Chàng Don Quijote xứ An Nam thời hiện đại
Tác Giả : JB Nguyễn Hữu Vinh | Nguồn: rfavietnam | Ngày đăng :2024-07-29 |
Cuối cùng, thì Tổng Bí thư (TBT) Đảng Cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã nằm dưới ba tấc đất. Và đúng như ông ta nói, ông ta chẳng mang theo được cái gì ngoài tấm thân bệnh tật của mình.
Những trận đấu thất bại
Sau những màn “chạy tang” khẩn cấp từ lãnh đạo nhà nước, thì cái tin ông Nguyễn Phú Trọng đã chết cũng chính thức được xác nhận.
Hệ thống tuyên truyền của đảng cố gắng nâng ông Nguyễn Phú Trọng lên bằng nhiều cách, bằng nhiều thủ thuật qua những màn khóc lóc ủ ê, ai điếu… rằng thì ông ta đã “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”, nghe cứ như ông ta đang ở ngoài mặt trận vậy. Thật ra, việc ông ta đã phải chết khi ngồi trên ghế TBT chưa kịp xuống mà tuổi tác đã cao hơn cả Hồ Chí Minh khi chết, theo ông ta, thì lỗi là ở đảng. Ngay sau Đại hội 13 của đảng, sáng 1/2/2021, chính ông ta đã nói trước báo giới như sau: “Bản thân tôi không được khoẻ lắm, tuổi cũng cao, tôi cũng xin nghỉ rồi nhưng Đại hội bầu vẫn phải làm. Mình là đảng viên thì phải chấp hành, tôi sẽ cố gắng hết sức”.
Nếu điều này là đúng, thì rõ ràng là dù ông ta đã xin nghỉ, mà đảng vẫn bắt ông ta làm việc đến chết gục trên chiếc ghế Tổng Bí thư. Thế rồi lại giả cái giọng mèo khóc chuột. Nếu vậy thì quả là đảng quá tàn bạo với đồng chí của mình. Cứ tưởng là đảng chỉ tàn bạo, quyết liệt với kẻ thù, hoặc cùng lắm là với đồng chí mình, nhưng chỉ là những đồng chí như Lê Đình Kình chứ ai lại dã man với ngay cả lãnh đạo đảng như TBT Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng, ngẫm lại, điều này có cái gì đó sai sai.
Những cuộc đấu đá khốc liệt sau hậu trường chính trị Việt Nam, chẳng cần nói nhiều thì ai cũng biết. Hãng Thông tấn “Tin Đồn” qua mạng xã hội đã chẳng chứng minh rất rõ từng vụ việc, từng chi tiết sới chọi (sân đấu) quyết liệt đẫm máu và tin đồn nào cũng chính xác từ nhân vật đến thời gian đó sao. Và với cái hãng “Thông tấn” ấy, thì cái sự “miễn cưỡng chấp hành quyết định của đảng” chỉ là một màn lừa bịp đúng tính chất người cộng sản. Thực chất, đó là kết quả của một quá trình “đấu đá không khoan nhượng” để cố ngồi trụ lại chiếc ghế quyền lực này với lý do nhằm để “chống tham nhũng” và hài hước hơn, đểu hơn nữa là để chống lại bọn “Tham quyền, cố vị cố tình leo vào Trung ương”.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã là từng là một thủ lãnh của đảng trên mặt trận về Tư tưởng, văn hóa rồi Ban Lý luận Trung ương. Ông ta đã chứng minh cho thấy sự thất bại của Đảng về lý luận và tư tưởng. Đảng đang đối diện với cuộc khủng hoảng nặng nề về tư tưởng. Cái Chủ nghĩa Mác – Lenin như một món ăn ôi thiu, độc hại thiên hạ đã “chống chỉ định” từ lâu mà đảng vẫn cứ phải nhai đi nhai lại bởi không có món nào khác thay thế.
Và kết quả rõ ràng nhất là chính ông Nguyễn Phú Trọng đã âm thầm, lén lút vứt bỏ cái Chủ nghĩa Mác – Lenin vô thần ấy để đi theo Phật, chui vào tôn giáo mặc dù ngoài miệng vẫn leo lẻo hô hào: “Sống làm người hãy làm người Cộng sản” – một câu nói leo học lỏm của nhân vật cộng sản trong quá khứ. Hình ảnh Nguyễn Phú Trọng quy y cửa phật là minh chứng rõ nhất cho sự thất bại về đường lối, tư tưởng của đảng CSVN.
Trong một thời gian dài, ông Nguyễn Phú Trọng ngồi chiếc ghế chủ tịch Quốc hội, câu nói để lại là: “Quốc hội là cơ quan quyền lực nhất của cả nước, nên nghị quyết của Quốc hội rất quan trọng. Chỉ sau nghị quyết của đảng” đã là câu nói để đời của ông Nguyễn Phú Trọng về cái gọi là “Xây dựng Nhà nước pháp quyền”.
Trên mọi cương vị lớn nhất trong hệ thống chính trị hiện nay, ông Nguyễn Phú Trọng phải chịu “trách nhiệm của người đứng đầu” như những văn bản của chính đảng ông ta đưa ra. Đó là hệ thống nhân sự do chính ông ta chọn lựa đã nát bét. Đó là hệ thống chính trị, thể chế chính trị đã quá hủ lậu và thối nát. Đó là đưa đất nước vào tình trạng “trong ngoài lục đục, trên dưới không yên, thiên hạ bất đồng, nhân tâm ly tán”
Và cũng chưa bao giờ, đất nước, thể diện dân tộc bị hạ thấp như thời Nguyễn Phú Trọng khi mà biển đảo, công thổ quốc gia bị xâm lược mà không dám mở miệng, vẫn phải chầu chực bọn xâm lược để thể hiện tư duy và thế lực của kẻ chư hầu. Nguyễn Phú Trọng sẽ đi vào lịch sử dân tộc với câu nói: “Nếu có đụng độ ngoài biển, thì làm sao có thể ngồi đây bàn việc đại hội đảng được”.
Việc Nguyễn Phú Trọng ngồi lại hết lần này là “Trường hợp đặc biệt” đến lần khác lại “Đặc biệt” mà bất chấp điều lệ, quy định của đảng, pháp luật nhà nước với lý do “chống tham nhũng” là điều người ta chú ý. Bởi kết quả của quá trình chống tham nhũng, mang danh là đốt lò, chặt củi của Nguyễn Phú Trọng sau mười mấy năm ngồi trên chiếc ghế quyền lực nhất là gì?
Trước hết, thành quả của nó là tham nhũng đã được nâng cấp từ hiện tượng tham nhũng, lên đại nạn tham nhũng rồi Quốc nạn. Những vụ án từ nhỏ lẻ với con số tiền dân bị ăn cướp bởi các đảng viên từ chục triệu, trăm triệu đã lập tức thăng tiến lên con số tiền tỷ, rồi chục, rồi trăm, ngàn tỷ và đến nay đã lên con số triệu tỷ như vụ án Vạn Thịnh Phát.
Hệ thống cán bộ đảng, từ hiện tượng cá nhân là đảng viên lợi dụng chức vụ, quyền hạn, đã nhanh chóng nâng lên thành tập thể, tổ chức đảng từ địa phương đến Trung ương tất cả đều chung tay tham nhũng, nhà nhà tham nhũng, ngành ngành tham nhũng và toàn bộ hệ thống chẳng còn nơi nào có thể tìm ra một nhóm, một tổ chức trong sạch. Tất cả hầu như chỉ là chưa bị lộ.
Công cuộc “đốt lò” đã gây nên một hiện tượng chưa từng xảy ra. Đó là hệ thống tê liệt khi việc bắt bớ diễn ra bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bất cứ với ai… vì thế, cán bộ của đảng không thèm làm việc, bởi sểnh ra là “bị lộ”. Thế là tê liệt cả hệ thống chính trị. Bệnh viện không có thuốc men, không vật tư y tế, chẳng có bông băng thuốc đỏ, không dao mổ chỉ khâu… và cả hệ thống y tế rơi vào sự hoảng loạn ngồi nhìn cán bộ không làm việc vì sợ bắt bớ. Hệ thống đầu tư công không được triển khai, vốn đầu tư ứ đọng, kinh tế đình trệ, giảm phát thấy rõ mặc dù trung ương kêu gào, đe dọa.
Bởi có làm là có tham nhũng, có ăn bớt ăn xén, có lại quả, hoa hồng, có cảm ơn móc tiền dân… như một quy luật của Đảng Cộng sản đi lên Chủ nghĩa Xã hội.
