Nâng cấp quan hệ với Mỹ có giúp Việt Nam “thoát Trung”?
Tác giả : Thế Sự Nguồn: RFA Ngày đăng: 2023-08-28


Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng VN Phạm Minh Chính tại Thượng đỉnh ASEAN - Mỹ ở Phnom Penh hôm 12/11/2022
Việt - Mỹ sẽ nâng cấp quan hệ
Tờ báo Politico mới đây có tiết lộ là Tổng thống Joe Biden sẽ đánh dấu một chiến thắng mới trong chiến dịch tăng cường ảnh hưởng của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bằng cách ký một thỏa thuận với Việt Nam vào tháng tới nhằm kéo Hà Nội xích lại gần Washington vào thời điểm căng thẳng gia tăng với Bắc Kinh.
“Biden sẽ ký một thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước tới quốc gia Đông Nam Á vào giữa tháng 9, theo ba người biết về kế hoạch của thỏa thuận. Họ được giấu tên vì họ không được phép phát biểu trong hồ sơ về thỏa thuận.”[1]
Trước đó, ngày 9/8, Biden cũng tiết lộ với báo giới: “Tôi sắp sang Việt Nam vì Việt Nam muốn thay đổi mối quan hệ của chúng ta và trở thành đối tác.”[2]
Như vậy, khả năng Biden sẽ có chuyến thăm Hà Nội để cùng nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ từ Đối tác Toàn diện lên Đối tác Chiến lược. Đây là điều mà rất nhiều người trông đợi từ lâu.
Trong bối cảnh sự cạnh tranh ảnh hưởng quyết liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, cộng với sự hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc trên biển, nhiều người Việt Nam cảm thấy lo ngại khi chính quyền Việt Nam có những hành động được cho là nhún nhường trước Trung Quốc quá nhiều.
Cũng không chỉ riêng nhiều người Việt Nam lo ngại về điều này. Một cuộc khảo sát mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew về quan điểm của người dân đối với Trung Quốc trên 24 quốc gia cho thấy 67% người trưởng thành không có cảm tình với đất nước châu Á này và chưa tới 28% số người được hỏi cho biết có cảm tình với Bắc Kinh. Ở hầu hết các quốc gia có thu nhập cao, quan điểm tiêu cực về Trung Quốc đều ở mức gần bằng hoặc cao nhất trong lịch sử.[3]
Nâng cấp quan hệ có giúp “Thoát Trung”?
Vài ngày trước, tác giả Khang Vu (Vũ Xuân Khang) có viết một bài trên trang Diplomat với tựa đề “Can an upgraded U.S partnership help Vietnam escape China orbit” (Tạm dịch là: Việc nâng cấp quan hệ đối tác với Mỹ có thể khiến Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc?).[4] Đây là một vấn đề rất hay, thế nhưng tiếc rằng tác giả Khang Vu lại không nói rõ việc thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc cụ thể là gì? Mặc dù vậy, tác giả Khang Vu cho rằng: “Việt Nam khác với các quốc gia châu Á khác đã thành công thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc vì có chung đường biên giới trên đất liền dài 1.400 km với Trung Quốc. Là một nước nhỏ sống cạnh một nước lớn, Việt Nam có rất ít lựa chọn để bắt đầu, vì Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh bất đối xứng của mình để định hình quyền tự do hành động của Việt Nam với những hậu quả to lớn cho Việt Nam nếu nước này vi phạm các vành đai do Trung Quốc đặt ra…
Tuy nhiên, sẽ là quá đáng để tranh luận rằng một Quan hệ Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ-Việt Nam giả định, hay thậm chí là Đối tác Chiến lược Toàn diện, sẽ giúp Việt Nam thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc. Việt Nam không thể thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc chừng nào Trung Quốc còn là một thực thể chính trị hùng mạnh và thống nhất với ý chí chính trị mạnh mẽ để thực hiện sự thống trị của mình đối với các nước láng giềng.”[5]
Tác giả Khang Vu nói đúng nhưng chưa đủ. Mặc dù “lời nguyền địa lý” luôn là một vấn đề lớn đối với Việt Nam. Nhưng cho dù như vậy, vấn đề “thoát Trung” được hay không nó không chỉ đến từ sức mạnh và sự uy hiếp của Trung Quốc.


Người Việt Nam biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 9/12/2012 (minh họa). Reuters
Vấn đề Thoát Trung
Từ năm 2011, Tiến sĩ Giáp Văn Dương đã đặt ra vấn đề này trong bài “Thoát Trung luận.”[6] Trong đó, ông đã đề cập các vấn đề: Đó là làm sao phải “Thoát khỏi vòng kiềm tỏa của Trung Quốc.” Ông cũng chỉ ra phải thoát Trung toàn diện trên các lĩnh vực: Văn hoá, kinh tế và chính trị.
Đối với Tiến sĩ Trần Đình Thiên thì lại hơi khác. Có lẽ là một nhà kinh tế nên ông đã tập trung đánh giá được góc độ kinh tế. Ông cho rằng: “Không bàn đến “thoát Trung” theo nghĩa thoát khỏi sự đô hộ của các triều đại phong kiến Trung Quốc, khái niệm “thoát Trung” gần đây còn một hàm ý khác. Đó là thoát khỏi sự lệ thuộc phát triển, lệ thuộc kinh tế, thoát khỏi “bẫy nợ”, “bẫy đầu tư” mà Trung Quốc “cài đặt”, thoát khỏi tình trạng thâm hụt thương mại nặng nề với Trung Quốc…, hiện đang là vấn đề đặt ra cho nhiều nước, kể cả những nước phát triển.”[7]
Tiến sĩ Trần Đình Thiên cũng cho rằng: “Nền kinh tế Việt Nam, cả mấy chục năm trời, không thể phát triển công nghiệp hỗ trợ - do quen nhập khẩu “đầu vào” từ Trung Quốc – vừa rẻ, vừa sẵn, lại “tiện đường”. Thế là có một nền công nghiệp “ăn sẵn”, thiếu hụt nền tảng, chỉ gia công, lắp ráp. Bây giờ, muốn trỗi dậy, vươn lên trên chuỗi cung ứng cũng rất khó. Vì doanh nghiệp Việt Nam mấy chục năm không được chuẩn bị năng lực đó, bây giờ không thể có năng lực đó. Thế là phụ thuộc nặng vào nhập khẩu “đầu vào” từ thị trường Trung Quốc, và khó thoát bẫy lệ thuộc.”[8]
Vấn đề Thoát Trung còn được bàn rầm rộ vào năm 2014 khi Trung Quốc cho đặt Giàn khoan 981 vào EEZ của Việt Nam. Khi đó, cả một phong trào sôi động đề xuất việc “Thoát Trung”, nhưng đến khi Trung Quốc rút giàn khoan về thì tất cả lại “chìm xuồng”, mọi thứ vẫn là “vũ như cẫn”, mọi hành động Thoát Trung không thấy có chuyển biến gì.
Một tác giả Trung Quốc đã phân tích và chỉ ra các vấn đề trên: “các cố gắng “Thoát Trung” về văn hóa của Việt Nam xem ra không có hiệu quả lớn. Suy cho đến cùng, quá trình hơn 2.000 năm ngấm văn hóa Trung Quốc đã đặt nền móng văn hóa cho bản thân Việt Nam, triệt để “Thoát Trung” sẽ tương đương với sự cắt đứt lịch sử của chính mình. Ở Việt Nam ngày nay, tam giáo Nho, Thích, Đạo đều có mảnh đất của mình, mà cả ba đều từ Trung Quốc truyền sang, các tín đồ của họ vẫn chiếm tuyệt đại đa số trong số dân tin theo tôn giáo ở nước này.
Về kinh tế, hầu như chẳng ai tin rằng trong một thời gian ngắn Việt Nam có thể thoát khỏi sự dựa dẫm vào Trung Quốc. Cho dù nội bộ Chính phủ Việt Nam thỉnh thoảng có thảo luận vấn đề “Cố gắng Thoát Trung về kinh tế” nhưng ngành chế tạo của Việt Nam chỉ là một khâu trong chuỗi sản xuất công nghiệp do Trung Quốc làm chủ, sản phẩm làm ra lại cần lấy Trung Quốc làm nước nhập khẩu lý tưởng. Thoát khỏi Trung Quốc về kinh tế hầu như là một “nhiệm vụ không thể thực hiện”.
Lĩnh vực Việt Nam có khả năng nhất để thực hiện “Thoát Trung” là chế độ chính trị. Mặc dù rất khó có thể nói thể chế chính trị hiện nay của Việt Nam là bản sao của Trung Quốc, nhưng mỗi lần Việt Nam và Trung Quốc xảy ra xung đột thì hầu như lần nào mâu thuẫn cũng đều được hóa giải với lý do “giữ cho toàn vẹn mối tình giữa hai đảng, hai chính phủ”. Tuy nhiều báo đài từng đưa tin với tiêu đề đại để như “Công cuộc cải cách thể chế chính trị của Việt Nam tiến nhanh hơn Trung Quốc” song tình hình thực tế lại không như vậy, hoặc có thể nói việc cải cách thể chế ở Việt Nam chưa có những đột phá thực chất.”[9]
Tờ báo Đại biểu nhân dân của Quốc hội Việt Nam thời kỳ đó đã đăng những ý kiến hết sức mạnh dạn. Trong đó có tác giả cho rằng: “hệ lụy trực tiếp của mối quan hệ đồng minh không chỉ là những dấu hiệu mất cảnh giác của một bộ phận trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, điều đáng lo ngại là Việt Nam đang lệ thuộc lớn vào đối thủ nguy hiểm nhất của mình về mô hình phát triển, thứ tạo nên nền tảng quyết định tương lai lâu dài của Việt Nam.
Những người Việt Nam quan tâm đến Trung Quốc, dù bị chi phối đến đâu bởi lòng tự tôn dân tộc, cũng không thể không nhận thấy những tương đồng căn bản giữa Việt Nam và Trung Quốc trong cả cấu trúc và tổ chức hệ thống chính trị, xã hội lẫn đường lối và chính sách phát triển kinh tế hay nói rộng ra là mô hình phát triển đất nước trong giai đoạn vừa qua.”[10]
Như vậy, theo bài báo này, cái Việt Nam cần “thoát Trung” chính là thoát khỏi mô hình phát triển của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nói về mô hình phát triển thì thực sự Việt Nam gặp rất nhiều vấn đề. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã từng chia sẻ: “Một số chuyên gia WB còn nói đùa Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới. Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển! Đầu tư nhiều đến thế, ODA nhiều đến thế (20 năm qua lượng ODA đổ vào Việt Nam lên tới gần 90 tỷ USD) nhưng đến bây giờ vẫn không phát triển được thì chỉ có thể là… không chịu phát triển!”[11]
Liệu có Thoát Trung được không?
Tiến sĩ Trần Đình Thiên từng khẳng định: “Liệu ta có thoát được cái bẫy đó không? Rất khó. Nhưng phải khẳng định: tự ta cả thôi, tất cả tùy thuộc vào chính ta. Ta có thực sự muốn thoát lệ thuộc hay không, có dám chịu trả giá để có nền kinh tế tự chủ, tự cường – tất nhiên là tương đối – tất cả là do ta cả. Chả có “ông bạn vàng” nào sẵn lòng giúp ta việc đó.
Phải “thoát Ta” để “thoát Trung” chính là như vậy. Đó cũng là cách hiểu “thoát ta” với sắc thái nghĩa khác “thoát Trung”. Ta phải chịu trách nhiệm với chính ta. Phải biết cắn răng chịu đau, không hèn, không sợ, để có quyết sách vươn lên tự chủ thì mới được. Chỉ nói “thoát Trung”, khi gặp khó, toàn đổ cho bên ngoài, còn mình đúng cả, e rằng nền kinh tế Việt chẳng bao giờ vươn dậy được.[12]”
Tác giả Trung Quốc (đã nêu ở trên) cho rằng “lĩnh vực mà Việt Nam có khả năng Thoát Trung nhất là chế độ chính trị.” Tuy nhiên trong thực tế, chính lĩnh vực này lại là khó Thoát Trung nhất. Trung Quốc đã luôn dùng cái vòng kim cô “chủ nghĩa xã hội” để kiềm toả, ràng buộc Việt Nam. Chỉ mới đây thôi, sau nhưng căng thẳng Trung Quốc - Philippines ở Bãi Cỏ Mây, Trường Sa, cùng với việc dư luận rộ lên tin đồn Việt - Mỹ sẽ nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất, thì ông Vương Nghị đã gặp gỡ Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nhắc nhở không được xa rời lý tưởng xã hội chủ nghĩa.[13]
Biết là Việt Nam rất khó thoát khỏi sự kiềm toả của Trung Quốc, nên người dân Việt Nam mới mong muốn Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Mỹ để có thể không để Việt Nam trở thành Bắc Triều Tiên hoặc Campuchia thôi. Chứ Thoát Trung thì khó lắm
_______________
Tham khảo:
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
----------