Vì sao quan chức Mỹ, Trung Quốc, Nga lần lượt đến thăm Việt Nam?
Nguồn: The Epoch Times Ngày đăng :2024-06-24
Trong năm qua, lãnh đạo các nước Mỹ, Trung Quốc và Nga đã lần lượt đến thăm Việt Nam. Mới đây, ngay sau chuyến thăm chớp nhoáng của Tổng thống Nga Putin tới Việt Nam vào thứ Năm (20/6) là chuyến thăm hôm thứ Sáu (21/6) của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương Daniel Kritenbrink. Ông Kritenbrink nói rằng “Quan hệ đối tác Mỹ-Việt Nam chưa bao giờ chặt chẽ đến thế”. Về vấn đề này, có phân tích cho rằng do Việt Nam đóng vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc và Nga đang tăng cường nỗ lực lôi kéo Việt Nam, theo đó quan hệ Mỹ – Việt cũng ngày càng được nâng cấp.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm (trái) tham dự lễ chào mừng vào ngày 20 tháng 6 năm 2024 tại Hà Nội, Việt Nam. (Ảnh cộng tác viên/Getty Images)
Quan chức Mỹ đến thăm Việt Nam ngay sau chuyến thăm của Putin
Ông Tổng thống Nga Putin hôm thứ Năm thăm Việt Nam và ký một loạt thỏa thuận với Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, nhất trí tăng cường hợp tác về các lĩnh vực như giáo dục, công nghệ, thăm dò dầu khí…, đồng thời nhất trí hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm công nghệ khoa học hạt nhân.
Ông Putin cho biết hai nước có chung lợi ích trong việc “phát triển cơ cấu an ninh đáng tin cậy” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nền tảng của vấn đề này là không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, không xây dựng “các khối chính trị-quân sự khép kín”
Tuy nhiên điều công luận thấy lạ là cả chuyến thăm Việt Nam và Triều Tiên trước đó, ông Putin đều đến vào lúc 2h sáng. Trả lời tờ Epoch Times, Viện trưởng Su Ziyun Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Quốc phòng và An ninh Đài Loan nói rằng điều này rất kỳ lạ, các bên vẫn đang phân tích lý do.
Phía Mỹ thể hiện quan tâm về chuyến thăm Việt Nam của ông Putin. Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho hay ông Putin đang nỗ lực phá vỡ thế cô lập quốc tế sau cuộc xâm lược Ukraine.
Ngay sau khi ông Putin rời đi, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Mỹ là ông Daniel Kritenbrink đã tới Hà Nội vào thứ Sáu (21/6) trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày.
“Chỉ có Việt Nam mới có thể quyết định cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy lợi ích của mình”, ông Kritenbrink nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm thứ Bảy khi được hỏi quan điểm về chính sách đối ngoại của Việt Nam và việc tiếp đón ông Putin.
Trước đó vào tháng Chín năm ngoái, Tổng thống Biden đến thăm Việt Nam và hai bên đã nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Reuters dẫn lời ông Kritenbrink nói rằng việc nâng cấp quan hệ Mỹ – Việt là một quyết định “quan trọng về mặt lịch sử”.
Bộ Ngoại giao Mỹ hôm thứ Năm (20/6) tuyên bố rằng tại cuộc họp cấp bộ trưởng ASEAN vào tháng tới ở Viêng Chăn – Lào, hai bên Mỹ và Việt Nam sẽ thảo luận về các mục tiêu chung.
3 mục đích chính của ông Putin trong việc lôi kéo Việt Nam
Quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Moscow đã có từ thời Xô Viết. Liên Xô (cũ) đã đào tạo các cán bộ cộng sản trong đó có vị lãnh tụ giành độc lập của Việt Nam là ông Hồ Chí Minh, Nga cũng cung cấp vũ khí cho Việt Nam để chống lại trong chiến tranh với Mỹ, đến nay nước Nga vẫn là nhà cung cấp thiết bị quân sự chính cho Việt Nam.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, nhập khẩu vũ khí của Việt Nam từ Nga đạt 7,6 tỷ USD từ năm 1995 – 2023, chiếm hơn 80% tổng lượng mua từ nước ngoài của Việt Nam.
Việt Nam, giống như Trung Quốc, hầu hết đều bỏ phiếu trắng tại Liên Hợp Quốc khi bỏ phiếu lên án việc Nga xâm lược Ukraine.
Ông Su Ziyun tin rằng một trong những lý do khiến ông Putin lôi kéo Việt Nam chủ yếu là hy vọng Việt Nam có thể trở thành địa bàn mới cho chuyển giao tài chính của Nga.
Vào ngày 13/6, Mỹ tuyên bố mở rộng các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga để ngăn chặn các nước thân Nga như Trung Quốc làm ăn với Moscow, ngay sau đó Moscow tuyên bố đình chỉ các giao dịch bằng đồng đô la Mỹ và đồng euro. Do đó, ông Su Ziyun cho biết hiện nay Nga cần áp dụng phương thức chuyển qua trung gian, có thể sử dụng Nhân dân tệ trước rồi mới thông qua Việt Nam chuyển sang đô la Mỹ – nghĩa là Nga muốn dùng Việt Nam làm trung gian.
Còn vấn đề cung cấp vũ khí cho Nga thì Việt Nam không liên quan, chỉ có Triều Tiên hứa. Ông Su Ziyun cho rằng Putin có thể sẽ tìm kiếm Việt Nam cung cấp đạn pháo, vì mô hình trang bị này của Việt Nam tương tự Nga. Tuy nhiên, ông Su Ziyun đánh giá “Việt Nam sẽ không vượt qua ranh giới đỏ này, vì lợi ích của Việt Nam với Mỹ cao hơn với Nga và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Vì vậy trong vấn đề này, Hà Nội có thể chỉ giữ phép lịch sự ngoại giao với ông Putin.”
Ngoài ra, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ngày càng leo thang, Mỹ và Liên minh châu Âu gần đây đã tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Về vấn đề này, Giáo sư Zheng Zhengbing – Khoa Tài chính tại Đại học Khoa học và Công nghệ Yunlin (Đài Loan) cho biết: Nga đang nỗ lực mở rộng liên minh sang châu Á, tìm kiếm sự hỗ trợ từ nhiều phía.
“Quan hệ đối tác Mỹ-Việt Nam chưa bao giờ thân thiết đến thế”
Ông Kritenbrink cũng cho biết tại Việt Nam rằng ông hy vọng sẽ duy trì được đà phát triển của quan hệ Mỹ-Việt Nam, đảm bảo mọi thỏa thuận hai bên đạt được đều thực hiện: “Chúng tôi tiếp tục tin rằng quan hệ đối tác Mỹ-Việt Nam chưa bao giờ gần gũi hơn bây giờ.”
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết hôm thứ Năm (20/6) rằng Mỹ đang nâng cấp quan hệ đối tác với Hà Nội và coi đây là đối tác để đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời sẽ không đặt tiền đề Hà Nội chấm dứt quan hệ với Moscow hay Bắc Kinh.
Về vấn đề này, chuyên gia Su Ziyun phân tích cho Epoch Times rằng Việt Nam vốn có tranh chấp chủ quyền với ĐCSTQ, đồng thời có quan hệ đối tác chiến lược với Nga, nên việc Mỹ tìm mọi cách để lôi kéo Việt Nam thì hiệu quả sẽ tốt hơn thay vì gây áp lực để yêu cầu Việt Nam phải nhượng bộ cắt đứt quan hệ với Trung Quốc và Nga.
“Nga và ĐCSTQ cũng có xung đột lợi ích ở Việt Nam. Ví dụ, tại một số khu vực chủ quyền mà ĐCSTQ tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, các công ty dầu mỏ của Nga thực tế đang khai thác dầu thô ở đó, cho nên trước tình trạng những mâu thuẫn như vậy thì chiến lược [ôn hòa] của Mỹ sẽ hiệu quả hơn”, ông lưu ý.
Ông Su Ziyun cho rằng Mỹ cung cấp thị trường và mua bán vũ khí tất nhiên là hấp dẫn đối với Việt Nam, nếu bản thân Việt Nam xác định hợp tác với Mỹ là quan trọng hơn thì đương nhiên cái gọi là quan hệ đối tác với Trung Quốc và Nga sẽ chỉ là vấn đề tin đồn [chứ không có tính thực chất]. Đó là lý do tại sao ông nói rằng quan hệ quốc tế hay ngoại giao là một nghệ thuật.
Mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã được nâng cấp hơn nữa kể từ năm ngoái, đã hai lần tàu sân bay Mỹ đến thăm Đà Nẵng – Việt Nam. Tháng Chín năm ngoái, Tổng thống Mỹ Biden đã đích thân đến thăm Việt Nam và ký nhiều thỏa thuận hợp tác, trong đó đặc biệt nhất là việc Mỹ có thể bán máy bay chiến đấu F16 cho Việt Nam. Liên quan vấn đề này, ông Zheng Zhengbing tin rằng liên minh giữa Mỹ và Việt Nam sẽ ngày càng sâu sắc hơn, hợp tác kinh tế cũng sẽ ngày càng sâu sắc hơn.
Việt Nam trong chiến lược của Mỹ nhắm vào Trung Quốc
Ở Đông Á, ĐCSTQ trong những năm gần đây đã có những động thái bành trướng gây xung đột với các nước láng giềng: Xây dựng các đảo ở Biển Đông xung đột với Philippines và Việt Nam, tập trận quân sự quanh Đài Loan đe dọa Đài Loan, quấy rối ở biển Hoa Đông gây vấn đề với Nhật Bản… thúc đẩy các nước này liên minh với Mỹ càng mạnh mẽ hơn. Trong khi đó chính quyền Tổng thống Biden tiếp tục thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà trước đó thời ông Trump đề xuất, trong chiến lược này thì Đông Á đóng một vai trò quan trọng.
