Bầu cử Quốc Hội Pháp vòng 1 : Đảng cực hữu, bài ngoại, thắng lớn
Tác Giả : Thanh Hà Nguồn: RFI Ngày đăng :2024-07-01
Theo kết quả chính thức được bộ Nội Vụ Pháp công bố sáng nay 01/07/2024, trong cuộc bầu cử Quốc Hội ở vòng 1, liên minh trong đa số của tổng thống Macron thua đậm, về thứ ba sau đảng Tập Hợp Dân Tộc –RN và liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới NFP. Tỉ lệ cử tri tham gia đi bầu cao kỷ lục, đạt gần 70 %. Trên dưới 80 ứng cử viên đại biểu Quốc Hội Pháp đắc cử ngay vòng đầu.
Chủ tịch đảng Tập Hợp Dân Tộc Jordan Bardella phát biểu sau khi có kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử Quốc Hội vòng một, ngày 30/06/2024, Paris, Pháp. AP - Aurelien Morissard
Đảng cực hữu Mặt Trận Dân Tộc (Rassemblement National - RN) thắng lớn trong cuộc bỏ phiếu bầu lại Quốc Hội Pháp ở vòng 1 hôm qua, nhận được gần 9,4 triệu phiếu ủng hộ. Cùng với liên minh của một bộ phận từ bên đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa (Les Républicains - LR) của chủ tịch Eric Ciotti, RN và đồng minh chiếm được 33,15 % số phiếu và 39 trong số các ứng viên đã đắc cử ngay vòng đầu. Trong số này có bà Marine Le Pen, nguyên chủ tịch đảng và là người đã ba lần ra tranh cử tổng thống Pháp, trong đó có hai lần vào vòng hai.
Về phía cánh tả, liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới (Nouveau Front Populaire -NFP) được 27,99 % cử tri ủng hộ. NFP tập hợp đảng Nước Pháp Bất Khuất LFI, Đảng Xã Hội, đảng Xanh EELV và đảng Cộng Sản. NFP cũng đã có 32 ứng viên đắc cử ngay vòng đầu.
Nhìn đến liên minh cánh trung Đồng Hành – Ensemble của tổng thống Emmanuel Macron, hiện mới chỉ có 2 ứng viên đã đắc cử ngay từ tối qua. Liên minh này được hơn 20 % cử tri Pháp ủng hộ. Cuối cùng đảng Những Người Cộng Hòa mà không liên kết với bên cực hữu RN bị bỏ lại rất xa phía sau với chưa đầy 7 % số phiếu ủng hộ.
Một điểm nổi bật khác trong cuộc bầu cử hôm qua là tỉ lệ cử tri đi bầu cao kỷ lục : 66,71 % trong số 49 triệu cử tri Pháp đã đi bỏ phiếu. Con số này cao hơn trên 20 điểm so với kỳ bầu cử Quốc Hội Pháp ở vòng 1, cách nay 2 năm.
Đến ngày 07/07/2027 cử tri Pháp tiếp tục đi bầu ra 577 đại biểu Quốc Hội, cho một nhiệm kỳ 5 năm
Bầu cử Quốc Hội Pháp vòng 2 : Quy định về các cuộc đấu tay ba
Theo thông tin đăng trên trang chủ của bộ Nội Vụ Pháp, để được tham gia vòng 2 bầu cử Quốc Hội, các ứng viên phải được ít nhất 12,5 % cử tri ghi danh trong một địa hạt bầu cử ủng hộ. Điều khoản này quan trọng trong trường hợp tỉ lệ tham gia bỏ phiếu quá thấp, như những lần bầu cử trước đây. Lần này, với tỉ lệ 66,9 % cử tri đi bỏ phiếu mức tối thiểu 12,5 % vừa nêu không cần thiết.
Tại vòng hai, hai ứng viên về đầu đương nhiên tiếp tục cuộc tranh đua. Do chính trường Pháp đang bị chia ra thành 3 khối (cực tả, cực hữu và cánh trung) nên ở nhiều địa phương, sau cuộc bỏ phiếu vòng một, có thể có 3 hay thậm chí là 4 ứng viên cùng hội đủ số phiếu để vào vòng hai.
Theo thẩm định của bộ Nội Vụ Pháp, các cuộc đấu tay ba – triangulaire, sẽ diễn ra tại 305 đơn vị bầu cử trên toàn quốc.
Nhằm ngăn chặn đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc - RN và đồng minh chiếm đa số tuyệt đối, các đảng, liên minh khác có thể chấp nhận rút ứng viên của mình, nếu họ đứng thứ ba, sau vòng một, qua đó, dồn phiếu cho đối thủ của RN.
Tại vòng hai, ứng viên thắng cử là người có số phiếu cao nhất.
***
Ukraina lo ngại nếu đảng cực hữu Pháp đạt đa số tuyệt đối tại Hạ Viện
Tác Giả : Thùy Dương Nguồn: RFI Ngày đăng :2024-07-01
Chính quyền Kiev đang theo dõi sát sao tình hình chính trường Pháp, bởi tương lai chính trị Pháp sẽ có những tác động đến nỗ lực kháng chiến của Ukraina chống Nga xâm lược.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) chào đồng nhiệm Ukraina Volodymyr Zelensky trong cuộc họp báo chung tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 07/06/2024. AFP - YOAN VALAT
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Stéphane Siohan, tối qua 30/06/2024 truyền thông ở Ukraina không bình luận gì về kết quả bầu cử lập pháp vòng 1 của Pháp, nhưng phủ tổng thống Ukraina thì chắc chắn là đang lo ngại và tập trung theo dõi về khả năng đảng cực hữu RN đạt đa số tuyệt đối tại Hạ Viện và giành được ghế thủ tướng.
Hồi tuần trước, hôm 27/06, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky như đã muốn gửi thông điệp tới công chúng Pháp, khi nói rằng ông tin là « chính phủ Pháp sau cuộc bầu cử sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraina, bất kể tình hình chính trị mới như thế nào, cả trên chiến trường và trên con đường trở thành thành viên của Liên Hiệp Châu Âu ».
Trên thực tế, chính quyền Macron trong những tháng gần đây đã khẳng định được Pháp là nước châu Âu ủng hộ mạnh mẽ nhất cho nỗ lực chiến tranh của Kiev chống Nga xâm lược. Paris đã thông báo cung cấp chiến đấu cơ Mirage-2000 cho Kiev và nói đến khả năng điều chuyên gia huấn luyện quân sự sang Ukraina.
Trong khi đó, đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc Rassemblement National - RN của bà Marine Le Pen, đảng về đầu trong kỳ bầu cử Hạ Viện vòng 1 hôm 30/06, từ lâu nay nổi tiếng thân chính quyền Putin. Chủ tịch đảng RN, Jordan Bardella, người đang nhắm đến vị trí thủ tướng Pháp, đã tuyên bố sẽ đặt ra « lằn ranh đỏ » về chiến tranh Ukraina, nhất là không chấp nhận đưa binh sĩ Pháp sang Ukaina và không để Kiev sử dụng vũ khí Pháp viện trợ để tấn công sang lãnh thổ Nga.
Thông tín viên RFI Stéphane Siohan đặc biệt lưu ý đến một vấn đề được cho là cực kỳ nhạy cảm về ngoại giao : Một số chính trị gia cực hữu hiện đang bị Kiev trừng phạt có thể sẽ được cất nhắc vào những vị trí quan trọng trong chính phủ mới của Pháp nếu đảng cực hữu RN về đầu trong kỳ bầu cử lập pháp và giành được vị trí thủ tướng. Hiện nay, đã có khoảng 15 chính trị gia của đảng cực hữu Pháp RN bị chính quyền Zelensky đưa vào danh sách trừng phạt vì đã đến bán đảo Crimée sau khi Nga sáp nhập vùng lãnh thổ này của Ukraina, đến Nga hoặc đến vùng Donbass trong kỳ bầu cử. Trong số đó, chẳng hạn có Thierry Mariani, đồng chủ tịch hiệp hội Đối thoại Pháp - Nga từ năm 2012 và là cựu chủ tịch nhóm hữu nghị Pháp - Nga tại Hạ Viện Pháp giai đoạn 2012 - 2017.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn