Về cái chết của Nguyễn Chí Vịnh
Tác giả : Lê Văn Đoành Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng: 2023-09-14


Sau hơn mười ngày rơi vào hôn mê, ngày 14-9-2023, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Uỷ viên Trung ương hai khoá 11-12, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã trút hơi thở cuối cùng, vĩnh viễn khép lại số phận "lẫy lừng" của nhân vật được cho là chứng nhân số một trong hàng loạt bí mật kinh thiên động địa trong triều đình cộng sản gần ba mươi năm qua.
Nguyễn Chí Vịnh sinh năm 1959 tại Hà Nội, quê gốc ở Niêm Phò, Quảng Thọ, Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Vịnh là con trai út của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967) và bà Nguyễn Thị Cúc (1923-1979) bác sĩ quân y viện 108. Các anh chị trên Vịnh gồm: Nguyễn Trường Sơn (mất lúc nhỏ), Nguyễn Thanh Hà (chủ tịch HĐQT VietJet Air), Nguyễn Kim Sơn (cựu bác sĩ quân y), Nguyễn Thị Thành (cựu thượng tá quân đội).


Ảnh: Nguyễn Chí Vịnh thời còn "oanh liệt". Nguồn: VNE
Là con thứ 5 trong gia đình, nên Nguyễn Chí Vịnh có tên thường gọi là Năm Vịnh. Bố mất sớm, Vịnh được Uỷ viên Bộ Chính trị Lê Đức Thọ (1911-1990) nhận làm cha đỡ đầu. Sau này Vịnh được cả Lê Đức Anh (1920-2019) và Vũ Chính, tên thật là Đặng Văn Trung (1928-2022) dìu dắt, đưa vào Cục 2, tiền thân của Tổng cục Tình báo Quốc phòng, tức Tổng cục 2 (TC2), để rồi dần leo lên đỉnh cao quyền lực: Uỷ viên Trung ương khoá 11, 12, Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.


Ảnh: Tướng Lê Đức Anh. Photo Courtesy
Dười thời Vũ Chính, nhiều sĩ quan cấp cao ở Hà Nội xem Tổng cục 2 là một "vương triều", với ông vua Vũ Chính, hoàng hậu Nguyễn Thị Nhẫn, hoàng tử Đặng Trí Dũng, các công chúa Đặng Thị Ngọc (vợ Năm Vịnh), Đặng Thị Mai, Đặng Thị Tuyết, cùng phò mã Năm Vịnh, với sự phù phép của Thái Thượng hoàng Lê Đức Anh.


