Việt Nam trong thế giới Chiến Quốc
Tác giả : Lê Học Lãnh Vân Nguồn: Blog Thụy My Ngày đăng: 2023-10-11
Cục diện thế giới có nhiều dấu hiệu đang tiến tới đại loạn. Các đại cường có duy trì được hòa bình, và có muốn duy trì không là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Trong hoàn cảnh thế giới bước vào thế Chiến Quốc, chưa biết cục diện sẽ là lưỡng cực hay đa cực. Nước nào giữ được hòa bình cho mình, nghĩa là giữ và phát triển nguồn lực kinh tế, quân sự, nhân lực sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn về sau.
Việt Nam hiện nay là quốc gia bậc trung, nhìn từ góc độ tổng hòa kinh tế, quân sự, địa chính trị. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là cường quốc quân sự án ngữ Biển Đông. Do tầm quan trọng quá lớn của Biển Đông, Việt Nam trở nên quan trọng đối với thế giới.
Với vị thế địa chính trị, thực lực kinh tế, quân sự của mình, Việt Nam có thể giữ hòa bình được không?
Quan sát của bài viết này là hiện nay bất kỳ quốc gia nào, khi lựa chọn chiến tranh với Việt Nam, đều phải cân nhắc rất kỹ. Thực tế hiện nay cho thấy chỉ có Trung Cộng là có thể gây chiến với Việt Nam, hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua một quốc gia khác. Xúi một quốc gia khác gây chiến không còn dễ dàng như bốn mươi mấy năm trước, nhất là khi quốc gia ấy không còn nằm trong vòng kim cô ý thức hệ! Vậy, xét hoàn cảnh thực tế hiện nay, cuộc chiến nếu có sẽ do Trung Cộng gây hấn bởi tham vọng đường lưỡi bò vô lý và phi pháp.
Nếu mục tiêu chính trước mắt của Trung Cộng là khống chế vùng Biển Đông thì chiếm đảo là biện pháp! Hiện nay Trung Cộng đã đạt ưu thế, nhưng nếu từ ưu thế đó mà lấn nữa thì cũng phải cân nhắc cái giá phải trả so với những gì đạt được thêm. Việt Nam không đơn độc như trước kia, ít nhất có Mỹ, Nhật và các cường quốc như Ấn Độ, Úc, châu Âu hỗ trợ dù chưa có hiệp ước đồng minh. Và Trung Cộng đang có những khó khăn về kinh tế ảnh hưởng tới vị thế toàn cầu. Trung Cộng cũng đang vướng bận các vấn đề lớn hơn như Nga, Trung Á… Cái giá Trung Cộng phải trả không chỉ là thiệt hại trực tiếp bởi chiến tranh!
Việt Nam tất nhiên tìm mọi cách tránh xung đột vũ trang. Với một sự mềm dẻo chính trị ngoại giao cần thiết, Việt Nam có đủ năng lực giữ hòa bình.
Giữ hòa bình như thế nào? Giữ hòa bình để phát triển và phát triển để giữ hòa bình. Khi đã ở một mức độ đủ cao, quốc gia có thể chủ động giữ hòa bình mà không phải hy sinh quyền lợi kinh tế hay chủ quyền lãnh thổ.
Quan sát chăm chú thế giới, tùy thời cơ mà phát triển, tùy nguy cơ mà tránh né hay khắc phục!
Việt Nam phải tận dụng thời cơ tranh chấp Mỹ - Trung đưa nền kinh tế, công nghệ quốc gia lên tầm mới, cao và bền vững hơn. Trong khi củng cố mối quan hệ Việt - Trung, Việt Nam cần sử dụng mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ như một công cụ chiến lược thực hiện mục tiêu chính của quốc gia: phát triển mau chóng và bền vững. Định vị chính xác được mình, Việt Nam sẽ có cách sử dụng nguồn lực từ cả Trung Quốc và Hoa Kỳ. Sử dụng nguồn lực không phải là xin xỏ, mà là trao đổi sòng phẳng trên thực lực và vị thế quốc gia.
Tạo nguồn nhân lực cho quốc gia đủ sức tận dụng thời cơ. Nguồn nhân lực ấy có thể tới từ đào tạo nội bộ, hay từ sự vận động Việt kiều trên thế giới. Có chính sách sao cho mỗi chủ nhân của nguồn lực ấy đều là người chủ của quốc gia. Việt kiều không chỉ là “núm ruột của đất nước” mà còn phải là người chủ của đất nước nếu chịu về góp sức. Người dân trong nước cũng vậy, phải có sự bình đẳng về vị thế, quyền lợi, trách nhiệm giữa người dân, giữa các thành phần trong xã hội. Không ai chấp nhận số phận bất bình đẳng trên chính quê hương!
Quốc gia phải xây dựng cho mình một chính quyền được sự ủng hộ của đa số người dân. Chính quyền có tầm vóc quốc gia phải đứng ngoài, đứng trên sự kỳ thị vùng miền, tôn giáo, đảng phái, quá khứ phân chia. Chính quyền ấy lãnh đạo, tổ chức và quản trị, do dân chúng xung phong nhận trách nhiệm và do dân chúng chọn lựa. Chỉ một chính quyền có tầm vóc quốc gia mới có thể kêu gọi sự đồng lòng và giải quyết các chính đề của quốc gia!
Hoàn cảnh bây giờ không cho phép Việt Nam phung phí thì giờ vào chia rẽ, mà phải tranh thủ từng phút cho sự đoàn kết quốc gia!
LÊ HỌC LÃNH VÂN
10.10.2023
----------