Chuyên gia: Luật đất đai nông thôn mới ban hành cho thấy ông Tập Cận Bình muốn đưa Trung Quốc trở lại thời Mao
Tác Giả : Bin Zhao, Xin NingCindy Li
Biên dịch : Vân Sa
Nguồn: Epoh Tims Vn Ngày đăng :2024-07-12
Những người dân làng cao niên ngồi phía trước một ngôi nhà tại vùng nông thôn ở Thái An, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, ngày 07/01/2023. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã ban hành luật tổ chức đầu tiên nhằm quản lý các vùng nông thôn, trong đó nhấn mạnh đến việc “sở hữu công cộng” và “sở hữu tập thể” đối với đất đai ở vùng nông thôn. Các chuyên gia tin rằng chế độ của ông Tập Cận Bình muốn kiểm soát chặt chẽ mọi nguồn tài nguyên nông thôn và đưa Trung Quốc trở lại thời Mao Trạch Đông.
Hôm 28/06, trước thềm Phiên họp Toàn thể lần thứ ba của ĐCSTQ, ĐCSTQ đã công bố rằng “Luật Tổ chức Kinh tế Tập thể Nông thôn,” đã được thông qua trước đó, sẽ được thực hiện bắt đầu từ ngày 01/05/2025. Luật này tái khẳng định rằng quyền sở hữu đất đai thuộc về tập thể, và nông dân chỉ có quyền sử dụng đất. Trong đó phân loại “các tổ chức kinh tế tập thể ở nông thôn” thành cấp thị trấn, làng, và nhóm, để hướng đến mục tiêu kiểm soát toàn diện đối với nông dân và tài nguyên đất đai.
Chuyên gia: Quay lại thời đại Mao Trạch Đông
Ông Thái Thận Khôn (Cai Shenkun), một nhà bình luận chính trị tại Hoa Kỳ, tin rằng ông Tập Cận Bình đang phải đối mặt với áp lực vô cùng lớn xuất phát từ những thay đổi về môi trường kinh tế-chính trị của Trung Quốc. Ông muốn đưa Trung Quốc trở lại thời đại Mao Trạch Đông, để kiểm soát chặt chẽ mọi nguồn tài nguyên, bảo vệ quyền lực chính trị, và giúp bản thân ông Tập tiếp tục nắm quyền lực vô thời hạn.
“Hiện tại, quyền lực của ông Tập Cận Bình ở nhiều khía cạnh là rất gần giống thời đại Mao Trạch Đông, và ở một số khía cạnh thậm chí còn vượt qua quyền lực của Mao.”
“Việc ban hành luật nông thôn lần này có nghĩa là mục tiêu chính của Phiên họp Toàn thể lần ba là thu lại mọi nguồn tài nguyên, dù là con người, lương thực, đất đai, hay tài nguyên khoáng sản, vào tay Đảng Cộng sản, ông nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times. “Cái gọi là cải tổ sâu rộng của chính quyền không có gì khác ngoài việc củng cố thêm quyền kiểm soát tuyệt đối của Đảng Cộng sản, do đó, việc thị trường hóa về cơ bản là vô vọng.”
Ông Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập danh dự của nguyệt san Beijing Spring, đồng ý rằng việc ban hành Luật Tổ chức Kinh tế Tập thể Nông thôn báo hiệu rằng việc đưa ra các chính sách tự do hóa (như được mong đợi) đã thất bại.
“Muốn phát triển hơn nữa nền nông nghiệp Trung Quốc thì cần phải tư nhân hóa đất đai. Tuy nhiên, việc ban hành luật này cho thấy chính quyền ĐCSTQ không có ý định tư nhân hóa,” ông nói với The Epoch Times.
Ông Thái cho biết trong quá trình truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin về luật mới này, họ tuyên bố rằng luật này nhằm “khôi phục toàn diện và phát triển chế độ sở hữu công cộng xã hội chủ nghĩa với chế độ sở hữu quốc gia và sở hữu tập thể ở các vùng nông thôn,” dường như cho thấy mục đích quay trở lại thời kỳ công xã nhân dân.
Ông Mike Sun, một chuyên gia tài chính Trung Quốc đang sinh sống tại Bắc Mỹ, tin rằng vì nền kinh tế Trung Quốc suy giảm đáng kể nên ĐCSTQ ngày càng lo ngại về việc mất quyền kiểm soát các vùng nông thôn.
“Sau khi ĐCSTQ nắm quyền, thông qua cái gọi là ‘phong trào cải cách ruộng đất,’ họ đã tàn sát hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu địa chủ, tịch thu đất đai của họ, và nhanh chóng giành được quyền kiểm soát hoàn toàn vùng nông thôn,” ông nói với ấn bản Hoa ngữ của tờ The Epoch Times.
“‘Luật Tổ chức Kinh tế Tập thể Nông thôn’ này cũng có cùng mục đích: kiểm soát chặt chẽ mọi nguồn lực nông thôn bằng cách thúc đẩy quyền kiểm soát đất đai tại nông thôn. Ngoài ra, mặc dù hệ thống trách nhiệm hợp đồng đất đai nông thôn hiện tại sắp được đổi mới, nhưng vẫn cần được giải quyết ở cấp độ pháp lý, vì vậy Luật [Tổ chức Kinh tế Tập thể Nông thôn] này đã được đưa ra nhằm mục đích này.”
“Hệ thống trách nhiệm hợp đồng,” còn được gọi là “hệ thống trách nhiệm hộ gia đình,” là một biện pháp cải cách nông thôn được đưa ra trong Phiên họp Toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ khóa 11 năm 1978. Đây là lần đầu tiên ĐCSTQ trao cho nông dân quyền sở hữu sản phẩm của họ.
Khi đó, đối mặt với nguy cơ nền kinh tế Trung Quốc hoàn toàn sụp đổ do Cách mạng Văn hóa và công xã nhân dân gây ra, ĐCSTQ đã đưa ra hệ thống trách nhiệm hợp đồng, trả lại quyền sử dụng đất cho nông dân. Bằng cách cho phép nông dân tự do canh tác sau khi trả tiền sử dụng đất, biện pháp này đã kích thích nhiệt tình sản xuất của nông dân và nhanh chóng phục hồi nền kinh tế nông thôn, qua đó giúp ĐCSTQ tránh được cuộc khủng hoảng về tính hợp pháp đầu tiên của chế độ này sau khi nắm quyền.
Năm 1958, ĐCSTQ đã phát động phong trào Đại Nhảy Vọt và phong trào công xã nhân dân ở các vùng nông thôn, theo đuổi một cách mù quáng các mục tiêu cao trong một thời gian ngắn. Hậu quả là Nạn Đói Lớn kéo dài ba năm từ năm 1959 đến 1961, điều mà ĐCSTQ đã gọi một cách giả dối là “ba năm thiên tai.”
ĐCSTQ đã điều động dân quân và quân đội chốt chặn ở lối vào các thôn làng, cấm nông dân ra ngoài tìm kiếm thức ăn. Nông dân ở các vùng nông thôn thậm chí đã bị tước quyền đi ăn xin và rất nhiều nông dân chết đói. Người ta ước tính rằng có tới 45 triệu người đã phải làm lao động, chết đói, hoặc bị đánh đập thiệt mạng.
Nông dân không thể trở thành cư dân thành thị
Luật mới này cũng liên quan đến hệ thống ghi danh hộ khẩu nông thôn. Đây là một hệ thống có thể siết chặt hơn nữa các hạn chế đối với nông dân ở các vùng nông thôn.
Điều 18 của luật này nêu rõ, “Thành viên của tổ chức kinh tế tập thể nông thôn không bị mất tư cách thành viên của mình trong tổ chức kinh tế tập thể nông thôn vì lý do đi học, thực hiện nghĩa vụ quân sự, tham gia công việc về công nghiệp hoặc kỹ thuật, kinh doanh, ly hôn, trở thành góa phụ, hoặc thụ án, bên cạnh những lý do khác.”
Nói cách khác, cư dân ở các vùng nông thôn không [thể] thay đổi tình trạng ghi hộ khẩu của mình do học tập, làm việc, phục vụ trong quân đội, thay đổi tình trạng hôn nhân, v.v. và vẫn được ghi danh là cư dân nông thôn.
Sau khi ĐCSTQ nắm quyền vào năm 1949, họ đã ngay lập tức thực thi hệ thống ghi danh hộ khẩu trên toàn quốc, cấm nông dân làm việc và sinh sống ở các thành phố. Những người có hộ khẩu nông thôn không được mua ngũ cốc tại một số cửa hàng nhất định và con cái của họ không được đi học ở thành phố. Con cái của nông dân chỉ có thể trở thành nông dân mà không có bảo hiểm y tế hoặc lương hưu. Vào thời điểm đó, 360 triệu người có hộ khẩu nông thôn ở Trung Quốc đã trở thành công dân hạng hai của xã hội Trung Quốc.
Nông dân Lưu Thanh Hữu tại nơi ở của ông ở huyện Bảo Tĩnh thuộc tỉnh Hồ Nam, miền trung Trung Quốc hôm 12/01/2021. (Ảnh: Noel Celis/AFP qua Getty Images)
“Không có gì thực sự thuộc về những người nông dân. Những ngôi nhà mà những người nông dân sinh sống về cơ bản là thuộc sở hữu chung và nông dân không thể mua hoặc bán những ngôi nhà này. Bước tiếp theo có thể là [nông dân sẽ bị] đòi lại toàn bộ đất đai đã được giao theo chế độ trách nhiệm hộ gia đình mà không được đền bù, đây là viễn cảnh có thể thấy trước trong tương lai,” ông Thái cho biết.
“Sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, ông Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực của mình dưới danh nghĩa chống tham nhũng, thanh trừng một số lượng lớn kẻ thù chính trị cấp cao, đồng thời cũng tạo ra kẻ thù ở mọi phe cánh trong đảng. Do đó, ông ấy không dám từ bỏ quyền lực. Ông ấy biết rằng một khi mất quyền lực, ông ấy và gia đình không thể sống sót, vì vậy ông ấy phải bảo vệ quyền lực của mình đến cùng.”
Bin Zhao, Xin Ning, Cindy Li thực hiện
Vân Sa biên dịch
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn