Các diễn tiến đối ngoại mới nhất của Việt Nam nói gì?
Tác Giả : Đinh Hoàng Thắng
(Diễn đàn VOA)
Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng :2024-07-03
TT Putin (trái) và Chủ tịch VN, Tô Lâm, tại Nhà hát lớn Hà Nội, 20-6-2024. Nguồn: Reuters
Hà Nội phản ứng ra sao trước “cấu trúc an ninh mới” do Putin và Kim Jong-un đưa ra tại Bình Nhưỡng. Phạm Minh Chính một năm ba lần sang Trung Quốc, lần này chia sẻ “Cộng đồng chung vận mệnh”. Tân Chủ tịch nước Tô Lâm có thể thăm Hoa Kỳ?
Sự khác biệt giữa truyền thông trong nước và quốc tế về các vấn đề nêu trên tạo điều kiện những ai quan tâm tới các động hướng đối ngoại Việt Nam có một mạch tư duy mở. Theo truyền thông lề phải thì, Việt – Trung – Xô (nay là Nga) đang trở lại “kết đoàn mối tình chung” như xưa và “trời Liên Xô (nay là trời Nga) sao sáng soi đường, trời Trung Hoa kiến thiết phú cường”? [1]. Cái quán tính của “thuở ban đầu lưu luyến ấy” đúng là ngàn năm há dễ mấy ai quên! Cho dù nhiều chi tiết trong “cuộc tình tay ba này” nên quên. Chính xác hơn là nên rút ra bài học xương máu, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng [2]. Còn truyền thông “phi mậu dịch” ngược lại, đa nguyên hơn rất nhiều, do tính chất “tự diễn biến, tự chuyển hóa” của nó. Dưới đây là phân tích ngắn về một vài động thái trong quan hệ giữa Việt Nam với Liên bang Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ, dựa vào chuyến thăm của Tổng thống Putin tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Trung Quốc và (có tin) Chủ tịch nước Tô Lâm chuẩn bị thăm Mỹ.
Chuyên cơ của Tổng thống Putin vừa rời phi trường Nội Bài, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á, Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink đã có mặt ở Hà Nội cuối tuần trước. Ông Kritenbrink đã nhắc lại một cách xã giao những lo ngại của Mỹ trước khi Putin sang Hà Nội. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 21/6 kêu gọi Việt Nam ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội trước đó cũng đã phản đối việc dành cho ông Putin một diễn đàn để bảo vệ cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Chuyến thăm Việt Nam bị đánh giá là một thách thức của ông Putin đối với phương Tây. Ông Kritenbrink được hãng tin Mỹ trích lời hôm 22/6 rằng “chỉ có Việt Nam mới có thể quyết định cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy lợi ích của mình”. Các cảnh quay được dàn dựng kỹ càng về cuộc gặp giữa Putin với Kim Jong-un từ Bình Nhưỡng nhấn mạnh điều mà hai nhà lãnh đạo gọi là “liên minh mới, cấp độ cao”“cấu trúc an ninh mới” làm dấy lên nghi ngờ Triều Tiên đang cung cấp vũ khí cho cuộc chiến của Putin ở Ukraine để đổi lấy sự hỗ trợ công nghệ của Nga cho chương trình không gian của Triều Tiên [3]. Báo chí Việt Nam tránh đi vào chi tiết, chỉ đề cập trên đại thể về Hiệp ước Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Theo giới quan sát, nếu quả thực ông Tô Lâm chuẩn bị đến Mỹ vào tháng 7 này, thì đó sẽ là chỉ dấu, mọi thứ đang đi đúng hướng trong “lộ trình” của cả hai phía. Tất nhiên đấy là phân tích của Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư thỉnh giảng Đại học Ottawa từ những thông tin ông có được, tuy chưa phải là chính thức [4]. Ông Kritenbrink gặp các quan chức cấp cao của Việt Nam “để nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện (CSP) Hoa Kỳ – Việt Nam để hỗ trợ cho một khu vực Ấn Thái Dương tự do và rộng mở (FOIP)” [5]. Con đường này sẽ còn bao xa? Nhớ lại câu chuyện ông Lê Văn Bàng, Đại sứ đầu tiên của Hà Nội tại Mỹ, đã bật khóc khi Tổng thống Clinton thông báo bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Tôi từng hỏi ông, tại sao lúc ấy lại khóc? Lê Văn Bàng kể lại, ông tham gia tiến trình bình thường hóa hai nước từ khi vào ngành năm 1973, lúc 26 tuổi. Khi cấm vận được bãi bỏ, ông đã gần 50 tuổi. Mất quá nhiều công sức, trải qua rất nhiều thất bại, nhiều lần cầm chắc thành công trong tay rồi lại trượt mất… nên không kìm nén được xúc động! [6] Nhưng thưa Đại sứ Bàng, “lộ trình” tới đây của CSP Việt – Mỹ chắc gì sẽ ít khó khăn hơn thế? Nhìn vào tương lai quan hệ Việt – Mỹ, “đường xa nghĩ nỗi sau này…” vẫn hiển hiện.
Từ chuyến thăm Việt Nam của Putin, theo tin tức rò rỉ, cũng có sự lệch pha giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Văn phòng Trung ương Đảng liên quan đến hai mươi tư giờ của ông Putin ở Hà Nội trong ngày 19 – 20/6 [7]. Chúng ta không chắc là do nguyên nhân lễ tân hay còn do các nguyên nhân nào khác? Putin đến Việt Nam lúc 2 giờ sáng ngày 20/6 và rời Hà Nội ngay trong đêm hôm ấy. Rõ ràng đấy không phải là cách chọn thời điểm lý tưởng nhất cho chuyến thăm của một Nguyên thủ quốc gia, nhất lại là Putin. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mời nhưng tân Chủ tịch nước Tô Lâm là nhân vật số hai trong “Bộ Tứ” đứng ra hội đàm chính thức. Ông Nguyễn Phú Trọng không hội đàm mà chỉ hội kiến với Tổng thống Putin. Có phải đấy là chỉ dấu muốn hạ thấp “nồng độ” chuyến thăm? Nhưng những khác nhau về khánh tiết ấy đã không làm thay đổi bản chất mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nga – Việt. Tuy nhiên, sự khác nhau về sắc thái phản ánh tương quan giữa cung cách “đón rước” đối với các chuyến thăm của Putin tại Bình Nhưỡng và Hà Nội. Ở CHDCND Triều Tiên, Lãnh đạo tối cao – Nguyên soái Kim Jong-un trực tiếp ra sân bay đón, tiễn và đích thân ông Kim hội đàm với ông Putin.
Cứ cho là Việt Nam và Nga vẫn duy trì hợp tác quân sự, với việc Nga cung cấp vũ khí và công nghệ quốc phòng cho Việt Nam, thì phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang ngay trong ngày Putin đến Hà Nội 20/6 là một chỉ dấu rất đáng chú ý. Theo Bộ trưởng Phan Văn Giang nói tại Quốc Hội Việt Nam đang họp, phương tiện chiến tranh ngày hôm nay hiện đại, ngày mai có thể đã lạc hậu, không thể theo kịp. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể lại mang cái lạc hậu về nhà [8]. Lời phát biểu này của ông Giang cho thấy một Việt Nam đã có những cái nhìn khác trước đây trong tính toán hợp tác quốc phòng Việt – Nga. Phan Văn Giang cũng từng lưu ý, đặc thù của ngành nghiên cứu, chế tạo vũ khí là cực kỳ khó khăn và rủi ro. Theo TS. Hà Hoàng Hợp, cuộc chiến của Nga ở Ukraine và các lệnh trừng phạt của Mỹ nhắm vào các nước mua sắm vũ khí Nga chắc chắn có ảnh hưởng đến mua sắm quốc phòng của Việt Nam. Trên 80% vũ khí của Việt Nam vẫn là vũ khí Nga, nay nếu Việt Nam mua cái gì hoàn toàn mới thì chắc chắn Mỹ phải có ý kiến, nhưng đến giờ này Việt Nam chưa mua cái gì hoàn toàn mới cả. Việt Nam đang tìm cách giảm dần sự lệ thuộc vào vũ khí Nga để tránh bị tác động bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Washington cũng đang khuyến khích Hà Nội thay thế vũ khí Nga [9].