Ông Zheng Zhengbing nói với Epoch Times rằng chiến lược Đông Á của Mỹ chủ yếu là răn đe ĐCSTQ, hy vọng kiềm chế Bắc Kinh để họ không đưa quân đến Đài Loan hay Biển Đông, trong đó Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng.
Đối với ĐCSTQ, chuyên gia Zheng Zhengbing cho hay, “Ưu tiên hàng đầu hiện nay là đối đầu với Mỹ, đồng thời cũng đang đoàn kết Nga để chống lại G7 do Mỹ đứng đầu. Cuộc đối đầu này trên nhiều mặt từ kinh tế đến quân sự…. Nhưng ĐCSTQ muốn thành lập liên minh với Nga ở mức độ nào? Gần đây họ đã do dự, vì nền kinh tế của Trung Quốc rất phụ thuộc vào Mỹ và phương Tây, nên về cơ bản họ sẽ gác lại xung đột với Việt Nam ở Biển Đông để có thể mở rộng liên minh”.
Ông Zheng tin rằng Nga và Trung Quốc muốn thiết lập hệ thống thanh toán riêng thoát khỏi các lệnh trừng phạt kinh tế từ Mỹ và phương Tây, họ đều có động lực mạnh mẽ để lôi kéo Việt Nam. Do Việt Nam đã được tất cả các bên xem trọng về nhiều mặt, nên Việt Nam có nhiều lựa chọn chiến lược.
Ảnh hưởng của Mỹ gia tăng trong “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam
Trong năm qua, các nhà lãnh đạo Mỹ, Trung Quốc và Nga đã “theo hình thức thi đua” đến thăm Việt Nam. Việt Nam đã tiếp đón Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng Chín năm ngoái và lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình vào tháng 12. Trong thời gian này, Việt Nam đã thúc đẩy Nhật Bản trở thành 1 trong 6 nước đối tác chiến lược toàn diện cùng với Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó mới đây, ông Tổng thống Nga Putin lại phải đến Việt Nam.
“Việt Nam đang diễn vai trò rất tốt”, tờ Financial Times dẫn lời ông Nguyễn Khắc Giang – nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Issa ở Singapore.
Việt Nam trong những năm qua đã cố gắng áp dụng lập trường ngoại giao cân bằng. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Mỹ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng năm 2016 đã đề xuất khái niệm “ngoại giao cây tre”, cho rằng tre có đặc điểm mềm dẻo, kiên cố.
Dưới sự lãnh đạo của ông Trọng, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với các đồng minh như Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc lên mức “đối tác chiến lược toàn diện” như với Nga trước đó – đây là cấp độ quan hệ ngoại giao cao nhất của Hà Nội.
Về quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, ông Zheng Zhengbing tin rằng sau Chiến tranh Trung-Việt năm 1979, mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc duy trì hữu hảo bề ngoài, giữa họ vẫn tồn tại những chia rẽ quan trọng như xung đột lợi ích ở Biển Đông. Nhưng Trung Quốc cũng vẫn là đối tác rất quan trọng của Việt Nam trong cả xuất khẩu và nhập khẩu, do vấn đề về địa lý của Việt Nam. Vì vậy, Trung Quốc và Việt Nam có xung đột nhưng cũng có lợi ích chung.
Trung Quốc hiện là nước thương mại lớn nhất của Việt Nam và Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Việt Nam, nhưng các đồng minh phương Tây đang ngày càng quan trọng hơn với Việt Nam.
Những năm gần đây, theo chiến lược “giảm rủi ro” của phương Tây, Việt Nam trở thành điểm đến ưa thích của các công ty đa quốc gia như Apple, bởi các công ty này mong muốn tránh xa Trung Quốc và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Những động thái đó giúp Việt Nam có thêm nhiều hy vọng đạt được vị thế một trung tâm sản xuất quan trọng trên thế giới.
Người phụ trách chương trình Đông Nam Á tại Viện Lowy (Úc), ông Susannah Patton cho biết Hà Nội đã rất khôn ngoan trong việc xử lý các mối quan hệ với Bắc Kinh và đã đạt được sự cân bằng hợp lý “giữa kháng cự và tuân thủ”. Ông Patton cho rằng Việt Nam sử dụng mối quan hệ với Mỹ và Nga để cân bằng với Bắc Kinh: “Việt Nam có được nhiều lợi ích từ lập trường chính sách đối ngoại đa phương, duy trì mối quan hệ chặt chẽ với nhiều đối tác”.
Vấn đề này được chuyên gia Zheng Zhengbing cho hay, “Mỹ đang tăng tốc liên minh. Ảnh hưởng của Mỹ đối với Việt Nam đang gia tăng so với ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga đối với Việt Nam”.
Nhóm PV Epoch Times
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn