Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng điều trị bệnh, ông Tô Lâm điều hành Đảng
Nguồn: BBC | Ngày đăng :2024-07-18 |
Ông Nguyễn Phú Trọng đã đứng ở vị trí lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản hơn một thập niên
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung điều trị bệnh, Chủ tịch nước Tô Lâm được giao điều hành Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, thông báo của Bộ Chính trị cho biết.
Vào ngày 18/7, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra thông báo về tình hình sức khỏe của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thông báo này, do Văn phòng Trung ương Đảng phát đi, cũng cho biết Bộ Chính trị đã phân công ông Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định.
Trong nhiều ngày qua, như BBC đã thông tin, ông Trọng liên tục vắng mặt trong các sự kiện quan trọng.
Thông báo của Bộ Chính trị có gì?
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phải) trong lần tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào chiều ngày 20/6, sau đó ông Trọng đã liên tục vắng mặt trong các sự kiện quan trọng
Thông báo của Bộ Chính trị do Văn phòng Trung ương Đảng phát đi ngày 18/7 có nội dung:
“Thời gian qua, theo yêu cầu của Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt và đồng chí Thường trực Ban Bí thư đã trực tiếp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tập trung huy động đội ngũ các giáo sư, bác sĩ, nhân viên y tế, chuyên gia đầu ngành và những điều kiện thuận lợi nhất để điều trị, chăm sóc sức khỏe cho đồng chí Tổng bí thư.
Đến nay, do yêu cầu cần phải tiếp tục ưu tiên dành thời gian để đồng chí Tổng bí thư tập trung điều trị tích cực và để bảo đảm công tác điều hành chung của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, căn cứ quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII, trước mắt, Bộ Chính trị phân công đồng chí Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo trách nhiệm, quyền hạn được Bộ Chính trị quy định.
Bộ Chính trị kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, tăng cường đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng, tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu quan trọng, toàn diện mà đất nước ta đã đạt được, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt các mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra; giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo tốt đời sống tinh thần, vật chất cho Nhân dân.”
'Không còn điều hành'
Theo thông báo của Bộ Chính trị, ông Trọng đã không còn điều hành các hoạt động của Đảng, thay vào đó là ông Tô Lâm.
Thông báo của Đảng cũng kêu gọi toàn dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Trước đây, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có thông báo sau khi có các thông tin không chính thức, gây ra nhiều "dư luận không tốt".
Tuy nhiên, lần này thì Bộ Chính trị chủ động thông báo. Bước đi này cùng với nội dung của thông báo cho thấy tính chất vô cùng nghiêm trọng của vấn đề.
Xét trong thời gian qua, ông Trọng đã liên tục vắng mặt trong các sự kiện quan trọng.
Ngày 8/7, tại Trụ sở Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương đã tổ chức Hội nghị lần thứ 10, nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá về công tác sáu tháng đầu năm, đồng thời triển khai nhiệm vụ trọng tâm của sáu tháng cuối năm 2024.
Hội nghị lần này có sự tham dự của nhiều ủy viên Bộ Chính trị gồm: Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính. Cả hai đều là ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang là phó bí thư thì chủ trì, điều hành hội nghị.
Một số ủy viên Bộ Chính trị khác không thuộc Quân ủy Trung ương nhưng cũng tham dự, gồm: Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng. Theo một nhà quan sát, việc những ủy viên Bộ Chính trị này tham dự là vì hội nghị lần này có chuyên đề giới thiệu nhân sự cho Đại hội 14.
Với sự tham dự của nhiều cán bộ, lãnh đạo chủ chốt như vậy nhưng nhân vật quan trọng nhất, bí thư Quân ủy Trung ương, là ông Nguyễn Phú Trọng lại vắng mặt.
Báo chí Điện tử Chính phủ viết về sự việc này như như sau:
"Vì điều kiện không thể về dự Hội nghị trực tiếp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương gửi nội dung phát biểu chỉ đạo, gợi mở một số nội dung quan trọng để Hội nghị Quân ủy Trung ương tham khảo trong quá trình thảo luận."
Tại Hội nghị Đảng ủy Công an Trung ương hôm 4/7, ông Trọng là thành viên của Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhưng cũng không đến dự. Ông cũng đã gửi nội dung phát biểu dài hơn 4.000 từ đến cuộc họp này vì "không thể dự trực tiếp".
Ông Trọng là tổng bí thư đầu tiên có mặt trong Đảng ủy Công an Trung ương.
Báo chí, truyền thông trong nước đưa tin về sự vắng bóng bất thường của ông Trọng chỉ bằng những câu từ khá mơ hồ như "điều kiện không thể về dự" và "không thể dự trực tiếp" chứ không nêu lý do cụ thể.