Ảnh: Vũ Chính, bố vợ của Nguyễn Chí Vịnh. Nguồn: Báo QĐND VN
Với sự chống lưng của đại tướng Lê Đức Anh, bố vợ Vũ Chính cùng con rể Nguyễn Chí Vịnh đã biến TC 2 thành cơ quan siêu quyền lực, đứng trên cả Bộ Chính trị, gây nên vô số bê bối trong cung đình cộng sản. Những thủ đoạn tàn độc mà một số cá nhân, phe nhóm trong Đảng CSVN sử dụng TC2 để triệt hạ đối thủ của mình, nhằm thâu tóm quyền lực, đã hiện rõ giai đoạn này. Hai vụ án chấn động trong đảng và cả hệ thống chính trị phải kể đến, xảy ra từ trước đại hội 7 năm 1991 là:
1.- Vụ án T4: Đó là vụ án tình báo ma, dựng chuyện rằng "điệp viên của TC2" bí danh T4, do CIA cài cắm, cho hay, CIA đã móc nối một số cán bộ lãnh đạo cao cấp như ông Trương Tấn Sang, Phan Văn Khải, Nguyễn Văn An, Võ Thị Thắng… để làm việc cho nước Mỹ, hoặc gây phân hóa trong nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. T4 thông báo danh sách những người đã cộng tác với CIA, đã tiếp xúc với CIA, đã làm tay sai cho CIA, danh sách lên tới hơn 20 người, trong đó có cả Trần Bạch Đằng, Trần Văn Giàu, Trần Trọng Tân, Trần Văn Tạo… âm mưu đưa miền Nam ly khai với Bắc Việt.
2.- Vụ Sáu Sứ – Năm Châu: Nguyễn Như Văn, tức Tư Văn (1924-2001), cùng bố con Chính – Vịnh tại TC2, dưới sự chỉ đạo của Lê Đức Anh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thời đó, đã dàn dựng kịch bản, có đầy đủ nhân vật, tài liệu, để quy chụp chính trị và hạ bệ "thần tượng" Võ Nguyên Giáp trong quân đội.
Nghiêm trọng đến nỗi, tại Hội nghị Trung ương 12, khoá 6, ông Nguyễn Đức Tâm, Trưởng Ban Tổ chức, thay mặt Bộ Chính trị, báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương "văn bản tuyệt mật", nói rằng: Một vụ bè phái vi phạm nguyên tắc Đảng, hòng chi phối vấn đề bố trí nhân sự cấp cao đang diễn ra. Những cái tên bị quy chụp gồm: Võ Nguyên Giáp, Trần Văn Trà, cùng một số cán bộ cao cấp là Uỷ viên Trung ương các tỉnh thành phía Bắc.
Trong nhiều thư ngỏ gửi lãnh đạo Đảng CSVN, tướng Võ Nguyên Giáp gọi Tổng cục 2 là một tổ chức "siêu đảng, siêu chính phủ, phá hoại Đảng một cách có hệ thống". Ông Giáp tố cáo TC2 tội phá hoại đảng nghiêm trọng, có tổ chức, kéo dài hàng chục năm, đặt máy nghe trộm các đồng chí lãnh đạo và các cán bộ cấp cao, tạo ra chứng cớ giả để hãm hại những cán bộ tốt của đảng. Tướng Giáp yêu cầu xử lý nghiêm minh.
Ngoài tướng Giáp, còn có hàng loạt công thần của đảng, nhà nước và quân đội Việt Nam như các ông: Phạm Văn Xô – một trong những lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Đông Dương, Đại tướng Chu Huy Mân, Đại tướng Nguyễn Quyết, Thượng tướng Nguyễn Nam Khánh, Thượng tướng Phùng Thế Tài, Thượng tướng Lê Ngọc Hiền, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Trung tướng Đồng Văn Cống, Trung tướng Lê Tự Đồng, Trung tướng Phạm Hồng Sơn, Trung tướng Nguyễn Hoà, Thiếu tướng Nguyễn Tài, ông Nguyễn Văn Thi… cùng nêu quan điểm và yêu cầu tương tự.
Cũng theo tướng Nguyễn Nam Khánh: Những bản tin mà Tổng cục 2 đưa ra với mục đích "vu khống chính trị, lừa dối, chia rẽ nội bộ Đảng, phá hoại Đảng, Nhà nước và quân đội, gây sự phân tâm, lũng đoạn tinh thần cán bộ đảng viên và nhân dân, vi phạm nghiêm trọng pháp luật, nguyên tắc kỷ luật đảng, tạo ra oan trái và đau khổ cho nhiều đồng chí". Mặc dù bị phản ứng dữ dội từ các tướng lĩnh, các công thần chế độ yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm. Nhưng thế lực của Lê Đức Anh, Đoàn Khuê và phe nhóm quá mạnh, nên Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng lờ luôn. Và sự việc bị "chìm xuồng" sau đó.
Khi Vũ Chính làm Tổng cục trưởng TC2, Năm Vịnh lên như diều gặp gió. Năm 1999, Vịnh đã là thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng TC2. Năm 2002, khi mới 45 tuổi, Vịnh đã nắm chức Tổng cục trưởng TC2 Bộ Quốc phòng, thay cho bố vợ là Vũ Chính, nghỉ hưu.
Tháng 12-2004 khi chỉ mới 47 tuổi, Vịnh được thăng quân hàm Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam. Hơn 10 năm (1998-2009) nắm giữ trọng trách tại TC2, Nguyễn Chí Vịnh đã gây nên những "điệp vụ" tai tiếng đến kinh hoàng. Quyền năng vô hạn, Năm Vịnh đã khuynh đảo, nắm gáy hầu hết cán bộ lãnh đạo cao cấp ở trung ương, sai khiến và biến các Uỷ viên Trung ương thành quân cờ để thao túng chính trị.
Thủ đoạn của Năm Vịnh là dùng TC2 để sử dụng mỹ nhân kế, đút lót kế, tham nhũng kế, đe dọa kế… nhằm mục đích vô hiệu hoá sự chống đối từ Trung ương, kể cả Tổng Bí thư.
Bà con trong gia đình Năm Vịnh nắm giữ các chức vụ béo bở trong các công ty bình phong của TC2, hoặc lập các doanh nghiệp tư nhân để mặc sức vơ vét, tham nhũng tài sản của nhân dân qua các "phi vụ" buôn bán vũ khí, các hợp đồng kinh tế, thâu tóm các dự án ngàn tỷ.
Nguyễn Chí Vịnh cùng bố vợ Vũ Chính từng thiết kế chuyến "đi đêm" thăm Trung Quốc của Tổng bí thư Lê Khả Phiêu hồi tháng 2-1999. Dịp đó Lê Khả Phiêu gặp Giang Trạch Dân không theo con đường chính thống bằng quan hệ Đảng, Nhà nước mà theo con đường tình báo.
Tháp tùng chuyến đi ấy của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có cả Uỷ viên Bộ Chính trị Nguyễn Mạnh Cầm, Chánh Văn phòng Trung ương đảng Trần Đình Hoan và Phó Tổng cục trưởng TC2 Nguyễn Chí Vịnh. Tuy nhiên, khi vào họp kín giữa Lê Khả Phiêu và Giang Trách Dân, cả hai ông Nguyễn Mạnh Cầm và ông Trần Đình Hoan bị mật vụ phía Trung Quốc đuổi ra ngoài, chỉ cho Năm Vịnh được vào.
Sau chuyến đi đó, cùng một số tai tiếng khác, sóng gió đã ập xuống đầu ông Lê Khả Phiêu. Ông Phiêu bị chính các đồng chí của mình bôi nhọ, chỉ trích, dồn ép đến chân tường. Lê Khả Phiêu bị yêu cầu rút lui, hết cơ hội tái cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ hai, ngậm ngùi cay đắng từ giã chính trường.
Câu chuyện Nguyễn Chí Vịnh và phe lũ tác oai, tác quái hàng chục năm mà không hề bị vạch mặt, chỉ tên, đấu tranh, ngăn chặn một cách thật sự, cho thấy sự yếu hèn ngay trong nội bộ cấp cao của đảng cộng sản. Thậm chí có thể khẳng định, hàng ngũ cán bộ trong TC2 đa phần bất tài và bất lực. Nhờ vậy mà Năm Vịnh và phe nhóm đã lái con thuyền TC làm sai chức năng, nhiệm vụ. Thay vì tình báo, phản gián, phục vụ cho an ninh, quốc gia, TC2 lại trở thành lực lượng chuyên theo dõi, soi mói, cài bẫy nội bộ để khống chế, đe doạ và lũng đoạn chính trường.
Năm 2009, Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm chức thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Người kế nhiệm TC2 lần lượt là Lưu Đức Huy, Phạm Ngọc Hùng, đều là bạn bè thân tín phe nhóm của Năm Vịnh. Đích ngắm của Năm Vịnh là vào Bộ Chính trị, ngồi vào ghế Bộ trưởng Quốc phòng. Tuy nhiên, các phe nhóm khác trong đảng đã đủ mạnh để ngăn chặn tham vọng quyền lực của con trai đại tướng Nguyễn Chí Thanh.
Đầu tháng 3-2023, Nguyễn Chí Vịnh gây bất ngờ với tất cả các cán bộ cao cấp, tướng lĩnh đương chức và cả nghỉ hưu trong và ngoài quân đội, khi đăng đàn trên các phương tiện truyền thông để bình luận về cuộc chiến Nga – Ukraine. Năm Vịnh nói: "Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược" và nhận định, "chiến thắng sẽ thuộc về chính nghĩa Ukraine".
Ngày 11-3-2023, tại Sài Gòn, Nguyễn Chí Vịnh vẫn còn oai phong, đường bệ trả lời phỏng vấn báo chí và ký tặng sách, trong lễ ra mắt cuốn sách "Người Thầy" mà Vịnh là tác giả.


Nguyễn Chí Vịnh xuất hiện trên VTV trước khi ngã bệnh.
Tháng 6-2023, Nguyễn Chí Vịnh bất ngờ đổ bệnh. Khi tầm soát, các giáo sư tại quân y viện 108 kết luận, Năm Vịnh bị ung thư bạch cầu. Dư luận dấy lên đồn đoán rằng, Vịnh "rơi vào hôn mê sâu do trúng độc" và sẽ "không qua khỏi".
Có lẽ nhằm để chứng minh mình chưa chết, Năm Vịnh lại xuất hiện trên VTV hôm 31-8-2023 với bộ dạng xanh xao, vàng võ, gò má xám xịt, đầu trọc lóc, hình ảnh hoàn toàn khác xa với Nguyễn Chí Vịnh hồi ba tháng trước khi nhận huy chương hữu nghị của Nhật và lễ giới thiệu sách tại Sài Gòn.


Nguyễn Chí Vịnh xuất hiện trên VTV sau khi mắc bênh
Người ta đặt câu hỏi:
– Mầm bệnh trong cơ thể Năm Vịnh có sẵn, nay phát ra, hay có tác nhân nào từ bên ngoài?
– Nếu bị đầu độc, thì ai ra tay? Các phe nhóm cuồng Nga, cuồng Tàu trong đảng hoặc Hoa Nam Tình Báo, hay là những hung thủ từng dùng phóng xạ polonium-210 để sát hại cựu sỹ quan tình báo KGB Alexander Litvinenko (1962-2006) năm nào, bây giờ ra tay ở đây? Còn quá nhiều câu hỏi bí hiểm khác nữa.
Đời binh nghiệp luôn là niềm tự hào và là những trang đời đẹp nhất đối với các đấng nam nhi khi cống hiến, phụng sự cho Tổ quốc. Nguyễn Chí Vịnh thì khác, Vịnh luôn chọn lối đi riêng, lối đi trải đầy bổng lộc, quyền lực cho bản thân, gia đình và phe nhóm. Tuy nhiên, luật Trời thật khắc nghiệt và công bằng. Làm đại quan mà cưỡi trên cổ nhân dân, hút máu và đạp lên đầu đồng đội để bước đi, cái kết sẽ cay đắng và thảm khốc. Khi anh không vì quốc gia, dân tộc, luôn bán linh hồn cho quỷ dữ và ngoại bang, thì cái giá phải trả sẽ không hề rẻ chút nào.
----------