Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Hàn Quốc, có gì đáng chú ý?
Nguồn: BBC Tiếng Việt Ngày đăng :2024-07-03
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân Lê Thị Bích Trân thăm chính thức Hàn Quốc từ ngày 30/6 đến ngày 3/7/2024
Sáng 30/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân Lê Thị Bích Trân đã lên đường thăm chính thức Hàn Quốc này từ ngày 30/6 đến ngày 3/7, theo lời mời của Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo và phu nhân.
Tháp tùng là một phái đoàn gồm chín bộ trưởng các bộ Ngoại giao; Kế hoạch và Đầu tư; Công Thương; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lao động-Thương binh và Xã hội; Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh, Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Vũ Hồ và lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương cũng nằm trong đoàn.
Chương trình nghị sự của chuyến thăm được báo chí trong nước đưa tin là "hơn một nửa hoạt động tập trung vào lĩnh vực kinh tế".
Bình luận với BBC ngày 30/6, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế làm việc cho Quỹ Taiwan NextGen Foundation, Đài Bắc nhận định:
"Chuyến công du của Thủ tướng Chính rất có thể ưu tiên vào thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư, nhất là khi Việt Nam và Hàn Quốc đang nỗ lực tự chủ chiến lược trong bối cảnh địa chính trị thế giới ngày càng phức tạp. Việt Nam rất cần thúc đẩy thương mại, đầu tư, và thu hút nguồn vốn ODA từ Hàn Quốc."
"Thắt chặt hợp tác với Hàn Quốc giúp Việt Nam tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp phát triển vào năm 2030. Hàn Quốc đang giảm sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc và xem Việt Nam như ưu tiên chiến lược trong nỗ lực hội nhập vào Đông Nam Á."
Các điểm chính trong chuyến thăm
Hàn Quốc là một trong bảy quốc gia là Đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Đây cũng là chuyến thăm chính thức Hàn Quốc đầu tiên của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ sau khi hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất vào năm 2022.
Đúng một năm trước, tháng 6/2023, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam.
Dự kiến song phương sẽ ký kết một số thỏa thuận hợp tác quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế, đầu tư, khoa học công nghệ, văn hóa, giáo dục...
Lịch trình của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong bốn ngày tại Hàn Quốc được báo chí Việt Nam mô tả là "dày đặc", với khoảng hơn 30 hoạt động và hơn một nửa là về lĩnh vực kinh tế.
Theo đó, ngoài các chương trình chính thức với lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc, người đứng đầu chính phủ sẽ dự và phát biểu tại ba diễn đàn, gồm Diễn đàn doanh nghiệp, Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa, Diễn đàn lao động Việt Nam-Hàn Quốc.
Dự kiến ông Chính sẽ có mặt ở hai tọa đàm gồm Tọa đàm với lãnh đạo các tổ chức kinh tế Hàn Quốc và Tọa đàm với các nhà tri thức, khoa học Hàn Quốc về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Ông cũng sẽ tiếp đại diện lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế hàng đầu Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.
Hàn Quốc là thị trường chủ lực, đứng thứ 3 trong việc tiếp nhận lượng lớn lao động Việt Nam trong 6 tháng đầu năm nay.
Do đó, tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng cho rằng, chuyến thăm lần này có thể mang đến triển vọng là Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tiếp nhận lao động Việt Nam.
"Sau chuyến đi, Việt Nam có thể cân nhắc cấp phép cho lao động sang làm việc ở Hàn Quốc trong nhóm ngành dịch vụ. Hiện Seoul đang rất cần lao động nước ngoài trong bối cảnh tình trạng già hoá dân số nhanh chóng đang gây áp lực lên chính phủ".
Thủ tướng Chính cũng sẽ đến thăm nhà máy sản xuất chất bán dẫn của tập đoàn Samsung tại thành phố Pyeongtaek, tỉnh Gyeonggi và có phát biểu chính sách tại Đại học Quốc gia Seoul.
Hợp tác kinh tế với Hàn Quốc được coi là "điểm sáng, là trụ cột quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển thực chất quan hệ song phương Việt – Hàn", theo lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nói trước báo giới.
Về mặt danh nghĩa dù Việt Nam có quan hệ “đồng chí” với Bắc Hàn, nhưng mối quan hệ với Hàn Quốc mới là thực chất.
Hàn Quốc là đối tác lớn nhất về đầu tư trực tiếp (FDI) với 87 tỉ USD vốn đăng ký tính đến tháng 4, chiếm 18,25% tổng vốn FDI vào Việt Nam.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam (chỉ sau Trung Quốc và Mỹ) với kim ngạch song phương năm 2023 đạt 76 tỷ USD.
Việt Nam và Hàn Quốc đang cố gắng tăng cường hợp tác thương mại để đạt mục tiêu kim ngạch thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2023.
Việc tăng cường hợp tác kinh tế với Hàn Quốc giúp Việt Nam giảm phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc, điều được một số nhà hoạch định chính sách của Việt Nam coi là vấn đề an ninh trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc có những tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông.
Hồi tháng 12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trở thành nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm Hàn Quốc kể từ khi Tổng thống Yoon Suk-yeo nhậm chức.
Tổng thống Hàn Quốc khi đó từng phát biểu rằng Việt Nam “là quốc gia đối tác chủ chốt trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hàn Quốc và Sáng kiến Đoàn kết Hàn Quốc-ASEAN”.
Phó Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Lee Kyoung-dock tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân tại sân bay Nội Bài ngày 30/6
Thỏa thuận vũ khí?
Ngoài kinh tế, quốc phòng cũng là lĩnh vực có tiềm năng hợp tác, trong bối cảnh Việt Nam đang dần đa dạng hóa vũ khí của mình để tránh quá phụ thuộc vào Nga.
Hàn Quốc là một quốc gia có ngành công nghiệp quốc phòng phát triển, có thể sản xuất vũ khí cá nhân, pháo tự hành, xe tăng chiến đấu chủ lực, tàu khu trục, tên lửa hành trình và cả máy bay chiến đấu hạng nhẹ.
Hàn Quốc từng đứng thứ 3 trong 5 quốc gia hàng đầu cung cấp vũ khí lớn cho Việt Nam (sau Nga và Israel), chiếm 6,6% lượng vũ khí nhập khẩu của Việt Nam giai đoạn 2017-2021, theo số liệu từ Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI).
Gần đây, có thông tin Việt Nam muốn mua pháo tự hành K9 của Hàn Quốc.
Theo Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng, Việt Nam từng bày tỏ mong muốn hợp tác phát triển công nghiệp quốc phòng với Hàn Quốc, đặc biệt là khẳng định mối quan tâm đối với hệ thống vũ khí hiện đại của Hàn Quốc như pháo tự hành K9.
"Chuyến thăm lần này của lãnh đạo Việt Nam có lẽ là cơ hội không thể tốt hơn để Việt Nam xúc tiến thoả thuận, vừa giúp nâng cấp vũ khí và khí tài khi kho pháo của Việt Nam đã lỗi thời, vừa giúp tăng cường quan hệ Việt – Hàn."
Ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales (Úc), cũng đánh giá với BBC ngày 30/6 rằng chuyến này có thể là dịp để quốc phòng hai bên đàm phán tiếp về hợp đồng mua pháo tự hành K9:
"Quan trọng là về các điều khoản chuyển giao công nghệ. Bên cạnh việc mua vũ khí thì Hà Nội chú trọng đến việc chuyển giao công nghệ quốc phòng. Việt Nam sẽ mong muốn tự tìm cách lắp ráp loại pháo tự hành K9 ở trong nước, cải thiện toàn bộ chuỗi công nghiệp quốc phòng của mình."
Cũng theo ông Phương, đây là nỗ lực của Việt Nam nhằm đa dạng hóa nguồn cung vũ khí, bắt đầu từ lục quân, pháo binh trước:
"Trong khi hiện đại hóa không quân và hải quân tốn rất nhiều nguồn lực và tiền của, đồng thời Việt Nam chưa đủ sức để tiếp cận được ở một mức độ nhất định, thì hiện đại hóa lục quân là điều có thể làm trước," ông nêu ý kiến.
Theo chuyên gia này, quân đội Việt Nam hiện đang tái cấu trúc lại lục quân, từ mua sắm xe tăng đời mới cho đến bây giờ là mua cho pháo binh.
"Quân đội đang có xu hướng làm cho lực lượng lục quân tinh gọn hơn, đồng thời duy trì khả năng chiến đấu chứ không tập trung vào sức người như trước. Đó là lí do Việt Nam muốn mua pháo tự hành K9 chứ không phải là một loại vũ khí khác," ông Phương giải thích với BBC trong một cuộc phỏng vấn trước đó.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng cho rằng, Việt Nam cũng phải cân nhắc về khả năng hoạt động của K9 trong điều kiện thực chiến và nhất là tình trạng cung ứng đạn pháo phải được đảm bảo.
"Trong trường hợp thỏa thuận chưa đạt được thì chí ít chuyến thăm có thể giúp hai bên thảo luận thêm về các mối quan tâm chung, như thắt chặt quan hệ quốc phòng, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải và an ninh mạng," ông Sáng nhận định với BBC ngày 30/6.
Việt Nam được cho là đang lên kế hoạch mua pháo tự hành K9 của Hàn Quốc để triển khai cho Lữ đoàn pháo binh 204
Việc Việt Nam quan tâm đến việc mua pháo tự hành K9 đã được Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố trong một thông cáo báo chí sau Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 11 ở Hà Nội hôm 23/4.
Pháo tự hành K9 (được giới thiệu vào năm 1999) đã trở thành một trong những mặt hàng đắt khách nhất của ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc, chiếm hơn một nửa số đơn đặt hàng lựu pháo tự hành (self-propelled howitzer) trên toàn thế giới.
Trả lời BBC gần đây, Tiến sĩ Yang Uk từ Viện nghiên cứu chính sách Asan đã nhấn mạnh về độ chính xác của loại pháo được coi là niềm tự hào của công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc này:
"Pháo tự hành K9 có tầm bắn lên tới 40 km. Ngoài ra, loại vũ khí còn có một khả năng đặc biệt khi kết hợp với xe tiếp đạn tự hành K10, từ đó có thể mang lại tốc độ bắn liên tục trong trận chiến."
Về chuyến thăm đang diễn ra của Thủ tướng Chính, ông Phương cho rằng hai bên sẽ tìm cách tăng cường hơn nữa hợp tác song phương về an ninh hàng hải.
Việt Nam xài vũ khí NATO, giảm dần phụ thuộc Nga?
Trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đến Việt Nam vào tháng 6 năm ngoái, ông Kang Goo-young, Giám đốc điều hành của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Hàn Quốc (KAI), đã ký một thỏa thuận sơ bộ với Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX) để hợp tác trong việc phát triển và sản xuất máy bay trực thăng.
KAI nắm giữ hơn 10 nền tảng trực thăng độc quyền, bao gồm các phiên bản dành cho thủy quân lục chiến và tuần duyên. Tập đoàn này đang đẩy mạnh nỗ lực bán máy bay trực thăng Surion của mình cho các nước Đông Nam Á.
Hàn Quốc nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2018-2022, chiếm 2,4% thị phần xuất khẩu vũ khí thế giới, theo thống kê từ báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) về chuyển giao vũ khí toàn cầu.
Vào tháng 11/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công khai mục tiêu đưa nước này trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 4 thế giới vào năm 2027. Tháng 4/2024, Chính phủ Hàn Quốc cho biết nước này đặt mục tiêu xuất khẩu vũ khí đạt 20 tỷ USD trong năm nay, so với mức 14 tỷ USD năm 2023.
Với những mục tiêu như vậy, nhiều nhà quan sát cho rằng Hàn Quốc cũng muốn đẩy mạnh việc bán vũ khí cho Việt Nam - một đối tác được Hàn Quốc coi trọng.
Tuy nhiên, các hợp đồng vũ khí, đặc biệt là việc chuyển giao công nghệ, thì Hàn Quốc sẽ phải xem xét kỹ lưỡng vì Hàn Quốc "không được phép tự do làm việc với một số nước kém minh bạch", theo Tiến sĩ Yang U
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn