Xung đột Israel-Hamas có tác động đến bầu cử tổng thống Mỹ 2024 ?
Tác giả : Phan Minh Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-11-06
Ngày 05/11/2024, người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu để bầu tân tổng thống. Bên đảng Dân Chủ, có nhiều khả năng đương kim tổng thống Joe Biden sẽ ra tranh cử nhiệm kỳ hai. Về phía đảng Cộng Hòa, cựu tổng thống Donald Trump dường như là ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng, bất chấp những rắc rối pháp lý mà ông đang phải đối mặt.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Tel Aviv, Israel, ngày 18/10/2023. via REUTERS - POOL
Theo truyền thống, chính sách đối ngoại thường không gây nhiều ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Nhưng lần này, mọi chuyện có thể khác, do xung đột bùng phát trở lại ở Trung Đông. Trên thực tế, cuộc chiến giữa Israel và Hamas được theo dõi rất kỹ ở Hoa Kỳ. Trong khi đảng Cộng Hòa và tất cả các ứng cử viên bầu cử sơ bộ đều đứng về phía Israel, thì đảng Dân Chủ lại có vẻ bị chia rẽ hơn trong vấn đề này. Tổng thống Biden, theo truyền thống, ủng hộ lợi ích của nhà nước Do Thái, đã rơi vào thế bí kể từ ngày 07/10, khi ông vừa tìm cách bảo vệ đồng minh chiến lược Israel, qua việc ủng hộ nước này đối phó với các cuộc tấn công của Hamas, nhưng đồng thời không tỏ ra vô cảm với những nạn nhân người Palestine do hành động đáp trả của quân đội Israel gây ra.
Joe Biden, một “người ủng hộ Nhà nước Do Thái” buộc phải “đi dây”
Đối mặt với quy mô và tính chất của vụ tấn công nói trên, Joe Biden, người so sánh sự kiện này với nạn diệt chủng người Do Thái và các cuộc tấn công khủng bố ngày 11/09, đã ngay lập tức hứa sẽ hỗ trợ chính phủ Israel một cách vô điều kiện. Lời hứa này được hiện thực hóa không chỉ bằng chuyến thăm của ông tới Israel vào ngày 18/10, bất chấp những rủi ro chính trị và an ninh, mà trên hết là qua việc Washington tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực, cùng với việc cung cấp cho Israel vũ khí vốn dành cho Ukraina.
Tổng thống Biden duy trì mối quan hệ khăng khít với Israel, đất nước mà ông luôn ủng hộ trong suốt sự nghiệp chính trị lâu dài của mình, bất chấp những khoảng thời gian xích mích với đương kim thủ tướng Benyamin Netanyahu, người mà ông đã nhiều lần “tiếp cận” kể từ khi ông còn là phó tổng thống dưới thời Barack Obama (2008-2016).
Tự xem mình là một “người ủng hộ Nhà nước Do Thái”, Joe Biden thậm chí còn “được quý trọng” ở Israel hơn là ở Hoa Kỳ, và luôn được các nhóm thân Israel tích cực ủng hộ trong suốt sự nghiệp của ông.
Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, ông Biden sẽ khó lòng duy trì được lập trường vốn có : Tổng thống Mỹ phải tìm cách tránh cho xung đột tại Trung Đông lan rộng, nhưng đồng thời bị cả cánh tả lẫn cánh hữu đả kích, trong bối cảnh tình hình chính trị trong nước hết sức căng thẳng.
Ông Biden bị cánh tả của phe Dân Chủ chỉ trích là không thực sự quan tâm đến số phận của thường dân Palestine ở dải Gaza, và quá nhu nhược đối với chính phủ Netanyahu. Còn đảng Cộng Hòa thì cho rằng ông phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công Israel, khi ông tỏ ra nhu nhược với Iran, quốc gia ủng hộ tổ chức Hamas.
Nhận thức được tầm mức của sự việc, lần thứ hai trong nhiệm kỳ tổng thống, Joe Biden đã phát biểu trước quốc dân vào giờ vàng từ Phòng Bầu Dục vào ngày 21/10, và lên án cả nạn bài Do Thái lẫn bài Hồi Giáo, hai hiện tượng gia tăng đáng kể từ ngày 07/10. Trong bài phát biểu, ông kêu gọi Israel đừng “để bị mù quáng bởi cơn thịnh nộ” và hãy rút ra những bài học của một “nước Mỹ đã trải qua địa ngục sau sự kiện 11/09”“đã phạm sai lầm”, ám chỉ đến cuộc can thiệp quân sự vào Irak được chính quyền Bush phát động vào năm 2003.
Cánh tả bị chia rẽ
Các cuộc biểu tình và tranh luận sôi nổi đã nổ ra trên toàn quốc, điển hình là ở New York, trong các trường đại học và thậm chí tại điện Capitol, nơi các nhà hoạt động vì hòa bình người Do Thái kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức và đòi công lý cho người Palestine.
Trong nhiều năm, đảng Dân Chủ đã bị chia rẽ về vấn đề Israel. Cánh tả của đảng ngày càng bất bình với cách mà Israel đối xử với Palestine, và bao quát hơn là bất bình với chính phủ cánh hữu và cực hữu do thủ tướng Benyamin Netanyahu lãnh đạo.
Điều này không chỉ được thể hiện qua việc nội bộ đảng bị chia rẽ, mà còn qua “sự chuyển hướng” của các cử tri đảng Dân Chủ trong các cuộc thăm dò dư luận. Sự kiện ngày 07/10 lẽ ra có thể đảo ngược xu hướng này, nhưng sự khác biệt về thế hệ và chủng tộc vẫn còn là một vấn đề nan giải : giới trẻ và những người da màu thuộc cánh tả phản đối việc hỗ trợ quân sự cho Israel nhiều hơn những nhóm xã hội khác. Cụ thể là có 72% người da trắng cho rằng Hoa Kỳ nên công khai lập trường ủng hộ Israel, nhưng chỉ có 51% người da màu có cùng quan điểm này.
Nhận thấy dư luận ngày càng nhạy cảm trước nỗi khổ đau của người dân ở Gaza, gần đây, tổng thống Biden đã thay đổi luận điệu. Trong bối cảnh đó, ông ngày càng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn cho dân thường và cung cấp viện trợ nhân đạo, thậm chí ông còn hứa sẽ hỗ trợ 100 triệu đô la cho Gaza. Tuy nhiên, trước khi Hamas chịu thả con tin, ông loại trừ mọi lệnh ngừng bắn, mà một số trí thức Mỹ gốc Do Thái cũng như nhiều chuyên gia luật pháp quốc tế đang yêu cầu.
Đảng Cộng Hòa (cuối cùng lại) thống nhất
Về phần mình, đảng Cộng Hòa, mặc dù bị chia rẽ về một số vấn đề trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là Ukraina, lại hoàn toàn thống nhất ủng hộ Israel.
Hành động đầu tiên của tân chủ tịch Hạ Viện, Mike Johnson, là thông qua một nghị quyết yểm trợ Israel “bất cứ thứ gì nước này cần trong cuộc chiến chống lại Hamas”, nghị quyết được thông qua với đa số áp đảo.
Ngay cả Donald Trump, vẫn được đánh giá là ứng viên sáng giá nhất của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, đã phải “cải chính” sau khi chỉ trích Netanyahu và ca ngợi Hezbollah, lực lượng mà ông mô tả là “rất thông minh”, sau khi cựu tổng thống bị chỉ trích mạnh mẽ bởi các đối thủ trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Giống như ông Johnson, hầu hết những người da trắng theo đạo Tin Lành, thành phần cử tri nòng cốt của đảng Cộng Hòa, đánh giá các sự kiện ở Israel theo nghĩa đen qua những lời tiên tri trong Kinh Thánh về thời kỳ tận thế và lời hứa của Chúa với Abraham về một vùng đất cho hậu thế. Chính niềm tin này của những người theo đạo Tin Lành đã một phần thúc đẩy quyết định của Donald Trump chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem vào năm 2018. Ngoài ra, cũng có sự gần gũi về ý thức hệ ngày càng tăng giữa đảng Cộng Hòa và đảng Likud của thủ tướng Israel Benyamin Netanyahu.
Một yếu tố quan trọng khác : Nhiều nhân vật bảo thủ vẫn có tư tưởng bài Hồi Giáo, điều mà Donald Trump đã từng nuôi dưỡng và khai thác. Trump đã hứa là nếu tái đắc cử tổng thống, ông sẽ áp dụng trở lại lệnh cấm nhập cảnh Hoa Kỳ đối với công dân của một số quốc gia có đa số dân theo Hồi Giáo và nới rộng biện pháp này với cả những di dân ở Gaza.
Cuộc bầu cử tổng thống 2024 liệu có bị ảnh hưởng ?
Trừ một số ngoại lệ, các vấn đề liên quan đến chính sách đối ngoại hầu như không bao giờ quyết định kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Điển hình là chiến tranh Irak hồi năm 1991, diễn ra tương đối nhanh chóng và được coi một là thắng lợi, cũng không giúp cho George H. Bush, mặc dù nhận được tỷ lệ ý định bỏ phiếu rất cao trong các cuộc thăm dò dư luận, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống 18 tháng sau đó. Đối với cử tri Mỹ, điều quan trọng nhất là những vấn đề thường nhật, đặc biệt là những vấn đề về kinh tế.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại rất đặc biệt. Kết quả cuộc bầu cử hứa hẹn sẽ rất sít sao và có thể sẽ được định đoạt ở một số bang dao động.
Mặc dù đa số cử tri vẫn ủng hộ Israel, nhưng viễn cảnh một bộ phận thiểu số ủng hộ Palestine và những thanh niên theo cánh tả không chịu đi bầu có thể trở thành mối nguy hiểm thực sự đối với Joe Biden, nếu tình hình ở Trung Đông trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, một bang quan trọng như Michigan, nơi Biden giành chiến thắng vào năm 2020 với tỷ lệ chênh lệch nhỏ - 150.000 cử tri, có dân số Hồi Giáo lớn, ước tính khoảng 240.000 người, những người đang bất bình với chính sách mà chính quyền hiện tại áp dụng đối với Palestine.
Trong khi đó, đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa biệt lập, và gần như chắc chắn phải đối đầu với Donald Trump, một người thân Nga, sẵn sàng coi nhẹ vai trò của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) và làm suy yếu châu Âu, Joe Biden sẽ phải thuyết phục cử tri rằng Hoa Kỳ thực sự là “quốc gia thiết yếu” trong cuộc chiến chống lại những bạo chúa và những kẻ khủng bố đe dọa người dân và các nền dân chủ. Ông cũng sẽ phải chứng minh, như ông đã nói trong bài phát biểu với quốc dân, rằng tổng thống Nga Putin cũng nguy hiểm như tổ chức Hamas. Cuối cùng, ông Biden sẽ phải tìm cách làm phai mờ hình ảnh một nước Mỹ suy yếu, đại diện bởi một tổng thống tuổi cao sức yếu, vào thời điểm các cử tri dường như bị quyến rũ bởi năng lượng và sức mạnh nhiều hơn là kinh nghiệm và năng lực.
Nguồn : The Conversation
----------