Mỹ, Nhật quan ngại về hợp tác quân sự Bắc Triều Tiên-Nga
Tác giả : Thanh Hà Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-09-14
Sau cuộc hội đàm với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un hôm qua, 13/09/2023, tổng thống Nga trong cuộc họp báo đã nêu lên khả năng hợp tác quân sự giữa Matxcơva và Bình Nhưỡng cho dù Bắc Triều Tiên đang bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt do phát triển vũ khí hạt nhân. Cộng đồng quốc tế, đứng đầu là Mỹ và Nhật Bản, cảnh cáo Matxcơva về việc vi phạm lệnh cấm của Liên Hiệp Quốc có hiệu lực từ 2017.


Cuộc gặp giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un và tổng thống Vladimir Putin tại Nga trên màn hình TV ở một ga xe điện ngầm ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 13/09/2023. AP - Ahn Young-joon
Tân ngoại trưởng Nhật Bản, bà Yoko Kamikawa, được AFP trích dẫn, nêu lên viễn cảnh Nga « vi phạm » lệnh cấm xuất - nhập khẩu vũ khí Bắc Triều Tiên. Đây là một biện pháp mà Hội Đồng Bản An Liên Hiệp Quốc đã ban hành để trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng về việc phát triển vũ khí hạt nhân .
Về phía Hoa Kỳ, phát ngôn viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby chiều qua bày tỏ « quan ngại » về việc Nga và Bắc Triều Tiên hợp tác quân sự. Theo quan chức này, « mọi hợp tác nhằm tăng cường khả năng quân sự của Bắc Triều Tiên đều đáng quan ngại ». Bộ Quốc Phòng Mỹ đặc biệt chú ý đến hợp tác giữa Bình Nhưỡng với Matxcơva trong lĩnh vực phát triển vệ tinh. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Matthew Miller khẳng định Washington sẽ « không ngần ngại » ban hành lệnh trừng phạt mới trong trường hợp Nga và Bắc Triều Tiên liên kết với nhau về mặt quân sự. Theo Washington, việc chính quyền của tổng thống Vladimir Putin « thắt chặt quan hệ với Bắc Triều Tiên cũng như là với Iran, chủ yếu là để sử dụng drone do Iran chế tạo, cho thấy Matxcơva đang tuyệt vọng trong cuộc chiến ở Ukraina ».
Đáp lại phản ứng nói nói trên, đại sứ Nga tại Hoa Kỳ Anatoli Antonov tuyên bố Mỹ « không có quyền lên giọng dạy bảo nước Nga (…), Washington cung cấp vũ khí (cho Ukraina) nhưng lại coi mọi hợp tác quân sự và kỹ thuật giữa Matxcơva với các đối tác nước ngoài là bất hợp pháp ».
Trong khi đó tại Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres thận trọng kêu gọi mỗi quốc gia tôn trọng lệnh trừng phạt quốc tế nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng. Thông tín viên RFI Carrie Nooten từ trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York tường trình:
« Washington tin chắc là như vậy: Kim Jong Un đến Nga lần này không chỉ để tham quan cơ sở không gian của Nga với mục đích chuẩn bị hợp tác song phương. Theo chính quyền Biden, chuyến công du lần này có thể đạt được thỏa thuận cho phép Bình Nhưỡng cung cấp trang thiết bị quân sự cho Matxcơva, hỗ trợ Nga tấn công Ukraina. Tuy nhiên, mọi trao đổi về vũ khí với Bắc Triều Tiên đều bị cấm, chiểu theo lệnh trừng phạt do Liên Hiệp Quốc ban hành.
Khi được báo chí hỏi về phản ứng của Liên Hiệp Quốc, tổng thư ký Antonio Guterres thận trọng cảnh cáo Nga, khi ông cho rằng ‘mọi hình thức hợp tác giữa bất kỳ một quốc gia nào với Bắc Triều Tiên đều phải tuân thủ lệnh trừng phạt nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng mà Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã ban hành. Đương nhiên điều khoản đó cũng liên quan đến trường hợp mà quý vị đang đề cập đến ở đây’.
Trước mắt chưa có một thỏa thuận về vũ khí nào được chính thức công bố, nhưng tổng thống Nga đã nâng ly chúc mừng ‘mối quan hệ hợp tác được củng cố trong tương lai’ với Bắc Triều Tiên. Đồng thời ông Vladimir Putin đánh giá đôi bên có thể hợp tác về mặt quân sự bất chấp lệnh trừng phạt. Đạn dược của Bắc Triều Tiên có thể sẽ có tác động đáng kể trong xung đột Ukraina và dường như một số đạn pháo của Bắc Triều Tiên đã được sử dụng trên trận địa ».
----------