Lạm phát do giá dầu cao hơn vì các chính sách sai lầm
Tác giả : Michael Wilkerson
Biên dịch : Vân Du
Nguồn: Báo Mai Ngày đăng: 2023-09-15


Bất kỳ ai đã đổ đầy bình xăng trong vài tháng qua đều có thể thấy trước điều này sẽ xảy ra. Giá xăng bán lẻ của Hoa Kỳ đã tăng lên kể từ khi chạm mức thấp vào tháng Mười Hai năm 2022. Ban đầu tốc độ tăng khá chậm chạp, rồi sau đó đã trở nên nhanh hơn vào tháng Tám. Tuần này (11-17/09), giá xăng bán lẻ trung bình ở Hoa Kỳ đạt 3.94 USD/gallon, tăng 18.5% so với cuối năm.



Lạm phát, vốn chưa bao giờ thực sự giảm bớt, đang tăng tốc trở lại. Báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Tám đã xác nhận những gì tôi vẫn nói kể từ tháng Một, đó là lạm phát do giá dầu tăng sẽ tăng tốc trở lại trong nửa cuối năm nay.
Kết quả chỉ số CPI toàn phần của tháng Tám là 3.7%, tăng một cách khó chịu so với mức 3.2% của tháng Bảy. Các thành phần chỉ số xăng và dầu mazut tăng lần lượt 10.6% và 9.1% so với tháng Bảy trên cơ sở điều chỉnh theo mùa. Ngay cả khi loại trừ các danh mục thực phẩm và năng lượng dễ biến động hơn, thì CPI cơ bản vẫn tăng 4.3% trong tháng Tám, do chi phí nhà ở tăng cao.



Các sản phẩm bán lẻ khí đốt và dầu diesel, các hãng hàng không, đường sắt, và các công ty vận tải đường bộ, cùng với thực phẩm và thậm chí cả điện đến gia đình, đều bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá dầu toàn cầu.
Giá dầu đã tăng thêm ⅓ so với mức thấp trong tháng Bảy và hiện ở mức dưới 90 USD/thùng. Mặc dù ở mức cao nhất trong mười tháng, giá vẫn thấp hơn nhiều so với mức cao nhất của mùa hè năm ngoái, khi dầu đạt mức 120 USD/thùng và lạm phát lên tới 9.1%. Nhưng áp lực thị trường có thể sẽ đẩy giá dầu đi sai hướng hơn nữa. Và với giá dầu cao hơn, lạm phát sẽ không khỏi tiếp diễn như ngày chuyển sang đêm.
Thị trường dầu toàn cầu vẫn thắt chặt. Các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với Nga đã làm tổn thương thị trường phương Tây nhiều hơn chính Nga. Các nước Xuất cảng Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), gồm có Saudi Arabia, Iran, và Nga, cùng nhiều nước khác, đã và đang thực thi các giới hạn sản xuất. Iran và Nga bị Hoa Kỳ trừng phạt nhưng vẫn tìm cách xoay xở đưa được dầu sang Trung cộng, Ấn Độ, và các nơi khác. OPEC hiện ước tính thế giới sẽ thiếu hơn 3 triệu thùng trong quý 4, gây thêm áp lực lên giá cả.



Một cách ngu ngốc, chính phủ Tổng thống Biden đã rút cạn nguồn cung cấp dầu khẩn cấp của Mỹ trong một nỗ lực vô ích nhằm kìm hãm làn sóng giá tăng do hạn chế về nguồn cung toàn cầu.
Chính phủ Tổng thống Biden đã rút hơn 265 triệu thùng dầu từ kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Hoa Kỳ (SPR) trong khoảng thời gian từ tháng 11/2021 đến tháng 01/2023, cho đến khi họ cuối cùng đã tạm dừng làm như vậy do giá dầu giảm. Nhưng bắt đầu từ tháng Tư năm 2023, nhận thấy giá xăng cao hơn sẽ lại đe dọa nền kinh tế và kích thích lạm phát, chính phủ ông Biden đã lặng lẽ bắt đầu rút thêm dầu. Vào đầu tháng 09/2023, SPR chỉ còn lại 350 triệu thùng, còn chưa đến một nửa sức chứa và giảm 45% so với cuối năm 2020.



Sử dụng SPR như một công cụ chính trị tức là để thực hiện kiểm soát giá cả trước cuộc bầu cử giữa kỳ luôn là một ý tưởng ngu ngốc. Tệ nhất, hành động này sẽ khiến đất nước gặp khó khăn trong trường hợp một tình trạng khẩn cấp quốc gia ảnh hưởng đến sản xuất và vận chuyển dầu thô thực sự xảy ra. Dù giá cao có gây tổn thất nhiều như thế nào đi chăng nữa, thì Hoa Kỳ cũng không nên mạo hiểm chiến lược này chỉ vì vài cent tại trạm xăng. Nhiều khả năng, Hoa Kỳ sẽ cần phải bổ sung SPR với mức giá cao hơn nhiều so với trước đây, khiến thâm hụt ngân sách càng tăng thêm.
Nhưng sự điên rồ chiến lược thực sự của chính phủ ông Biden là việc hạn chế hoạt động sản xuất năng lượng của Hoa Kỳ nhằm tỏ ra đạo đức về năng lượng xanh. Từ việc hủy bỏ dự án đường ống Keystone XL vào năm 2021 cho đến việc hủy bỏ hợp đồng cho thuê khai thác dầu khí ở Alaska vào tuần trước, các sắc lệnh và quy định ngăn trở đang đe dọa đến an ninh năng lượng của Hoa Kỳ và khiến giá duy trì ở mức cao lâu hơn. Nếu như đây không phải là phản bội lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ thì tôi không biết còn hành động nào khác thỏa mãn định nghĩa đó nữa.



Mỹ có trữ lượng dầu khí dồi dào. Đây là lợi thế chiến lược to lớn của chúng ta trong cạnh tranh giữa các quốc gia. Nếu nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kinh ngạc này được phép phát triển, thì nguồn lực này sẽ bảo đảm cho sự độc lập về năng lượng của chúng ta và do đó bảo đảm cho an ninh quốc gia, giúp giảm giá trên diện rộng, và kích thích cho nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng.
Chúng ta hãy cầu nguyện rằng bất cứ ai giành được Tòa Bạch Ốc vào tháng 11/2024 đều có đủ sự khôn ngoan để đảo ngược đường hướng này trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn.
Michael Wilkerson _ Vân Du
 
----------