Hamas: Từ kháng chiến, khủng bố, đến tội ác chiến tranh?
Tác giả : Thu Hằng Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-11-16
Hamas có thể bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh nếu biến các bệnh viện thành sở chỉ huy hoặc làm kho vũ khí, trái với luật pháp quốc tế về quy chế dân sự của bệnh viện. Quân đội Israel thông báo phát hiện một trung tâm chỉ huy trong hệ thống đường hầm bên trong bệnh viện Al Shifa, lớn nhất ở dải Gaza.
 
Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian (T) và lãnh đạo Hamas Ismail Haniyeh ở Doha, Qatar, ngày 31/10/2023. © AP / Iranian Foreign Ministry
Vào lúc cộng đồng quốc tế phẫn nộ về chiến dịch trả đũa đẫm máu của quân đội Israel làm hơn 11.300 thường dân ở Gaza thiệt mạng, Israel cũng công bố nhiều đoạn video lên án những vụ tàn sát dã man của Hamas ngày 07/10, những vụ có thể được xem là hành động khủng bố của một tổ chức ban đầu tự nhận là lực lượng kháng chiến chống Israel, giành lại đất cho người Palestine.
Ở miền bắc Gaza, quang cảnh như ngày tận thế sau những trận oanh kích của Israel. Ở miền nam là thảm cảnh nhân đạo. Người dân Palestine ở dải Gaza bắt đầu hết kiên nhẫn, vô vọng chờ được phát nước, lương thực. Bắt đầu có những tiếng nói phản đối cách kiểm soát bằng bàn tay sắt của Hamas. Đây là lực lượng duy nhất quản lý dải Gaza từ năm 2006 và trở thành kẻ thù của đảng Fatah của chính quyền Palestine hiện quản lý vùng Cisjordanie.
Hamas được hình thành như thế nào ?
Hamas được thành lập năm 1987 ngay buổi đầu phong trào Intifada (cuộc chiến ném đá) đầu tiên của người dân Palestine nổi dậy chống lực lượng Israel chiếm đóng ở dải Gaza và vùng Cisjordanie sau một vụ tai nạn do xe tải quân sự của Israel gây ra ngày 09/12/1987 ở trại tị nạn Jabaliya ở miền bắc dải Gaza. Trong bối cảnh hỗn loạn đó, Ahmed Yassine đã thành lập Hamas, ban đầu được coi là nhánh vũ trang Palestine của tổ chức Huynh Đệ Hồi Giáo.
Giáo sư xã hội học Laetitia Bucaille của trường Inalco (Paris), được trang Public Sénat trích dẫn ngày 09/10/2023, cho biết : “Lúc đó, một phần của phong trào Huynh đệ Hồi Giáo Ai Cập hiểu rằng phong trào của họ không thể bỏ lỡ bước ngoặt lịch sử từ cuộc nổi dậy của người Palestine chống lại Israel”.
Phong trào Intifada thứ nhất chỉ chấm dứt sau khi thủ tướng Israel Yitzhak Rabin và chủ tịch Tổ Chức Giải Phóng Palestine Yasser Arafat ký hiệp định Oslo năm 1993. Hiệp định đặt nền móng giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine và thành lập Chính quyền Dân tộc Palestine (Palestinian National Autority) để cai quản các vùng lãnh thổ Palestine. Nhưng lực lượng Hamas luôn ưu tiên đấu tranh vũ trang và bác bỏ mọi tiến trình hòa bình.
Nhà nghiên cứu chính trị Sarah Daoud giải thích : “Hamas tự nhận là lực lượng kháng chiến vũ trang cuối cùng của Palestine so với những bên chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Hiện giờ, họ vẫn dựa vào thất bại của thỏa thuận Oslo trong việc giải quyết cuộc xung đột để chỉ trích Chính quyền Palestine”. Tôn chỉ của Hamas là liên tục tấn công cho đến khi tiêu diệt hoàn toàn Israel và thành lập nước Palestine trên toàn lãnh thổ.
