Argentina: Bước đầu tiên để rời bỏ chủ nghĩa xã hội
Tác giả : Augusto Zimmermann
Biên dịch : Thanh Nguyên
Nguồn: The Epoch Times Tiếng Việt Ngày đăng: 2023-11-23
Ông Milei có nhiều việc phải làm ở một đất nước mà 6 triệu người đi làm ở khu vực tư nhân nuôi sống 20 triệu công chức và người lãnh lương hưu.
Những người ủng hộ tân Tổng thống đắc cử của Argentina Javier Milei thuộc liên minh chính trị La Libertad Avanza ăn mừng sau khi các cuộc bỏ phiếu kết thúc trong cuộc bầu cử tổng thống bổ sung ở Buenos Aires, Argentina, hôm 19/11/2023. (Ảnh: Marcos Brindicci/Getty Images)
Tác giả
Augusto Zimmermann
Hôm 19/11, cử tri ở Argentina đứng trước một trong những cuộc bầu cử quan trọng nhất trong lịch sử của họ. Đây là một cuộc bầu cử giữa một bên là sự tự do, một bên là những ý tưởng xã hội chủ nghĩa áp bức mà chủ nghĩa Peron đi theo.
Điều đáng ngạc nhiên là ứng cử viên dẫn sau theo chủ nghĩa tự do ủng hộ sự sống, ông Javier Milei, đã giành chiến thắng vang dội trong vòng bầu cử tổng thống bổ sung.
Đây là một chiến thắng cách biệt 12 điểm phần trăm trước ứng cử viên theo chủ nghĩa Peron cánh tả, Bộ trưởng Kinh tế Sergio Massa — 56% so với 44%.
Khi tin tức về kết quả bầu cử được công bố, trên các con đường ở Buenos Aires tràn ngập cảnh chúc mừng. Chiến thắng của ông Milei chứng tỏ rằng ngay cả ở một đất nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa khủng khiếp vẫn có thể thực hiện thành công một chiến dịch chống giới quyền uy dựa trên việc cắt giảm quy mô và phạm vi của chính phủ.
Để làm cho mọi việc có vẻ đầy hứa hẹn hơn nữa, vị tân tổng thống đắc cử đã cam kết sẽ bãi bỏ luật phá thai và giải tán Bộ Đa dạng Giới tính theo khuynh hướng “thức tỉnh” của nước này.
Trên hết, chiến thắng của ông Milei thể hiện một sự thay đổi mang tính lịch sử đối với một quốc gia bất hạnh do những người theo chủ nghĩa Peron cai trị trong hơn 45 năm.
Hôm nay, công cuộc tái thiết Argentina bắt đầu. Hôm nay là một đêm lịch sử đối với Argentina,” ông nói.
Sau đó, trong lần phát biểu công khai đầu tiên, ông Milei đã tuyên bố một cách mạnh mẽ: “Mô hình sa đọa đã đi đến hồi kết. Argentina sẽ trở lại vị thế của mình trên thế giới mà lẽ ra nước này không bao giờ nên đánh mất.
Ứng cử viên tổng thống của La Libertad Avanza Javier Milei cầm tờ một trăm dollar có in khuôn mặt của mình trong cuộc vận động tranh cử cuối cùng trước vòng bầu cử bổ sung vào Chủ Nhật ở Cordoba, Argentina, hôm 16/11/2023. (Ảnh: Tomas Cuesta/Getty Images)
Thất bại nặng nề của Argentina khi đi theo chủ nghĩa xã hội
Khoảng một thế kỷ trước, Argentina từng là một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới.
Đầu những năm 1900, đất nước này được xếp hạng trong số 10 nước giàu nhất thế giới, trước Pháp và Đức. Argentina là một thỏi nam châm thu hút nhiều người nhập cư từ châu Âu đang đổ xô đi tìm việc làm và một cuộc sống có giá trị tốt đẹp hơn.
Và rồi chủ nghĩa Peron xuất hiện.
Nhà lãnh đạo có uy tín Juan Domingo Perón không đi theo con đường của những tổ phụ lập quốc Argentina vốn ủng hộ chủ nghĩa tự do cổ điển và một xã hội tự do. Xuất thân từ một vị tướng quân đội, ông Perón đã lên nắm quyền thông qua một cuộc đảo chính năm 1943 và quản trị Argentina trong ba nhiệm kỳ.
Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Perón đã gây ra những thay đổi lâu dài trong xã hội Argentina, và đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng lạm phát kéo dài cho đến tận ngày nay.
Các doanh nghiệp quốc doanh cùng với những khoản chi tiêu kếch xù đã dẫn đến tình trạng thâm hụt ngân sách chính phủ ngày càng tăng. Ngân hàng trung ương Argentina đã phải tài trợ cho khoản thâm hụt này thông qua việc in thêm tiền.
Cuộc cải tổ Hiến Pháp theo chủ nghĩa Pero năm 1949 của Argentina giao cho nhà nước quyền kiểm soát trực tiếp đối với ngoại thương, quyền sở hữu tất cả các nguồn tài nguyên khoáng sản và năng lượng, cũng như quyền sở hữu các doanh nghiệp dịch vụ công cộng.
Phá giá tiền tệ là một nguồn gốc khác của lạm phát trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Perón, khiến tỷ lệ lạm phát cộng dồn trong sáu năm đầu tiên là 297.6%.
Vào năm 1930, lượng dự trữ vàng của Argentina đứng thứ sáu thế giới, nhưng đã giảm từ 1 tỷ USD xuống còn 258 triệu USD vào tháng 12/1948.
Ông Perón đã tìm cách phá hoại một trong những nền kinh tế thịnh vượng và hiện đại nhất thế giới.
Một người phụ nữ vẫy lá cờ có hình vị tổng thống ba nhiệm kỳ của Argentina Juan Domingo Peron và vợ ông, bà Eva Peron, trong cuộc tuần hành đòi tăng lương cho giáo viên và phản đối việc cắt giảm ngân sách tại các trường đại học công lập Argentina, ở Buenos Aires, Argentina, vào ngày 30/08/2018. (Ảnh: Eitan Abramovich/AFP qua Getty Images)
Nền kinh tế Argentina bị hủy hoại đến mức người đi làm và giai tầng trung lưu của đất nước, vốn từng có địa vị tốt nhất ở Mỹ Latinh, thì giờ đây nằm trong số những giai tầng thấp kém nhất.
Bốn trong số 10 người Argentina hiện sống dưới mức nghèo khổ.
Tuy nhiên, các chính phủ tiếp theo kể từ năm 1955 vẫn giữ lề lối sử dụng chủ nghĩa trung ương tập quyền và chính sách mị dân Peron.
Tuy rằng chủ nghĩa Peron đã dẫn đến sự sụp đổ của mọi lĩnh vực trong nền kinh tế Argentina, với tài chính, thương mại, công nghiệp sản xuất, và khai thác bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng khoảng 40% dân số Argentina vẫn cho rằng họ là những người theo chủ nghĩa Peron.
Vì vậy, chủ nghĩa Peron đã trở thành một phần trong cấu trúc di truyền của nước này; là một phần trong bản sắc của Argentina.
Argentina có thể thịnh vượng trở lại hay không?
Chủ nghĩa Peron vẫn kết nối và hòa nhập với nhiều phong trào và tổ chức xã hội khác nhau — từ các nghiệp đoàn lao động, hiệp hội sinh viên, và giờ đây thậm chí cả các nhóm LGBT đang hoạt động.
Nhưng giờ đây, cử tri ở Argentina dường như đã học được một bài học và đưa ra quyết định sáng suốt nhằm xây dựng lại một xã hội dựa trên các giá trị tự do cổ điển của những tổ phụ lập quốc của họ.
Vì vậy, chắc chắn không hề cường điệu khi ông Milei gọi chiến thắng của mình là một “phép mầu.
Theo lịch trình, ông Milei sẽ nhậm chức vào ngày 10/12. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông còn một chặng đường vô cùng gian nan phía trước.
Ông Javier Perez-Saavedra, giám đốc phát triển sản phẩm của FEE cho biết: “Ở một đất nước mà chỉ có 6 triệu người làm việc trong khu vực tư nhân và đóng thuế để nuôi sống 20 triệu công chức và người lãnh lương hưu, thì ông Milei có cả một chặng đường dài phía trước”.
Theo Chỉ số Tự do Kinh tế, Argentina xếp thứ 144 trên 176; trong khi về Chỉ số Rào cản Thương mại, nước này xếp thứ 80 trên 88 quốc gia được phân tích; và xếp thứ 95 trên 125 trong Chỉ số Quyền Sở hữu Quốc tế.
Mọi người xếp hàng lấy đồ ăn tại một bếp nấu súp ở khu Puerta de Hierro, thuộc đô thị La Matanza, Buenos Aires, Argentina, vào ngày 12/04/2021. (Ảnh: Ronaldo Schemidt/AFP qua Getty Images)
Hơn nữa, Quốc hội bị chia rẽ sâu sắc của nước này có thể buộc ông Milei phải tiết chế một số đề nghị theo hướng tự do cổ điển hơn.
Dù vậy, chiến thắng ngoạn mục của ông Milei đánh dấu lần đầu tiên sau bốn thập niên có ai đó nằm ngoài giai tầng thống trị phi tự do ở Argentina cuối cùng đã xung phá được bộ máy cố thủ này.
Đối với chúng tôi, đó là niềm hy vọng lớn lao và sự thay đổi quan trọng đối với Argentina. Trong 20 năm, điều duy nhất gia tăng ở đất nước này là số lượng người nghèo và các quy định. Bây giờ chúng ta sắp có một chính phủ mang lại tự do và sáng kiến cho người dân,” tân Nghị sĩ đắc cử Santiago Santuro nói.
Theo ông Lorenzo Montanari, phó chủ tịch Cơ quan Các vấn đề Quốc tế về Cải tổ Thuế của người Mỹ có trụ sở tại Thủ đô Hoa Thịnh Đốn, “chiến thắng lịch sử này có thể là ‘bản tango cuối cùng’ đối với những người theo chủ nghĩa Peron ở Argentina trong cuộc bầu cử năm 2023.”
“Một lối đưa tin về chủ nghĩa tự do mới đã được đưa ra, trong cuộc bầu cử tổng thống này, đã định hình lại chính trường mãi mãi, ủng hộ tự do và sự can thiệp tối thiểu của nhà nước, thuế thấp, thị trường tự do, thương mại tự do, bãi bỏ các quy định và tôn trọng quyền sở hữu tài sản.”
Argentina hiện có một ban lãnh đạo mới mẻ và đầy triển vọng. Tôi chân thành hy vọng rằng những ý tưởng kinh tế tự do cổ điển của ông Miley sẽ có tác dụng và đạt được thành quả.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Thanh Nguyên biên dịch
----------