'Ác mộng' nắng nóng qua lời kể của người hành hương ở Mecca
Tác Giả : Hoàng Nguồn: VnExpress Ngày đăng :2024-06-22
Những người hành hương tại Mecca cho biết cái nóng như ác mộng khiến họ nhanh chóng kiệt sức, trong khi khả năng tiếp cận dịch vụ khẩn cấp lại hạn chế.
Sau nhiều năm không xin được thị thực, Yasser cuối cùng quyết định ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện cuộc hành hương tới thánh địa Mecca, Arab Saudi bằng con đường bất hợp pháp, hành động mà giờ đây ông rất hối hận.
Mặc dù vẫn sống sót sau những nghi lễ mệt mỏi diễn ra giữa thời tiết nắng nóng cực độ, Yasser đã không gặp vợ mình kể từ hôm 16/6 và lo ngại rằng bà là một trong hơn 1.000 trường hợp tử vong khi tham gia mùa hành hương năm nay tại Mecca. Phần lớn họ là những người Ai Cập chưa đăng ký với chính quyền sở tại như ông.
Người phụ nữ dùng chiếc quạt chạy pin để làm mát cho một người đàn ông ngã quỵ vì nắng nóng trong nghi lễ ném đá quỷ dữ tại thung lũng Mina, cách Mecca khoảng 8 km, ngày 16/6. Ảnh: AFP
"Tôi đã tìm kiếm từng bệnh viện ở Mecca. Bà ấy không ở đó", kỹ sư nghỉ hưu 60 tuổi nói với AFP hôm 21/6 qua điện thoại từ phòng khách sạn. "Tôi không muốn tin bà ấy đã chết. Bởi nếu bà ấy chết, đó sẽ là dấu chấm hết cho cuộc đời bà ấy và cả của tôi nữa".
Theo thống kê từ AFP, công dân Ai Cập chiếm hơn 50% số ca tử vong trong lễ hành hương hajj năm nay, tương đương 658 trong hơn 1.000 trường hợp được ghi nhận tính đến ngày 21/6.
Một nhà ngoại giao Arab cho hay 630 trong 658 người Ai Cập thiệt mạng chưa đăng ký với giới chức Arab Saudi, đồng nghĩa họ không thể tiếp cận các tiện nghi giúp cuộc hành hương trở nên dễ chịu hơn, như lều có điều hòa giúp chống nóng khi nhiệt độ tăng vọt lên tới 51,8 độ C.
Một quan chức cấp cao Arab Saudi xác nhận 577 người chết trong hai ngày cao điểm của lễ hajj là 15 và 16/6, khi người hành hương tập trung hàng giờ để cầu nguyện dưới cái nắng thiêu đốt ở núi Arafat và tham gia lễ ném đá quỷ dữ ở Mina.
Ông nhấn mạnh số người tử vong cao trong đợt hành hương không phải vì nước này quản lý kém, mà do nhiều tín đồ không giấy phép đã đánh giá sai mức độ rủi ro.
Hajj là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi và tất cả người Hồi giáo đều phải hoàn thành một lần trước khi chết. Arab Saudi cho hay đợt hành hương năm nay có 1,8 triệu người tham gia, bằng năm ngoái, trong đó 1,6 triệu là người ngoại quốc.
Thị thực hành hương được phân bổ tới từng quốc gia theo hệ thống hạn ngạch và phân phối cho tín đồ bằng hình thức lựa chọn ngẫu nhiên. Chi phí hành hương theo diện chính thức đắt đỏ, khiến nhiều người liều lĩnh tới Mecca mà không xin giấy phép, bất chấp nguy cơ bị bắt và trục xuất.
Yasser đã nhận ra những rắc rối vì hành hương trái phép ngay sau khi ông đến Arab Saudi hồi tháng 5.
Ngay trước khi nghi lễ hajj bắt đầu cách đây một tuần, nhiều cửa hàng và nhà hàng đã từ chối phục vụ những du khách không xuất trình được giấy phép hợp lệ.
Sau những ngày dài đi bộ và cầu nguyện dưới ánh mặt trời chói chang, Yasser không thể sử dụng dịch vụ xe buýt công, phương tiện di chuyển duy nhất quanh các thánh địa, nếu không trả những khoản "phí ngầm" cắt cổ.
Kiệt sức vì nắng nóng, Yasser tìm đến một bệnh viện ở Mina để cầu xin giúp đỡ, nhưng tiếp tục bị từ chối vì không có giấy phép. Tồi tệ hơn, Yasser và vợ, bà Safaa, lạc mất nhau trong đám đông khi tham gia nghi lễ ném đá quỷ dữ ở Mina.
Kể từ đó, Yasser đã nhiều lần hoãn chuyến bay hồi hương với hy vọng vợ sẽ trở về. "Tôi sẽ hoãn cho đến khi tìm được bà ấy", ông nói.
Những người hành hương Ai Cập chưa đăng ký khác mà AFP phỏng vấn trong tuần qua cũng mô tả nỗi khó khăn tương tự. Họ kể về những cảnh tượng khủng khiếp dọc theo tuyến đường hành hương khi nhiệt độ tăng cao.
"Có rất nhiều xác người trên mặt đất" ở Arafat, Mina và trên đường tới Mecca, Mohammed, 31 tuổi, người Ai Cập sống ở Arab Saudi, cho biết. Anh tham gia lễ hajj năm nay cùng người mẹ 56 tuổi. "Tôi nhìn thấy mọi người đột nhiên đổ sập xuống và chết vì kiệt sức", anh kể.
Một phụ nữ Ai Cập sống ở thủ đô Riyadh, Arab Saudi, người có mẹ qua đời trên đường hành hương, nói rằng cô không thể gọi xe cứu thương cho mẹ mình.
Xe cấp cứu chỉ đến sau khi mẹ cô qua đời, đưa thi thể đi đâu không rõ. "Đến nay, anh em họ của tôi ở Mecca vẫn tìm kiếm thi thể của mẹ", cô nói. "Chẳng lẽ chúng tôi không có quyền nhìn mặt mẹ lần cuối trước khi chôn cất ư?".
Một người hành hương Hồi giáo vẩy nước ra xung quanh để làm mát trong lúc tham gia nghi lễ ném đá quỷ dữ ở Mina, Arab Saudi, hôm 18/6. Ảnh: AFP
Ngay cả một số người hành hương đã đăng ký cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ khẩn cấp, theo Mustafa, người mất cả cha mẹ trong lễ hajj năm nay. Cha mẹ anh đã qua đời sau khi bị tách khỏi những người thân trẻ tuổi hơn trong gia đình giữa đám đông hỗn loạn.
"Chúng tôi biết họ rất mệt", Mustafa cho hay. "Họ phải đi bộ quãng đường rất dài mà không thể tìm thấy nước. Trời thì quá nóng".
Anh đã mong được chào đón cha mẹ về nhà khi họ hoàn thành cuộc hành hương, nhưng giờ đây, niềm an ủi duy nhất của Mustafa là họ đã được chôn tại thánh địa Mecca.
"Tất nhiên, chúng tôi tin vào những gì Thượng đế đã định đoạt cho họ, nhưng cả Ai Cập đều đau buồn", anh nói, đề cập đến hơn 650 người dân nước này thiệt mạng. "Chúng tôi sẽ không bao giờ được gặp lại họ nữa".
Hoàng (Theo AFP)
***

Arab Saudi tuyên bố không có lỗi về hơn 1.000 người chết ở Mecca
Tác Giả : Hồng Hạnh Nguồn: VnExpress Ngày đăng :2024-06-22
Arab Saudi giải thích số người tử vong cao trong đợt hành hương không phải vì nước này quản lý kém, mà là do nhiều tín đồ không giấy phép đã đánh giá sai mức độ rủi ro.
Theo thống kê do AFP tổng hợp từ tuyên bố và báo cáo của quan chức các nước, số người chết trong mùa hành hương năm nay ở Mecca tính đến 21/6 là 1.126 người, trong đó một nửa là người Ai Cập.
Một quan chức cấp cao của Arab Saudi ngày 21/6 xác nhận 577 người chết trong hai ngày cao điểm của lễ hajj là 15 và 16/6, khi người hành hương tập trung hàng giờ để cầu nguyện dưới cái nắng thiêu đốt ở núi Arafat và tham gia lễ ném đá ma quỷ ở Mina.
"Hai sự kiện diễn ra trong nhiệt độ khắc nghiệt", quan chức này nói, thừa nhận 577 người chết chỉ là một phần, không phải toàn bộ số người tử vong trong lễ hajj kết thúc vào 19/6. "Arab Saudi không sai, nhưng một bộ phận người hành hương đã sai lầm bởi không đánh giá hết rủi ro".
Một người hành hương quốc tịch Thổ Nhĩ Kỳ đổ nước mát lên đầu trong lúc chờ chuyến xe rời Thánh địa Mecca ngày 20/6. Ảnh: AFP
Hajj là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi và tất cả người Hồi giáo đều phải hoàn thành một lần trước khi chết. Arab Saudi cho hay năm nay có 1,8 triệu người tham gia, bằng năm ngoái, trong đó 1,6 triệu là người ngoại quốc.
Giấy phép hành hương được phân bổ tới từng quốc gia theo hệ thống hạn ngạch và phân phối cho tín đồ bằng hình thức lựa chọn ngẫu nhiên. Chi phí hành hương theo diện chính thức đắt đỏ, khiến nhiều người liều lĩnh tới Mecca mà không xin giấy phép, bất chấp nguy cơ bị bắt và trục xuất.
Tuyến đường phi chính thức tới Mecca giúp tiết kiệm hàng nghìn USD bắt đầu được nhiều người biết tới từ năm 2019, khi Arab Saudi đưa ra thị thực du lịch phổ thông khiến việc nhập cảnh vào Arab Saudi dễ dàng hơn.
Trước mùa lễ hành hương bắt đầu từ 14/6 năm nay, giới chức Arab Saudi đã giải tán hơn 300.000 người không có giấy phép ở Mecca. Tuy nhiên, quan chức Arab Saudi cho hay "phía trên ra lệnh cho chúng tôi để những người đã tới được cổng thánh địa vào trong tham gia các nghi lễ".
"Chúng tôi ước tính con số tín đồ không có giấy phép khoảng 400.000, đa số đến từ một quốc gia", ông nói, ám chỉ Ai Cập.
Ai Cập ghi nhận 658 người chết ở Mecca, trong đó 630 người không có giấy phép. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/6 cho biết "có nhiều công dân Mỹ tại Arab Saudi tử vong nhưng không thể cung cấp thêm chi tiết".
Lễ hajj được xác định theo âm lịch của đạo Hồi, năm nay rơi vào mùa hè giữa cái nóng thiêu đốt ở Arab Saudi. Trung tâm Khí tượng Quốc gia Arab Saudi cho hay nhiệt độ ở Đại thánh đường tại Mecca ngày 17/6 là 51,8 độ C.
Những người hành hương không có giấy phép không được sử dụng các dịch vụ hỗ trợ như lều tránh nắng có điều hòa không khí hay xe buýt. Một số người Ai Cập không có giấy phép cho biết khó gọi xe cứu thương hoặc khó tìm phương tiện đưa người thân tới bệnh viện, dẫn tới những ca tử vong.
Họ phàn nàn rằng không thể sử dụng xe buýt hajj, loại phương tiện duy nhất hỗ trợ đi lại cho người hành hương tới các địa điểm bên trong thánh địa vì phải trả khoản phí rất đắt đỏ. Ho phải đi bộ hàng km dưới ánh nắng chói chang, nhiều người gục gã vì kiệt sức.
Quy trình lễ hajj ở Mecca. Đồ họa: AFP
Quan chức Arab Saudi cho hay không có lệnh cấm người không có giấy phép sử dụng xe buýt.
"Không có lệnh cấm, nhưng xe buýt được chuẩn bị để phục vụ người có giấy đăng ký mà chúng tôi đã dự tính", ông nói. Những người không có giấy phép "đi bộ dọc tuyến xe buýt không có điểm bán thức ăn hay dịch vụ y tế như xe cứu thương. Đó là tuyến đường cao tốc dành cho xe buýt".
Hồng Hạnh (Theo AFP)
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn