Bầu cử lập pháp : Pháp rời khỏi Liên Âu, nguy cơ nhãn tiền khi phe cực hữu lên cầm quyền
Tác Giả : Anh Vũ Nguồn: RFI Ngày đăng :2024-06-24
Chưa đầy một tuần nữa, cử tri Pháp bước vào cuộc bầu cử Quốc Hội trước thời hạn đầy thách thức được mất, khả năng phe cực hữu thắng tiếp tục được khẳng định, đồng thời làm dấy lên trong dư luận những lo ngại về viễn cảnh nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Chủ tịch đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - Rassemblement National RN - Jordan Bardella (T) vận động tranh cử tại Chuelles, gần Montargis, Pháp, ngày 14/06/2024. REUTERS - Benoit Tessier
Một tuần trước vòng một cuộc bầu cử cực kỳ quan trọng, các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu tiếp tục dự báo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc RN về đầu với trên 35% phiếu bầu, về thứ hai liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới được hơn 29% , phe đa số cầm quyền hiện nay chỉ đạt trên 21% phiếu bầu. Viễn cảnh phe cực hữu lên cầm quyền đang hiển hiện ngày một gần thêm.
Câu hỏi điều gì sẽ xảy ra với nước Pháp khi đảng Tập Hợp Dân Tộc lên cầm quyền lại được đặt ra. Những ngày gần đây, một bộ phận dư luận cũng như một số nhà chính trị ở Pháp đã cảnh báo nước Pháp sẽ bị đặt trước nguy cơ ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu một khi phe cực hữu RN lên cầm quyền sau kỳ bầu từ Quốc Hội tới.
Nhật báo thiên tả Libération số ra hôm nay 24/06 ghi nhận rằng trong cuộc bầu cử lập pháp ngày 30/06 và ngày 07/07, cử tri Pháp sẽ không chỉ đi bầu Quốc Hội mới, mà họ còn có thể quyết định số phận của nước Pháp trong Liên Hiệp Châu Âu. Hôm 22/06, ông Michel Barnier, một cựu ủy viên châu Âu và cựu bộ trưởng thuộc cánh hữu Pháp, trả lời nhật báo Anh The Telegraphe, đã chỉ trích quyết định giải tán Quốc Hội của tổng thống Emmanuel Macron đặt nước Pháp vào nguy cơ " Frexit " tức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, cách nói tắt theo kiểu " Brexit " với nước Anh.
Có thể cử tri Pháp vẫn chưa quên trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp 2017, biện pháp đầu tiên trong chương trình hành động của ứng cử viên Marine Le Pen là " mang lại cho nước Pháp quyền tự chủ quốc gia "" một châu Âu của các quốc gia độc lập " và bà đã tuyên bố sẵn sàng tổ chức trưng cầu dân ý về việc Pháp ra đi hay ở lại Liên Hiệp Châu Âu. Vào thời điểm đó, bà cũng lên tiếng ủng hộ việc ra khỏi khu vực Schengen và tái lập đồng tiền quốc gia, tức là ra khỏi khu vực đồng euro. “Chúng ta phải tìm ra đồng tiền quốc gia của mình, đó là điều cần thiết”, bà nhấn mạnh trong cuộc tranh luận giữa hai vòng bỏ phiếu, đối mặt với ứng viên Emmanuel Macron.
Trên thực tế, đảng Tập Hợp Dân Tộc, hiện do ông Jordan Bardella làm chủ tịch và bà Marine Le Pen đứng sau điều hành, trong chiến dịch vận đồng bầu cử Nghị Viện Châu Âu vừa rồi đã có những điều chỉnh trong đường lối chủ trương, tránh hướng ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, hay đòi bỏ đồng tiền chung euro như trước. Ai cũng biết dân Pháp là những người hoài nghi với châu Âu, nhưng đa phần không muốn nước mình rời khỏi Liên Hiệp. Mọi người đều ý thức được là những đóng góp nghĩa vụ cho Liên Âu là lớn, nhưng những lợi ích Pháp được hưởng cũng không hề nhỏ.
Giới quan sát đặt câu hỏi : Sự điều chỉnh đường lối của Tập Hợp Dân Tộc chỉ vì mục đích tranh cử chỉ là trá hình ?
Cuối tuần qua, ông Jordan Bardella đã công bố những ưu tiên hành động nếu được chỉ định làm thủ tướng. Nhưng mổ xẻ chi tiết, giới quan sát nhận thấy hầu hết các hứa hẹn của ông Bardella đều vấp phải những quy định chung của châu Âu, hay có vấn đề về tính hợp hiến, chưa nói đến hiệu quả, chi phí tài chính của các biện pháp.
Lấy ví dụ như RN hứa ngay trong năm nay giảm đóng góp của Pháp cho ngân sách Liên Âu. Đây là cam kết của nước Pháp cho đến năm 2027. Nếu cố tình phá vỡ cam kết, Liên Âu sẽ có biện pháp trừng phạt nước Pháp, như cắt một số nguồn tiền trợ cấp hỗ trợ cho các lĩnh vực khó khăn, chẳng hạn như nông nghiệp. Nguồn tiền trợ cấp cho nông dân, nguồn cử tri tiềm năng của RN, khi đó sẽ đè nặng lên ngân sách Nhà nước, kéo theo thiệt hại cho nhiều lĩnh vực kinh tế khác đang cần được hỗ trợ.
Một hứa hẹn khác của phe cực hữu cũng có nguy cơ xung đột với Liên Hiệp. RN chủ trương hạn chế tự do lưu thông trong khu vực Schengen “chỉ dành cho công dân của các quốc gia thành viên”. Nhưng điều này cũng vi phạm luật pháp châu Âu vì tự do lưu thông dành cho người nước ngoài hợp pháp (bao gồm cả khách du lịch, mà Pháp là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới). Chưa kể đến việc thiết lập kiểm soát để phân biệt người trong với người ngoài khu vực Schengen có thể sẽ gây những rắc rối ngoại giao và Pháp phải chịu các biện pháp trả đũa.
Rõ ràng Liên Hiệp Châu Âu là một cộng đồng pháp quyền trong đó các quốc gia thành viên tự nguyện tôn trọng các chuẩn mực đã được thông qua chung. Những nỗ lực đặt Hiến Pháp quốc gia lên trên những chuẩn mực và hệ thống pháp lý châu Âu sẽ gây xung đột với Liên Hiệp và để giải quyết bằng trừng phạt thì không xin ra như trường hợp của Anh Quốc thì nước Pháp cũng coi như đã ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn