Miền Nam vẫn chình ình đó, không mất đi đâu. Nó chỉ mất một thứ: VĂN HÓA.
Tác giả : Khuyết danh Nguồn: Sàigòn Nhỏ Ngày đăng: 2023-10-14
LTS: Thỉnh thoảng trên các trang mạng xã hội, vẫn xuất hiện các bài viết ngắn của những người xa xứ, hoài vọng, hoài niệm. Những bài viết ngắn đó, như dưới đây là một ví dụ, không hiểu sao cứ làm se thắt lòng những ai đã từng sống qua một thời tự do ở miền Nam. Văn chương đôi khi như dao nhọn, làm ứa máu trong tim, không lành được. Đoản văn này, không tìm được tên tác giả gốc, chỉ biết được chia sẻ từ facebook Tám Sài Gòn. Xin phép gửi lên đây để cùng tác giả, nhớ về đôi điều rất cũ, nhưng chưa bao giờ phai nhạt.
- Miền Nam có mất đi đâu mậy?
- Có đó… Nó chỉ mất một thứ: Văn Hoá!
Nghe ông anh Thành Lộc kể câu chuyện ở quán bún bò của một gia đình gốc Huế trên đường Cao Bá Nhạ có chú trai con bà chủ, mỗi lần tính tiền đều lễ độ bặt thiệp làm anh luôn dừng đũa để nghe, chợt nhớ tới câu chuyện nho nhỏ này.
Hôm trước, vào một buổi chiều muộn, sau khi mua ít đồ từ chợ ABC bước ra, tui thấy một bà cụ chừng bảy mươi. Bà ăn mặc đẹp đẽ thẳng thớm, tóc bới cao, gương mặt trang điểm nhẹ, bày chiếc bàn xếp ra sau đuôi xe mình, đặt mấy nải chuối xanh trên đó.
Ngang qua, bà cười thật tươi với tui :
– Cậu ơi, mua giùm tui nải chuối đi cậu, chuối xiêm đen nhà trồng ngon lắm.
Cái thằng chẳng mấy khi ăn chuối định cám ơn rồi lướt qua nhưng đành dừng lại. Có lẽ bị nắm níu bởi cái giọng nói quá chừng ngọt.
– Bao nhiêu một nải vậy bà ơi?
– Dạ thưa cậu, năm đồng. Cái này là chuối xiêm đen nên nó mắc hơn chuối thường một chút.
– Vậy bà cho con hai nải nhe.
– Cậu ơi, sắp tối rồi, hay là cậu lấy giúp bà già bốn nải này luôn đi. Ăn hổng hết mình bỏ tủ lạnh hoặc nấu chè hay làm chuối chiên cũng ngon. Chưn cẳng tui bị khớp, ngồi từ chiều giờ bán được có một nải. Tối rồi, cậu lấy hết, tui tính 18 đồng thôi.
– Dạ được rồi, bà lấy hết cho con đi.


Bà cẩn thận gói mỗi nải vô từng bịch riêng, còn dặn dò thêm cách phân biệt chuối xiêm đen và xiêm thường.
Thằng tui cứ đứng xớ rớ hoài, hỏi thăm đủ thứ. Là để được nghe cái giọng nói ngọt mềm, được nghe cái cách nói của một-người-miền-Nam-cũ khi trước mỗi câu trả lời, bà đều “dạ thưa cậu”.
Thấy đâu đó bóng dáng bà nội, bà Tư, thấy mình như đang đứng giữa cái vùng đất đã từng được lớn lên, với những con người hiền hoà, khiêm nhường và quá đỗi ngọt ngào trong ứng xử. Tự nhiên thấy quê hương ở ngay trên chỗ này, ngọt ngào vô phương.
Bà Tư, bà nội hay bà bán chuối của tui, chẳng ai được học cao nhưng cái văn hoá ứng xử của họ sao mà văn minh mà dễ thương quá trời quá đất. Nói tới đây, tự nhiên so sánh, rồi tiếc ngẩn tiếc ngơ cái văn-hoá-miền-Nam.
Ai tiếc nuối những phố phường thênh thang xưa cũ, những áo dài thắt eo hay thể chế Cộng Hoà gì đó, cứ việc. Riêng tui, tui tiếc nuối một miền Nam hiền hoà, văn minh và lịch thiệp. Miền Nam vẫn chình ình đó, không mất đi đâu. Nó chỉ mất một thứ: Văn Hoá.
Cái miền-Nam tui đang nói tới được tính từ vĩ tuyến 17 trở vô.
----------