Những cuộc bắt bớ liên tiếp diễn ra từ Nam ra Bắc, từ trên xuống dưới đã làm phình to hệ thống nhà tù mà ở đó lực lượng các tù nhân đã mang thẻ đảng ngày càng đông đúc. Bởi đã đụng đến đâu, thì y như ở đó vỡ cả mảng, thối cả cụm. Từ ủy viên Trung ương đến Ủy viên Bộ Chính trị, từ Văn phòng Chủ tịch nước đến văn phòng Quốc hội, văn phòng TBT đến văn phòng Thủ tướng. Từ Bí thư Tỉnh ủy đến Phó Bí thư, từ Chủ tịch đến Phó chủ tịch rồi các Giám đốc Sở, ban ngành, huyện, xã… đều có thể bị bắt. Để rồi đảng lâm vào cuộc khủng hoảng về cán bộ. Điều hài hước là ở chỗ hệ thống cán bộ ăn lương hiện nay là một tỷ lệ khổng lồ. Nhưng đảng thiếu người làm việc đành huy động từ nam ra bắc, vá víu chỗ nọ sang chỗ kia hết sức tội nghiệp. Cứ mỗi năm, khoảng 20.000 đảng viên bị kỷ luật nói lên tất cả cái sự trong sạch, vững mạnh của hệ thống đảng hiện nay.
Và kết quả của một quá trình dài là sự đầu hàng của chính người chủ đốt lò. Những ngôn từ như “Nhân văn”, nhân đạo, chiếu cố… và điển hình là câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng, rằng: “Nếu đã trót nhúng chàm thì rửa tay đi, nộp lại tiền đi thì tôi tha cho, tôi xử nhẹ cho” là câu nói điển hình về nhiều mặt, mà trước hết là sự đầu hàng không điều kiện của “Chủ lò” sau khi đã hô hào quyết liệt, kiên quyết, không có vùng cấm, bất kể đó là ai, rồi củi tươi, củi khô cũng cháy. Sau đó là điển hình cho cái gọi là “Nhà nước pháp quyền XHCN” khi mà một cá nhân không hề nằm trong hệ thống hành pháp có quyền sinh, quyền sát trên cả đất nước theo ý thích của mình.
Và đó là hệ thống được chính Nguyễn Phú Trọng nói rằng: “Sau khi nghiên cứu, chúng tôi thấy đây là thể chế tốt nhất thế giới”.
Người ta nhắc lại câu nói của ông Nguyễn Phú Trọng, rằng: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!"
Về mặt tiền bạc, những thông tin trái ngược nhau rằng đừng tưởng vậy có nghĩa là ông Nguyễn Phú Trọng không tham nhũng, không có tiền bạc. Chưa nói những tin đồn về nhà cửa, về đất đai tiền bạc mà cán bộ cộng sản nào cũng vơ vét khi có điều kiện, chỉ nói về việc ông ta cố tình bằng mọi cách ngồi trên ghế quyền lực nhất, đã là sự tham nhũng lớn nhất. Còn sau đó, hết mọi lĩnh vực từ quốc phòng, an ninh, từ Ban văn kiện, ban Nhân sự… trong đảng, mọi cái đều moi tiền dân để trả ông ta. Chưa nói đến những thứ như lôi tiền dân hàng trăm, ngàn tỷ cho những cái gọi là tác phẩm của ông ta về xây dựng đảng, về quốc hội theo chủ nghĩa giáo điều. Tất cả đó có thể coi là tham nhũng.
Sau khi ông Nguyễn Phú Trọng chết, báo chí được lệnh tung hô ông ta về sự thanh sạch, liêm khiết. Tuy nhiên, vẫn có những lời khác vọng lại. Rằng với thể chế chính trị mà chính ông ta đang ra sức xây dựng như hiện nay, mà trong hệ thống đó lại có người không tham nhũng, trừ những người không có điều kiện, khả năng , thì chỉ có thằng điên. Bởi mục đích của cái đảng này ngay từ đầu là cướp, từ cướp chính quyền đến cướp tài sản trong các cuộc “cách mạng” “giải phóng”… mà họ tiến hành. Còn các đảng viên, thì mục đích khi vào đảng, là quyền lực và sau đó là kiếm ăn nhờ quyền lực cách bất chính.
