Ngọn lửa bài Nhật trên mạng xã hội Trung Quốc đã vượt tầm kiểm soát
Tác Giả : Katsuji Nakazawa Biên dịch : Nguyễn Thị Kim Phụng |
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế | Ngày đăng :2024-07-08 |
Các vụ tấn công bằng dao phản ánh một xã hội không thể giải tỏa những bức xúc về mặt xã hội và kinh tế. |
Gần đây, cư dân Nhật Bản và nhiều cư dân nước ngoài khác đã trở thành mục tiêu tấn công ở Trung Quốc. Một vụ việc thương tâm vừa xảy ra tại trạm xe buýt trường học ở Tô Châu, tỉnh Giang Tô.
Sự thật đằng sau các vụ tấn công vẫn chưa rõ ràng. Nhưng một chuyên gia Trung Quốc am hiểu tình hình truyền thông của nước này đã viện dẫn chủ nghĩa dân tộc bài Nhật và bài Mỹ đang lan rộng nhanh chóng trên khắp Trung Quốc. Vị chuyên gia cho rằng hiện tượng này một phần được thúc đẩy bởi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, với hy vọng có thể thu hút thêm người theo dõi và tận dụng sự nổi tiếng để kiếm tiền từ quảng cáo và các nguồn thu khác. Chỉ trích Nhật Bản là một cách để nhanh chóng đạt được điều này.
Vụ việc đau lòng tại trạm xe buýt đã xảy ra vào ngày 24/06.
Một người đàn ông đã dùng dao tấn công và làm bị thương một bà mẹ người Nhật ngoài 30 tuổi và con trai nhỏ của cô. Hồ Hữu Bình (Hu Youping), nữ nhân viên chăm sóc trẻ em 54 tuổi người Trung Quốc đang trên đường đưa bọn trẻ về nhà, đã bị đâm khi cố gắng ngăn người đàn ông tấn công.
Đây là trạm xe buýt nơi vụ tấn công bằng dao nhắm vào cô Hồ Hữu Bình và hai mẹ con người Nhật được cho là đã xảy ra. © Kyodo
Cô Hồ qua đời hai ngày sau đó, và Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đã treo cờ rủ để tưởng nhớ cô.
Với những con kênh, hồ, và sông thơ mộng, Tô Châu là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Nằm gần Thượng Hải, đây là một thành phố tiên tiến, nơi đã tiếp nhận vốn nước ngoài từ rất sớm và trở thành nơi sinh sống của nhiều cư dân nước ngoài, bao gồm cả người Nhật.
Chính quyền địa phương cho biết kẻ tấn công bằng dao, thất nghiệp và ngoài 50 tuổi, bị nghi ngờ có động cơ “bất mãn với xã hội.” Vụ tấn công này diễn ra sau một vụ việc tương tự ở Tô Châu vào tháng 4, trong đó một người đàn ông Nhật Bản bị một kẻ lạ tấn công bằng dao.
Hôm 28/06, Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh đã treo cờ rủ để tưởng nhớ cô Hồ Hữu Bình, người đã thiệt mạng sau khi cố gắng che chắn cho một bà mẹ Nhật Bản và đứa con của cô khỏi một vụ tấn công bằng dao tại bến xe buýt ở Tô Châu. © Kyodo
Người Nhật không phải là nhóm cư dân nước ngoài duy nhất bị nhắm đến. Vào ngày 10/06, bốn người đàn ông Mỹ, tất cả đều là giảng viên của Đại học Cornell ở Iowa, Mỹ, đã bị đâm bằng dao tại một công viên ở Thành phố Cát Lâm, phía đông bắc Trung Quốc.
Thành phố lớn thứ hai của tỉnh Cát Lâm có dân số hơn 4 triệu người và là nơi tập trung nhiều trường đại học. Chính quyền đã bắt giữ một người đàn ông thất nghiệp ngoài 50 tuổi bị tình nghi là thủ phạm.
Như một số chuyên gia Trung Quốc chỉ ra, yếu tố chính không thể bỏ qua đằng sau những sự cố này là sự tồn tại của những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, trong tiếng Trung gọi là võng hồng (wang hong) hay lưu lượng (liu liang).
“Võng hồng” đề cập đến những người nổi tiếng trên mạng internet, với các bài đăng có thể thu hút một lượng người theo dõi lớn, cho phép họ tạo ra doanh thu bằng cách quảng bá sản phẩm hoặc nhận tiền từ các nền tảng đăng bài.
Nếu số lượng người theo dõi đủ lớn, họ có thể kiếm được thu nhập khổng lồ.
“Lưu lượng” là một từ lóng tương đối mới, có thể được sử dụng thay thế cho “võng hồng.” Ngoài ra còn có tân lưu lượng (xin liu liang), chỉ những nhân vật mới nổi trên mạng xã hội.
Một chuyên gia cho biết: “Tác động từ các video trên Douyin [phiên bản Trung Quốc của TikTok] và các nền tảng khác do võng hồng và lưu lượng đăng tải là rất lớn. Chúng có thể lan truyền ngay lập tức.”
Nguồn tin giải thích rằng các ý kiến bài Nhật và bài Mỹ là hai trong số rất ít các quan điểm chính trị “chính thống” có thể đem ra bàn luận một cách an toàn trong một xã hội được kiểm soát chặt chẽ, khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với những người dùng mạng xã hội muốn nhanh chóng có thêm người theo dõi.
Trong một video lan truyền gần đây được quay ở Tokyo, một người đàn ông được cho là người Trung Quốc đã phun sơn graffiti lên một cột đá tại Đền Yasukuni. Đoạn phim được đăng trên Tiểu Hồng Thư, một nền tảng chia sẻ video của Trung Quốc. Ngôi đền được người Trung Quốc cho là biểu tượng của chủ nghĩa quân phiệt thời chiến của Nhật Bản, và người dùng Tiểu Hồng Thư đăng tải đoạn phim đã trở thành một tân lưu lượng.
Xu hướng bài Nhật và bài Mỹ cũng có thể được xem là kết quả của chính sách ngoại giao “chiến lang” của Trung Quốc đối với Nhật Bản, Mỹ, và châu Âu.
Người Nhật và người Mỹ không phải là những mục tiêu duy nhất của tâm lý này; nạn nhân còn bao gồm cả chính người Trung Quốc. Vào năm 2022 tại Tô Châu, cảnh sát đã tiếp cận và bắt giữ một phụ nữ Trung Quốc trẻ tuổi trên đường phố. Tội lỗi của cô ấy là gì? Cô đã mặc yukata, một loại kimono mùa hè truyền thống của Nhật Bản.
Sau vụ tấn công bằng dao chết người tại trạm xe buýt trường học ở Tô Châu, một số bài viết tự vấn lương tâm đã bắt đầu xuất hiện trên các trang tiểu blog ở Trung Quốc.
Một bài viết trong số này có nội dung: “Trong hai năm qua, một video dân tộc chủ nghĩa thiển cận kêu gọi người Trung Quốc dạy cho người Nhật một bài học đã trở nên phổ biến trong giới tiểu lưu lượng chuyên đăng các video ngắn.”
Tệ hơn là nhiều tân lưu lượng không có niềm tin chính trị bài Nhật hay bài Mỹ vững chắc nào. Về mặt này, họ hoàn toàn khác biệt so với những nhà hoạt động chống Nhật cách đây một hoặc hai thập kỷ.
Đối với những ngôi sao mạng xã hội, đăng nội dung bài Nhật hay bài Mỹ chỉ là cách để họ thể hiện mình là người hợp thời, thu hút người theo dõi, và trong một số trường hợp, còn kiếm được thu nhập.
Và thông điệp của họ được khuếch đại bởi những người dùng mạng xã hội khác, những người đăng lại nội dung của họ.
Kết quả là, một vài tân lưu lượng có thể có tác động lan rộng, cực đoan, ngay cả đối với các ý kiến liên quan đến các vấn đề kinh doanh và thương mại. Nếu chính quyền Trung Quốc đột nhiên cố gắng kiểm soát “ngọn lửa” trực tuyến này, họ sẽ không dễ dàng làm được điều đó.
Có lẽ họ hiểu rằng nếu thực hiện một động thái chế ngự sự thù địch tràn lan trên internet, điều đó có thể phản tác dụng, khiến những người dùng mạng xã hội đang bức xúc bắt đầu trút giận lên những vấn đề như tỷ lệ thất nghiệp cao, cắt giảm lương đáng kể, và nhiều vấn đề kinh tế khác.
Tình hình này hoàn toàn trái ngược với những gì đã xảy ra vào năm 2012, khi một làn sóng biểu tình rầm rộ diễn ra khắp Trung Quốc để đáp trả việc Nhật Bản quốc hữu hóa Quần đảo Senkaku, một chuỗi đảo do Nhật Bản quản lý nhưng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Người biểu tình chống Nhật ném chai nước về phía Đại sứ quán Nhật Bản trong khi tuần hành trên đường phố bên ngoài Đại sứ quán ở Bắc Kinh vào ngày 18/09/2012. © AP
Trong những cuộc biểu tình đó, đã có những lời kêu gọi biến Nhật Bản thành một tỉnh của Trung Quốc. Các cửa hàng và nhà máy của một số công ty Nhật Bản hoạt động tại nước này đã bị phá hoại.
Tuy nhiên, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo – và không có bi kịch nào như của cô Hồ – xảy ra do các cuộc tấn công trực tiếp vào người Nhật đang làm việc, học tập, hoặc sống ở Trung Quốc, dù lá cờ Nhật Bản đã bị xé khỏi xe của Đại sứ Nhật Bản khi ông đang đi làm ở Bắc Kinh.
Vào thời điểm đó, nền kinh tế Trung Quốc đang bùng nổ. Thế vận hội Bắc Kinh vừa diễn ra bốn năm trước, tiếp theo là Expo 2010 Thượng Hải. Số lượng người nước ngoài cư trú tại Trung Quốc, bao gồm cả người Mỹ và người Nhật, cao hơn nhiều so với hiện tại.
Và sự an toàn của họ được đảm bảo; cuộc sống khi đó ở Trung Quốc rất tốt.
Năm 2012, chính quyền Trung Quốc vẫn có thể kiểm soát phong trào này một cách tương đối dễ dàng, bởi vì nòng cốt của các cuộc biểu tình là “do chính phủ thực hiện” – nói cách khác, họ là người khởi xướng. Một số người biểu tình tụ tập trước Đại sứ quán Nhật Bản ở Bắc Kinh đã đi xe buýt đến từ các tỉnh lân cận. Họ được nhận trợ cấp và cơm hộp hàng ngày.
Tháp Thiên Tân tưởng nhớ Hồ Hữu Bình vào ngày 28/06. © AP
Vào thời điểm đó, không có lo ngại rằng chính quyền Trung Quốc sẽ mất kiểm soát đối với xã hội internet của đất nước, vốn vẫn đang phát triển.
Mười hai năm sau, tình hình đã thay đổi đáng kể. Sau vụ việc ngày 24/06 tại Tô Châu, một số gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã tuyên bố sẽ loại trừ các bài được đăng trên các nền tảng mạng xã hội của họ nhằm kích động tình cảm chống Nhật.
Nhưng sẽ không dễ dàng để xua tan xu hướng chung hiện tại của đất nước, một xu hướng được định hình bởi tình trạng xã hội bất ổn và nền kinh tế bấp bênh.
Trong khoảng một thập niên qua, nhiều người Trung Quốc thực sự đã hiểu sâu hơn về Nhật Bản, về con người và xã hội Nhật Bản, thông qua các chuyến công tác hoặc du lịch tham quan đến Nhật. Gần đây hơn, nhiều người Trung Quốc đã đến định cư tại Nhật Bản. Nhưng vẫn không dễ để truyền tải bản chất thực sự của Nhật Bản cho người dân Trung Quốc ở mọi miền đất nước rộng lớn này.
Sau sự kiện ngày 24/06, người Nhật và người Trung Quốc nhận ra vẫn còn những người có thiện chí và lòng dũng cảm, chẳng hạn như cô Hồ. Tại thành phố Thiên Tân của Trung Quốc, một đoạn video ca ngợi hành động của cô đã được chiếu lên một tòa tháp nổi tiếng.
Sự thật về các vụ việc xảy ra ở nhiều nơi trên khắp Trung Quốc gần đây cần được làm sáng tỏ và công khai càng sớm càng tốt. Đồng thời, đã đến lúc nghiêm túc xem xét cách sử dụng các bài học kinh nghiệm rút ra từ các vụ việc này để đảm bảo an toàn cho tất cả mọi người, bất kể quốc tịch của họ là gì.
Nguồn: Katsuji Nakazawa, “Tragedy shows China’s anti-Japan social media fire burns out of control,” Nikkei Asia, 04/07/2024
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |