Thời Đại Công Nghiệp
Industrial Age
Tác Giả : Phạm văn Bản Nguồn: Chuyển trực tiếp qua Email Ngày đăng :2024-07-04
Hình tác giả 77 tuổi mà còn được Boeing lưu giữ và tiếp tục làm việc
Hơn ba trăm năm qua, Thời Đại Công Nghiệp được khởi đầu từ khi nhà toán học người Anh là Sir Isaac Newton (1642 – 1726) khám phá ra lý thuyết khoa học vật lý và đóng góp những công trình nền tảng cho khoa học hiện đại, cũng như ông đã phát minh ngành toán học Calculus. Ông được công nhận là một nhà toán học, vật lý học, thiên văn học và triết học tự nhiên, như trong cuốn sách Các Nguyên Lý Toán Học của Triết Học Tự Nhiên (The Mathematical Principles of Natural Philosophy) xuất bản ở Châu Âu vào năm 1687.
Nhờ đó nước Anh đã biến cải về mọi phương diện và trở thành quốc gia công nghiệp đầu tiên, với máy hơi nước được dùng trong công xưởng sản xuất để phát triển kinh tế; rồi sau đó các nước Pháp, Ý, Đức… cũng tiếp tục xử dụng hệ thống kỹ thuật mới này. Khi công nghiệp phát triển thì xã hội tạo ra nhiều công việc, nhiều ngành nghề, nhiều hãng xưởng, nhiều dịch vụ, và mỗi ngành nghề lại có những hệ thống tổ chức sinh hoạt riêng biệt.
Các hệ thống độc lập khuyếch trương mang đến đời sống văn minh, tinh thần dân chủ, tương thân tương ái vì những người cấp trưởng trong các ngành nghề đã biết tôn trọng lẫn nhau, cùng nhau cộng tác, phục vụ cho nhân quần xã hội. Sự ràng buộc này tạo ra Đức Tính Liên Thuộc (Interpersonal) của những người tổ chức, lãnh đạo, quản trị, điều hành để từ đó Thể Chế Dân Chủ ra đời.
1. Công Nghiệp
Biểu tượng của thời đại công nghiệp là cột khói nhà máy. Công nghiệp là dùng máy móc thay cho sức lao động của con người, và sản xuất hàng loạt theo hệ thống dây chuyền.
Muốn công nghiệp hóa phải có máy móc, bởi thế, các nhà máy luyện thép, nhà máy biến chế thực phẩm, xưởng máy, xưởng xe, xưởng dệt, xưởng gỗ… xây dựng khắp nơi. Nhờ kỹ thuật cao, con người đã biến các thị trấn thành những đại đô thị, có phương tiện di chuyển thuận lợi với tộc độ nhanh chóng.
Sản phẩm hàng hóa công nghiệp càng ngày càng tăng tiến, chất lượng càng tốt, số lượng càng nhiều và giá thành càng hạ, nên đã làm cho con người càng thích tiêu thụ. Tiêu thụ giờ đây không còn là nhu cầu của con người, mà đã biến thành cái thú tiêu khiển, cái thích mua sắm, thích chưng diện, thích ăn mặc với đồ hiệu, đắt giá.
Rồi từ đó nguyên liệu, đất đai, sức lao động, vốn liếng tài chính đã trở thành những yếu tố quan trọng của thời đại công nghiệp, với mục đích để phát triển kinh tế quốc gia. Tài sản công ty giờ đây được đo bằng công trình kiến trúc, trang bị máy móc nặng, vốn liếng và hàng hóa.
Thời đại công nghiệp cũng chia những hoạt động ra thành ba cấp:
(1) Công nghiệp sơ cấp, gồm các lãnh vực sản xuất của thời nông nghiệp như nông – lâm – ngư được cơ giới hóa.
(2) Công nghiệp thứ cấp là ngành kỹ nghệ nặng như luyện thép, đúc nhôm, chế tạo xi măng, khai thác than đá, khai thác hóa chất từ dầu hỏa, sản xuất xe hơi, sản xuất máy móc gia dụng.
(3) Công nghiệp đệ tam cấp, gồm các dịch vụ tài chánh, bảo hiểm, cung cấp nước, hơi đốt, điện, chuyên chở, hàng hải, hàng không, nguyên tử năng và không gian.