Trong các số báo ra ngày 21/6/2024, cả ba nhật báo lớn ở Pháp “Les Echos”, “Le Figaro”“Le Monde” đều nhấn mạnh đến một thông điệp của phía Nga. Qua chuyến công du Hà Nội, Tổng thống Putin muốn chứng tỏ ông không hoàn toàn bị cô lập trên trường quốc tế, ông vẫn còn đó những người bạn chí cốt. Tuyên bố chung và mười một văn kiện ký kết (MOU) với Nga mở ra cho Việt Nam một số triển vọng, nhất là các dự án về chế biến dầu thô, khí hóa lỏng, công nghệ hạt nhân và năng lượng nguyên tử… Tuy nhiên, với tất cả các kế hoạch hoành tráng này, nhưng nếu nước Nga của Putin lại ủng hộ lập trường của Trung Quốc về Biển Đông, như một phát biểu gây sốc trước đây của ông ấy, không chấp nhận phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế (CPA), chống lại xu hướng quốc tế hóa Biển Đông, thì liệu hợp tác Nga – Việt tại các giềng dầu sẽ mở rộng có đủ để ngăn chặn các âm mưu từ “chiến lược vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông? [10]
Việt Nam tiếp tục muốn duy trì và phát triển quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, tận dụng nguồn vốn và công nghệ của Bắc Kinh để phát triển hạ tầng và công nghiệp. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Đại Liên thể hiện nỗ lực của Việt Nam theo định hướng này. Ông Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị WEF. Lần thứ ba liên tiếp, WEF mời ông dự Hội nghị thường niên. Theo đánh giá từ truyền thông trong nước, lời mời này không chỉ thể hiện sự coi trọng của WEF đối với Việt Nam, mà còn là sự đánh giá cao của WEF đối với vai trò của Hà Nội trong các thảo luận về các vấn đề toàn cầu cũng như chia sẻ câu chuyện truyền cảm hứng về Đổi mới, hội nhập và phát triển. Tại phiên khai mạc toàn thể Hội nghị thường niên các nhà tiên phong của WEF diễn ra vào sáng 25/6, Thủ tướng Chính được cho là đã có bài phát biểu ấn tượng, gửi nhiều thông điệp đến các đại biểu tham dự Hội nghị [11].
Dự diễn đàn đa phương, nhưng ông Phạm Minh Chính đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Lý Cường; có các cuộc gặp với Chủ tịch Quốc hội Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Mặt trận Vương Hộ Ninh. Phía Trung Quốc đã nhắc nhở Việt Nam về chí hướng “chia sẻ vận mệnh chung” và cam kết cùng xây dựng “Vành đai và Con đường”. Phía Việt Nam đánh giá cao “Cộng đồng chung vận mệnh nhân loại”, “Sáng kiến Phát triển toàn cầu”, “Sáng kiến An ninh toàn cầu”“Sáng kiến Văn minh toàn cầu” do Trung Quốc đưa ra. Cam kết này của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam liệu có thể phát đi một tín hiệu về việc, Việt Nam từ nay sẵn sàng nhượng bộ trước Trật tự quốc tế do Trung Quốc chủ đạo? Đổi lại, Trung Quốc hứa sẽ thực hiện nghiêm túc nhận thức chung đạt được giữa lãnh đạo hai Đảng, hai nước và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, tăng cường hợp tác trên biển… [12]. Thông cáo báo chí này cần đặt trong bối cảnh “chiến lược vùng xám” của Trung Quốc trên Biển Đông đang bị phê phán bởi chính phủ các nước. Trong đó, nhiều nước, như Philippines, đã dũng cảm phản ứng công khai trước dư luận quốc tế [13].
Cuối cùng, “Việt Nam có đang thay đổi chính sách đối ngoại?” [14] “Con thuyền ngoại giao Việt Nam” có bẻ lái khi giới quan sát đưa ra các “tín hiệu đỏ”: Hà Nội hồ hởi đón Putin, bỏ Hội nghị quốc tế hòa bình về Ukraine, nhưng tham gia Hội nghị đối thoại giữa BRICS với các nước đang phát triển? Việc Mỹ bỏ dán nhãn “kinh tế phi thị trường” tới đây vẫn là một ẩn số, trong khi vấn đề này có thể là nhân tố quyết định cho chuyến thăm Mỹ của Tô Chủ tịch. Đáng lưu ý, liệu Tô Đại tướng – Tân Chủ tịch nước có tiến hành thăm Mỹ trong bối cảnh Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 26/6 vừa công bố “Báo cáo tự do tôn giáo về năm 2023”, nhấn mạnh vẫn còn các trường hợp chính quyền Việt Nam xâm hại, sách nhiễu các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số ở vùng Tây Nguyên và Tây Bắc của đất nước? [15]. Cũng vào ngày 26/6, Ủy ban Nhân quyền Tom Lantos của Hạ viện Hoa Kỳ vừa kêu gọi trả tự do cho các tù nhân lương tâm, trong đó có ông Y Yich, ông Y Pum Bya và bà Phạm Đoan Trang đang bị giam cầm tại Việt Nam! Lời kêu gọi được phát đi nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế của Liên Hiệp Quốc chống Tra tấn [16]. Một chuyến thăm “ra mắt” quốc tế, “thị uy quyền lực mới” với trong nước như thế, liệu có thể tiên lượng trước những kết quả khả quan?
Tham khảo:
[16] https://www.voatiengviet.com/a/uy-ban-nhan-quyen-tom-lantos-keu-goi-phong-thich-4-nha-hoat-dong-viet-nam/7677781.html
Đinh Hoàng Thắng
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn