Kadyrov đề nghị hoãn bầu cử tổng thống Nga hoặc loại đối thủ của Putin
Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-10-08
Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự cuộc gặp với lãnh đạo Chechnya Ramzan Kadyrov tại Moscow, Nga, ngày 28 tháng 9 năm 2023
Ramzan Kadyrov, người đứng đầu vùng Chechnya của Nga và là đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin, hôm thứ Bảy đã đề xuất rằng nên hoãn cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra vào tháng Ba tới do cuộc chiến ở Ukraine hoặc chỉ giới hạn cho một ứng cử viên - Putin, theo Reuters.
Lãnh đạo Điện Kremlin, người vừa bước sang tuổi 71 hôm thứ Bảy, cho biết ông sẽ không công bố liệu ông có ra tranh cử trước khi quốc hội kêu gọi bầu cử hay không, theo luật thì cuộc bầu cử này sẽ diễn ra vào tháng 12.
Putin đã thống trị nước Nga trong hơn hai thập kỷ và, sau khi trấn áp mọi phe đối lập chính trị quan trọng, gần như chắc chắn sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và, như được dự đoán rộng rãi, sẽ kéo dài thời gian ở Điện Kremlin đến năm 2030.
Tuy nhiên, những thất bại của Nga trong cuộc chiến mà Moscow gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" đã khiến các sự kiện trở nên khó dự đoán hơn.
Hãng thông tấn nhà nước RIA cho biết ông Kadyrov đã phát biểu hôm thứ Bảy tại một sự kiện ở trung tâm thủ đô Grozny của Chechen, trước 25.000 người, để đánh dấu ngày sinh nhật của Putin.
Bây giờ tôi đề xuất, trong khi 'chiến dịch quân sự đặc biệt' đang được tiến hành, hãy đồng lòng quyết định rằng chúng ta sẽ có một ứng cử viên trong cuộc bầu cử - Vladimir Vladimirovich Putin," Kadyrov được dẫn lời nói.
“Hoặc tạm thời hoãn các cuộc bầu cử, bởi vì ngày nay không còn ai khác có thể bảo vệ đất nước của chúng ta,” người đứng đầu Chechen, người được Putin bảo trợ, người đã nâng cao uy tín của mình kể từ khi chiến tranh bắt đầu, nói thêm.
Cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2/2022 của Putin đã trở thành thách thức lớn nhất của ông.
Thay vì nhanh chóng nắm quyền kiểm soát nước láng giềng của Nga và ngăn cản nỗ lực xích lại gần phương Tây của nước này, ông chỉ kiểm soát chưa đến 1/5 lãnh thổ Ukraine, với tiền tuyến án binh bất động, chi tiêu quân sự tăng vọt và hàng trăm nghìn người Nga đang tham gia một cuộc chiến mà họ không tình nguyện.
Ông cũng đã cắt đứt quan hệ với phương Tây, nơi đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế sâu rộng lên Nga, trang bị vũ khí cho Ukraine với chi phí rất lớn, đồng thời mở rộng và củng cố liên minh Nato do Mỹ dẫn đầu.
-------------
Ông Putin tuyên bố thử thành công tên lửa năng lượng hạt nhân Burevestnik
Tác giả : Robert Plummer Nguồn: BBC Ngày đăng: 2023-10-08
Tổng thống Putin nói về tên lửa Burevestnik lần đầu vào 5 năm trước
Nga vừa thực hiện "cuộc thử nghiệm thành công cuối cùng" đối với tên lửa hành trình chạy bằng năng lượng hạt nhân, tổng thống Vladimir Putin tuyên bố.
Bình luận của nhà lãnh đạo Nga được đưa ra sau khi người phát ngôn của ông bác bỏ bài báo của New York Times rằng việc thử nghiệm loại tên lửa, được gọi là Burevestnik, sắp diễn ra.
Loại vũ khí thử nghiệm này, được công bố lần đầu tiên vào năm 2018, đã được ca ngợi là có tầm bay không giới hạn.
Nhưng ít người biết chính thức về khả năng của siêu tên lửa và có báo cáo cho rằng các cuộc thử nghiệm trước đó đã thất bại.
Tuyên bố của Tổng thống Putin chưa được xác nhận độc lập và cho đến nay vẫn chưa có thông tin gì từ Bộ Quốc phòng Nga.
Tuy nhiên, các hình ảnh vệ tinh được công bố vào tháng trước cho thấy Nga gần đây đã xây dựng các cơ sở mới tại một địa điểm xa xôi ở Bắc Cực, nơi trước đây đã tiến hành các vụ thử hạt nhân của Liên Xô.
Những hình ảnh cho thấy các công trình được xây dựng trên Novaya Zemlya, một quần đảo ở phía bắc Biển Barents.
Chúng ta gần như đã hoàn thành công việc chế tạo các loại vũ khí chiến lược hiện đại mà tôi đã nói và công bố cách đây vài năm”, ông Putin phát biểu trong cuộc họp tại khu nghỉ dưỡng Sochi ở Biển Đen và được truyền hình trực tiếp trên truyền hình nhà nước vào ngày 5/10.
"Cuộc thử nghiệm thành công cuối cùng của Burevestnik, một tên lửa hành trình có tầm bắn khắp toàn cầu chạy bằng động cơ nguyên tử, đã được tiến hành", ông Putin nói thêm.
Tên lửa này được Nato đặt mật danh là Skyfall, được cho là chạy bằng một lò phản ứng hạt nhân nhỏ, sẽ kích hoạt sau khi được tên lửa đẩy nhiên liệu rắn phóng lên không trung.
Nhưng tờ New York Times dẫn lời tổ chức Sáng kiến đe dọa hạt nhân (Nuclear Threat Initiative) rằng 13 cuộc thử nghiệm hệ thống từ năm 2017 đến năm 2019 đều không thành công.
Ông Putin cũng nói trên truyền hình rằng công việc chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tên Sarmat gần như đã hoàn tất.
Bất chấp tiết lộ rõ ràng về loại tên lửa mới, ông Putin nói rằng Nga không có kế hoạch thay đổi học thuyết hạt nhân của mình - chính sách đặt ra các trường hợp mà quân đội Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.
Ông Putin nói thêm rằng sự tồn tại của nhà nước Nga không bị đe dọa và "không một người có đầu óc tỉnh táo và trí nhớ minh mẫn" nào lại dự tính dùng vũ khí hạt nhân chống lại nhà nước này.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga chỉ ra rằng về mặt lý thuyết, nước này có thể rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996. Ông lập luận rằng vì Mỹ đã ký kết nhưng chưa bao giờ phê chuẩn nên Nga có thể hành động theo cách tương tự.
Cũng trong cuộc họp ở Sochi, ông Putin cho biết vụ tai nạn máy bay khiến ông chủ Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, Yevgeny Prigozhin thiệt mạng hồi tháng 8 không phải do "sự can thiệp từ bên ngoài" như một cuộc tấn công bằng tên lửa.
Ông cho biết thi thể thủ lĩnh nhóm lính đánh thuê và những người khác thiệt mạng trong vụ tai nạn đã được phát hiện có "mảnh lựu đạn" trong người, đồng thời nói thêm: "Người đứng đầu Ủy ban Điều tra đã báo cáo điều này với tôi vào ngày hôm trước."
Tổng thống Putin không giải thích một quả lựu đạn có thể phát nổ trên máy bay như thế nào, nhưng cho biết ông nghĩ các nhà điều tra lẽ ra nên tiến hành kiểm tra nồng độ cồn và ma túy trên thi thể các nạn nhân vụ tai nạn.
Hiện chưa có báo cáo chính thức nào về nguyên nhân vụ tai nạn được công bố.
----------