Điều này dấy lên những lo ngại về sức khỏe của người đứng đầu Đảng.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt và đầy kịch tính đang diễn ra giữa các đồng chí trước Đại hội 14, sức khỏe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong chính trị Việt Nam.
Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương Daniel K. Inouye từng nhận định với BBC rằng, việc bà Trương Thị Mai từ chức bó hẹp lựa chọn người kế vị cho vị trí đứng đầu Đảng.
Hiện chỉ còn hai người đủ tiêu chuẩn trên giấy tờ để kế nhiệm ông Trọng: ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Theo Giáo sư Vuving, việc chỉ còn hai người kế nhiệm sẽ nâng cao khả năng ông Trọng giữ ghế, làm tiếp một nhiệm kỳ thứ tư vô tiền khoáng hậu.
Thế nhưng, xét tình hình hiện tại, khi mà ông Trọng không còn đảm đương được công việc điều hành Đảng Cộng sản, thì có lẽ điều mà Bộ Chính trị cần tính ngay lúc này là tìm người kế nhiệm ông Trọng ngay trong khóa 13.
Ông Carl Thayer, giáo sư danh dự về chính trị tại Đại học New South Wales (Úc), nhận định với BBC News Tiếng Việt mới đây rằng Bộ Chính trị khóa 14 sắp tới sẽ có nhiều gương mặt mới so với thông thường và có khả năng "sẽ có một tổng bí thư mới".
===
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yếu đến mức nào mà Chủ tịch nước Tô Lâm phải điều hành Đảng?
Theo thông báo của Bộ Chính trị ngày 18/7, ông Trọng đã không thể điều hành các hoạt động của Đảng, thay vào đó là ông Tô Lâm
Theo thông báo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không còn điều hành các hoạt động của Đảng, thay vào đó là Chủ tịch nước Tô Lâm.
Một số nguồn tin giấu tên từ Hà Nội tiết lộ với BBC rằng, ông Trọng "đã rơi vào hôn mê sâu từ chiều hôm qua 17/7".
Cần lưu ý thêm rằng ông Trọng đã vắng mặt gần một tháng nay. Lần cuối ông xuất hiện trước công chúng là vào 20/6 khi tiếp Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội. Nhưng bất chấp những đồn đoán về tình hình sức khỏe của ông Trọng, báo chí Việt Nam vẫn im lặng trong khoảng thời gian qua.
Báo Nikkei nhận xét sau khi Bộ Chính trị có thông báo về sức khỏe ông Trọng: "Trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 6, những hình ảnh ông Trọng do hãng thông tấn Nga chụp trông ốm yếu hơn trước, có thể do tác dụng phụ của thuốc."
Thông báo chính thức của Đảng về tình hình sức khỏe của tổng bí thư là một hành động hiếm hoi. Vì vậy, có thể thấy sức khỏe của ông Trọng đang trong tình trạng nguy kịch và thời gian qua ông đã phải "vừa điều hành công việc, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe".
Vì sao Chủ tịch nước Tô Lâm?
Việc ông Tô Lâm, chứ không phải Thường trực Ban Bí thư Lương Cường, tạm thời thay thế vai trò của ông Trọng gợi ý rằng khả năng ông Tô Lâm sẽ làm tổng bí thư, một nhà quan sát đánh giá với BBC với điều kiện ẩn danh
Theo thông báo, Bộ Chính trị đã thống nhất chọn Chủ tịch nước Tô Lâm "chủ trì công việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư". Việc chủ trì các công việc của Đảng vốn là quyền hạn của tổng bí thư.
Trong hệ thống Đảng Cộng sản Việt Nam thì tổng bí thư là người đứng đầu đảng và thường trực Ban bí thư có vị trí và nhiệm vụ tương đương với một phó tổng bí thư. Nghĩa là khi tổng bí thư không thể điều hành Đảng thì thường trực ban bí thư sẽ tạm thay và làm quyền tổng bí thư.
Thế nhưng, Chủ tịch nước Tô Lâm - nguyên thủ quốc gia - lại là người được giao trọng trách "điều hành" Đảng khi sức khỏe của ông Trọng tạm thời không thể đảm đương trọng trách.
Về điểm này, một nguồn thạo tin nói với BBC News Tiếng Việt: "Trước khi hôn mê sâu vào chiều ngày 17/7 thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chọn ông Tô Lâm là người điều hành, sau đó Bộ Chính trị đã thống nhất."
"Cần lưu ý thông báo của Đảng dùng chữ 'điều hành', chứ không dùng từ 'quyền tổng bí thư' nên thường trực Ban Bí thư bị gạt ra ngoài và vì thế, Chủ tịch nước Tô Lâm đảm nhiệm là điều không có gì sai."
Nguồn tin cũng cho BBC biết rằng, trong số các thành viên trong Bộ Chính trị hiện tại thì có Chủ tịch nước Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính là hai người đã làm trọn một nhiệm kỳ Bộ Chính trị và đang trong nhiệm kỳ thứ hai.
Do đó, theo Quy định 214 của Bộ Chính trị, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính là đủ tiêu chuẩn để đảm đương trọng trách.
Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện tại, Thủ tướng Chính tiếp tục điều hành chính phủ để ổn định sẽ là điều hợp lý hơn. Nhưng quan trọng nhất, theo nguồn tin này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng Chủ tịch nước Tô Lâm vì ông Tô Lâm đóng vai trò quan trọng trong công cuộc đốt lò chống tham nhũng của mình.
Cuộc chiến đốt lò của ông Trọng được giới chuyên gia, quan sát chính trị nhận định sẽ là di sản của ông.
Tiếp tới sẽ ra sao?
Lần xuất hiện gần đây nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước công chúng là trong buổi tiếp đón Tổng thống Nga Putin đến Hà Nội vào 20/6, đến nay đã hơn ba tuần
Ngoài thông báo hiếm hoi của Đảng về sức khỏe của vị tổng bí thư 80 tuổi, một động thái khác khiến giới quan sát càng tin chắc rằng tổng bí thư đang trong tình trạng nguy kịch.
Cụ thể, ngay trước khi có thông tin về sức khỏe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông đã được tặng Huân chương Sao vàng.
Theo thông báo chính thức, Bộ Chính trị đã có Quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hôm 18/7.
Chủ tịch nước Tô Lâm là người đã ký quyết định tặng thưởng.
Huân chương Sao Vàng là huân chương cao quý nhất của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng cho các cá nhân có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Một nhà quan sát từ Hà Nội nói với BBC rằng, huân chương này là quan trọng nhất trong các huân chương và theo thông lệ, thường là để thưởng cho những cá nhân đã hoàn thành nhiệm vụ, hoặc đã qua đời. Ít nhất là từ năm 2009 tới nay, những cá nhân nhận Huân chương Sao Vàng đều là sau khi họ đã qua đời.
Việc đột nhiên Bộ Chính trị trao tặng huân chương này cho ông Trọng cùng với thông báo về việc ông Tô Lâm thay ông Trọng điều hành các công việc của Đảng cho thấy tình hình sức khỏe của ông Trọng thực sự rất yếu.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là ai sẽ thay thế ông Trọng làm tổng bí thư cho đến khi Đại hội Đảng 14 diễn ra vào tháng 1/2026?
“Nhìn vào tình hình hiện tại, ông Lâm có cơ hội cao nhất để trở thành quyền bí thư đảng cho đến năm 2026,” theo ông Nguyễn Khắc Giang, chuyên gia về chính trị Việt Nam từ Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, trả lời Reuters.
Theo Quy định 214 của Bộ Chính trị, tổng bí thư phải là người đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ bí thư tỉnh ủy, thành ủy hoặc trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Một nhà quan sát từ Hà Nội giấu tên nói với BBC rằng, nếu ông Trọng qua đời, khả năng cao Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ lên thay.
"Sau hàng loạt sự rời ghế của các ủy viên Bộ Chính trị được đánh giá là có khả năng đua vào vị trí tổng bí thư gồm ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ, bà Trương Thị Mai (những người đều đã ở trong Bộ Chính trị một nhiệm kỳ trở lên), thì giờ chỉ còn ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính.
"Như đã phân tích, sẽ ổn định hơn nếu ông Chính tiếp tục điều hành chính phủ, còn ông Tô Lâm có thể kiêm nhiệm tổng bí thư và chủ tịch nước cùng lúc, như cách ông Trọng làm vào năm 2018 sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang qua đời," người này nói.
Tuy nhiên, theo nhà quan sát này, đây chỉ là sự sắp xếp tạm thời cho đến khi Đại hội 14 diễn ra, việc ông Tô Lâm có trở thành tổng bí thư vào khóa 14 hay không thì còn sớm để dự báo.
Với phương án tạm thời, Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ phải có hội nghị và bầu chọn, theo Điều lệ Đảng.
Chủ tịch nước Tô Lâm sinh ngày 10/7/1957, ông sẽ 68 tuổi vào thời điểm Đại hội 14 diễn ra. Nếu không tái ứng cử và đắc cử vào một năm vị trí gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, chủ tịch quốc hội, thủ tướng, thường trực Ban Bí thư - thì ông sẽ phải về hưu.
Bởi lẽ, chỉ có năm vị trí này mới được xét trường hợp đặc biệt.
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |