Đối phó Trung Quốc trên Biển Đông: Việt Nam cần 'rõ ràng, sòng phẳng' như Philippines?
Nguồn: BBC Tiếng Việt | Ngày đăng :2024-06-27 |
Căng thẳng gần đây dâng cao giữa Trung Quốc và Philippines tại các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông
Trung Quốc tiếp tục có những động thái leo thang thông qua các quy định và hành động thực địa mới nhất trên Biển Đông. Để đối phó, Philippines có phương pháp tiếp cận minh bạch. Việt Nam có nên áp dụng phương cách tương tự?
Mới nhất là quy định cho phép cảnh sát biển (hải cảnh) Trung Quốc bắt và giam giữ người nước ngoài "xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm" với thời gian lên tới 60 ngày, có hiệu lực từ ngày 15/6.
Quy định này là một phần trong chiến lược dùng luật pháp Trung Quốc để áp đặt cho cả vùng Biển Đông.
Liệu quy định mới nhất có thể tiếp tục tạo rủi ro cho ngư dân Việt Nam hay không?
'Rủi ro tương đối thấp'
Tiến sĩ Collin Koh, chuyên gia nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Quốc phòng và Chiến lược, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), cho rằng rủi ro là "tương đối thấp" cho Việt Nam.
Vào ngày 25/6, ông nhận định với BBC News Tiếng Việt:
"Xét về sự mù mờ của cụm từ 'lãnh hải hoặc vùng biển thuộc tài phán quốc gia' thì cảnh sát biển Trung Quốc được quyền bắt giữ người nước ngoài, bao gồm ngư dân, ở các vùng biển nằm bên trong bản đồ đường 10 đoạn."
"Cho đến nay, bên cạnh những gì chúng ta chứng kiến hồi tuần rồi giữa Trung Quốc và Philippines liên quan đến Bãi Cỏ Mây, chúng ta chưa thấy Trung Quốc có bất kỳ hành động nào liên quan đến việc áp những quy định mới này nhằm vào quốc gia Đông Nam Á khác. Do đó, những rủi ro tiềm tàng là tương đối thấp cho Việt Nam."
Trong cuộc gặp với Đại sứ Trung Quốc Hùng Ba vào hôm 11/6 ở Hà Nội, khi đề cập vấn đề Biển Đông, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh hai bên cần "kiểm soát và giải quyết tốt hơn bất đồng trên biển cũng như tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của nhau, tích cực tìm kiếm biện pháp xử lý thỏa đáng phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982".
Tiến sĩ Collin Koh nhận định: "Hiện nay dường như Bắc Kinh không muốn chọc giận Hà Nội bằng những hành động hung hãn nhằm vào ngư dân Việt Nam. Họ không muốn làm điều đó trong thời điểm đang bận tay với Philippines và vì vậy họ không muốn tạo thêm mặt trận khác trên Biển Đông."
Ngoài ra quy định này, Việt Nam còn đang đối phó với lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương thường niên của Trung Quốc, ban hành từ năm 1999 đến nay, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/5 đến 16/9.
Việt Nam thường xuyên lặp lại lời phản đối lệnh cấm của Trung Quốc, gọi đó là hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích của Việt Nam trên Biển Đông và tuyên bố lệnh cấm "không có giá trị".
Việt Nam nên theo đuổi chính sách minh bạch của Philippines?
Một hình ảnh do Philippines công bố có cảnh đối đầu giữa hải cảnh nước này với Trung Quốc
Trong ASEAN, Philippines là nước cứng rắn nhất đối với Trung Quốc liên quan đến vấn đề Biển Đông trong bối cảnh họ đang thắt chặt quan hệ đồng minh với Mỹ.
Bãi Cỏ Mây có tên quốc tế là Second Thomas Shoal, Trung Quốc gọi là Nhân Ái Tiêu, còn Philippines gọi là Kulumpol ng Ayungin.
Trong những tháng qua, đã xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines trong các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông, đặc biệt tại Bãi Cỏ Mây. Mới đây nhất là khi lực lượng hải cảnh Trung Quốc bị cáo buộc đã lên tàu hải quân Philippines và tấn công binh sĩ nước này bằng gươm và dao.
Có thể thấy, trái với người tiền nhiệm Rodrigo Duterte (2016-2022) được xem thân Trung Quốc, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho thấy cách tiếp cận khác biệt rõ rệt khi công khai trước quốc tế chiến lược vùng xám mà Trung Quốc áp dụng trong tranh chấp trên Biển Đông.
Tướng Jonathan Malaya, Trợ lý Tổng giám đốc Hội đồng An ninh Philippines, từng gọi cách tiếp cận của nước này là "sự minh bạch có kiểm soát", trong khi người phát ngôn Cảnh sát biển Philippines gọi đây là "sự minh bạch mang tính kiên quyết".
Trong một bài viết trên chuyên trang Fulcrum hôm 6/5, các chuyên gia nhận định chiến lược "gọi tên và bêu xấu" này là di sản nổi bật có từ thời Tổng thống Benigno Aquino III (2010-2016).
