Sau khi ‘chỉ trích’ Mỹ, Bắc Kinh nói muốn cải thiện quan hệ quân sự với Washington
Tác giả : Dorothy Li
Biên dịch : Lam Giang
Nguồn: NTD Vn Ngày đăng: 2023-11-01
Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp tham dự Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, hôm 30/10/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP/Getty Images)
Tại một diễn đàn an ninh ở Bắc Kinh hôm thứ Hai (30/10), chính quyền Trung Quốc bày tỏ sự sẵn sàng trong việc tái thiết mối quan hệ quốc phòng với Mỹ sau nhiều lần chỉ trích Washington.
Tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxi), Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cơ quan ra quyết định của quân đội nước này, đã sử dụng hội nghị các quan chức quân sự toàn cầu do Bắc Kinh chủ trì để làm nổi bật ảnh hưởng ngoại giao của chế độ, trong bối cảnh thế giới đang vật lộn với cuộc chiến ở Ukraine và những xung đột ở Trung Đông.
Phát biểu khai mạc hội nghị quốc phòng Diễn đàn Hương Sơn lần thứ 10 tại Bắc Kinh ngày 30/10, Tướng Trương Hựu Hiệp tuyên bố: “Chúng tôi mong muốn phát triển quan hệ với quân đội nước ngoài trên cơ sở tin cậy lẫn nhau”.
"Chúng ta đang thấy các điểm nóng khắp thế giới lần lượt phát sinh. Nỗi đau chiến tranh, hỗn loạn, bất ổn và tổn thất sinh mạng liên tục diễn ra", tướng Trương Hựu Hiệp cho hay.
Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh với chủ đề "An ninh chung, duy trì hòa bình lâu dài" được mệnh danh là phiên bản "Đối thoại Shangri-La" của Trung Quốc. Đây là một sự kiện thường niên có sự tham dự của các lãnh đạo quân đội, chuyên gia, học giả đến từ nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Sau khi cam kết “tăng cường hợp tác và phối hợp chiến lược” giữa quân đội Trung Quốc và Nga, Tướng Trương Hựu Hiệp cho biết Trung Quốc “cũng sẵn sàng phát triển quan hệ quân sự” với Hoa Kỳ, nhưng nhấn mạnh rằng sự hợp tác đó phải dựa trên cái mà ông gọi là "tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và các nguyên tắc cùng có lợi".
Bình luận của Tướng Trương được đưa ra trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh vẫn còn bất đồng về nhiều vấn đề, từ Ukraine đến Đài Loan. Sau nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm nối lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Bắc Kinh đã cử nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị tới Washington vào tuần trước, một chuyến đi được nhiều người coi là dấu hiệu cho thấy căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bắt đầu tan băng.
Nhưng sự nồng ấm trong mối quan hệ Mỹ - Trung chẳng kéo dài lâu. Hôm 30/10, Tướng Trương, một đồng minh quân sự thân cận của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, đã có nhiều lời chỉ trích ngầm đối với Hoa Kỳ, đổ lỗi cho “một số quốc gia” đã xúi giục xung đột khu vực.
Một số chính phủ tiếp tục gieo rắc bất hòa trên khắp thế giới. Họ cố tình gây ra bất ổn, can thiệp vào các vấn đề khu vực, can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác và kích động các cuộc cách mạng màu”, Tướng Trương nói tại diễn đàn. Các quan chức cấp cao của chế độ đã sử dụng ngôn ngữ như vậy để mô tả những nỗ lực của Hoa Kỳ và các đồng minh nhằm gây áp lực lên ĐCSTQ về sự hung hăng của nước này đối với Đài Loan và hỗ trợ chiến lược cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Lên sân khấu theo sau Tướng Trương, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã ca ngợi mối quan hệ “mẫu mực” giữa Bắc Kinh và Moscow đồng thời nhắm thẳng vào Washington.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Shoigu cho biết: “Đường lối xung đột leo thang đều đặn của phương Tây với Nga tiềm ẩn nguy cơ nổ ra một cuộc xung đột quân sự trực tiếp giữa các cường quốc hạt nhân, gây ra nhiều hậu quả thảm khốc”.
Đặc biệt, hôm 30/10, Tướng Shoigu và Tướng Trương đã có cuộc gặp bên lề diễn đàn an ninh Hương Sơn.
(Từ trái sang) Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Trương Hựu Hiệp và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tham dự Diễn đàn Hương Sơn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 30/10/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP/Getty Images)
Thông điệp của hai chỉ huy quân sự cấp cao tương tự như thông điệp trong cuộc gặp mặt trực tiếp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Tập hồi đầu tháng này, nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ giữa Bắc Kinh và Moscow trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây.
Các nhà quan sát bên ngoài đã nói với The Epoch Times rằng ông Putin cần sự hỗ trợ từ ĐCSTQ khi đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga liên quan đến cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng điều khiến ông Tập thể hiện mối quan hệ chặt chẽ với ông Putin là mong muốn chuyển hướng sự chú ý khỏi những thách thức kinh tế và chính trị trong nước.
Một sự vắng mặt đáng chú ý tại Diễn đàn Hương Sơn năm nay là Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, người đã có bài phát biểu quan trọng của diễn đàn những năm trước. Nhưng chỉ vài ngày trước diễn đàn, Bắc Kinh đã sa thải Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc mà không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào. Bắc Kinh vẫn chưa công bố ai sẽ thay thế Tướng Lý, một kỹ sư hàng không vũ trụ bị Mỹ trừng phạt. Ông cũng không xuất hiện trước công chúng kể từ tháng 8/2023.
Việc Tướng Lý bị phế truất diễn ra sau khi ông Tập cách chức nhiều quan chức cấp cao, bao gồm cả bộ trưởng ngoại giao được ông “chọn mặt gửi vàng” cho đến các chỉ huy hàng đầu giám sát kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Sự việc này làm dấy lên suy đoán về tình trạng bất ổn tiềm tàng trong giới lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ.
'Trao đổi ngắn gọn'
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, sự kiện kéo dài ba ngày này đã thu hút các nhà lãnh đạo quốc phòng từ 23 quốc gia, bao gồm Nga, Việt Nam và Triều Tiên. Nhiều nước phương Tây hoặc đã tránh diễn đàn hoặc chỉ cử các phái đoàn cấp thấp tới.
Bộ Quốc phòng Mỹ đã cử một phái đoàn do ông Cynthia Xanthi Carras, Giám đốc quốc gia Trung Quốc tại Văn phòng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu.
Ông Carras đã có một “cuộc trao đổi ngắn” với ông Ngô Khiêm (Wu Qian), phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, theo một tài khoản mạng xã hội liên kết với đài truyền hình nhà nước CCTV đưa tin.
Sự tham gia của phái đoàn Mỹ diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc tăng cường quan hệ trước hội nghị thượng đỉnh dự kiến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng tới.
Tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Vương Nghị, đã hội đàm với Tổng thống Biden trong vòng một giờ. Nhà Trắng mô tả đây là “cơ hội tốt” để duy trì đường dây liên lạc cởi mở giữa hai đối thủ.
Tuy nhiên, ông Vương Nghị cho rằng cuộc gặp giữa ông Biden và ông Tập vào tháng Mười Một sẽ không dễ dàng.
Phát biểu vào ngày cuối cùng trong chuyến đi ba ngày ở Washington, ông Vương nói với cộng đồng chiến lược Hoa Kỳ rằng con đường hướng tới hội nghị thượng đỉnh San Francisco sẽ “không thuận buồm xuôi gió” và sự thuận lợi cũng không “tự nhiên mà có”.
Theo The Epoch Times
Lam Giang biên dịch
----------