Hạnh phúc của Hoa Kỳ được đánh đổi bằng sự hy sinh
Tác Giả : Joshua Charles
Biên dịch : Thuần Thanh
Nguồn: Báo Mai Ngày đăng :2024-07-04
Hàng năm cứ đến ngày quốc khánh, chúng ta đều coi đó là một dịp để nghỉ ngơi, vui chơi với gia đình, bạn bè và bày tỏ lòng yêu nước. Hầu hết là như vậy. Nhưng nó cũng nhắc nhở chúng ta rằng những gì bị đe dọa không chỉ ngày hôm ấy, mà còn là trong suốt thời kỳ lịch sử đó.
Sau nhiều năm giằng co với Quốc hội Anh, các thuộc địa Hoa Kỳ phải đối mặt với những thùng súng trường của người Anh ở Lexington và Concord vào tháng 4/1775. Đội quân áo đỏ đã nỗ lực cướp một kho vũ khí của thuộc địa, và để đáp trả, quân thuộc địa phải tự vệ. Trận chiến đã dẫn đến “một phát súng vang dội khắp thế giới” – và cho đến tận ngày nay không ai biết là người Anh hay người Hoa Kỳ đã nổ súng trước trong cuộc Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ.
Nhưng súng đã nổ.
Tác phẩm “Tuyên Ngôn Độc Lập” do John Trumbull vẽ.
Ngay sau đó, Quốc hội đã thành lập Quân đội Lục địa, và theo đề nghị của John Adams, George Washington được bổ nhiệm làm Tổng tư lệnh. Tiếp theo, Quốc hội viết một bản tuyên bố trước thế giới giải thích lý do họ phải chiến đấu – đây là bối cảnh một năm trước khi bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời:
Quốc hội viết rằng: “Lý do của chúng tôi là đúng đắn. Liên minh của chúng tôi là hoàn hảo. Với sự thành kính nhất, trước mặt Thiên Chúa và toàn thế giới, chúng tôi tuyên bố rằng, chúng tôi sẽ dùng tất cả sức lực mà Sáng Thế Chủ nhân từ đã ban tặng và những cánh tay mà kẻ thù buộc chúng tôi phải sử dụng, bất chấp mọi hiểm nguy, với sự kiên định và bền bỉ trường kỳ, để bảo vệ nền tự do của chúng tôi, cùng một ý chí thà chết trong tự do chứ không sống một đời nô lệ.”
Cần phải nhớ rằng tại thời điểm này, Hoa Kỳ vẫn chưa có nền độc lập. Nhiều người trong Quốc hội và ở khắp nơi trong thuộc địa không hề có ý thức về nền độc lập. Nhưng một cuốn sách nhỏ nổi tiếng được xuất bản vào tháng 01/1776 đã khích lệ họ – đó chính là cuốn “Common Sense” (Lẽ thường) của Thomas Paine. Paine lập luận rằng, chế độ quân chủ là không phù hợp với Kinh Thánh, và thật vô lý khi để cho một hòn đảo nhỏ cách hơn 3,000 dặm cai trị một lục địa rộng lớn. Cho đến ngày nay, cuốn sách nhỏ đó vẫn là một trong những tác phẩm được đọc nhiều nhất (tính theo tỷ lệ dân số Hoa Kỳ vào thời điểm đó). Tương đương với khoảng một nửa số dân Hoa Kỳ ngày nay đã đọc cuốn sách trong thời kỳ đó.
Và mùa hè năm 1776 cũng đến, cùng với nó là những sự kiện quan trọng. Vua George III tuyên bố các thuộc địa ở trong tình trạng bạo động, và Hoa Kỳ cuối cùng đã đưa vấn đề tối quan trọng về nền độc lập ra thảo luận.
Từ trái qua: Ngài Benjamin Franklin, Ngài James Madison, Ngài Thomas Jefferson.
Một ủy ban đã được cử để viết Tuyên ngôn bao gồm Thomas Jefferson, John Adams và Benjamin Franklin. Họ quyết định Jefferson là người chắp bút, và chính Jefferson đã viết nên những lời bất hủ trong bản tuyên ngôn lập quốc của Hoa Kỳ. Sau một số cuộc tranh luận và sửa đổi (bao gồm cả việc lên án chế độ nô lệ của Jefferson), Quốc hội Lục địa đã thông qua bản tuyên ngôn vào ngày 02/07, và cùng với nó là bản nghị quyết trước đó về việc các thuộc địa phải được Độc lập. John Adams đã viết cho vợ là Abigail vào ngày 03/07 như sau:
“Ngày hôm qua, một vấn đề trọng đại nhất đã được quyết định, vấn đề đó đã từng được tranh luận ở Hoa Kỳ, và có lẽ mọi người chưa từng quyết định vấn đề nào vĩ đại hơn [như vậy]. Một Nghị quyết đã được thông qua mà không có bất kỳ một thuộc địa nào phản đối, 'rằng những Thuộc địa thống nhất này phải là các Tiểu bang tự do và độc lập, và do đó họ có toàn quyền quyết định trong việc chiến đấu, ký kết hoà bình, thiết lập thương mại, và thực hiện tất cả những gì mà các Tiểu bang khác có quyền làm.' Em sẽ chứng kiến trong vài ngày tới một Tuyên bố nêu rõ những nguyên nhân đã đẩy chúng ta đến với Cuộc cách mạng hào hùng này, và những lý do hợp lý để thực hiện điều đó nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa và nhân loại.”
Nhưng Adam hiểu rằng đây không phải là một nỗ lực không đổ máu. Họ sẽ phải trả một cái giá đắt. Ông hiểu đây là hành động cách mạng, nhưng ông tin rằng nó dựa trên thiên ý và lẽ công bằng tự nhiên.
“Đó là Thiên ý, rằng hai quốc gia nên phân chia mãi mãi. Đó có thể là Thiên ý rằng Hoa Kỳ sẽ phải gánh chịu những tai họa, tổn thất, và [những điều] khủng khiếp hơn. Nếu đúng như vậy, thì ít nhất nó cũng có một tác dụng tốt là: Nó sẽ khích lệ chúng ta phát triển những phẩm chất mà chúng ta chưa có, và sẽ sửa chữa rất nhiều sai lầm, sự dại dột và suy đồi, những điều có nguy cơ gây bất ổn, làm ô danh và hủy hoại chúng ta – nó là Lò Hoạn nạn [The Furnace of Affliction – trích E-sai 48:10] để tinh luyện mỗi tiểu bang cũng như cá nhân. Và các chính phủ mới giả định của chúng ta, ở mọi nơi, sẽ yêu cầu chúng ta thanh lọc những điều xấu xa và nâng cao đức hạnh của mình, nếu không họ sẽ không nhận được phước lành… Anh phải gửi gắm mọi niềm hy vọng và nỗi sợ hãi cho Thượng Đế cai quản, nơi Đức Tin của anh không bao giờ thay đổi, anh tin chắc như vậy.”
Với tâm trạng tràn đầy nhiệt huyết, Adams đã viết một bức thư thứ hai cho người vợ Abigail, một bức thư thường được mọi người trích dẫn lại, nhưng tất nhiên ông ấn định sự kiện trọng đại đó vào ngày 02/07 chứ không phải ngày 04/07; tuy nhiên, nó như lời tiên tri về ngày lễ kỷ niệm quốc khánh của chúng ta:
“Ngày thứ 2 của tháng 7 năm 1776 sẽ là một ngày Trọng đại đáng nhớ nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Anh tin rằng các thế hệ tiếp theo sẽ tổ chức kỷ niệm nó như một ngày Lễ trọng đại. Nó sẽ được tưởng niệm như Ngày Giải thoát bằng những hoạt động trang trọng với lòng sùng kính Đức Chúa Toàn Năng. Nó sẽ rất long trọng với các màn trình diễn và diễn hành, trò chơi, các môn thể thao, súng, chuông, và pháo hoa thắp sáng từ đầu này tới đầu kia của lục địa kể từ nay cho đến mãi về sau.”
Một lần nữa trong sự điềm tĩnh, ông nói rất rõ rằng: đây không phải là một chuyện bình thường, Hoa Kỳ sẽ không được đặt trên một chiếc giường đệm lông vũ êm ấm. Ông biết đây không phải là kết thúc của một cuộc đấu tranh, mà chỉ là sự khởi đầu:
“Em sẽ nghĩ rằng anh đang bị thiêu đốt bởi sự hào hứng, nhiệt tình nhưng không phải vậy. Anh nhận thức rất rõ ràng về sự cực nhọc, về máu đổ và cả những điều quý giá; chúng ta sẽ phải trả giá để duy trì Tuyên bố này, cũng như hỗ trợ và bảo vệ các Tiểu bang này. Tuy nhiên, xuyên qua tất cả sự u ám, anh có thể nhìn thấy những tia sáng đẹp đẽ và vinh quang. Anh có thể nhìn thấy một kết quả có giá trị hơn tất cả. Và hậu thế sẽ ca khúc khải hoàn trong sự chuyển giao của ngày đó, ngay cả khi chúng ta phải ăn năn hối lỗi, nhưng anh tin vào Chúa rằng chúng ta sẽ không như vậy.”
Ngay sau đó, George Washington đã ban hành một Mệnh lệnh chung cho toàn quân đội:
“Những phước lành và sự bảo hộ của Thiên thượng luôn luôn cần thiết, đặc biệt là trong những thời điểm khốn khó và nguy hiểm của cộng đồng. Tổng tư lệnh hy vọng và tin tưởng rằng mọi sĩ quan và mọi quân nhân sẽ nỗ lực để sống, để hành động như thể là một Chiến binh Cơ Đốc bảo vệ các Quyền và Tự do của đất nước mình.”
Chúng ta nên nhớ những lời này và dành tình cảm cho ngày 04 tháng 7, vì ngày 04 tháng 7 đầu tiên không phải là thời gian cho tiệc BBQ, pháo hoa và niềm vui. Đó là thời kỳ của đau khổ, chiến tranh, của súng nổ và chết chóc. Hầu hết các đại biểu tham dự Quốc hội Lục địa thậm chí không thể ký vào văn kiện khi nó cuối cùng đã được chấp thuận và sẵn sàng để ký. Hầu như không có quân đội nào được đề cập đến, và người Anh đang tiến về Philadelphia. Tất cả đều ảm đạm, và một nền độc lập lâu dài dường như ngoài tầm với.
Nhưng chúng ta đã đạt được nó. Sau 8 năm dài chiến tranh, các bậc tiền nhân của chúng ta đã giành được độc lập. Chỉ khi đó họ mới có thể thưởng thức pháo hoa và niềm vui. Chỉ sau khi đổ máu, họ mới có thể nhìn vào ngày 04 tháng 7 với niềm hạnh phúc và diệu kỳ.
Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 4/7/1776, lưu giữ tại Thư viện Quốc hội Mỹ.
Ở phía bên này của Thiên Đường, chúng ta nên luôn ghi nhớ cái giá phải trả cho hạnh phúc mà chúng ta đang tận hưởng – niềm vui của chúng ta được đánh đổi bằng máu. Những người vợ mất chồng, những người chồng mất con, con cái mất cha mẹ, cha mẹ mất con cái. Chúng ta nên nhớ rằng hạnh phúc bền lâu – thứ hạnh phúc mà chúng ta xứng đáng có được – được xây dựng trên sự hy sinh.
Chúng ta hãy đọc những lời này cho con cháu chúng ta và cho nhau nghe. Chúng ta hãy nhớ lại nguồn gốc và nền tảng thật sự của niềm vui trong ngày này.
Tại thời điểm mà hầu hết mọi người đều thừa nhận là nguy hiểm và chia rẽ này, khi tình anh em giữa những người đồng hương có vẻ như bị rạn nứt và yếu ớt, chúng ta sẽ rất nhớ những lời nghiêm túc của Adam viết cho năm tới, năm 1777, khi những ngày đầu tháng 07/1776 đã qua, và những ngày mà máu và sự hy sinh bao trùm lên họ:
“Hỡi hậu thế! Quý vị sẽ không bao giờ biết thế hệ đương thời đã phải trả giá bao nhiêu để bảo vệ sự tự do của quý vị. Tôi hy vọng quý vị sẽ tận dụng nó thật tốt. Nếu các vị không làm như vậy, tôi sẽ thấy hối tiếc trên Thiên Đường vì đã chịu đựng nỗi đau nửa cuộc đời để bảo vệ nó.”
Joshua Charles là tác giả của những cuốn sách bán chạy nhất, là nhà sử học, nhà nghiên cứu và diễn giả quốc tế. Ông là người nhiệt thành bảo vệ các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ, nền văn minh Do Thái – Cơ Đốc Giáo và đức tin Công Giáo mà ông đã cải đạo năm 2018. Ông yêu thích việc kể chuyện và giúp người khác kể những câu chuyện tuyệt vời và truyền đạt chân lý.
Joshua Charles _ Thuần Thanh
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn