Tin tức thế giới 18-2: Hamas muốn ngừng bắn, thủ tướng Israel nói 'ảo tưởng'
Tác giả : Minh Khôi Nguồn: Tuổi Trẻ Ngày đăng: 2024-02-18
Hamas lại muốn ngừng bắn ở Dải Gaza; Thủ tướng Israel gọi yêu cầu ngừng bắn của Hamas là "ảo tưởng"; Ông Putin chúc mừng binh sĩ đã kiểm soát được thành phố Avdiivka... là những tin tức đáng chú ý sáng 18-2.
Nhân công dỡ túi đồ viện trợ nhân đạo vào Gaza tại cửa khẩu biên giới Kerem Shalom, ở Rafah, phía Nam Dải Gaza, ngày 17-2 - Ảnh: AFP
Chiến sự Israel - Hamas
* Hamas muốn ngừng bắn ở Dải Gaza. Ngày 17-2, người đứng đầu Hamas, ông Ismail Haniyeh đã tái khẳng định yêu cầu của lực lượng này về một lệnh ngừng bắn hoàn toàn tại Dải Gaza.
Ông Haniyeh nhấn mạnh các yêu cầu của Hamas, bao gồm "chấm dứt giao tranh, lực lượng chiếm đóng rút khỏi Dải Gaza, dỡ bỏ phong tỏa, đồng thời những người di tản được cung cấp nơi trú ẩn an toàn".
Trước đó, ngày 16-2, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi ngừng bắn tạm thời để đưa các con tin bị giữ ở Gaza ra khỏi dải đất này theo thỏa thuận trao đổi tù nhân bị giam giữ tại Israel. Ông Biden xác nhận đã có cuộc trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu về vấn đề này và đàm phán đang diễn ra.
Theo số liệu chính thức của Israel, khoảng 130 con tin vẫn đang bị giam giữ ở Gaza sau khi Hamas tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào Israel ngày 7-10-2023. Hàng chục con tin trong số 250 con tin ước tính bị bắt trong cuộc tấn công này đã được trả tự do để đổi lấy tù nhân Palestine trong một tuần ngừng bắn vào tháng 11-2023.
* Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bác bỏ đề xuất tổ chức bầu cử sớm. Theo Hãng tin Reuters, tỉ lệ ủng hộ ông Netanyahu đã giảm mạnh trong cuộc thăm dò dư luận kể từ khi chiến sự với Hamas nổ ra ngày 7-10-2023.
Các cuộc biểu tình chống chính phủ gây chấn động đất nước trong phần lớn năm 2023 đã lắng xuống trong chiến tranh. Tuy nhiên, những người biểu tình lại xuống đường ở Tel Aviv vào tối 17-2 để kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử mới, dự kiến diễn ra vào năm 2026.
Theo truyền thông địa phương, đám đông nhỏ hơn nhiều so với các cuộc biểu tình rầm rộ năm ngoái, khoảng vài nghìn người.
Ông Netanyahu cho rằng bầu cử là điều cuối cùng Israel cần lúc này, vì nó sẽ chia rẽ đất nước. "Chúng ta cần đoàn kết ngay lúc này", ông Netanyahu nói.
Biểu tình chống chính phủ và kêu gọi thả con tin ở Tel Aviv, Israel, ngày 17-2 - Ảnh: AFP
* Israel tiến hành các vụ bắt giữ tại Bệnh viện Nasser. Nasser ở Khan Younis là bệnh viện lớn duy nhất còn hoạt động ở Dải Gaza.
Ngày 17-2, người phát ngôn Cơ quan y tế Gaza Ashraf al-Qidra cho biết: "Lực lượng chiếm đóng đã giam giữ một lượng lớn nhân viên y tế bên trong Nasser, nơi họ (Israel) biến thành căn cứ quân sự".
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết sẽ tiếp tục chiến dịch quân sự và cho biết quân đội sẽ tiến vào thành phố biên giới phía nam Rafah.
Quân đội Israel đang truy lùng Hamas ở Nasser và đã bắt giữ 100 nghi phạm tại đây.
Hamas bác bỏ cáo buộc rằng các chiến binh của họ trốn trong cơ sở y tế. Trong khi đó, ít nhất hai con tin Israel được thả cho biết họ bị giữ ở Nasser và Israel công bố những bức ảnh, video ủng hộ tuyên bố của mình rằng Hamas hoạt động trong các cơ sở y tế.
Cơ quan y tế Gaza cho biết khoảng 10.000 người đang trú ẩn tại Bệnh viện Nasser vào đầu tuần này, nhưng nhiều người đã rời đi trước cuộc đột kích của Israel hoặc vì lệnh sơ tán của Israel.
* Thủ tướng Israel cử nhà đàm phán đến Cairo, Ai Cập. Ông Netanyahu cho biết ông gửi nhà đàm phán đến Cairo theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhưng đàm phán không thể diễn ra vì yêu cầu của Hamas là "ảo tưởng".
Ông Netanyahu cũng cho biết Israel sẽ không nhượng bộ trước "các mệnh lệnh quốc tế" liên quan đến thỏa thuận thành lập nhà nước với người Palestine. Ông cho rằng đây là điều chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán trực tiếp mà không cần điều kiện tiên quyết.
Về khả năng "đơn phương công nhận" một nhà nước Palestine, ông Netanyahu cho biết không thể có "phần thưởng cho chủ nghĩa khủng bố".
Ông nói: "Israel dưới sự lãnh đạo của tôi sẽ tiếp tục phản đối mạnh mẽ việc đơn phương công nhận một nhà nước Palestine".
Chiến sự Nga - Ukraine
* Ông Putin chúc mừng quân đội sau khi kiểm soát thành phố Avdiivka của Ukraine. Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chúc mừng các đơn vị quân đội và chỉ huy của họ về việc kiểm soát được thành phố Avdiivka của Ukraine.
Trang web của Điện Kremlin cho biết ông Putin đã nhận được báo cáo về việc kiểm soát được thành phố này từ Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu.
"Người đứng đầu nhà nước đã chúc mừng thành công của binh sĩ Nga, một chiến thắng quan trọng", thông cáo của Điện Kremlin cho hay.
Các hãng thông tấn Nga dẫn bức điện ông Putin gửi cho chỉ huy lực lượng "trung tâm" ở Ukraine, thượng tướng Andrei Mordvichev.
"Đối với hoạt động quân sự xuất sắc, tôi bày tỏ lòng biết ơn tới tất cả quân nhân dưới sự chỉ đạo của ông đã tham gia trận chiến vì Avdiivka", ông Putin nói.
Quân nhân Ukraine chất túi đất để xây công sự, cách thành phố Avdiivka không xa, ngày 17-2 - Ảnh: AFP
* Người biểu tình Ba Lan phong tỏa 6 cửa khẩu biên giới với Ukraine. Ngày 17-2, người phát ngôn Cơ quan Biên phòng quốc gia Ukraine, ông Andriy Demchenko, cho biết những người biểu tình Ba Lan đã phong tỏa 6 cửa khẩu biên giới với Ukraine, đồng thời chặn trạm kiểm soát Krakowiec.
Hành động này đã khiến 3.300 xe tải phải xếp hàng chờ đợi để được nhập cảnh vào Ukraine, trong đó có 1.600 xe tải tại cửa khẩu Krawiec và 550 xe tại trạm kiểm soát Yahodyn.
Nông dân Ba Lan đã tiến hành biểu tình trên các tuyến đường qua trạm kiểm soát Dorohusk-Yahodyn và Hrebenne-Rava-Ruskva từ ngày 9-2. Đến ngày 12-2, người biểu tình hạn chế giao thông tại các trạm kiểm soát Zosyn-Ustyluh và Dolhobychuv-Uhryniv, đồng thời phong tỏa trạm kiểm soát Sheghini.
Ngày 16-2, đến lượt trạm kiểm soát Krakivets-Korchova bị chặn.
--------
Ukraine đòi Ba Lan trừng phạt nông dân biểu tình
Tác giả : Vi Trân Nguồn: Thanh Niên Ngày đăng: 2024-02-18
Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng Ba Lan và Ukraine đang ngày càng rạn nứt vì mâu thuẫn liên quan vấn đề xuất khẩu ngũ cốc của Kyiv, vốn khiến nông dân của Warsaw phản đối vì cáo buộc cạnh tranh không công bằng.
Ukraine từng được ví như rổ bánh mì của châu Âu nhưng giờ ngành nông nghiệp của nước này lâm cảnh chật vật do xung đột với Nga, khiến nhiều cảng xuất khẩu ở biển Đen bị phong tỏa trong khi đất đai trồng trọt bị phá hủy vì bom mìn. Ukraine đã tìm cách xuất khẩu ngũ cốc vào châu Âu bằng đường bộ nhưng bị phản đối tại các nước láng giềng, nơi nhiều nông dân phàn nàn với chính phủ sở tại về việc nông sản bị cạnh tranh không công bằng.
Nông dân Ba Lan biểu tình với biểu ngữ "Ngừng phá hoại nền nông nghiệp Ba Lan" tại cửa khẩu Dorohusk ngày 9.2
Tuần trước, các nông dân Ba Lan biểu tình tại biên giới, cho xe kéo chặn các tuyến đường ở 3 cửa khẩu với Ukraine nhằm cản trở việc nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ từ nước láng giềng. Theo AFP, một số xe tải chở ngũ cốc của Ukraine sau khi đi vào EU đã bị cạy cửa, khiến ngũ cốc đổ ra ngoài.
Bộ Nông nghiệp Ukraine ngày 12.2 lên án hành động cố tình phá hoại của những người biểu tình Ba Lan và kêu gọi nhà chức trách sở tại nhanh chóng trừng phạt thủ phạm.

Tổng thống Ba Lan 'vạ miệng' khi phát biểu về Crimea
"Trong 2 năm, các nông dân Ukraine đã làm việc dưới làn đạn liên tục của kẻ thù và chịu tổn thất to lớn. Họ thu hoạch được số ngũ cốc này với sự khó khăn vô cùng và đôi khi phải trả giá bằng cả tính mạng", Bộ Nông nghiệp Ukraine nói. Thứ trưởng Kinh tế Ukraine Taras Kachka cho rằng chính quyền Ba Lan nếu không phản ứng sẽ dẫn đến sự bài ngoại và bạo lực chính trị.
Cảnh sát Ba Lan ngày 12.2 xác nhận đã kiểm tra hiện trường vụ phá hoại và thẩm vấn nhân chứng trước khi gửi bằng chứng cho cơ quan công tố xem xét. Phát ngôn viên Agnieszka Kepka của Văn phòng công tố quận tại Lublin (Ba Lan) cho biết số ngũ cốc bị đổ ra ngoài có lẽ không thể sử dụng được nữa và cơ quan đã mở cuộc điều tra đối với hành vi vi phạm an ninh hải quan và phá hoại tài sản.
Xe chở ngũ cốc của Ukraine gần cửa khẩu Dorohusk hồi tháng 11.2023
Việc phản đối của nông dân trong nước đặt ra tình huống khó xử cho chính quyền Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, người đã tìm cách cải thiện quan hệ với Ukraine từ khi lên nắm quyền vào năm ngoái.
Trả lời báo chí trước cuộc đối thoại với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Paris ngày 12.2, ông Tusk hứa sẽ tìm giải pháp chung về vấn đề an ninh lương thực nhưng cũng lưu ý lợi ích của nông dân Ba Lan. "Khó để tìm thấy một chính trị gia ủng hộ Ukraine mạnh mẽ hơn tôi tại châu Âu. Nhưng chúng ta cũng cần tính đến lợi ích an ninh lương thực của Ba Lan và châu Âu", ông Tusk, cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu nói.
Nông sản Ukraine bị đổ từ xe tải xuống đường ở Ba Lan
Trước đó một ngày, ông Tusk khẳng định sẽ không thay đổi gì trong chính sách giúp đỡ của Ba Lan dành cho Ukraine trong cuộc chiến chống lại lực lượng Nga. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh sẽ bảo vệ nông dân và tài xế xe tải Ba Lan trước sự cạnh tranh không công bằng.
Vị lãnh đạo cảnh báo rằng nếu những phàn nàn của cộng đồng doanh nghiệp Ba Lan không được giải quyết, thái độ chống Ukraine có thể sẽ tăng lên.
----------