Vụ án Nguyễn Văn Chưởng: Các tổ chức quốc tế đồng loạt kêu gọi dừng thi hành án
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-08-13


Các tổ chức quốc tế, phi chính phủ, và một số cơ quan ngoại giao châu Âu... cùng lên tiếng đề nghị dừng thi án tử hình đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng "ngay lập tức".
Ủy ban Luật gia Quốc tế (ICJ) cùng 12 tổ chức khác vào ngày 12/8 đã gửi thư đến Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, kêu gọi Việt Nam tiến hành một cuộc điều tra "ngay lập tức, bất thiên vị, và hiệu quả" về những cáo buộc Nguyễn Văn Chưởng đã bị tra tấn, ép cung.
'Dừng thi hành án ngay lập tức'
ICJ cùng 12 tổ chức khác trong thư cho rằng nếu thi hành án tử hình đối với Nguyễn Văn Chưởng thì Việt Nam đã "đi ngược lại xu hướng toàn cầu trong việc bãi bỏ án tử hình và thiết lập thời gian hoãn sử dụng án tử hình."
Cùng với ICJ, 12 tổ chức đứng tên trong thư gửi đến Chủ tịch nước Việt Nam, Võ Văn Thưởng bao gồm: Amnesty International; Anti-Death Penalty Asia Network (ADPAN); ASEAN Parliamentarians for Human Rights; Asia Democracy Network; Asian Forum for Human Rights and Development (FORUM-ASIA); Centre for Civil and Political Rights; Cross Cultural Foundation; Duayjai Group; International Commission of Jurists; Manushya; People in Need; The 88 Project; Transformative Justice Collective.



Số vụ tử hình tại Việt Nam vẫn được phân loại là diện bí mật quốc gia. Việt Nam chỉ có một hình thức thi hành án tử hình duy nhất bằng tiêm thuốc độc.
Khoảng 1.200 tù nhân bị kết án tử hình tại Việt Nam, tính đến cuối 2021, theo báo cáo 'Tử hình 2021: Sự thật và Số liệu' do Ân xá Quốc tế thực hiện.
Trong tuyên bố ngày 11/8, người phát ngôn của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR) ông Jeremy Laurence nói cơ quan này rất quan ngại về mức án tử hình dành cho Nguyễn Văn Chưởng, trong bối cảnh có các cáo buộc nghiêm trọng về tra tấn và vi phạm về xét xử công bằng.
Tuyên bố của OHCHR có nội dung: "Việt Nam tiếp tục sử dụng án tử hình, phần lớn trong bí mật, bất chấp việc đã có xu hướng toàn cầu hướng đến bãi bỏ hình phạt tử hình này. Chúng tôi muốn nhắc nhở chính quyền Việt Nam về việc phải có đầy đủ sự minh bạch và tôn trọng đối với quyền của các tù nhân và gia đình của họ, điều được xem là yêu cầu tối thiểu đối với các chính phủ chưa bãi bỏ án tử hình."
"Thông tin cần thiết liên quan đến đến án tử hình đã được lên kế hoạch cụ thể nên được cung cấp ngay lập tức cho tù nhân và gia đình của họ, trong khi thông tin về mức án tử hình, thông báo và việc thi hành án phải được nêu công khai."
"Hơn nữa, chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức thiết lập thời gian hoãn thi hành tất cả các án tử hình với quan điểm hướng đến bãi bỏ hoàn toàn hình thức án tử hình."
Trong khi đó, ngày 10/8, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam ra tuyên bố cùng với các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Anh.
Tuyên bố có nội dung: "Phái đoàn EU tại Việt Nam và các cơ quan đại diện ngoại giao của Canada, Vương quốc Na Uy và Vương quốc Anh kêu gọi các cơ quan thẩm quyền Việt Nam dừng việc thi hành án tử hình ông Nguyễn Văn Chưởng."
"Chúng tôi cật lực phản đối việc áp dụng hình phạt tử hình trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh, đây là một hình phạt tàn ác, vô nhân đạo, hạ thấp nhân phẩm và không bao giờ có thể biện minh được, đồng thời vận động Việt Nam hoãn thi hành tất cả các án tử hình."
Tuyên bố của EU cũng có nội dung về hơn hai phần ba các quốc gia trên thế giới đã trở thành những quốc gia bãi bỏ trong luật pháp hoặc trên thực tiễn, điều này khẳng định xu hướng toàn cầu ủng hộ việc bãi bỏ án tử hình.
"Không có bằng chứng nào cho thấy hình phạt tử hình có tác dụng răn đe tội phạm hiệu quả hơn hình phạt tù. Hơn nữa, việc cải tạo với vai trò như một mục tiêu của luật hình sự hiện đại không thể thực hiện được bằng việc áp dụng hình phạt tử hình. Không những thế, bất kỳ sai sót nào - điều không thể tránh khỏi trong bất kỳ hệ thống luật pháp nào - đều không thể đảo ngược."
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tích cực nỗ lực để thúc đẩy xu hướng chung hướng tới loại bỏ hình phạt tử hình và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên con đường tiến tới việc xóa bỏ này", theo tuyên bố của EU.
Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam cũng ủng hộ tuyên bố của phái đoàn Châu Âu tại Việt Nam về việc ông Nguyễn Văn Chương sắp tới bị hành quyết.
"Pháp kiên quyết phản đối án tử hình và quyết tâm thúc đẩy việc bãi bỏ án tử hình trên toàn thế giới."
'Rất nghiêm trọng'



Cho đến nay, chưa có thông tin về việc có dừng thi hành án tử hình và tiến hành điều tra lại đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng hay không và hình thức cụ thể sẽ như thế nào, theo ông Nguyễn Trường Chinh, cha của Nguyễn Văn Chưởng nói với BBC vào hôm nay.
Trong bản tóm tắt vụ án gửi đến BBC News Tiếng Việt, Luật sư Lê Văn Hòa nêu về một vấn đề Nguyễn Văn Chưởng có chứng cứ ngoại phạm, nhưng không được điều tra làm rõ, như sau:
"Nhiều nhân chứng xác nhận thời điểm xảy ra vụ án, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương nhưng không được điều tra, đối chất một cách khách quan. Nguyễn Trọng Đoàn (em trai Chưởng) nộp các xác nhận ngoại phạm đó lại bị cơ quan điều tra bắt khẩn cấp về tội "Che dấu tội phạm" và bị xử hai năm tù."
Vào tháng Sáu, em trai của tử tù Nguyễn Văn Chưởng là anh Nguyễn Trọng Đoàn đã qua đời vào tháng 6/2023 vì bệnh ung thư xương.
Theo Luật Khoa, "Trong thời gian bị tạm giam, tử tù Nguyễn Văn Chưởng lấy túi nylon xếp thành hình những con hươu chỉ to bằng ngón chân cái, trên ngực chúng có chữ O-A-N để phản đối bản án dành cho mình."
Trên mạng xã hội, nhiều người đã thay đổi avatar theo hình con hươu để bày tỏ mong muốn vụ án của Nguyễn Văn Chưởng phải được làm sáng tỏ.
Tóm tắt vụ án Nguyễn Văn Chưởng
Khoảng 21:00 ngày 14/7/2007
Xảy ra vụ án mạng, nạn nhân là Thiếu tá cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh (Công an phường Đông Hải 2, quận Hải An, thành phố Hải Phòng.
Rạng sáng 3/8/2007
Công an Hải Phòng bắt giữ Nguyễn Văn Chưởng, sinh năm 1983.

 
4/8/2007
Nguyễn Trọng Đoàn, em trai Chưởng có giấy xác nhận của các nhân chứng khẳng định đã gặp Chưởng trong buổi tối 14/7/2007 tại Hải Dương.
10/8/2007
Đoàn mang đơn khiếu nại của mẹ cùng giấy xác nhận của các nhân chứng nộp cho Công an thành phố Hải Phòng thì liền bị bắt khẩn cấp về tội "Che giấu tội phạm".
3/11/2007
Báo Tiền Phong có bài "Vụ sát hại một Thiếu tá CA ở Hải Phòng: Những uẩn khúc cần làm rõ".

27/01/2008
Công an Hải Phòng kết luận điều tra Chưởng đã khai nhận cùng Trung và Hoàng chém chết Thiếu tá Sinh với mục đích cướp của để lấy tiền mua heroin.
12/6/2008
Tòa án nhân dân Hải Phòng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với Chưởng, Hoàng, Trung và Đoàn.
21/11/2008
Tòa án nhân dân tối cao mở phiên tòa phúc thẩm (chủ tọa Nguyễn Văn Sơn) tuyên y án sơ thẩm.
7/4/2009
Từ trại giam, Chưởng gửi thư cho mẹ và gia đình, khẳng định bị tra tấn, ép cung nên mới phải nhận tội.


Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của Hồ Duy Hải, ông Nguyễn Trường Chinh, cha của Nguyễn Văn Chưởng. Cả hai người đều đã kêu oan cho con trai mình liên tục trong những năm qua
18/4/2011
Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị hủy bản án hình sự phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại theo hướng giảm hình phạt cho Chưởng xuống chung thân.
7/12/2011
Tòa án nhân dân tối cao do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa, mở phiên tòa giám đốc thẩm, bác Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
15/5/2012
Năm luật sư biện hộ cho Chưởng làm kiến nghị gửi Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, cho rằng kết án tử hình Chưởng là oan, sai, kiến nghị dừng thi hành án tử hình.
18/4/2013
Nhân chứng Trần Quang Tuất làm đơn xác nhận thời điểm xảy ra vụ án mạng, Chưởng có mặt ở quê Hải Dương.
10/9/2013
Nhân chứng Trịnh Xuân Trường làm đơn gửi Viện kiểm sát nhân dân tối cao, xác nhận Chưởng có mặt ở quê nhà Hải Dương vào tối 14/7/2007.
20/9/2014
Từ trại tạm giam Trần Phú, Chưởng tiếp tục làm đơn kêu oan.


Nguyễn Văn Chưởng dùng tăm thêu bài thơ kêu oan và gửi ra từ trại giam.
12/12/2014
Luật sư bào chữa cho Nguyễn Trọng Đoàn và Nguyễn Văn Chưởng, kiến nghị việc tuyên án tử hình với Chưởng vì tội giết người là thiếu căn cứ.
2014 đến nay
Gia đình và luật sư Lê Văn Hoà đã liên tục gửi đơn kêu oan cho Nguyễn Văn Chưởng nhưng chưa nhận được phản hồi nào.


Cha mẹ Nguyễn Văn Chưởng nhờ luật sư hỗ trợ pháp lý miễn phí vào năm 2020.
6/8/2023
Cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng đến Trụ sở Tiếp công dân Trung Ương để kêu oan cho con.
----------