Triều Tiên sửa hiến pháp về chính sách hạt nhân, viện dẫn hành động khiêu khích của Mỹ
Nguồn: Reuters - VOA Ngày đăng: 2023-09-28
Ảnh chụp được Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên (KCNA) công bố vào ngày 21/9/2023 cho thấy nhà lãnh đạo Kim Jong Un (giữa) tham gia cuộc họp Bộ Chính trị lần thứ 16 Ban Chấp hành Trung ương khóa 8 Đảng Lao động Triều Tiên tại Bình Nhưỡng. (Ảnh: KCNA VIA KNS/AFP)
Triều Tiên đã thông qua sửa đổi hiến pháp để bổ sung chính sách về lực lượng hạt nhân, truyền thông nhà nước đưa tin hôm thứ Năm (28/9), khi nhà lãnh đạo nước này cam kết đẩy nhanh sản xuất vũ khí hạt nhân để ngăn chặn những gì ông gọi là hành động khiêu khích của Mỹ.
Hội đồng Nhân dân Tối cao đã nhất trí thông qua bản sửa đổi tuyên bố Triều Tiên “phát triển vũ khí hạt nhân có mức độ cao để đảm bảo” “quyền tồn tại” và “ngăn chặn chiến tranh”, hãng thông tấn KCNA đưa tin, sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày của quốc hội nghị gật Triều Tiên hôm thứ Tư.
Chính sách xây dựng lực lượng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đã được coi là vĩnh viễn như luật cơ bản của nhà nước, không ai được phép coi thường bất cứ điều gì”, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un nói trước quốc hội.
Ông Kim tiếp tục nhấn mạnh “sự cần thiết phải thúc đẩy việc tăng cường sản xuất vũ khí hạt nhân theo cấp số nhân và đa dạng hóa các phương tiện tấn công hạt nhân cũng như triển khai chúng ở các lĩnh vực khác nhau”.
Ông nói rằng các cuộc tập trận quân sự và triển khai các khí tài chiến lược của Mỹ trong khu vực là hành động khiêu khích cực độ.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết hiến pháp sửa đổi cho thấy Bình Nhưỡng kiên quyết không từ bỏ chương trình hạt nhân.
Chúng tôi một lần nữa nhấn mạnh rằng Triều Tiên sẽ phải đối mặt với sự kết thúc chế độ nếu sử dụng vũ khí hạt nhân”, cơ quan này cảnh báo trong một tuyên bố.
Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói: “Việc phát triển hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đặt ra mối đe dọa đối với hòa bình và an toàn của đất nước chúng tôi cũng như cộng đồng quốc tế và không bao giờ có thể được dung thứ”.
Việc sửa đổi được đưa ra một năm sau khi Triều Tiên chính thức quy định trong luật quyền sử dụng các cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ, tuyên bố nước này là quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân "không thể đảo ngược".
Ông Kim kêu gọi các quan chức tăng cường hơn nữa tình đoàn kết với các quốc gia chống lại Mỹ, tố cáo sự hợp tác ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản là “NATO phiên bản châu Á”.
Ông nói: “Đây là mối đe dọa thực tế tồi tệ nhất, không phải đe dọa bằng lời nói sáo rỗng hay một thực thể tưởng tượng”.
Ông Kim đã trở về nước vào tuần trước sau chuyến đi tới Nga, trong đó ông và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý tăng cường hợp tác quân sự và kinh tế.
Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc bày tỏ lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể đang tìm kiếm sự trợ giúp về công nghệ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa trong khi Moscow tìm cách mua đạn dược từ Triều Tiên để bổ sung cho kho dự trữ đang cạn kiệt cho cuộc chiến ở Ukraine.
Các nhà phân tích cho rằng việc đưa chính sách hạt nhân vào hiến pháp là một động thái mang tính biểu tượng, tuyên bố ý định của Triều Tiên về việc có một lực lượng hạt nhân lâu dài mà nước này sẽ không đàm phán về nó nữa.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cảnh báo Bình Nhưỡng về “phản ứng mạnh mẽ” nếu nước này sử dụng vũ khí hạt nhân, khi Seoul tổ chức cuộc duyệt binh quy mô lớn đầu tiên trong một thập niên nhằm phô trương sức mạnh.
Trong bài phát biểu, ông Kim cho biết việc đảm bảo một cuộc cải tổ lớn cho nền kinh tế đất nước là “nhiệm vụ cấp bách nhất đối với chính phủ” và kêu gọi ngành nông nghiệp làm việc chăm chỉ hơn để nâng cao phúc lợi cho người dân.
Miền Bắc đã phải chịu tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng trong những thập niên gần đây, bao gồm cả nạn đói vào những năm 1990, thường do thiên tai gây ra. Các chuyên gia quốc tế đã cảnh báo rằng việc đóng cửa biên giới trong đại dịch COVID-19 sẽ khiến vấn đề an ninh lương thực trở nên tồi tệ hơn.
----------