Chiến dịch từng giúp Israel cứu hơn 100 con tin từ tay không tặc
Tác giả : Phạm Giang Nguồn: VnExpress Ngày đăng: 2024-02-14
Cuộc đột kích "Tiếng sét" năm 1976 là chiến dịch giải cứu con tin táo bạo bậc nhất của Israel, giải thoát 102 trên tổng số 105 người trong một tiếng.
Trong cuộc phỏng vấn phát trên truyền hình hồi tháng 1, Gadi Eizenkot, trung tướng hiện là bộ trưởng trong nội các thời chiến của Israel, được hỏi liệu đặc nhiệm nước này có kế hoạch mở cuộc đột kích giải cứu con tin ở Dải Gaza tương tự chiến dịch "Tiếng sét" năm 1976 hay không.
Ông Eizenkot cho biết điều này khó xảy ra. "Các con tin bị tách ra, chủ yếu bị giam dưới lòng đất, nên khả năng tổ chức chiến dịch như vậy là cực thấp", quan chức này cho hay.
Quân đội Israel sở hữu lực lượng đặc nhiệm thiện chiến bậc nhất thế giới, từng tiến hành nhiều nhiệm vụ táo bạo trong quá khứ. Nổi tiếng bậc nhất là chiến dịch "Tiếng sét", hay còn gọi là cuộc đột kích sân bay Entebbe, nhằm giải cứu hơn 100 con tin bị không tặc ủng hộ Palestine bắt cóc. Ít nhất 6 phim tài liệu, 5 phim truyền hình và một vở kịch có nội dung về sự kiện này đã được sản xuất.
Một số đặc nhiệm Israel chụp ảnh chung sau khi kết thúc chiến dịch. Ảnh: IDF
Mọi chuyện bắt đầu vào ngày 27/6/1976. Chuyến bay mang số hiệu 139 chở theo 247 hành khách và phi hành đoàn 12 người của hãng không Pháp Air France, đã quá cảnh tại sân bay ở Athens, Hy Lạp trên lộ trình từ Tel Aviv đến Paris. Không lâu sau khi cất cánh để tiếp tục hành trình, máy bay đã bị khống chế bởi 4 hành khách mới lên ở chặng quá cảnh. Nhóm không tặc gồm hai người Palestine và hai công dân Đức, là thành viên của các tổ chức chống Israel.
Chiếc phi cơ bị ép chuyển hướng tới sân bay Entebbe ở Uganda, nơi nhóm không tặc nhận được hỗ trợ của Tổng thống nước sở tại khi đó là ông Idi Amin. Nhà lãnh đạo này có quan điểm ủng hộ Palestine và đã triển khai lực lượng tới sân bay Entebee để bảo vệ nhóm không tặc.
Ngay khi hạ cánh xuống sân bay, nhóm đã tiến hành sàng lọc con tin và thả tự do cho các hành khách không phải là người Do Thái hoặc có quốc tịch Israel, ngoại trừ phi hành đoàn cùng một số người tình nguyện ở lại.
"Đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh khi được nghe kể lại về quá trình nhóm không tặc chọn hành khách để giữ làm con tin", trung tá dự bị Israel Avi Mor, thành viên của đơn vị đặc nhiệm Sayeret Matkal tham gia chiến dịch "Tiếng sét", cho biết, so sánh quá trình này với cách mà phát xít Đức lựa chọn người để đưa vào phòng hơi ngạt hồi Thế chiến II.
Nhóm không tặc sau đó tuyên bố sẽ trả tự do cho những người còn lại để đổi lấy 53 tù nhân bị Tel Aviv giam và 5 triệu USD. Nhóm đe dọa sẽ bắt đầu sát hại con tin nếu Israel không đáp ứng các yêu cầu của họ trong vòng 48 giờ. "Tối hậu thư" này mang tới áp lực rất lớn cho chính phủ Israel, trong bối cảnh Tel Aviv vẫn chưa nắm bắt được tình hình cụ thể của vụ việc.
"Một trong các vấn đề lớn nhất mà chúng tôi phải đối mặt là thiếu thông tin, do không có nguồn tin đáng tin cậy nào. Tối hậu thư của nhóm không tặc không cho chúng tôi nhiều thời gian để chuẩn bị", Mor cho hay.
Chính phủ Israel đã thực hiện nhiều biện pháp ngoại giao, bao gồm mở cuộc đàm phán với nhóm không tặc, để câu kéo thêm thời gian. Nhóm sau đó lùi thời hạn chót sang ngày 4/7 cùng năm, khiến Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) có thêm thời gian để tìm kiếm thông tin tình báo. Đến khoảng trưa 29/6, IDF về cơ bản đã thu thập đủ thông tin để có thể lên kế hoạch giải cứu con tin.
Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin lúc đầu cho rằng nên đáp ứng yêu sách của nhóm không tặc thay vì mở chiến dịch giải cứu các hành khách, do lo ngại về tính rủi ro cao của chiến dịch. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Shimon Peres, đối thủ chính trị của ông Rabin, kiên quyết từ chối nhượng bộ nhóm không tặc và đã cùng các tướng lĩnh vạch ra một kế hoạch táo bạo, vào thời điểm Tổng thống Amin không có mặt ở Uganda.
Theo kế hoạch, đặc nhiệm Israel sẽ mang một chiếc Limousine Mercedes giống xe của Tổng thống Amin đến sân bay Entebbe, đóng giả tình huống nhà lãnh đạo này công du trở về để có thể vượt qua vòng canh gác của binh lính Uganda. Sau khi vào trong, đặc nhiệm Israel sẽ hạ nhóm không tặc rồi nhanh chóng đưa con tin lên các máy bay đang đợi sẵn ở bên ngoài.
Ông Yoni Netanyahu. Ảnh: IFCJ
Kế hoạch giải cứu được nội các Israel chấp thuận vào 18h30 ngày 3/7. Khoảng 100 thành viên của đơn vị đặc nhiệm Sayeret Matkal, dẫn đầu bởi trung tá Yoni Netanyahu, anh trai của Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu, lên máy bay để di chuyển tới sân bay Entebbe. Mor cho biết họ đã chuẩn bị, tập luyện kỹ càng từ trước khi chiến dịch được "bật đèn xanh", để có thể triển khai nhiệm vụ một cách nhanh chóng.
"Tối 30/6, một người bạn và là đồng đội của tôi ở lực lượng không quân đã tới gõ cửa nhà tôi. Ngay sáng hôm sau, tôi đã bắt đầu tập luyện cùng đơn vị Sayeret Matkal", Mor chia sẻ.
4 vận tải cơ C-130 Herules cùng hai máy bay Boeing 707 đã được huy động để thực hiện nhiệm vụ, trong đó một chiếc đóng vai trò là sở chỉ huy, chiếc còn lại như một bệnh viện dã chiến để chuẩn bị cứu chữa nếu có người bị thương.
Trên đường đi, lực lượng đặc nhiệm Israel đã dừng lại tại Kenya để tiếp liệu mà không thông báo với chính phủ sở tại, nhằm đảm bảo bí mật tối đa cho chiến dịch. Máy bay của họ bay cực thấp, chỉ cách mặt đất khoảng 30 m, để tránh bị radar phát hiện. Chiếc máy bay đầu tiên tới sân bay Entebee vào tối 3/7, một ngày trước khi kết thúc thời hạn chót mà nhóm không tặc đưa ra.
Sau khi máy bay hạ cánh, chiếc Mercedes tương tự mẫu mà Tổng thống Amin sử dụng đi xuống và hướng thẳng về phía trạm gác của lính Ugadan như kế hoạch. Đặc nhiệm Israel cũng đã chuẩn bị hai chiếc Land Rover cùng mẫu với loại mà an ninh Uganda thường dùng để hộ tống ông Amin, nhằm giúp việc đóng giả thêm phần thuyết phục.
Tuy nhiên, mọi chuyện đã không diễn ra như họ mong đợi. Theo cuốn Giải mật Entebbe: Những câu chuyện chưa kể về chiến dịch giải cứu huyền thoại bản tiếng Anh do Trung tâm Tưởng niệm và Di sản Tình báo Israel phát hành năm 2021, đặc nhiệm Israel đã mắc sai sót khi dùng xe Mercedes phiên bản màu đen, thay vì bản màu trắng mà ông Amin mới chuyển sang sử dụng.
Chiếc xe Mercedes đặc nhiệm Israel sử dụng trong chiến dịch. Ảnh: IDF
Điều này đã khiến lính canh Uganda nghi ngờ nhóm đặc nhiệm, buộc ông Yoni Netanyahu và một thành viên khác phải nổ súng trước. Họ sau đó rời khỏi xe và chạy về phía nhà ga, trong lúc chống trả lại hỏa lực từ lực lượng Uganda. Các đội biệt kích, được giao nhiệm vụ bí mật hạ cánh xuống các địa điểm khác, buộc phải tham chiến. Cuộc đấu súng đã khiến ông Yoni Netanyahu thiệt mạng.
"Đó quả thật là một thảm họa, chúng tôi bị phát hiện và yếu tố bất ngờ đã không còn", Moshe "Muki" Betser, phó chỉ huy đội đặc nhiệm chia sẻ trong cuốn tự truyện của mình.
Betser cho rằng ông Netanyahu đã làm lộ thân phận của nhóm, khi đánh giá sai tình hình và nổ súng trước khi họ bị phát hiện.
Theo ông, một lính canh Uganda đã nâng khẩu súng trường lên khi đoàn xe tiến về phía cổng nhà ga, khiến ông Yoni Netanyahu tưởng lầm đối phương đang định nhắm bắn về phía họ và quyết định khai hỏa trước để tự vệ. Dựa theo kinh nghiệm hoạt động lâu năm ở Uganda trước đó của mình, Bester cho biết đây chỉ là nghi thức chào thông thường của binh sĩ Uganda.
"Tôi biết rằng đây là hành động bình thường và chúng tôi lẽ ra đã có thể đi qua chốt gác một cách an toàn. Người lính canh đó cũng không bao giờ dám nổ súng vào xe của Uganda cả", ông cho hay, thêm rằng mình đã tìm cách ngăn cản cấp trên, song ông Yoni Netanyahu bỏ ngoài tai.
Tuy nhiên, cuốn Giải mật Entebbe dẫn lời Amir Ofer, thành viên trong nhóm đặc nhiệm Israel, khẳng định quyết định nổ súng trước của ông Yoni là chính xác, hay ít nhất là có cơ sở, dựa vào tình hình vào thời điểm đó.
"Lính canh Uganda đã phát hiện thân phận chúng tôi, đó là điều không có gì phải bàn cãi. Nếu chỉ huy Yoni không hành động trước, họ sẽ nhắm bắn chúng tôi ở khoảng cách trực diện và hạ từng người một như đang săn vịt vậy", ông nhận định.
Adam Kolman, đặc nhiệm Israel ngồi cùng xe với ông Yoni và Betser, cũng chia sẻ sự nguy hiểm mà họ phải đối mặt khi đó. "Nòng súng của người lính canh chỉ cách chúng tôi khoảng nửa mét. Nếu anh ta thực sự bóp cò súng, cả ba chúng tôi sẽ thiệt mạng chỉ bằng một phát đạn", ông cho hay.
Dù mất chỉ huy và vấp phải sự truy cản của binh sĩ Uganda, đặc nhiệm Israel sau đó vẫn xâm nhập vào bên trong và nổ súng hạ sát nhóm không tặc trong vài phút. Họ vô tình bắn chết một con tin người Pháp, do người này hiểu nhầm mệnh lệnh ngồi xuống bằng tiếng Do Thái của đặc nhiệm Israel và bất chợt nhảy lên.
Các con tin được đón chào tại sân bay sau khi trở về Israel. Ảnh: IDF
Hai con tin khác thiệt mạng do dính đạn lạc trong cuộc đấu súng. Các con tin còn lại được đưa ra ngoài an toàn, sau đó lên máy bay C-130 đang đợi sẵn để về Israel. Toàn bộ chiến dịch, tính từ lúc đặc nhiệm Israel hạ cánh xuống sân bay, diễn ra trong khoảng chưa đến một tiếng, trong đó quá trình giải cứu con tin là 30 phút.
Kết thúc chiến dịch, 4 thành viên nhóm không tặc và ít nhất 20 lính Uganda đã thiệt mạng, trong khi 102 trên tổng số 105 con tin có mặt ở sân bay được giải cứu thành công. Một con tin khác đã được lực lượng Uganda đưa tới bệnh viện trước đó vài ngày vì bị ốm, sau đó mất tích cho tới khi xác được tìm thấy gần thủ đô Kampala vào năm 1979. Phía đặc nhiệm Israel mất chỉ huy Yoni Netanyahu và 5 người bị thương.
Truyền thông Uganda cho biết lực lượng Israel đã phá hủy một số chiến đấu cơ dòng MiG của nước này trong cuộc giao tranh.
Trung tá Mor đánh giá cuộc giải cứu là sự kiện "vẻ vang", giúp đặc nhiệm Israel nhận được sự tôn trọng từ cộng đồng quốc tế. Quân đội Mỹ sau đó được cho là đã thành lập một số lực lượng dựa trên mô hình của đơn vị thực hiện chiến dịch "Tia sét".
Phạm Giang
(Theo Times of Israel, USA Today)



----------