Những lần Giáo hoàng Francis gây tranh cãi về chiến sự Ukraine
Tác giả : Thanh Danh Nguồn: VnExpress Ngày đăng: 2024-03-14
Phát biểu về "giương cờ trắng" để đàm phán không phải lần đầu tiên Giáo hoàng Francis vấp phải tranh cãi khi bình luận về cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Cuộc phỏng vấn của Giáo hoàng Francis với đài RSI của Thụy Sĩ, dự kiến công bố ngày 20/3, còn chưa kịp lên sóng đã gây ra nhiều tranh cãi chính trị tại châu Âu.
Rắc rối truyền thông của Vatican bùng nổ sau khi Reuters đăng đoạn trích cuộc phỏng vấn, trong đó Giáo hoàng được đề nghị bình luận về tranh cãi liệu Ukraine có nên giương "cờ trắng", bỏ cuộc và chấp nhận đàm phán để chấm dứt chiến sự hay không.
Giáo hoàng nhận định cách nói này có phần đúng, cho rằng người mạnh mẽ là người biết nghĩ đến dân thường, "có dũng khí giương cờ trắng và bắt đầu đàm phán" khi nhận ra thất bại và tình hình xấu đi.
Ukraine và loạt đồng minh châu Âu đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố này của Giáo hoàng. Kiev tuyên bố quốc kỳ của họ "chỉ có màu vàng và xanh dương, không có màu trắng", trong khi nhiều quan chức, lãnh đạo châu Âu đặt câu hỏi tại sao Giáo hoàng không kêu gọi Nga rút quân để chấm dứt chiến sự mà không cần phải đàm phán.
Đây không phải lần đầu tiên Giáo hoàng Francis, 87 tuổi, đưa ra những phát biểu gây nhiều tranh cãi liên quan đến chiến sự tại Ukraine.
Tháng 6/2022, Giáo hoàng Francis làm dấy lên tranh cãi về lập trường với chiến sự Ukraine khi trả lời tạp chí La Civilta Cattolica của Italy. Ông nói xung đột nổ ra tại Ukraine do Nga "bị khiêu khích" và đáng lẽ đã có thể được ngăn chặn.
Trước đó một tháng, ông còn bình luận rằng NATO "có lẽ đã góp phần gây ra" chiến sự tại Ukraine khi "làm ồn ào trước cổng nhà của nước Nga". Phát biểu này có nhiều điểm giống với lập trường của Nga về lý do nước này phát động chiến sự ở Ukraine.
Trước phản ứng từ Ukraine và giới chức phương Tây, Giáo hoàng Francis sau đó lên tiếng nói rõ ông không đứng về phía Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông nói chủ đích của mình là "phản đối 'tư duy tối giản hóa' trong việc phân biệt kẻ tốt người xấu, kêu gọi tìm hiểu những lợi ích đan xen và nguyên nhân gốc rễ" của chiến sự.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 11/2022 với America, tạp chí Công giáo La Mã dòng Jesuit tại Mỹ, Giáo hoàng Francis lại khiến Nga tức giận. Ông nói "những binh sĩ hung bạo nhất" được cử ra chiến trường Ukraine là "lính Nga nhưng không phải người Nga truyền thống, mà là người Chechnya và Buryati" cùng những sắc tộc thiểu số khác.
Giới hoạt động xã hội tại Nga sau đó chỉ trích bình luận của Giáo hoàng Francis mang màu sắc phân biệt chủng tộc.
"Nếu Giáo hoàng thật sự phản đối chiến tranh ở Ukraine, ngài nên dùng sức ảnh hưởng để thuyết phục chính khách châu Âu và Mỹ hỗ trợ thực chất, thay vì chỉ gửi đến Ukraine những lời cầu nguyện", Alexandra Garmazhapova, nhà hoạt động xã hội người Buryatia tại Nga, khi đó bức xúc.
Moskva cũng bày tỏ không hài lòng với bình luận từ Giáo hoàng Francis, cho rằng đây là thông tin sai sự thật. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng Vatican đã "tự đánh mất uy tín và không thể làm trung gian đàm phán hòa bình".