Ngày 14/05/1948, Nhà nước Israel được thành lập trong vùng Palestine do Anh Quốc quản lý trước đó. Liên Hiệp Quốc dự kiến chia vùng lãnh thổ thành ba khu vực : một khu vực Do Thái, một Ả Rập và một trung lập bao gồm cả Jerusalem. Nhưng các nước láng giềng không chấp nhận sự phân chia này. Chiến tranh chấm dứt tháng 03/1949, Israel giành chiến thắng. Nhà lãnh đạo Israel David Ben Gourion từ bỏ ý định tấn công đến tận khu vực trú đóng ở miền nam của quân Ai Cập - vùng đất sau này trở thành “dải” Gaza, dài 41 km, rộng từ 6 đến 12 km.
Hất cẳng Fatah, chiếm độc quyền Gaza
Ngay từ khi thành lập năm 1987, Hamas hoạt động trên hai mặt trận với hai nhánh chính trị và quân sự. Nhà nghiên cứu Sarah Daoud lưu ý : “Trái với Fatah, luôn có rất nhiều bất đồng trong giới lãnh đạo (do liên minh với nhiều khuynh hướng chính trị khác), Hamas vẫn là một mặt trận thống nhất và điều đó làm nên sức mạnh của họ”.
Về mặt chính trị, Hamas thâm nhập sâu rộng trong dân nhờ chiêu bài dân túy, cáo buộc Fatah nhu nhược, vô dụng. Hamas lợi dụng sự suy yếu của Chính quyền Palestine, bị Israel nhắm đến từ sau phong trào Intifada thứ hai năm 2000, để trở thành một tổ chức quan trọng. Giành thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương tháng 12/2004, tiếp theo là bầu cử nghị viện tháng 01/2006, Hamas trở thành lực lượng chính trị lớn nhất trong Chính quyền Palestine, vượt qua cả tổ chức Fatah, về thứ hai. Ismail Haniyeh, nguyên thư ký đặc biệt của nhà sáng lập Hamas Ahmad Yassine (bị chết trong một trận oanh kích năm 2004), trở thành thủ tướng. Sau đó, chính trị gia có bằng đại học chuyên ngành văn học Ả Rập, nguyên hiệu trưởng Đại học Hồi Giáo Gaza, được bầu làm lãnh đạo Văn phòng Chính trị của Hamas năm 2017.
Hamas tiếp tục khai thác tinh thần hiếu chiến của người dân ở Gaza, từng bước củng cố thành lực lượng thực chất duy nhất trên lãnh thổ. Hai lực lượng Hamas và Fatah liên tục đối đầu trong tháng 06/2007. Kết quả là Hamas giành chiến thắng và kiểm soát toàn bộ dải Gaza. Tổng thống Abbas thuộc đảng Fatah, được cộng đồng quốc tế công nhận, lui về Cisjordanie. Hamas và Fatah trở thành kẻ thù.
Đến tháng 12/2019, Ismail Haniyeh tình nguyện sống lưu vong, di chuyển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar. Họ có một văn phòng ở Qatar. Ngay ban lãnh đạo chính trị của Hamas cũng không hề biết trước về thời điểm mà cánh quân sự của nhóm này dự định tấn công Israel. Tuy nhiên, “khi thời cơ tới, chính họ sẽ đàm phán đình chiến với Israel. Dĩ nhiên thành viên nhánh vũ trang không xuất hiện trong hoạt động này”, theo giải thích của nhà nghiên cứu Sarah Daoud.
Trên mặt trận quân sự, sau thời gian chủ trương tấn công tự sát bắt đầu ngay từ năm 1993, tổ chức Hamas quyết định chấm dứt hoạt động này vào năm 2006, thay vào đó là bắn rocket từ Gaza sang Israel (2008, 2012, 2014, 2021, 2023), kéo theo các cuộc xung đột do Israel trả đũa, trong khi Chính quyền Palestine không thể can thiệp. Để chặn các đợt pháo kích của Hamas, Nhà nước Do Thái triển khai hệ thống Vòm Sắt năm 2011. Năm 2021, 65 km tường rào bảo vệ kiên cố, tối tân được dựng lên, kể cả dưới lòng đất để chặn đường hầm của Hamas, với chi phí lên tới 1,1 tỉ đô la.
Nhánh quân sự gồm các Lữ đoàn Izz al-Din al-Qassam, đứng đầu là Mohamed Deif, được mệnh danh Mohamed “Khách mời” (Deif) vì thường xuyên thay đổi chỗ ở, không bao giờ ngủ quá một đêm ở cùng một nơi. Viên chỉ huy này chính là đầu não loạt tấn công và sát hại đẫm máu hơn 1200 người ở Israel và bắt cóc hơn 200 người.
Hamas có những "đồng minh" nào?
Hamas bị đa số các nước trên thế giới liệt vào danh sách tổ chức khủng bố hoặc “thế lực thù địch”. Israel và Ai Cập phong tỏa dải Gaza, áp đặt hạn chế di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Gaza trở thành “nhà tù lộ thiên” thiếu điện nước, khí đốt, theo lời của Henri Guaino, cố vấn của tổng thống Nicolas Sarkozy năm 2012.
Trước khi chính thức trở thành lực lượng như hiện nay, Hamas chủ yếu được Ả Rập Xê Út và Syria tài trợ. Lúc đó Israel không lo lắng, vì Hamas chưa phát triển hoạt động vũ trang. Dù hiện bị coi là tổ chức khủng bố, nhiều lãnh đạo bị trừng phạt, Hamas vẫn có một số đồng minh. Trước tiên phải kể đến Iran, luôn được coi là sự ủng hộ biểu tượng và nguồn viện trợ tài chính cho Hamas. Song song đó là lực lượng Hezbollah Liban theo hệ phái Shia.
Trường hợp của Qatar thì mập mờ hơn. Nhà nghiên cứu Sarah Daoud nhận định Qatar “ở thế tế nhị, vì là nhà cung cấp tài chính cho Hamas từ nhiều năm nay. Qatar cũng đón các chính khách Hamas lưu vong và hỗ trợ họ, nhưng chỉ đơn thuần về mặt nhân đạo, và được Israel đồng ý. Đây cũng là trường hợp của Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Maroc, Bahrein và Sudan từ khi ký các thỏa thuận Abraham năm 2020”.
Trong chương trình “Khách mời Quốc tế” của đài RFI ngày 09/11, ông Majed Al Ansari, cố vấn của thủ tướng Qatar bác bỏ mọi cáo buộc Qatar ủng hộ “tổ chức khủng bố” Hamas :
“Trước tiên, chúng tôi mạnh mẽ lên án mọi cáo buộc đó. Cộng đồng quốc tế biết chúng tôi làm gì trong việc làm giảm căng thẳng và làm trung gian giữa Hamas và Israel. Mỗi xu dành cho việc tái thiết và cải thiện tình hình ở Gaza đều được phối hợp với các tổ chức quốc tế, các cơ quan của Liên Hiệp Quốc có mặt ở Gaza. Ngoài ra, phải nói thêm là mọi viện trợ gần như đều đi qua ngả Israel. Nhà nước Do Thái luôn phối hợp với chúng tôi về điểm này. Không có chuyện tiền được chuyển thẳng cho Gaza, mà luôn đi qua các Israel, viện trợ đi qua các điểm biên phòng Israel, qua các ngân hàng Israel.
Vì thế không có căn cứ để cáo buộc chúng tôi, mà nếu có thì chắc phải cáo buộc thẳng Israel tài trợ cho Hamas. Và dĩ nhiên điều này thật vô nghĩa. Chúng tôi đóng vai trò trung gian viện trợ và gây dựng bầu không khí hòa bình trong khu vực này. Những vụ tấn công mà chúng tôi đang phải hứng chịu là những hành động phá hoại và những người đưa ra những cáo buộc đó không muốn hòa bình cho khu vực này”.
----------