Với chiến lược ngoại giao này, ông Benigno Aquino III đã thúc đẩy vụ kiện lịch sử của Philippines nhằm vào Trung Quốc hồi năm 2013, yêu cầu Tòa Trọng Tài Thường Trực xác định rằng yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" của Bắc Kinh là vô hiệu và vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Phát biểu tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 21 ở Singapore và ngày 31/5, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. nói rằng nếu có một công dân Philippines chết vì hành động có chủ đích của Trung Quốc, Manila sẽ coi đó là gần với "hành động chiến tranh" và sẽ đáp trả thích đáng.
Trong khi đó, Tổng tư lệnh Lực lượng vũ trang Philippines, Tướng Romeo Brawner Jr., nói quân đội Philippines không muốn khơi mào chiến tranh.
"Mục tiêu của chúng tôi là trong lúc tiến hành tiếp tế cho quân đội thì phải ngăn chặn chiến tranh xảy ra," ông nói.
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu hải quân Philippines vào ngày 4/5 khi con tàu này thực hiện nhiệm vụ tiếp tế cho binh lính đồn trú tại Bãi Cỏ Mây
Về cách tiếp cận này của Philippines, Tiến sĩ Collin Koh đánh giá với BBC News Tiếng Việt:
"Với việc đặt trọng tâm hiện tại là giải quyết Philippines trên Biển Đông, tôi cho rằng Trung Quốc không muốn gây xích mích không cần thiết trong mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á khác, ít nhất là với Indonesia, Malaysia và Việt Nam."
"Hơn nữa, Trung Quốc muốn bêu tên Philippines như là một kẻ dị biệt, cùng lúc đó, họ tăng cường luận điệu rằng họ đã kiểm soát tranh chấp và không để xảy ra xung đột nào với các nước khác trong Đông Nam Á," Tiến sĩ Collin Koh đánh giá.
Philippines đã mời các phóng viên quốc tế, bao gồm BBC, lên tàu để chứng kiến cảnh tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu của họ tại bãi cạn Scarborough, một bãi san hô nhỏ cách bờ biển Philippines 220 km về phía tây mà Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền.
Vậy Việt Nam có nên làm theo chiến lược minh bạch của Philippines hay không?
"Dựa theo những gì tôi biết về thông tin tình báo nguồn mở, tôi hiểu rằng hải cảnh Trung Quốc đã thường xuyên hiện diện trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, giống như trong vùng đặc quyền kinh tế ngoài khơi bang Sarawak của Malaysia. Chắc chắn, Hà Nội không cần phải bắt chước điều mà Manila thực hiện với chiến lược minh bạch của mình."
Tuy nhiên, ông cho rằng chiến lược công khai minh bạch này mang lại bài học cần thiết cho Việt Nam, gợi ý về cách nên thực hiện để đáp trả hành động của Trung Quốc.
"Sẽ là thiếu sót nếu bỏ qua việc Trung Quốc xâm phạm đặc quyền kinh tế của một quốc gia. Việt Nam vẫn cần lên tiếng công khai phản đối hành động xâm phạm của Bắc Kinh và Việt Nam cần duy trì việc tuần tra thường xuyên để đảm bảo các lợi ích về năng lượng và khai thác hải sản trong vùng đặc quyền kinh tế của mình," ông nói.
Vào ngày 16/5, trả lời BBC News Tiếng Việt về việc liệu Việt Nam có thể cứng rắn như Philippines hay không, Đại tá Raymond M. Powell từ Đại học Stanford, người thường xuyên theo dõi hoạt động tàu của Trung Quốc trên Biển Đông, đánh giá Philippines tiếp tục cho thấy chiến lược vùng xám của Trung Quốc đang "dễ bị tổn thương" trước sự soi xét của chính phủ các nước, khi các nước này "dũng cảm" công khai trước quốc tế.
"Chiến dịch minh bạch ngày càng mạnh mẽ của Manila nhắm đến hành động cưỡng ép trên Biển Đông của Trung Quốc rõ ràng đã khiến Bắc Kinh rơi vào thế bất lợi, và các quốc gia khác cũng nên cẩn trọng nghiên cứu tính hiệu quả và xem có thể sao chép ở lĩnh vực và khu vực nào khác hay không."
Liệu Việt Nam có thể làm giống Philippines trong vấn đề Biển Đông hay không, nhà nghiên cứu Song Phan từ Úc nhận định hôm 16/5 với BBC News Tiếng Việt:
"Có lẽ không chỉ Việt Nam mà các bên liên quan đồng lòng đối phó với Trung Quốc kiểu Philippines sẽ là điều rất tốt. Tuy nhiên, do điều kiện và tính toán riêng của mỗi nước nên khó làm được như vậy. Việt Nam phụ thuộc nặng về kinh tế, nhất là về chính trị, lại tiếp giáp với Trung Quốc trên đất liền. Malaysia thì chính quyền hiện nay đang 've vuốt' Trung Quốc, Indonesia chỉ có tranh chấp một phần về vùng đặc quyền kinh tế, không có tranh chấp đảo/đá..."
Chụp lại video,Trung Quốc va chạm Philippines ở Bãi Cỏ Mây: Hà Nội - Bắc Kinh - Washington nói gì?
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |