Mối quan hệ truyền thống khiến Việt Nam khó xử trong xung đột Israel-Hamas
Tác giả : Thu Hằng Nguồn: RFI Ngày đăng: 2023-12-04
Israel là một trong những đối tác hợp tác thương mại, đầu tư và lao động quan trọng hàng đầu của Việt Nam ở Trung Đông. Khoảng 500 người Việt sinh sống và làm việc ở Israel. Là nước thứ 16 ký Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam, Israel còn là nguồn cung cấp vũ khí, trang thiết bị quốc phòng giúp Hà Nội đa dạng hóa đối tác. Tuy nhiên, cuộc chiến Israel-Hamas đẩy Việt Nam vào thế “tế nhị” trong khi cả Israel và Palestine đều có mối quan hệ lịch sử với Việt Nam.
Tổng thống Israel Shimon Peres (T) và tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 23/11/2011. AP - Meng Sheng
Ngày 24/10/2023, tại Liên Hiệp Quốc, đại sứ Đặng Hoàng Giang đã kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức, kiềm chế tối đa, tôn trọng luật nhân đạo quốc tế, bảo đảm an toàn và thả ngay lập tức cho tất cả các con tin, giảm thiểu thiệt hại đối với cơ sở hạ tầng dân sự thiết yếu. Đại sứ Giang cũng nhấn mạnh lập trường của Việt Nam ủng hộ giải pháp hai Nhà nước với Đông Jerusalem là thủ đô của Nhà nước Palestine và dựa trên các đường biên giới trước năm 1967.
Trả lời RFI Tiếng Việt, giáo sư Pierre Journoud, chuyên về lịch sử Việt Nam, Đại học Paul Valery - Montpellier 3 (Pháp), nhận định những phát biểu của đại sứ Giang phần nào “có lợi cho Palestine”. Nhưng nhìn chung Việt Nam “có lập trường khá trung lập, tương tự với nhiều nước trên thế giới”. Và điều này "thể hiện mong muốn bảo vệ luật pháp quốc tế và phù hợp với lợi ích của Việt Nam". Vậy Hà Nội duy trì quan hệ với Israel và Palestine như thế nào ? Giáo sư Pierre Journoud trả lời một số câu hỏi của RFI Tiếng Việt.
Giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry - Montpellier 3, giới thiệu với RFI Tiếng Việt cuốn Un triangle à l'épreuve. La Chine, les Etats-Unis et l'Asie du Sud-Est depuis 1947 (tạm dịch : Một tam giác chiến lược trải qua thử thách. Trung Quốc, Hoa Kỳ và Đông Nam Á từ 1947), ngày 19/04/2022. © RFI / Thu Hằng
RFI : Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ với Israel trong thập niên 1990. Mối quan hệ song phương tiến triển như thế nào để Israel hiện trở thành một trong những đối tác quan trọng của Hà Nội ?
GS Pierre Journoud : Tôi muốn ngược dòng thời gian một chút để hiểu thêm bối cảnh. Trái với chúng ta hình dung, Việt Nam có mối quan hệ với Israel từ lâu. Với Israel, đó là mối quan hệ “bạn hữu” giữa chủ tịch Hồ Chí Minh và David Ben-Gourion, được coi là nhà lập quốc Israel.
Năm 1946, Hồ Chí Minh được tiếp đón trọng thể ở Paris với tư cách chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đến tham dự Hội nghị Fontainebleau. Tại Paris, Hồ Chí Minh gặp David Ben-Gourion, người sau này trở thành thủ tướng Israel giai đoạn 1948-1954 và 1955-1963. Lúc đó, chủ tịch Hồ Chí Minh thậm chí còn đề xuất đón Chính phủ Do Thái lưu vong ở miền bắc Việt Nam nhưng Ben-Gourion từ chối. Năm 1948, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc thông qua việc phân chia Palestine, cho phép thành lập Nhà nước Israel (14/05/1948) trên một phần lãnh thổ của Palestine. Nghị quyết này phần nào giống với đề xuất trước đó của Hồ Chí Minh.
Đúng là mối quan hệ Việt Nam-Israel thực sự phát triển từ những năm 1990 vì trước đó bị Chiến tranh lạnh cản trở. Việt Nam theo Liên Xô, trong khi khối này bị Israel cáo buộc mang tư tưởng bài Do Thái. Trở ngại lớn đó chỉ được dỡ bỏ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc và liên minh gần như duy nhất của Việt Nam với Liên Xô chấm dứt. Việt Nam và Israel thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993, đánh dấu một trang mới trong quan hệ giữa hai nước. Năm 2005, hai nước tổ chức đối thoại chính trị thường niên ở cấp ngoại trưởng. Đại sứ quán Việt Nam được mở ở Tel-Aviv năm 2009, sau 16 năm Israel mở đại sứ quán ở Hà Nội.
Nếu đúng như thông tin tôi được biết, chuyến công du của tổng thống Shimon Peres năm 2011 dường như đánh dấu một bước ngoặt khi ông thuyết phục các nhà lãnh đạo Việt Nam về những tiềm năng, cơ hội phát triển kinh tế lớn mà mối quan hệ song phương có thể mang lại. Đây là điểm khá thú vị bởi vì ngoài Singapore - một trong những đồng minh châu Á thân cận nhất của Israel - Hà Nội là một đối tác quan trọng của Israel cho dù Việt Nam vẫn chống Israel trong khoảng 138 lần bỏ phiếu ở Liên Hiệp Quốc liên quan đến Nhà nước Do Thái kể từ năm 2015.
Có thể thấy một sự “thiếu kết nối”, mà tôi thấy khá thú vị trong một số bài phân tích chuyên sâu : Một Nhà nước - ở đây là Việt Nam - vì những lý do liên quan đến tình đoàn kết với Palestine chống thực dân, chống đế quốc có từ thời chiến tranh Việt Nam, vẫn bỏ phiếu để chống lại Israel và các vấn đề liên quan đến Israel-Palestine ở Liên Hiệp Quốc. Nhưng điểm này đi ngược lại với mối quan hệ chính trị, đặc biệt là kinh tế, được phát triển sâu sắc và năng động từ nhiều năm nay giữa Israel và Việt Nam.
RFI : Có thể thấy quốc phòng là một trong những chương trình hợp tác nổi bật nhất giữa Việt Nam và Israel. Gần đây, hai nước ký Hiệp định Thương mại Tự do ngày 25/07/2023. Nhìn chung, hai nước phát triển hợp tác trong những lĩnh vực nào ?
GS Pierre Journoud : Đúng, đó là những lĩnh vực mà hai nước phát triển mối quan hệ đặc biệt hơn cả, ngoài ra phải kể thêm nông nghiệp và du lịch. Nhìn chung, hợp tác song phương được phát triển trong mọi lĩnh vực, kể cả công nghệ sinh học.
Về kinh doanh, rất nhiều công ty Israel đầu tư vào Việt Nam, nhất là trong các ngành nông nghiệp, dược phẩm, công nghệ. Israel cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đào tạo nghề, khoa học-công nghệ, quản lý nông nghiệp ở cấp địa phương. Ở chiều ngược lại, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ở Israel. Tôi lấy ví dụ tập đoàn TH Group hợp tác với nhiều doanh nghiệp công nghệ Israel chuyên về sản xuất hệ thống vắt sữa tự động và hệ thống quản lý động vật.
Thương mại song phương ngày càng gia tăng. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Israel đạt hơn 2 tỉ đô la, tăng 18% so với năm 2021, theo số liệu được báo chí trích dẫn. Thặng dư thương mại nghiêng hẳn về phía Việt Nam, Israel thâm hụt thương mại hơn 1 tỉ đô la. Israel chủ yếu xuất sang Việt Nam đồ điện tử, phân bón. Việt Nam xuất sang Israel hải sản, giầy dép, điện thoại di dộng. Israel là một trong 16 nước trên thế giới ký Hiệp định Thương mại Tự do với Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam muốn tăng cường cơ sở sản xuất của nền kinh tế do muốn tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc.
Lĩnh vực quốc phòng cũng là một mục tiêu khác trong hợp tác với Israel. Trung Quốc không gây lo ngại đến mức như Nga bởi vì kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraina, nhưng có lẽ trước cả lúc đó, Việt Nam đã tìm cách thoát khỏi các mối liên kết gần như độc quyền, đặc biệt trong lĩnh vực quân sự. Nga là nhà cung cấp vũ khí và khí tài chính cho Việt Nam. Để đa dạng hóa nguồn cung, Việt Nam đã hướng đến Israel, đặc biệt là để bù đắp thiếu hụt kể từ khi xảy ra chiến tranh Ukraina, ví dụ mua các loại tên lửa địa đối không Spyder. Israel cũng bán cho Hà Nội các hệ thống giám sát và tình báo.
Có thể thấy Israel - nằm trong số 10 nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới - hướng tới Việt Nam, nước trở thành một trong những khách hàng chính của Nhà nước Do Thái từ nhiều năm qua. Đặc biệt là từ những năm 2010, Việt Nam trở thành một trong những thị trường đầu ra chính cho ngành công nghiệp quốc phòng Israel, với tổng trị giá hợp đồng lên tới 1,5 tỉ đô la trong suốt thập niên 2010. Đây là một chuyển biến mới, Israel trở thành một trong những đối tác bán vũ khí quan trọng cho Việt Nam. Điều này cũng đặt ra vấn đề cạnh tranh cho Pháp, nước cũng tìm chỗ đứng trong lĩnh vực này, cũng như với Hoa Kỳ, quốc gia cũng muốn ký nhiều hợp đồng quy mô hơn với Việt Nam, trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc và tận dụng quan ngại của Hà Nội trong việc đa dạng hóa đối tác kinh tế và quân sự.
RFI : Song song đó, chúng ta cũng thấy Việt Nam duy trì mối quan hệ tốt với Palestine, dù không phát triển hẳn như với Israel trong những năm gần đây !
GS Pierre Journoud : Tôi cho là mối quan hệ Việt Nam-Palestine vẫn chặt chẽ về chính trị nhưng không vững mạnh về kinh tế như với Israel. Điều này dễ hiểu vì sự phát triển kinh tế giữa Israel và Palestine chênh lệch nhau.
Việt Nam và Palestine thiết lập quan hệ chính trị ngay năm 1968 vào lúc đỉnh điểm chiến tranh Việt Nam với cuộc tấn công Tết Mậu Thân. Tôi thấy là gần đây báo chí cũng nhắc đến sự kiện Tết Mậu Thân khi nói đến vụ tấn công bất ngờ của Hamas, cho dù sự liên tưởng đó là khiên cưỡng. Nhưng điều thú vị là trong kí ức tập thể, khi có một vụ tấn công hay phản công bất ngờ, người ta lập tức liên tưởng đến sự kiện Tết 1968, tiếp theo là cuộc phản công với sức hủy diệt mà mọi người dường như đã quên lãng. Cần phải nhắc lại rằng Tổ Chức Giải Phóng Palestine (PLO), ra đời năm 1967 ngay sau Cuộc chiến Sáu ngày, đã đặt văn phòng ở Việt Nam năm 1976.
Về phía Việt Nam, ngay sau khi thống nhất đất nước năm 1975, đã trở thành một trong những Nhà nước đầu tiên công nhận Nhà nước Palestine và thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 19/11/1988, ngay sau khi Palestine tuyên bố độc lập. Kể từ đó, Hà Nội luôn ủng hộ Palestine trong tiến trình hội nhập trong vùng và quốc tế. Ví dụ, năm 2012, Việt Nam ủng hộ nghị quyết cho phép Palestine được trao tư cách quan sát viên tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tiếp theo là ủng hộ đơn xin gia nhập nhiều tổ chức quốc tế khác của Palestine, như UNESCO, Interpol…
Cũng trong thời điểm đó, cựu tổng thống Yasser Arafat công du Việt Nam khoảng 10 lần cùng với nhiều thành viên của tổ chức PLO, lần cuối cùng là vào năm 2001. Người kế nhiệm Mahmoud Abbas cũng công du Việt Nam ngày 24/05/2010. Theo bình luận của báo chí thời đó, hai bên nêu những triển vọng hợp tác trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục. Tôi không nghiên cứu chi tiết vấn đề này nhưng dường như những thỏa thuận đó đã không tạo được những trao đổi lớn giữa hai nước.
Một điều khá thú vị là vào tháng 05/2023, Việt Nam và Palestine đã ký ở Hà Nội một Biên bản ghi nhớ (MOU) trong lĩnh vực phòng chống và kiểm tra tội pháp xuyên biên giới, nhân chuyến công du của bộ trưởng Nội Vụ Palestine Ziad Hab Al-Rih. Trong buổi làm việc với bộ trưởng Công An Tô Lâm, cả hai bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác an ninh và trao đổi trong lĩnh vực này. Nhưng nhìn chung, hợp tác giữa hai nước tiến triển chậm, rất khiêm tốn trong lĩnh vực thương mại. Có thể thấy phát biểu của mỗi bên đều kêu gọi thúc đẩy hợp tác là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ không được phát triển mạnh, dù có tiềm năng.
Mối quan hệ này làm tôi liên tưởng tới quan hệ giữa Việt Nam và Algérie. Đó là mối quan hệ đoàn kết lịch sử được hình thành từ cuộc đấu tranh chung, trước tiên là chống chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân, sau đó là chống đế quốc Mỹ. Việt Nam thành “ngôi sao dẫn đường”, theo cách nói của nhà viết tiểu luận Frantz Fanon vì kháng chiến chống lại “cỗ xe ủi” Mỹ. Tất cả các tổ chức đấu tranh chống một lực lượng chiếm đóng thời đó, trong đó có Tổ Chức Giải Phóng Palestine của Yasser Arafat trong nửa sau thập niên 1960 - đầu những năm 1970, đều tỏ lòng ngưỡng mộ Việt Nam.
Sau Chiến tranh Sáu ngày, tổ chức PLO đấu tranh chống Israel chiếm các vùng lãnh thổ không nằm trong phân định ban đầu được thông qua ở Liên Hiệp Quốc năm 1948. Điều thú vị là trong Cuộc chiến Sáu ngày này có sự tương đồng giữa chiến tranh Việt Nam và xung đột Israel-Ả Rập. Như tên gọi cho thấy cuộc chiến diễn ra ngắn ngày nhưng là một bước ngoặt. Đây cũng là một bước ngoặt đối với Pháp, vì tướng Charles de Gaulle, người lên án Mỹ năm 1966 can thiệp vào Việt Nam, đã chỉ trích Nhà nước Israel vi phạm luật pháp quốc tế khi chiếm đóng phi pháp các vùng đất của Palestine. Một chuyện khác có thể bị quên, đó là ngay sau khi Chiến tranh Sáu ngày kết thúc, một loạt đàm phán, hoàn toàn bí mật, do Pháp làm trung gian đã mở đường cho các cuộc đàm phán Mỹ-Việt tại Paris năm 1968. Có thể thấy sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử trở lại với thực tế hiện nay.
Cuối cùng, tôi cho rằng có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng Israel-Palestine qua con đường đàm phán. Tôi nghĩ là Việt Nam có thể đóng một vai trò nào đó nhờ vào kinh nghiệm chiến tranh, cũng như kinh nghiệm đàm phán như tôi nêu ở trên. Với những kinh nghiệm đó, ngành ngoại giao Việt Nam có thể đóng một vai trò như họ vẫn mong muốn trong tiến trình hòa bình lâu dài ở Trung Đông, đặc biệt là trong cuộc xung đột Israel-Palestine hiện nay, được coi là kéo dài nhất và đau đớn nhất kể từ Thế Chiến II.
RFI Tiếng Việt xin trân thành cảm ơn giáo sư lịch sử đương đại Pierre Journoud, Đại học Paul Valéry - Montpellier 3.
Thu Hằng
----------