Đã đến lúc bước sang một trạng thái mới…
Tác Giả : Thái Hạo Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng :2024-07-04
Sáng nay, theo như một số clip trên mạng, sư Minh Tuệ đã xuất hiện trở lại sau hơn 20 ngày không rõ tung tích. Đó là điều đáng mừng. Tuy nhiên, có mấy vấn đề mà tôi quan sát được trong thời gian qua và muốn chia sẻ lại đây.
Thứ nhất, dường như đang có mâu thuẫn nào đó khá căng thẳng trong gia đình sư Minh Tuệ. Trong các video phỏng vấn, mỗi khi các YouTuber hỏi anh Thìn (em út) về ý kiến của người anh cả (tên Tuấn), thì anh Thìn thường nói rằng không biết. Anh thường tỏ thái độ “không liên quan” đến mọi thông tin về người anh cả này.
Trong lá đơn gửi cơ quan chức năng ngày 30 tháng 6 cũng chỉ mỗi anh Thìn là người đứng tên và cũng nhắc đến một công ty vừa thành lập là Phát Tâm Thiên Định Tuệ có người đại diện trùng với tên con gái (?) và chị gái anh, anh nói “không biết ai lập ra công ty này và với mục đích gì”, anh cũng lên tiếng cảnh báo “đề cao cảnh giác”
Nếu mâu thuẫn là có thật thì từ nay các nguồn tin từ anh Thìn hoặc anh Tuấn và các thành viên khác trong gia đình đều rất nên được đánh giá kỹ lưỡng, tham khảo nhiều chiều. Vì một khi có mâu thuẫn thì thường sẽ dẫn đến những cách đưa tin hoặc diễn đạt không thật sát với bản chất sự việc. Bản thân mâu thuẫn này cũng đã thêm vào “hiện tượng Minh Tuệ” một yếu tố mới, khiến tình hình phức tạp hơn, khó nhận định hơn.
Thứ hai, điều quan tâm lớn nhất lúc này nên là sự hướng đến mối an toàn của sư Minh Tuệ, và tiếp theo là sự tự do thực hành tôn giáo của ông. Việc “tìm kiếm” sư Minh Tuệ, tốt nhất cũng nên dừng lại ở đó, chứ không phải là để đi theo, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến trật tự xã hội và con đường thanh tu của sư. Cái chúng ta cần biết là sư vẫn an toàn và được tự do đi khất thực trong bình an, chứ không phải để kéo đến gây cản trở cho những điều ấy.
Vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng những người có ảnh hưởng trên truyền thông (kols), những trí thức và tất cả những ai có hiểu biết và thật lòng yêu mến sư, ngoài việc luôn đòi hỏi sự minh bạch thông tin về ông thì cũng đồng thời nên lên tiếng khuyên người dân hãy tôn trọng tự do cá nhân của sư Minh Tuệ. Nên làm gương cho đại chúng trong việc này bằng cách chính mình không góp mặt trong đám đông, không tung hô quá mức, không “phong thánh” và sùng bái cá nhân.
Sư Minh Tuệ là một hình ảnh đẹp đẽ chói sáng và đáng kính trọng về phẩm hạnh và ý chí trong việc theo đuổi lý tưởng cá nhân, nên nhân cơ hội này, những ai yêu kính sư Minh Tuệ nên chia sẻ với đông đảo quần chúng các giá trị chân – thiện – mỹ và những quan niệm đúng đắn của đạo Phật, giúp giải bớt những lầm lạc và mê tín đã bị gieo rắc không ít trong cộng đồng,… thay vì mải mê ồn ào hoặc chạy theo hình thức bên ngoài.
Bảo vệ và lan tỏa “giá trị Minh Tuệ” không gì bằng mỗi người vừa học lấy ở ông những phẩm chất tốt đẹp, phù hợp với hoàn cảnh và sở nguyện, vừa không ngừng khai thác và chia sẻ đến cộng đồng những giá trị ấy. Có lẽ đã đến lúc bước sang một trạng thái mới, trầm tĩnh hơn, sâu lắng hơn và trách nhiệm hơn.
====
Những bình thường mầu nhiệm
Tác Giả : Nguyên Đại Nguồn: Báo Tiếng Dân Ngày đăng :2024-07-04
Những công nhân Trung Đông lúc bị chôn vùi trong tai nạn hầm mỏ, dường như cái chết là chắc chắn trong tối tăm, và họ đã chuẩn bị. Vài ngày sau, họ thấy được một ánh đèn pin của những người cứu trợ, họ được cứu sống sau đó. Tia sáng le lói đến với họ trong lúc thập tử là mầu nhiệm từ thánh Ala (Allah).
Những chiến sĩ Ba-Lan, quê hương của Cố Giáo Hoàng, Gioan Phaolo Đệ Nhị (Pope John Paul II), bị lạc trong rừng tuyết phủ trắng, tiếng gọi của đồng đội, người đã dẫn đường cho họ sau đó, là thông điệp từ Chúa Jesus.
Những con thuyền lênh đênh đói khát trên biển Đông những năm 1980 – 1990 của thế kỷ trước, cơn mưa bất chợt đến như giọt nước độ sinh từ Phật. Những con người đen đủi đó đã quỳ xuống trên thuyền, giàn giụa nước mắt, cảm ơn những giọt nước mầu nhiệm. Người khác thì lặng lẽ làm dấu thánh và cầu kinh, cảm tạ ân sủng từ Thiên Chúa.
Không thể biết chắc những giọt nước mưa bình thường đó đến từ Chúa hay Phật, nhưng có thể chắc chắn rằng, đối với những con người bất hạnh khát khao trên thuyền lúc đó, những giọt mưa ấy là ân sủng, là mầu nhiệm.
Mầu nhiệm không phải là hào quang, chói chang, rực rỡ; không phải tiếng sấm sét rung chuyển đất trời; không phải là giọt nước ngọt ngào đặc biệt. Mầu nhiệm đến từ một vệt sáng mong manh, một tiếng gọi nhẹ nhàng của đồng nghiệp, những giọt nước mưa rất đỗi bình thường. Chính đêm tối tăm, nỗi cô đơn tột cùng, sự đói khát nghiệt ngã đã làm cho một tia sáng mặt trời, tiếng gọi của bạn, những giọt nước mưa bình thường trở nên những mầu nhiệm.
Cũng vậy, một ngày ra cửa gặp một nhà sư đầu trần, chân đất, áo vá chằng chịt, đứng lặng yên…
Tự nhiên thấy mình hạnh phúc, vì mình có một mái nhà để trú nắng mưa, bộ đồ mặc trên người cũng lành lặn, và … chí ít cũng có một đôi dép dưới chân, tại sao mình vẫn chưa có được sự bình an? Ông ấy chỉ cần thức ăn cho một bữa, không giữ tiền bạc. Tại sao mình có thức ăn thừa, có tiền “rất nhiều hơn ông ấy”; vì sao mình vẫn cứ băn khoăn, lo lắng quá nhiều?
Nhà sư vừa bị đánh, vì có có kẻ cho rằng sư vẫn mạnh khỏe, sao không đi làm, mà đi xin! Kẻ ấy có thể không cho ông ấy thức ăn, nhưng không thể can thiệp vào sự chọn lựa của nhà sư. Không thể vô cớ tạo thương tích cho một người, chỉ vì họ có cuộc sống khác mình. Dù vậy, nhà sư vẫn vui vẻ, và chúc phúc cho kẻ đánh mình.
Sự từ bỏ sân hận, nuôi dưỡng lòng từ bi là suối nguồn của hạnh phúc. Mình có thể dừng lại những “ăn miếng, trả miếng” để khởi đầu những bình an không? Mình có thể dằn lại những bực bội trong đời thường để hóa giải thành những cảm thông không?
Nhà sư đứng đó, chẳng có gì cả, không có chức tước từ bất cứ đoàn thể nào. Mình là cha, là mẹ, là thầy giáo với bao nhiêu học trò… “hơn ông ấy nhiều chứ”, tại sao mình vẫn cứ thấy chưa đủ, miệt mài giành giựt…?
Sự xuất hiện của một con người đen bụi trước mặt mình chính là lời khuyên từ kinh Phật, thông điệp của bình an và hạnh phúc. Thái độ sống của ông ấy dường như kích hoạt bộ phận phanh-thắng, giữ cho chiếc xe của cuộc đời mình trong một vận tốc chậm hơn, và vì thế an toàn hơn. Mình có duyên gặp ông ấy, nhưng cái duyên đó chỉ có thể khởi sinh, lớn lên cùng với sự thay đổi trong nhận thức của chính mình.
Ông sư ấy dường như không có gì để cho mình cả, ngoài ánh nhìn nhân hậu. Mình cũng không thể cúng dường ông ấy cái gì quá to tát, vượt tầm tay, ngoài một gói xôi, hay chai nước. Nhưng, sự “xúc chạm”, “giao duyên” vi tế đó có thể là khởi đầu cho một mầu nhiệm đến với cuộc đời mình, như một tia sáng, một ơn gọi từ đấng thiêng liêng.
Khi nhiều người Việt, ngoài việc đối diện với một lô “nghĩa vụ”, “những bôi trơn” trong cuộc sống hằng ngày ở kiếp này; họ còn có “nghĩa vụ” cúng dường cho các “thầy” vì sự an toàn của “(nhiều) kiếp sau”. Các “thầy”, các “cô”, những người “siêu việt, tài ba, với một lô bằng cấp”, trắng trẻo, mủm mỉm với nhà đẹp, xe sang, đồ hiệu, được giáo hội của chính phủ cấp giấy phép hành nghề, ngày ngày tháng tháng đem vào đầu các Phật tử, rằng họ phải chịu tội cả kiếp sau, và cúng tiền, thật nhiều tiền, cho những vong, ma. Đêm tối, tuyết lạnh, đói khát, lạc đường?…
Trong đêm tối của “thập diện mai phục, trùng trùng nợ nần”, một ông sư đứng đó đen đúa bụi đường, không nhận tiền, chỉ cần một gói cơm cho qua một bữa… chính là những bình thường mầu nhiệm, là tia sáng le lói trong đêm trường lầm lạc từ những đe dọa tối tăm, là tiếng gọi thân thương của người bạn đồng hành trên trần thế này, là giọt nước bình thường làm tái sinh những cuộc đời lạc lối, u mê.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn