Drone « Beaver » của Ukraina: Ác mộng đối với dân Nga
Tác giả : Phan Minh Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-09-08
Những cuộc oanh kích dồn dập bằng drone trên lãnh thổ Nga hiện nay cho thấy năng lực của loại drone mới nhất trong kho vũ khí của Ukraina, đó là drone mang tên «Beaver» (con Hải Ly) . Với tầm bắn rất xa, loại drone này được thiết kế đặc biệt cho những nhiệm vụ « tự sát », và đặt Matxcơva vào tầm bắn của Kiev.


Drone Beaver của Ukraine vừa mang ra xử dụng
Hiện nay, Nga phải đối mặt với những cuộc oanh kích bằng drone gần như hàng đêm. Được Ukraina phóng đi, những drone này trong những ngày qua đã làm hư hại các máy bay vận tải tại một sân bay và tấn công các mục tiêu ở sáu khu vực của Nga, bao gồm cả Matxcơva.
Kênh CNN của Mỹ thống kê rằng kể từ khi chiến tranh nổ ra vào tháng 02/2022, chưa bao giờ Nga phải hứng chịu nhiều cuộc oanh kích bằng drone như vào đêm 29 rạng sáng 30/08.
Beaver có thể bay rất xa
Loại drone được dùng trong chiến dịch này là một vũ khí mới : drone « Bober » tiếng Ukraina, hay dịch ra tiếng Anh là « Beaver ». Drone này được thiết kế đặc biệt để thực hiện các nhiệm vụ xa nhất có thể ở giữa lòng nước Nga. Alexandre Vautravers, chuyên gia về các vấn đề vũ khí và tổng biên tập tạp chí quân sự Thụy Sĩ, cho biết : « Ưu điểm chính của Beaver là tầm bắn xa. Nó có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách hơn 600 km. »
Đây là một bước đột phá của Ukraina. Dominika Kunertova, chuyên gia về vấn đề quân sự hóa các công nghệ mới tại Trung tâm Nghiên cứu An ninh của Viện Công nghệ Zürich (ETH Zürich), nhấn mạnh cho đến mùa xuân năm ngoái, « phần lớn drone tự sát được lắp ráp trong nước chỉ có tầm bắn khoảng 20 km ».
Nói cách khác, Beaver – được sử dụng làm drone tự sát – cuối cùng đã đưa Matxcơva, nằm cách biên giới khoảng 500 km, vào tầm bắn của các phi công vẫn đang trú ẩn ở Ukraina.
Nguồn gốc của chiếc drone này, với sải cánh dài hơn 2,5 mét và trọng lượng 150 kg, cho thấy Kiev đã có ý định tăng cường các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga từ khá lâu. Theo tờ New York Times, cuối năm ngoái, chính quyền Ukraina đã nhờ Ihor Lachenkov, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, giúp phát triển một loại drone « có thể bay rất xa ».
Nhân vật này sau đó đã phát động một chiến dịch gây quỹ cộng đồng và huy động được hơn nửa triệu đô la, nhờ đó thúc đẩy nhanh chóng dự án « Beaver ». Đồng thời, Ukroboronprom, một tập thể các thành viên của tổ hợp công nghiệp-quân sự Ukraina, đã được giao nhiệm vụ sản xuất chiếc drone này.
« Đánh vào tâm trí » người Nga
Beaver không phải là sản phẩm của bộ Quốc Phòng Ukraina. Alexandre Vautravers cho biết rằng loại drone này được cơ quan tình báo « đặt hàng ». Do đó, đây là một loại vũ khí rất đặc biệt, được tạo ra nhờ số tiền mà người Ukraina góp vào quỹ được lập ra trên Internet cùng với sự hậu thuẫn của các điệp viên.
