một liên minh, và ông Biden đã làm được điều đó. Hai nước này hiện là một liên minh to lớn, đẹp đẽ, và đẩy nước Nga rơi vào vòng tay của Trung Quốc”.
Dân biểu: Viện trợ của Mỹ cho Ukraine là hình thức ‘rửa tiền’ trá hình
Hôm 19/5, Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật "Viện trợ cho Ukraine" trị giá 40 tỷ USD với 86 phiếu thuận và 11 phiếu chống.
Dân biểu Đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene (tiểu bang Georgia) tin rằng một phần lớn viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine cuối cùng sẽ bị "các tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ" có quan hệ mật thiết với các chính trị gia biển thủ, điều này rất giống với hành vi "rửa tiền" trá hình.
Khoảng một nửa số tiền viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine (tương đương gần 20 tỷ USD) nhằm mục đích cung cấp vũ khí và thiết bị cho Ukraine. Tuy nhiên, hầu hết số tiền lãng phí này lại đến tay những kẻ buôn bán vũ khí.
Đạo luật Viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine đã bị cả giới chính trị và xã hội ở Hoa Kỳ phản đối ngay từ đầu. Mười một thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa đã bỏ phiếu chống khi dự luật được thông qua tại Thượng viện Hoa Kỳ, với lý do rủi ro cao trong chi tiêu chính phủ, nợ công và lạm phát.
Trong số đó có Thượng nghị sĩ Rand Paul của tiểu bang Kentucky, người trước đây đã chặn cuộc bỏ phiếu nhanh về dự luật. Ông Paul cho biết Quốc hội Mỹ nên cân nhắc cẩn thận chi phí cho ngân khố khi thông qua dự luật.
“Các mối đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ hiện nay là nợ quốc gia, lạm phát và sự sụp đổ của đồng đô la. Trước những điều kiện như vậy, Hoa Kỳ không thể đóng vai trò ‘là cảnh sát thế giới’”, ông nói.
"Chúng ta không thể cứu Ukraine bằng cách hy sinh nền kinh tế Mỹ, với cái giá phải trả là sự phá sản của Hoa Kỳ", ông Paul nói.
Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa cho rằng Nhà Trắng không làm rõ được chiến lược của mình đối với Ukraine và trách nhiệm của nước này đối với việc chuyển một khoản viện trợ tài chính lớn cho Ukraine. Điều này "có nguy cơ kéo dài chiến tranh và gia tăng căng thẳng".
Huyền Anh tổng hợp
----------