Trâu không uống nước ai đè đầu trâu
Tác giả : Ngọc Linh Lan Nguồn: Việt Nam Thời Báo Ngày đăng: 2023-11-22
Bánh ít đi thì bánh quy lại. Trong vụ Vạn Thịnh Phát, với người dân không am tường các thuật ngữ và những quy định của chuyện quản lý ngân hàng, rất cần được nhà chức trách giúp giải thích loạt thắc mắc như sau về đương sự Trương Mỹ Lan, bà chủ của tập đoàn Vạn Thịnh Phát:
– Bà huy động số lượng tiền đó để làm gì?
– Việc huy động đó có trái quy định không?
– Bà ấy đã bội tín bao giờ chưa?
– Có chỉ báo nào cho thấy tiền huy động đang rơi vào thua lỗ, mất mát, mất khả năng phục hồi hay không?
– Bà ấy có khả năng điều vận vốn lớn sinh lãi để trả vốn và lãi cho trái chủ hay không?.
Năm thắc mắc trên cho thấy liệu phải chăng vụ án Vạn Thịnh Phát là phiên bản khác của vụ án Tăng Minh Phụng ở những năm đầu thập niên 80 thế kỳ trước.
Kết luận điều tra của Bộ Công an cho rằng đây là vụ án liên quan ngân hàng có nhiều sai phạm khủng với số bị hại lớn nhất từ trước đến nay: 42 ngàn nhà đầu tư mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát, số tiền nhận hối lộ lớn nhất: 5,2 triệu USD, và số tiền tham ô cũng lớn nhất 304 ngàn tỷ.
Vẫn theo Bộ Công an, một trong những nguyên nhân khiến cho ngân hàng SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, sai phạm ngày càng nghiêm trọng dư nợ hơn 677 ngàn tỷ khó thu hồi là do đoàn thanh tra liên ngành “làm ngơ” với nhiều sai phạm nghiêm trọng, báo cáo không trung thực tình trạng yếu kém của nhà băng này.
Kết quả điều tra cho thấy các sai phạm khủng của SCB bị bưng bít bởi chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã chỉ đạo lãnh đạo ngân hàng đưa hối lộ bà Đỗ Thị Nhàn – cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Ngân hàng Nhà nước (trưởng đoàn thanh tra) – số tiền đặc biệt lớn, lên đến 5,2 triệu USD. Đây là số tiền một người nhận hối lộ trong một vụ án lớn nhất từ trước đến nay. Bà Nhàn “hướng dẫn” cho bà Lan cách xóa dấu vết các sai phạm trong cho vay và hứa hẹn bỏ qua nhiều sai phạm của ngân hàng này.
Các bị can còn lại là thành viên của đoàn thanh tra cũng đều bị SCB “mua chuộc” bằng tiền, trong đó người nhận nhiều nhất là ông Nguyễn Văn Hưng (phó chánh thanh tra phụ trách Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước), nhận 390.000 USD.
Kết luận nêu, sau khi đoàn thanh tra bỏ ngoài các số liệu phân loại nợ xấu, các chỉ tiêu tài chính của SCB đã bị thay đổi, sai lệch. Hành vi của nữ cục trưởng và các thành viên đoàn thanh tra đã giúp một số chỉ tiêu tài chính của SCB thay đổi, nợ xấu từ 91.000 tỷ xuống còn 53.000 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu đang âm (-19 ngàn tỷ) thành dương (+2,7 ngàn tỷ), hệ số an toàn vốn riêng lẻ cũng đang từ âm hơn 4% thành dương gần 6%…
Nhìn thuần góc nhìn ‘dân đen’, cá nhân người viết cho rằng cần thẳng thẳng đặt vấn đề là liệu ở những hôm thanh tra đó, phía đoàn thanh tra của Ngân hàng Nhà nước có hay không chuyện ‘gợi ý’ về những khoản cho dàn xếp những dấu hiệu của vi phạm pháp luật tài chính?
Bánh ít đi thì bánh quy lại. Trâu không uống nước ai đè đầu trâu. Tất cả những viên chức khi đã ‘ngồi’ vào chức vụ quyền uy, họ đều có chung tiêu chuẩn bắt buộc là “đảng viên”. Mà đảng viên thì phải liên tục được bồi dưỡng chính trị, liên tục học tập theo “tấm gương và đạo đức Hồ Chí Minh”; rồi còn “phê – tư phê”, các buổi sinh hoạt cho bộ định kỳ… “Đạn” nào sẽ bắn thủng những người cộng sản như vậy?
Với quy trình tạm gọi là ‘quản trị tư tưởng’ như trên, liệu với dắt dây trong nội bộ các cấp Đảng, có thể tin rằng chuyện tham nhũng chỉ dừng lại ở phía đoàn thanh tra, còn cấp trên nữa thì… ‘trong sáng’?
----------