Theo Alexandre Vautravers, sư kết hợp của nhiều yếu tố đã mang lại một kết quả khá bất ngờ đối với Beaver : « Thông thường, những cỗ máy cỡ này được quân đội chế tạo để có thể vận chuyển trọng tải lớn. Nhưng trong trường hợp này, Ukraina đã quyết định hy sinh khía cạnh này để ưu tiên tăng cường nhiên liệu cho Beaver, giúp cho drone có phạm vi hoạt động rộng lớn. » Do đó, Beaver mang ít chất nổ hơn các loại drone cùng loại, mặc dù lượng chất nổ của Beaver vẫn đủ để phá hủy các mục tiêu quân sự.
Quyết định sản xuất loại drone này nói lên rất nhiều điều về vai trò của Beaver. Thay vì hủy diệt, Beaver là một loại drone « ưu tiên đánh vào tâm trí người Nga » – với việc đưa cuộc xung đột đến tận những nơi sinh sống của người dân Matxcơva.
Vì vậy, thiết bị này là một phần không thể thiếu trong chiến dịch phản công của Ukraina. Dominika Kunertova khẳng định « Beaver khiến cho bộ tham mưu quân đội Nga bị phân tâm », và Kremlin giờ đây luôn phải cảnh giác trước những mối đe dọa ở trên không.
Nhưng Beaver cũng không phải là vũ khí thần kỳ chống lại Nga. Dominika Kunertova lưu ý rằng một mặt, thiết bị này « có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công điện tử, chẳng hạn như gây nhiễu (các cảm biến của drone) ». Beaver cũng chậm hơn, nặng hơn và to hơn các drone tự sát tầm ngắn khác.
Mặt khác, giống như tất cả các drone thông thường, Beaver chỉ có tuổi thọ hạn chế trong thời chiến. Alexandre Vautravers nhấn mạnh, thông thường sau 3 tháng, đối thủ sẽ tìm ra những biện pháp hóa giải những cuộc tấn công của drone. Và đó là lý do tại sao mọi người giờ đây không còn thấy những drone của Thổ Nhĩ Kỳ nữa, loại drone vốn được sử dụng rất nhiều khi cuộc xung đột mới nổ ra.
Một Beaver cải tiến sắp ra mắt ?
Beaver, được sử dụng lần đầu tiên vào cuối mùa xuân, gần như đã « hết hạn sử dụng », ít nhất là thế hệ đầu tiên. Alexandre Vautravers nhận định rằng Beaver có thể được sử dụng lâu hơn một chút, bởi Kiev không sử dụng loại drone này ở mặt trận, mà chỉ phóng vào các mục tiêu ở những khu vực ít được bảo vệ hơn.
Tuy nhiên, Dominika Kunertova nghĩ rằng Ukraina sẽ phải tìm ra một loại vũ khí mới để tiếp tục tiến hành những cuộc tấn công trên bầu trời nước Nga. Một giải pháp có thể được cân nhắc là « tăng cường sản xuất những chiếc drone này để áp đảo lực lượng phòng thủ về mặt số lượng ».
Giải pháp còn lại là phát triển một loại « Beaver » 2.0. Alexandre Vautravers tóm tắt : « Trong một cuộc xung đột, có những loại vũ khí mới xuất hiện và có tác dụng trong một thời gian nhất định. Do vậy, các chuyên gia phải nhanh chóng nghĩ đến vũ khí cải tiến (thế hệ tiếp theo) nếu muốn duy trì lợi thế. »
Beaver thế hệ đầu có thể không còn tồn tại được lâu nữa, nhưng nó đã để lại dấu ấn trong cuộc xung đột này. Đầu tiên là vì « tốc độ phát triển, từ thiết kế đến sản xuất, chỉ mất vài tháng, tức là rất nhanh đối với những thiết bị kiểu này ». Theo chuyên gia Dominika Kunertova, đây là minh chứng cho thấy một quốc gia có thể đạt được những gì khi tất cả mọi người, từ chính quyền đến người dân đoàn kết lại để đạt được cùng một mục tiêu. Sau đó, Beaver minh họa về lợi thế của những « vũ khí tự chế ». Dominika Kunertova kết luận : « Nó được thiết kế đặc biệt để đáp ứng nhu cầu của quân đội vào thời điểm này của cuộc chiến. »
Nguồn : France 24
----------