2. Tư Bản
Rồi từ đó tư tưởng Tự Do Kinh Tế được hệ thống hóa bởi Adam Smith (1723-1790), người Anh trong tác phẩm Sự Thịnh Vượng của các Quốc Gia (The Wealth of Nations) ra đời năm 1776, được gọi là Chủ Nghĩa Tư Bản, hay Tự Do Kinh Doanh. Trong nền kinh tế tư bản, thương gia được tự do buôn bán, khách hàng được tự do mua sắm, công nhân được tự do lựa chọn ngành nghề, tự do chọn chủ, chọn hãng và thị trường được tự do hoạt động, không có sự can thiệp hay điều hành của chính quyền.
Nguyên tắc xây dựng một Thị Trường Tự Do, theo Adam Smith là sự “Để Mặc Tự Nhiên,” tự nhiên sản sinh, tự nhiên phát triển. tự nhiên tồn tại. Mặc dù có nhiều thay đổi tăng giảm, lên xuống của phẩm lượng sản xuất, của giá cả hay nhân công, nhưng nền kinh tế thị trường tự do sẽ Tự Điều Chỉnh.
Kinh tế tư bản đặt căn bản trên sự tự do cá nhân. Mỗi người được tự do chọn lựa phương cách thương mại để thỏa mãn những nhu cầu mong muốn hay ước vọng của riêng họ. Cá nhân được tự do đem tham vọng vào thương trường để cạnh tranh với các tham vọng của những cá nhân khác bằng sản phẩm hàng hóa tốt, rẻ, đẹp, giá cả phải chăng và đáp ứng nhu cầu của khách hàng, của thị trường.
Theo Adam Smith, tự do cạnh tranh là Bàn Tay Vô Hình, là cơ giới an toàn tự động để nền kinh tế tự điều chỉnh. Ngoài sự cạnh tranh giữa các thương gia, còn có sự cạnh tranh của giữa thương gia và khách hàng, hoặc giữa thương gia và công nhân.
Một trong những sáng tạo kỹ thuật mang lại hiệu qủa là Hệ Thống Dây Chuyền. Trong hệ thống dây chuyền, sự phân chia công việc là yếu tố quan trọng.
Adam Smith quan sát và nói rằng, “Mười người với sự trợ giúp của dụng cụ và máy móc, có thể sản xuất được bốn mươi tám ngàn cây kim trong một ngày, nhưng nếu làm việc riêng rẽ thì chắc chắn mười người không thể làm xong hai mươi cây kim, và cũng không thể làm xong một cây trong một ngày.” Về ảnh hưởng tâm lý, hệ thống dây chuyền có thể làm cho con người cảm thấy mình không còn là người trọn vẹn, vì lúc trước người thợ làm giày từng đôi, nhưng bây giờ chỉ làm cái quai, cái đế, cái nút mà lại có nhiều đôi giày.
Bởi thế, người thợ khó nhận định được giá trị của mình trong xã hội mới, và cảm nhận buồn vì mình chỉ là mắt xích, hay con ốc nhỏ trong bộ máy khổng lồ !
Hơn nữa, hệ thống dây chuyền có thể là nơi người chủ bóc lột sức lao động của công nhân. Tốc độ của máy là then chốt của số lượng sản xuất, người chủ muốn có nhiều sản phẩm để đạt lợi nhuận cao, thường tăng tốc làm máy chạy nhanh tới mức tối đa, trong khi tiền lương người thợ vẫn trả từng giờ như cũ.
Bời thế, mồ hôi và sức sống con người trong xã hội công nghiệp có thể bị vắt ra để tạo lợi nhuận cho chủ. Tóm lại, quyền tư hữu tuyệt đối đã sinh ra mâu thuẫn, tức là quái thai cộng sản.
3. Cộng Sản
Theo Karl Heinrich Marx (1818-1843), nhà nước sẽ quản lý các xưởng công nghệ nông nghiệp, rồi sản xuất và phân phối hàng hóa xuống tay người tiêu thụ, nhân loại tránh được bất công.
Vì trong hệ thống kinh tế tư bản, sản phẩm phải qua nhiều giai đoạn trung gian phi sản xuất, mỗi giai đoạn lại cộng thêm phí tổn chuyên chở, tiền kho chứa hàng, tiền dịch vụ bảo quản, tiền lời… rồi mới tới tay người tiêu thụ. Do đó giá sản phẩm sẽ luôn tăng cao và gây ra bất ổn, hơn nữa sản phẩm tập trung trong tay của một số tư nhân, gia đình, hay công ty độc quyền khai thác.