Giáo hoàng Francis sau đó gửi lời xin lỗi tới chính phủ Nga, đồng thời khẳng định "tôn trọng sâu sắc dành cho tất cả nhân dân Nga cũng như mọi dân tộc và quốc gia trên thế giới".
Giáo hoàng Francis tại Vatican hôm 6/1. Ảnh: AFP
Hồi tháng 8/2023, đến lượt Ukraine bày tỏ bức xúc sau khi Giáo hoàng Francis gửi thông điệp chúc mừng 10 năm thành lập Hội Tín đồ trẻ tuổi Công giáo Nga ở St. Petersburg.
"Đừng bao giờ quên đi nguồn cội. Các bạn là hậu duệ của nước Nga vĩ đại, từ những vị thánh của nước Nga, những quân vương như sa hoàng Peter I và nữ hoàng Catherine II. Đế chế đã xây dựng nên một nền giáo dục, văn hóa và nhân văn vĩ đại. Các bạn là hậu duệ của nước Nga và hãy xông pha vì đất nước, giữ vững cung cách của người Nga", Giáo hoàng Francis viết trong thư mừng.
Bộ Ngoại giao Ukraine chỉ trích thông điệp từ người đứng đầu Vatican không khác gì "tuyên truyền" giúp Moskva, kêu gọi thanh niên Nga tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine.
Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Nhà thờ Công giáo Hy Lạp tại Ukraine, bày tỏ lo ngại lời nói từ Giáo hoàng Francis "bị hiểu nhầm thành ủng hộ chủ nghĩa dân tộc, vốn là tư tưởng dẫn đến cuộc chiến tại Ukraine".
Đáp lại bất bình từ Kiev, giới chức Vatican phủ nhận Giáo hoàng Francis cổ vũ chủ nghĩa dân tộc. Họ khẳng định Giáo hoàng chỉ đơn thuần khuyến khích thanh niên gìn giữ và phát huy các giá trị tinh thần tốt đẹp trong văn hóa Nga.
Trước cơn bão truyền thông vì bình luận Ukraine nên "giương cờ trắng" lần này, Vatican đã nỗ lực xoa dịu phản ứng của dư luận, đặc biệt là sau khi Nga tuyên bố hoan nghênh quan điểm của Giáo hoàng về đàm phán. Nga lâu nay vẫn tuyên bố sẵn sàng đàm phán, nhưng với điều kiện Ukraine phải chấp nhận từ bỏ các vùng lãnh thổ mà Moskva đã sáp nhập.
Phát ngôn viên Vatican Matteo Bruni ngày 9/3 giải thích rằng Giáo hoàng Francis chỉ mượn hình ảnh "cờ trắng" làm hình ảnh ẩn dụ cho mong muốn chấm dứt mọi thù địch, ủng hộ đình chiến hướng đến "hòa bình công bằng và lâu dài", chứ không mang ý nghĩa đầu hàng.
Tuy nhiên, khủng hoảng truyền thông đã nhanh chóng vượt khỏi kiểm soát. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky chỉ trích bình luận của Giáo hoàng Francis là "kiểu trung gian đàm phán 'thực tế ảo' từ nơi cách xa 2.500 km".
Hồng y Pietro Parolin, quan chức cấp cao thứ hai của Vatican sau Giáo hoàng, ngày 12/3 lên tiếng khẳng định "bên tấn công" phải ngừng bắn để đàm phán hòa bình tại Ukraine.
Ông làm rõ rằng Nga trong trường hợp này bị coi là bên "xâm phạm", nhấn mạnh cuộc chiến ở Ukraine "không phải hậu quả của thiên tai, mà là lựa chọn của con người".
"Chính ý chí con người đã gây nên thảm họa này cũng có khả năng và trách nhiệm tiến hành các bước để chấm dứt nó và mở đường cho giải pháp ngoại giao", Hồng y Parolin nói.
Thanh Danh
(Theo Vatican News, CNN, Politico)
----------
Ý kiến độc giả :

Francis yêu nước Nga đến mất trí
Minh Sơn    
----------