Trung Quốc nói Mỹ bán cho Đài Loan vũ khí ‘lỗi thời nhưng đội giá’
Tác giả : VOA Nguồn: Polygraph Info Ngày đăng: 2023-08-08


Máy bay phản lực chiến đấu F-16 của không lực Đài Loan cất cánh từ một xa lộ trong cuộc tập trận hàng năm Han Kuang, tại Gia Nghĩa, miền trung Đài Loan (ảnh chụp ngày 16/9/2914)
Tuần trước, chính quyền Biden công bố gói viện trợ quân sự trị giá 345 triệu đô la cho Đài Loan, đánh dấu lần đầu tiên sử dụng thẩm quyền rút tiền của tổng thống đối với hòn đảo này.
Vào ngày 3/8, tờ Thời báo Hoàn cầu của nhà nước Trung Quốc đăng bài nói về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan rằng: “Biến đảo Đài Loan thành ‘con nhím’ là một kế hoạch chỉ có lợi cho Mỹ, và việc bán số lượng vũ khí lỗi thời nhưng đắt đỏ như vậy cũng mang lại lợi nhuận khổng lồ cho tổ hợp công nghiệp quân sự của Mỹ.”
Điều đó là sai.
Các chuyên gia quân sự nói với Polygraph.info rằng Hoa Kỳ đã gửi các thiết bị hàng đầu đến Đài Loan trong nhiều năm. Hệ thống Bán hàng Quân sự Nước ngoài (FMS), qua đó Đài Loan có được hầu hết các loại vũ khí do Mỹ sản xuất, đối xử với tất cả các khách hàng nước ngoài như nhau, bao gồm cả việc định giá.
Những vũ khí này không bị đội giá. Giá phản ánh chi phí lao động cao hơn của Hoa Kỳ, cũng như công nghệ tiên tiến hơn và khả năng lớn hơn của các hệ thống của Hoa Kỳ.
Đài Loan hiện sử dụng “Chiến lược con Nhím”, còn được gọi là chiến tranh bất đối xứng, là chiến lược quân sự chính của họ đối với Trung Quốc. Được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2017 bởi người đứng đầu lực lượng quân sự Đài Loan, Lý Hi-Minh, nó liên quan đến “một số lượng lớn những món nhỏ”, yêu cầu Đài Loan phải tích trữ các loại vũ khí chống máy bay, chống tăng và chống hạm nhỏ hơn thay vì các hệ thống vũ khí lớn hơn để chống lại một cuộc tấn công có thể xảy ra từ Trung Quốc.
Kể từ khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Quan hệ với Đài Loan năm 1979, Washington đã phê chuẩn việc bán vũ khí cho hòn đảo này để giúp hòn đảo duy trì khả năng tự vệ đầy đủ.
Vũ khí có lỗi thời?
Trái ngược với tuyên bố của Global Times, nhiều vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan rất tiên tiến cả về công nghệ và khả năng, bao gồm phi đạn Javelin và Stinger được bán cho Đài Loan vào năm 2015, phi đạn Stinger được bán cho hòn đảo này vào năm 2019 và phi đạn Harpoon và Hệ thống Rốc-két Pháo binh Cơ động Cao được bán cho Đài Loan vào năm 2020.
“Trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã gửi các thiết bị hàng đầu đến Đài Loan. Các yêu cầu hiện tại của Đài Loan bao gồm máy bay F-16 mới, rốc-két HIMARS và phi đạn chống tăng Javelin. Đây là những hệ thống tương tự mà chúng tôi đang cung cấp hoặc đang nghĩ đến chuyện cung cấp cho Ukraine,” ông Mark Cancian, một đại tá trừ bị của Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đã hồi hưu, là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS, một tổ chức tư vấn ở thủ đô Washington, nói với Polygraph.info.
Ví dụ, vào năm 2019, chính phủ Hoa Kỳ đã cho phép bán 66 máy bay chiến đấu F-16 mới chế tạo cho Đài Loan.
Theo trang tin tức ngành hàng không Flightglobal, hiện có 2.184 chiếc F-16 đang hoạt động trên toàn thế giới. Đây là loại máy bay chiến đấu phổ biến nhất, chiếm 15% phi đội trên thế giới.
Những chiếc F-16V mà Đài Loan đặt hàng vào năm 2019, chưa được giao, đi kèm với hệ thống điện tử hàng không, phi đạn và radar nâng cao để chống lại máy bay chiến đấu, máy bay tàng hình J-20 và J-16 của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc vốn thường xuyên vượt qua vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.
Một ví dụ khác là phi đạn FGM-148 Javelin do Mỹ sản xuất, mà Đài Loan đã tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ của mình.
Là một trong những hệ thống phi đạn chống tăng hàng đầu thế giới, đầu đạn của Javelin có khả năng tiêu diệt các loại xe tăng hiện đại bằng cách tấn công chúng từ trên cao, nơi vỏ của xe tăng yếu nhất. Hoa Kỳ đã phê duyệt việc bán 200 chiếc Javelin cho Đài Loan, sẽ được giao từ năm 2023 đến 2024.
Cũng trong năm 2019, Đài Loan đã mua 108 xe tăng M1A2T Abrams từ Mỹ. Các xe tăng M1 Abrams mà Mỹ bắt đầu triển khai từ những năm 1980 đã nhiều lần chứng tỏ độ tin cậy và hiệu quả trong Chiến tranh vùng Vịnh và các cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, cùng các cuộc xung đột khác.
Các quốc gia khác, bao gồm Kuwait, Ả Rập Xê-út, Ai Cập và Australia cũng sử dụng xe tăng Abrams.
MIA2 đi kèm với các khả năng cải tiến, bao gồm cả kính ngắm ảnh nhiệt và có thể bắn hai mục tiêu cùng lúc.
Do đó, Mỹ đã cung cấp cho Đài Loan những vũ khí tối tân nhất. Ông Cancian của CSIS lưu ý rằng Đài Loan có xu hướng duy trì các hệ thống trong một thời gian dài, khiến một số hệ thống của họ, đặc biệt là trong quân đội của Đài Loan, trở nên lỗi thời.
Vũ khí Mỹ có bị đội giá không?
Hoàn cầu Thời báo cũng tuyên bố rằng vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan được định giá quá cao.
Hầu như tất cả các hệ thống của Hoa Kỳ đều đắt hơn so với các hệ thống tương đương được sản xuất bởi các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc. Theo ông Cancian, điều này “một phần phản ánh chi phí lao động cao hơn của Hoa Kỳ, nhưng một phần cũng phản ánh công nghệ tiên tiến hơn và khả năng lớn hơn của các hệ thống Hoa Kỳ.”
Ông Lý Hi-Minh, cựu tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Đài Loan, hiện là thành viên cao cấp tại Viện Dự án 2049, một tổ chức tư vấn ở Arlington, Virginia, nói với Polygraph.info rằng hệ thống Bán hàng Quân sự Nước ngoài (FMS) mà thông qua đó Đài Loan mua hầu hết vũ khí do Mỹ sản xuất đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia khách hàng, bao gồm cả việc định giá.
Ông nói, một chương trình FMS bao gồm các hệ thống phụ, phụ tùng thay thế, hỗ trợ hậu cần và huấn luyện, cùng các yếu tố khác nên rất khó khăn để so sánh giá trực tiếp.
Đồng thời, nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến giá của một loại vũ khí cụ thể tại một thời điểm cụ thể, bao gồm tính khả dụng của dây chuyền sản xuất và khả năng nhà sản xuất giảm giá vũ khí nếu nó được bán cho nhiều khách hàng.
Ông Lý nói: “Những thay đổi về chi phí như vậy ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia khách hàng của FMS, bao gồm cả Đài Loan.” “Do đó, vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan không bị đội giá.”
Khoản viện trợ quân sự trị giá 345 triệu đô la mới nhất cho Đài Loan là một phần trong kế hoạch rút từ kho vũ khí hiện có của Hoa Kỳ, có nghĩa là Đài Loan về cơ bản nhận được vũ khí miễn phí.
(Nguồn Polygraph.info)
----------