Mặt khác vì làm lời bằng sức lao động, cho nên mâu thuẫn giữa chủ và thợ, là nguồn gốc của trạng thái căng thẳng, để dẫn đến hậu qủa cuối cùng là hệ thống tư bản xụp đổ. Kinh qua tư bản, nền kinh tế cộng sản, tự nó thiết lập những công xưởng với dụng cụ máy móc, đồng thời cũng đào tạo lớp người chuyên viên mới cho xã hội mới – chủ nghĩa xã hội phát sinh.
Chủ nghĩa này bắt đầu bằng “sự độc tài của giai cấp vô sản,” là nền kinh tế không giai cấp, không bóc lột. Sau cùng là chủ nghĩa cộng sản nguyên vẹn – “thiên đường cộng sản/ hay niết bàn kinh tế chính trị” của con người!
Nhưng lý thuyết Marx đã thất bại. Vì để giải quyết vấn đề bất quân bình, chẳng phải là triệt tiêu các khâu trung gian, mà đã tạo ra mạng lưới thị trường để giải quyết những vấn đề bất quân bình trong sản xuất và phân phối đó.
Nhiều công ty tư bản trên thế giới đã thấy ưu điểm của hệ thống mạng, và đã áp dụng mở rộng thị trường, họ dự tính cho nhu cầu tương lai theo đà biến chuyển chính trị và thể chế dân chủ thế giới.
Trong “Tư Bản Luận,” Marx tiên đoán về sự sụp đổ có thể xảy ra của nền kinh tế tư bản, vì kinh tế tự do trở thành phương tiện cho các công ty thẳng tay sát phạt nhau. Hậu qủa của tự do cạnh tranh là “mua đứt” các công ty nhỏ, trở thành công ty lớn độc quyền sản xuất và phân phối.
Nhưng một khi công ty lớn phá sản, hoặc chuyển nhượng sự độc quyền thao túng, thì thị trường lên cơn sốt, và làm cho giá cả sản tăng giảm tùy theo sự chạy đua lợi nhuận của giới chủ. Khách hàng cũng chỉ là công nhân tiêu thụ trong xã hội, không còn quyền lựa chọn.
Theo Marx, sự tự do cạnh tranh thị trường tạo ra công ty độc quyền, và độc quyền sẽ triệt tiêu quyền tự do lựa chọn của khách hàng, của công nhân. Khi kỹ thuật sản xuất phát triển, số lượng công ty trong ngành công nghiệp chỉ còn có một, độc quyền thì nhu cầu nhân công trong kỹ nghệ cũng giảm theo, và công ty giảm năng xuất, tăng giá cả để có thêm lợi nhuận.
Công ty độc quyền tự do bóc lột sức lao động của người thợ, vì dân chúng cần có việc làm để sinh sống. Hơn nữa công nhân lại cũng chính là khách hàng, và số lượng sản xuất giảm dần trong khi dân số tăng thêm.
Từ đó, sự mua bán xuống dốc và các công ty ngưng đầu tư. Cũng theo Marx, ngưng đầu tư thì việc làm càng thêm hiếm hoi, và xảy ra tình trạng như thế, nền kinh tế tư bản mãi lún sâu vào nợ nần cho tới khi sụp đổ.
Sự sụp đổ vĩ đại của nền kinh tế tư bản qủa thật có xảy ra vào thập niên 1930, như cơn sóng thần đổ xuống đầu nhân dân Hoa Kỳ với bao nỗi kinh hoàng. Một nửa giá trị tổng sản lượng đã biến mất, một phần tư dân số thất nghiệp.
Hơn một triệu gia đình bị tịch thu nhà cửa, vì mất việc và không trả tiền nợ nhà hàng tháng. Chín triệu trương mục tiết kiệm tiêu tan, nhiều nhà băng phải đóng cửa vì sập tiệm.
Nếu như số lương bổng và lợi tức ước tính vào năm 1929 của Hoa Kỳ là 15 tỷ, thì đến năm 1932 chỉ còn 886 triệu. Người nghèo thì nghèo thêm.
Người giàu với khoản tiền kếch xù không biết đem đi đầu tư ở đâu… Và cứ thế, đến nỗi chính quyền Liên Bang phải dùng ngân sách quốc gia đầu tư vào hệ thống thị trường, nhằm tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy sức vận chuyển của nền kinh tế mong sớm có ngày khôi phục.
Chính phủ Hoa Kỳ phải can thiệp, vì sợ rằng dân chúng lúc đó cũng bắt đầu nổi loạn. Với “Tư Bản Luận” và chứng cớ khủng hoảng của nền kinh tế tư bản trước mắt, thì ắt có nhiều người tin Marx, vì họ không am tường về nền chính trị dân chủ và kinh tế tự do.
Nhưng Marx đã sai. Nền kinh tế tư bản tuy có sụp đổ, nhưng không dãy chết để dẫn đến chủ nghĩa xã hội như ước mơ của Marx. Vì xã hội Hoa Kỳ đã không có chế độ phong kiến, nên không có giai cấp bóc lột như Marx từng thấy ở nền kinh tế truyền thống Châu Âu.
Mặt khác nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh nhất thế giới, là nhờ vào truyền thống chính trị dân chủ. Dân chủ có nghĩa là được tự do tư tưởng và tự do diễn đạt.
Khi người dân được tự do ngôn luận và liên lạc, hệ thống truyền thông nâng cao khả năng nhận thức của toàn dân, thì người ta sẽ tự suy xét và tự quyết định những vấn đề có ảnh hưởng, hay liên hưởng trực tiếp đến họ. Sự tự do tư tưởng và tự do diễn đạt đã tạo ra môi trường, làm cho sức sống sáng tạo của toàn dân phát sinh trên các bình diện văn hóa, văn minh, kỹ thuật, công nghiệp.
Và sức mạnh của xã hội Hoa Kỳ, bất cứ phương diện nào cũng là sức mạnh của truyền thông. Khi sự hiểu biết của tòan dân được nâng cao, tới mức họ có ý thức được những điều mang lại lợi ích chung, thì họ sẽ đồng thuận.
Nguyên tắc đồng thuận chính là một phương thức vận động sức mạnh dân tộc tối đa của một quốc gia. Nhất là trong thời đại văn minh, khi con người đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của mọi người vào công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước, nhưng họ luôn có tự do quyết định.
Đây là mấu chốt phát triển của nền kinh tế tư bản mà chính Marx khó ngờ. Đối với Marx, ông chỉ nhìn kinh tế tư bản qua chế độ phong kiến Châu Âu, đã thiết lập từ khi có sự chiến thắng các nền văn hóa du mục, văn hóa nông nghiệp để duy trì kinh tế “pháp lệnh” mà sinh ra giai cấp đặc quyền đặc lợi.
Cũng bởi Marx coi chủ nghĩa tư bản và văn hóa du mục của Châu Âu là một, mà không thấy sự khác biệt của Hoa Kỳ, nên ông đã sai lầm khi đưa ra nguyên lý “mâu thuẫn nội tại,” và bởi đó, chế độ cộng sản cũng rập khuôn theo cấu trúc của văn hóa du mục và nếp sống săn hái mà ra. Cho nên chúng ta dễ thấy những cán bộ Cộng Sản tham nhũng, vì săn hái là lối kiếm ăn “hoành tráng” của thời đại du mục, thời đại tiền sử hay thời đại khỉ vượn!
4. Kết Luận
Tóm lại trong một ngày gần đây, người Việt Nam sẽ tự mình giải thoát khỏi tình trạng lệ thuộc trong chính trị và kinh tế của Chủ Nghĩa Cộng Sản như đã nói trên, vì không có một sự đàn áp nào có thể giúp cho con người tiến hóa và thăng hoa được. Mặt khác, tinh hoa của một dân tộc chỉ có thể được đúc thành khối, một khi hệ thống chính quyền có được sự đồng thuận của người dân qua lá phiếu.
Những chủ nghĩa trong đời sống con người chỉ là những ý niệm căn bản cho sự hiểu biết chung, và không có chủ nghĩa nào có thể lột tả được vũ trụ đời sống của lòai người, cho nên mỗi vấn đề đều có nhiều phương cách giải quyết. Và các vấn đề phải được giải quyết bằng sự hội ý của những người có liên quan trực tiếp.
Với viễn tượng của một tương lai Việt Nam đó, chúng ta cần phác họa một chương trình phục hồi và phát huy Sức Sống Tiên Rồng của Dân Tộc Việt, nhằm phục hoạt một xã hội đồng bào, thân thương và bình đẳng của Một Bọc Trăm Con, của Chính Thuyết Tiên Rồng như trong cuốn sách KINH mà tác giả trình bày rõ ràng vậy. Trong bài tôi dùng chữ “cải hóa: Renovation” thay cho chữ “cách mạng: Revolution” là chữ đã dùng lâu đời và trở thành lạc hậu, lỗi thời, lỗi nhịp, nhàm chán xưa nay.
Phạm Văn Bản
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn