Tự do là điều kiện của trách nhiệm
(Phần 1)
Tác giả : Nguyễn Ngọc Gia Nguồn: rfavietnam Ngày đăng: 2023-09-04
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, học sinh sắp xong lớp 11 phải thi Tú tài I (còn gọi là Tú tài bán phần) để lên lớp 12. Năm 1972, Bộ Giáo dục ghi thêm điều kiện thí sinh phải 17 tuổi, cùng phải nộp học bạ hay chứng chỉ của hai lớp 10 và 11. Nếu 18 tuổi trở lên thì miễn nộp học bạ. Dưới 16 tuổi thì phải nộp đơn xin miễn tuổi. Hồ sơ phải kèm giấy khai sinh, học bạ hoặc chứng chỉ học trình, cùng chứng chỉ hợp lệ quân dịch.
Kỳ thi Tú tài I có phần viết và phần vấn đáp. Phần vấn đáp bị loại bỏ năm 1968. Văn bằng Tú tài I còn được dùng để tuyển nhân sự cho một số học viện như Học viện Cảnh sát Quốc gia, hoặc trường cao đẳng như Trường Cao đẳng Công chánh. Việc thi cử thường tổ chức thành hai đợt để ai rớt đợt 1 có thể dự thi đợt 2. Nam giới rớt Tú tài I phải trình diện nhập ngũ quân đội, đi quân dịch hai năm hoặc vào Trường Hạ sĩ quan Đồng Đế ở Nha Trang; đậu thì vào Trường Bộ binh Thủ Đức. Tú tài I năm 1972, bắt đầu thi ngày 2 tháng 8 hàng năm.
Kỳ thi Tú tài II thi vào cuối năm lớp 12. Tú tài II, tức Tú tài toàn phần cũng có hai phần: phần viết và phần vấn đáp như Tú tài I. Sinh viên tuyển vào bậc đại học phải hội đủ điều kiện là đậu được bằng Tú tài II. Vào năm 1972, Tú tài II thi khóa 1 ngày 5 tháng 7 và khóa 2 ngày 30 tháng 8 hàng năm (dành cho những ai rớt trong khóa thi đầu hoặc vì lý do gì đó không thể thi khóa đầu).
Cho đến niên khóa 1972-1973, Nhà nước VNCH ban hành Nghị Định số 939 GD/KHPC/HV/NĐ bãi bỏ Tú tài I và chỉ thi bằng Tú Tài toàn phần, được tổ chức vào 2 đợt: khoảng Tháng Sáu đến Tháng Bảy và lần nữa vào Tháng Tám đến Tháng Chín mỗi năm.
Tú Tài ngày xưa luôn có thang điểm 20, với 5 mức xếp hạng, gồm: Tối ưu - Ưu - Bình - Bình thứ - Thứ. Hạng Thứ là thấp nhứt với điểm số đạt được từ 10 đến 11,75 cho mỗi môn thi. Dưới mức đó là rớt Tú tài. Tổng các môn thi thường gồm 10 môn.
Sơ lược về kỳ thi Tú tài dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa như trên, để tạm phác họa và hình dung v "độ khó" và danh giá của bằng cấp Tú tài.
Trang xamvn.vc đưa hình ảnh về đề thi Tú tài toàn phần của thời Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1965, với 2 phần: Câu hỏi (10 câu) và Bài luận (3 đề tài, được tự chọn 1 trong 3) dành cho riêng môn Triết học, có tổng điểm là 20. Trong đó, có một câu hỏi: "Tại sao tự do là điều kiện của trách nhiệm?". Đề thi dành cho học trò chỉ 18 tuổi, trở thành đề tài gây xôn xao trên mạng xã hội, suốt những ngày cuối tháng Tám năm 2023. Nhiều người thật sự choáng váng và tin rằng, ngay cả những vị Cử nhân và thậm chí các Tiến sĩ ngày nay, khó lòng vượt qua ải Tú tài toàn phần ngày xưa, với vỏn vẹn 3 giờ đồng hồ để trình bày.
Tại sao tự do là điều kiện của trách nhiệm?
Khái niệm "tự do""trách nhiệm" vốn không có gì xa lạ trong suy nghĩ của người dân dưới chế độ độc đảng toàn trị gần nửa thế kỷ qua. Nhưng để trả lời câu hỏi - vốn vỏn vẹn chỉ chiếm 1/20 điểm cho môn Triết - quả không hề dễ dàng.
Khi đề cập đến "điều kiện" tức phải công nhận, nếu không có "điều kiện", ắt sẽ không xảy ra kết quả. Ở đây, điều kiện là "tự do" và kết quả là "trách nhiệm".
Trong cuộc sống đang diễn ra, cũng như trên tất cả các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả các bị cáo đứng trước tòa, người dân ngày nay hoàn toàn chỉ nghe khái niệm "THIẾU TRÁCH NHIỆM".
Dù trước 1975, người viết chưa đủ tuổi để được tham dự kỳ thi Tú tài nhưng tôi vẫn nhớ như in, từ thuở Tiểu học - thời chúng tôi chỉ được Thầy - Cô dạy: "làm tròn trách nhiệm", "chu toàn trách nhiệm", "vô trách nhiệm". Trước 1975, tất cả học sinh không hề biết đến khái niệm quái dị mang tên "thiếu trách nhiệm"!
"Trách nhiệm" nói về phẩm chất làm người và danh dự con người, tức thuộc phạm trù "Ý Thức". Phẩm chất làm người và danh dự con người không thể cân - đong - đo - đếm. Trong khi đó, "thiếu trách nhiệm" chỉ nghiêng về định lượng, tức thuộc phạm trù "Vật Chất", buộc phải cân - đong - đo - đếm. Do đó, một khi gọi tên "thiếu trách nhiệm", tức phải định lượng cho ra được con số (tuyệt đối và tương đối). Vì vậy, khi dùng khái niệm "thiếu trách nhiệm" tức là phản bội Triết học và không thông tỏ tiếng Việt. Đó cũng là lý do, câu hỏi "Tại sao tự do là điều kiện của trách nhiệm?" được đưa vào phần thi môn Triết của Tú tài toàn phần trước 1975. Cũng nên nhấn mạnh, Triết học dưới chế độ độc đảng toàn trị không hề tồn tại. Ngay cả các trường đại học trên toàn quốc, đã và đang giảng dạy chính trị học Mác - Lê Nin nhưng ngụy trang dưới tên gọi "Triết học Mác - Lê Nin". Chính trị học không phải là Triết học. Triết học là nền tảng cho tất cả các môn khoa học, trong đó có Chính trị học.
Không có "tự do" chắc chắn "trách nhiệm" không xảy ra. Đây là cặp phạm trù Nhân - Quả trong Triết học. Cũng không nên lầm lẫn "trách nhiệm" với kết quả mỹ mãn. Bởi "trách nhiệm" vẫn chỉ là một trong các điều kiện buộc phải có, khi đánh giá một sự vật - hiện tượng và những con người cụ thể trong phần hành của họ, với đời sống hàng ngày.
"Trách nhiệm" không phải là tính hoàn hảo. Thay vào đó, "trách nhiệm" đòi hỏi sự ràng buộc từ đầu đến cuối của con người, khi đảm nhận bất kỳ vai trò gì, dù trong xã hội hay trong gia đình; dù đang làm việc trong một công ty hay đang thi hành bổn phận đối với quốc gia.
Tham khảo
------------
Tự do là điều kiện của trách nhiệm
(Phần 2)
Như đã trình bày trong phần [1], xã hội xứ thiên đàng ngày nay, khái niệm "tự do""trách nhiệm" tràn ngập, từ đời sống thường nhựt trong mỗi gia đình, cho đến từng công sở - doanh nghiệp nhưng hầu hết tồn tại trên "đầu môi chót lưỡi". Người ta nói rất nhiều về chúng, theo cách "tự do vô điều kiện".
Nhìn từ bộ phim Nhà Bà Nữ
Hãy lấy một ví dụ nổi bật, mang tính đại diện cho cách cổ võ "tự do vô điều kiện". Đó chính là bộ phim Nhà Bà Nữ của đạo diễn Trấn Thành. Bộ phim tiếng Việt của người Việt sản xuất, thành công vang dội nhứt từ gần nửa thế kỷ qua, dưới sự cai trị của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam. Sự thành công, vốn được nhìn nhận thông qua tiêu chí... doanh thu, đạt hơn 500 tỷ(!). Hãy chú ý lời thoại trong trailer của cô con gái Ngọc Nhi đối đáp với mẹ mình - bà Nữ: "Con thà thất bại trong ước mơ của con, còn hơn thành công trong ước mơ của mẹ".
Cô Ngọc Nhi đang khao khát TỰ DO, sau nhiều năm cô ta cho rằng bị điều khiển và kiểm soát chặt chẽ của mẹ. Sau đó, Ngọc Nhi trốn khỏi nhà, bay theo tình yêu, để gần cuối phim, Ngọc Nhi thất bại, rồi chạy về sà vào lòng mẹ để xin mẹ tha thứ. Dĩ nhiên bà Nữ tha thứ, cùng một kết thúc hạnh phúc diễn ra trong hời hợt như hàng trăm bộ phim Việt Nam. Thông điệp quan trọng nhứt của đạo diễn Trấn Thành chuyển đến cho khán giả và đặc biệt giới trẻ:
1. Tuổi trẻ - với tư cách con cái - hãy tự do làm những gì mình thích và không cần phải chịu trách nhiệm do mình gây ra.
2. Tuổi già - với tư cách làm mẹ - luôn tha thứ, như là trách nhiệm của đấng sanh thành.
Nói cách khác, bộ phim cổ súy lối sống "tự do vô điều kiện", vốn đang ngập tràn trong xã hội.
Nhìn từ học đường và gia đình
Thành công vang dội của bộ phim Nhà Bà Nữ về mặt doanh thu, lại chính là thất bại thảm hại về văn hóa - giáo dục của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam, vốn "tọa lạc" trên nền tảng phi Triết học.
Trong học đường và giảng đường hiện thời, giới trẻ chỉ biết rất lơ mơ về "THIẾU TRÁCH NHIỆM", thay vì thấm đẫm khái niệm "làm tròn trách nhiệm". Học sinh - sinh viên ngày nay:
- Tự do học hành. Thích thì đến trường, không thích thì cúp cua, dành khoảng thời gian đó làm bất cứ những gì mình thích.
- Tự do bạo lực. Thấy bạn đáng ghét cứ đánh. Thậm chí, đánh hội đồng.
- Tự do tình dục. Thích nhau cứ ăn nằm. Rủi lỡ mang thai, tự do phá thai. Phá bao nhiêu lần cũng không sao. Lỡ sanh em bé, tự do đem dục thùng rác. Không thích nhau nữa, đi cặp bồ khác. Thậm chí, cặp một lúc vài người. Kể cả "tự do trả thù" người yêu cũ, để khi nhìn thấy tình cũ đau đớn và quằn quại trên vũng máu nhằm thỏa mãn.
Trong khi đó, các bậc được gọi "là thầy là cô" tự do làm những việc ngoài bổn phận nghề giáo, như: nữ giáo viên tiểu học buôn bán ma túy [3], nam giáo viên trung học dâm ô học trò, rồi chỉ cách học trò nói láo [4] v.v... và vô số việc làm xằng bậy khác, không thể kể hết. Những minh họa, chỉ nhằm để nói lên "tự do vô điều kiện" đang ngập tràn trong trường học ngày nay!
Trong gia đình, ngày nay người ta dễ dàng ly hôn nhân danh "tự do" để giải thoát cho nhau (!). Người chồng - người vợ sau cái thứ "tự do" đó, sẵn sàng buông bỏ trách nhiệm với những đứa con, do chính mình sanh ra. Thậm chí, những đứa con tội nghiệp đó còn quá nhỏ, chưa thể biết xoay sở sống như thế nào trong sự... "tự do" của cha mẹ vừa đạt được (!).
Thực tế ngày nay, rất khó bắt gặp những đôi vợ chồng hậu ly dị, vẫn đối xử với nhau tử tế và ân cần giúp nhau lúc hữu sự hay hoạn nạn. Tại sao như vậy? Bởi hầu hết họ đều cùng hiểu giống nhau về thứ "tự do"... mạnh ai nấy sống (!). Trong tâm tưởng cá nhơn, hầu hết họ gạt phắt tất cả những trách nhiệm, vốn đã từng là cội rễ ràng buộc đời sống hôn nhân, cho đến lúc họ chia tay. Thay vào đó, hoàn toàn chỉ là những ê chề - ngao ngán, kể cả hận thù, khi chợt nhớ về quá khứ. Có lẽ vì vậy lời hoa mỹ "giải thoát cho nhau" đã lý giải về đời sống hôn nhân đầy hình ảnh "gông cùm xiềng xích", hầu hết họ buộc phải che đậy vì sợ miệng lưỡi thế gian và cố gắng sống, cho đến lúc không thể sống theo cách tạm bợ như vậy...
----------