Cụ Tráng Thị Đấu: Hành trình trốn chạy cộng sản Việt Nam của cụ già gần trăm tuổi
Tác giả : Hạo Nhiên Nguồn: Nạch Sống Media Ngày đăng: 2023-10-20
LTS: Vài ngày trước, chúng tôi đã đăng một bài viết về cụ Tráng Thị Đấu, người tỵ nạn ở Thái Lan vừa qua định cư Hoa Kỳ ở tuổi 98.
Sau đây là một bài viết khác về cụ Tráng Thị Đấu, đã đăng trên Việt Nam Thời Báo, về thời gian cụ ở Việt Nam và quá trình vượt biên sang Thái Lan lánh nạn.
Rễ đã ăn sâu vào đất đá cao nguyên Hà Giang lại bị chế độ cộng sản vô thần bứng gốc.
Cuối cùng thì cụ Tráng Thị Đấu đã rời Thái Lan đến bến bờ tự do. Những thủ tục chuyển đổi từ quy chế tỵ nạn sang quy chế bảo lãnh gia đình, rồi lại phải trở về quy chế tỵ nạn quả thật rắc rối khó khăn đối với một cụ bà 98 tuổi, có lúc lịch trình bay của cụ tưởng phải hoãn lại. Tuy nhiên hành trình trốn chạy, tránh nạn đàn áp tôn giáo từ Việt Nam sang Thái Lan của cụ còn gian nan và vô cùng nguy hiểm.
Cụ Tráng Thị Đấu sinh năm 1925 trong một bản làng người Mông, xa tít trên cao nguyên phía Đông Bắc Việt Nam. Người đàn bà nhỏ bé này không hề nghĩ có ngày bước ra khỏi nơi bà chôn nhau cắt rốn, Xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang, nơi heo hút ít người biết đến, từ đó xuống tỉnh lỵ Hà Giang phải mất hai ngày đi bộ, vượt qua núi, đèo với những vực sâu mà lỡ con trâu trượt chân lăn xuống cũng khó tìm thấy xác.
Cuộc đời cụ, tưởng đã cắm rể ở vùng biên giới Việt Trung, ăn sâu vào núi đá Hà Giang, như tổ tiên 300 năm trước từ Vân Sơn, thuộc Vân Nam, Trung quốc chạy nạn diệt chủng của bọn nhà Thanh, sống nhờ sự bảo hộ của quan quân Đại Việt.
Vậy mà thời thế đổi thay.
Rễ đã ăn sâu vào đất đá cao nguyên Hà Giang lại bị chế độ cộng sản vô thần bứng gốc.
Năm 1990, cụ và các con theo Đạo Tin Lành. Gia đình cụ thường xuyên bị chính quyền, công an đến tận nhà sách nhiễu, tra hỏi. Gia đình cụ kiên trì giữ đạo. Hết công an xã Chí Cà đến chính quyền huyện Xín Mần gửi giấy triệu tập như những tội phạm. Họ bắt gia đình phải có mặt, tra tấn ép bỏ Đạo. Con trai cụ, ông Sùng A Phừ bị tra tấn tại đồn Biên Phòng 219 đến nỗi vỡ tại, bị điếc. Ông bảo công an biên phòng xem ông “như một con vật.
Không thể sống được với mảnh đất Hà Giang quê cha đất tổ, năm 1995, gia đình cụ theo con trai Sùng A Phừ di cư đến Xã Nậm Nhừ- huyện Nậm Pồ - Điện Biên để sinh sống. Gia đình làm nương trên mảnh đất Điện Biên một thời gian thì chính quyền, công an lại mò đến đàn áp, sách nhiễu, bắt phải cam kết bỏ Đạo. Chính quyền, công an cộng sản bảo gia đình phải bỏ đạo do Mỹ dựng nên. Công an nói với Sùng A Phừ, “Nếu mày không bỏ Đạo Vàng Chứ thì đi ở với Mỹ, bảo Mỹ cho nhà ở và cho đất để mày làm ăn thôi còn gì ở Việt Nam không có đất cho thằng mày làm ăn và ở đâu nhá, báo trước cho mày biết.” Anh Sùng A Phừ buồn bã nói tiếp, “Gia đình tôi thuờng xuyên bị đàn ác [sic], chịu sự ác bức [sic] do tôi và gia đình tôi theo Đạo Tin Lành”. Không phải chỉ người đàn ông duy nhất trong gia đình là Sùng A Phừ bị đánh đập dã man, mà là cả các con, và cụ Đấu, mẹ ông, lúc đó đã hơn 90 tuổi cũng bị đối xử tệ hại.
Không chịu nổi sự dùng bạo lực, quyền uy chèn ép hoạt động của người tôn giáo nghiệt ngã, dã man của chính quyền cộng sản, lại bị gán ghép là rắp tâm lập Vương Quốc Mông chống lại nhà nước Việt Nam, gia đình cụ Tráng Thị Đấu phải tính chuyện trốn khỏi mảnh đất đã cưu mang tổ tiên và gia đình họ từ bao thế kỷ.
Từ Lai Châu họ lần mò qua Trung Quốc, vượt biên sang Lào, bơi qua sông Cửu Long vào đất Thái, rồi dắt díu nhau đến Bangkok.
Vì lý do tế nhị, chúng tôi không thể kể rõ lộ trình suốt 2 tháng dài cụ Tráng Thị Đấu cùng gia đình trải qua từ lúc bỏ Lai Châu đến Thủ đô Thái xin tỵ nạn. Phóng viên Việt Nam Thời Báo đã đi một đoạn trên hành trình rất vất vả và nguy hiểm này.
Họ ra đi vào tháng 11 năm 2015, lúc miền cao nguyên biên giới giữa ba nước Việt-Trung-Lào bắt đầu rét đậm, sương mù đầy đặc có khi cả ngày, và phải đốt lửa sưởi ấm cho trâu bò trong chuồng khỏi chết cóng.
Họ không dám đi cùng nhau. Có khi tưởng lạc nhau. Có những đoạn đường đi xe ôm, có nhiều đoạn phải đi bộ, băng rừng, leo đèo, lội suối. Sùng A Phừ cõng mẹ, vợ anh địu các đứa nhỏ, cách xa nhau, dò dẫm từng bước trong đêm tối, trơn, ngã, ướt sũng khi băng qua các con suối lạnh buốt, tìm lại nhau bằng bản năng đi rừng của người thiểu số. Ôm nhau trong rừng đầy muỗi vắt, ngủ không dám đốt lửa sưởi, người này cố truyền chút thân nhiệt của mình làm ấm cho người kia.
Gian khổ, nhưng may mắn nhất cho gia đình cụ Đấu xảy ra trên đất Lào khi bị bắt tại Louang Namtha trên đường định đi Vientiane.
Khác với vài trăm gia đình người Mông chịu chung hoàn cảnh chọn đường trốn sang Miến Điện tỵ nạn trong các khu rừng thuộc tiểu bang Shan. Gia đình cụ Đấu quyết định đi đến Bangkok.
Cụ Đấu ngã bệnh. Không thể đi trong rừng không thuốc men, gia đình đành phải đi ngoài đường lớn, bất chấp nguy hiểm, hy vọng có thể mua thuốc chữa cho cụ. Không may họ bị công an bắt giữ và dẫn về đồn. Tại đây, người ta cho cụ Đấu đói lả và sốt hầm hập ăn một gói mỳ và uống thuốc. Lúc đó cũng sập tối, chỉ còn hai người trực. Hai người công an nói chuyện với anh Phừ bằng cách ra dấu tay. Đoán biết gia đình cụ Đấu vượt biên, họ ra dấu hỏi có tiền cho họ. Vợ anh Phừ có bao nhiêu dấu trong người móc hết cho họ. Hai người công an bàn với nhau chở gia đình trên hai chiếc xe gắn máy, đi một đoạn xa đồn, thả họ xuống đường mé rừng. Cụ Đấu nhờ được tô mỳ nóng, uống được vài viên thuốc, thấy đỡ bệnh. Đến sáng sớm, họ mướn xe ôm đi Louangphrabang, vào nhà người quen. Họ không đi về Vientiane nữa.
Nguy hiểm nhất khi cả gia đình phải vượt qua sông Mekong vào ban đêm. Dù đã chọn được khúc sông nước chảy khá êm, nhưng phải đưa một cụ già và mấy đứa nhỏ, ôm vào những cây nứa qua sông, sẽ không thể được nếu không có sự giúp đỡ tận tình của mấy ngư dân bờ bên kia. Cụ Đấu ngã bệnh nặng ngày hôm sau khi vào đất Thái Lan.
Nhờ sự giúp đỡ của những gia đình người tỵ nạn đi trước, gia đình cụ Đấu xin được giấy chứng nhận tỵ nạn của phủ Đặc Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, và họ hội nhập vào cộng đồng người Mông đang sống thành các nhóm nhỏ nghèo đói và cực nhọc chung quanh vùng ngoại ô Bangkok. Chỉ may mắn họ có tự do tôn giáo, điều họ nghĩ quan trọng nhất.
Từ giữa năm nay, Liên Hiệp Quốc mở rộng xét định cư cho người tỵ nạn. Những gia đình tỵ nạn người Việt gồm người Kinh, Thượng, Mông ở Thái được xét duyệt cho đi nước thứ ba. Họ lần lượt đi Mỹ, Úc, Canada và vài nước Âu Châu. Cánh cửa tự do mở ra cho họ. Bà cụ Tráng Thị Đấu may mắn có tên đi định cư trong những đợt đầu tiên.
Ngày chia tay tại Thái Lan, người con rể, từ Hoa Kỳ về đón mẹ vợ, tâm sự trong một buổi gặp mặt với những người đồng hương chưa đi:
“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ
Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha
Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha
Mẹ tôi, người đàn bà tuyệt vời.
Trên thế gian, các bà mẹ đều tuyệt vời, nhưng đối với chúng tôi, mẹ chúng tôi ngồi đây, bà TRÁNG THỊ ĐẤU, là người mẹ tuyệt vời nhất.
Mẹ chúng tôi là một người đàn bà tầm thường trong xã hội, nhưng những khổ đau bà phải chịu đựng trong đời và các hy sinh của bà đã làm cho bà trở nên vĩ đại với chúng tôi.
Từ khi cha tôi mất năm 1981, cho đến nay, gần 50 năm, bà là nơi bám víu của các anh chị em chúng tôi, là trung tâm, là trái tim của gia đình.
Năm 1981, lúc người Mông tìm được chân lý và lẽ sống thật trong đấng Christ qua đạo Tin Lành, cũng là lúc chính quyền cộng sản Việt Nam ra tay đàn áp khủng khiếp tôn giáo. Gia đình tôi thường xuyên bị đàn áp, chịu sự áp bức do gia đình tôi theo Đạo Tin Lành. Mẹ tôi, các anh chị em, con cháu chúng tôi bị đàn áp, nhưng lòng tin vững chắc vào đấng Cứu Thế Christ của người đàn bà già nua, yếu đuối là Mẹ chúng tôi đã khiến chúng tôi trở nên can đảm giữ vững đức tin.
Vào những thời gian đó, không chỉ chịu số phận đói nghèo như tất cả người Việt Nam và đặc biệt là dân tộc thiểu số chúng tôi, sự đàn áp tôn giáo của chính quyền trên người thiểu số rất tàn bạo, không thể tưởng tựơng được. Nhiều người bị chính quyền cộng sản Việt Nam quấy phá bắt bỏ đạo, đành đập, bắt giữ, bỏ tù, không ít người bị đánh chết trong tù.
Hàng ngàn người Mông phải bỏ quê hương trốn đi để giữ đạo. Người ta chạy vào miền Nam đến những nơi hẻo lánh không ai biết họ là ai, sang Lào, Miến Điện, Thái Lan. Mẹ tôi già yếu vẫn phải lê bước theo chân các con, cháu vượt hàng ngàn cây số sang Thái Lan.
Sống tỵ nạn chui nhủi tại Thái dù không bị đàn áp về tôn giáo, nhưng hoàn toàn không dễ dàng. Có những lúc chúng tôi ngã lòng, chịu đựng không nổi, vô cùng khổ đau thì mẹ là chỗ dựa cho tất cả mọi người trong gia đình, cho chúng tôi hy vọng tin tưởng vào Thiên Chúa và lòng nhân của con người.
Vài hôm nữa mẹ sẽ sang định cư tại Hoa Kỳ, nơi như đất Chúa hứa, đầy sữa và mật ong. Mẹ sẽ được nghỉ ngơi và dành tất cả thời gian bên cạnh các con cháu để phụng sự Chúa.
Chúng con kính yêu mẹ.”
----------