Don Quijote thời hiện đại
Nhìn lại cuộc đời của ông Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt là những năm tháng cuối đời. một quãng thời gian rất dài và rất xa… Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ chuốc lấy những thất bại để rồi ra đi khi sự nghiệp tan rã, cơ đồ đầt nước tan hoang.
Có thể nói rằng, những điều Ông Nguyễn Phú Trọng luôn hò hét, kêu gào cho những việc chung trong sự nghiệp chính trị của mình, đến nay hầu như có câu trả lời và kết quả ngược lại.
Kết cục này, giống như anh chàng Don Quijote – một nhân vật trong câu chuyện của văn sĩ Miguel de Cervantes Saavedra (1547-1616).
Nhân vật Alonso Quixano, do đọc nhiều truyện hiệp sĩ đến mức mất trí và quyết định trở thành một kỵ sĩ để làm sống lại tinh thần hào hiệp và phụng sự cho quốc gia. Lão tự đổi tên mình thành Don Quijote xứ Mancha. Don Quijote không phân biệt được đâu là thực đâu là ảo, chỉ đắm chìm trong thế giới hiệp sĩ mà mình tưởng tượng ra.
Đầu óc chàng ta lúc nào cũng đầy những ý tưởng về sự mê hoặc, đánh nhau, thách đấu, thương vong, oán trách, tình tứ, dằn vặt, những người khổng lồ, những lâu đài tráng lệ, những thiếu nữ bị bắt cóc và các cuộc giải cứu người đẹp hào hùng. Mọi sự tầm thường trong con mắt và suy nghĩ của chàng lại trở nên hoành tráng, mỗi chủ quán là một vị đại thần, mỗi người cưỡi la là một chàng hiệp sĩ, cô gái khỏa thân thành công nương, quán trọ là lâu đài tráng lệ.
Vì danh dự bản thân và vì nhiệm vụ đối với quần chúng, Quijada quyết định trở thành hiệp sĩ lang thang, chu du khắp bốn phương trời để cứu khốn phò nguy, diệt trừ yêu quái và những lũ khổng lồ, thiết lập trật tự và công lý, thử thách mình bằng các hiểm nguy như trong các truyện kiếm hiệp.
Sau hàng loạt những vụ việc tự mình tưởng tượng ra kẻ thù để hành hiệp, anh ta bị thất bại tơi bời và được người nhà lập mưu đưa về nhà. Khi chết, Don Quijote tỏ ra là một người nhận thức được tai hại của những cuốn truyện hiệp sĩ mà mình đã từng đọc khi viết những dòng di chúc để lại cho đời.
Đó là câu chuyện từ thế kỷ thứ đầu thế kỷ 17.
Bốn trăm năm sau, câu chuyện được lặp lại ở mức độ khác và với nhân vật khác. Nhân vật chính ở đây, là Nguyễn Phú Trọng, một TBT Đảng CSVN.
Cũng với những câu chuyện huyễn hoặc, giáo điều về Chủ nghĩa Cộng sản tươi đẹp, cũng bị mụ mị về vai trò “Cứu nhân độ thế” của mình, Nguyễn Phú Trọng đã lao vào những cuộc chiến với những chiếc cối xay gió là hệ thống tham nhũng khổng lồ với những thành tích tự tưởng tượng.
Và những thành tích đó, tự nó tố cáo sự điên rồ, sự hoang tưởng của chính bản thân chàng “Don Quijote xứ An Nam” ngày nay.
Để rồi cuối cùng chuốc lấy những thất bại không thể cưỡng được bởi sự bệnh hoạn của chính mình.
Điều khác ở đây, chỉ có là khi chết, Don Quijote xứ Mancha tỏ ra là một người nhận thức được tai hại của những cuốn truyện hiệp sĩ mà mình đã từng đọc khi viết những dòng di chúc để lại cho đời.
Còn chàng “Don Quijote xứ An Nam” - Nguyễn Phú Trọng - hoặc không nhận thức được điều đó, hoặc có nhận thức được nhưng không đủ dũng cảm đến nói ra, để vứt bỏ những điều mà rõ ràng là tai hại khi nhồi nhét vào đầu cái mớ “Chủ nghĩa Mác – Lenin” mà thiên hạ đã vứt bỏ từ lâu.
Điều khác nhau nữa ở hai chàng Don Quijote này, là chàng Don Quijote xứ Mancha có gây hại bởi những sự hoang tưởng, thì hậu quả chỉ mình anh ta chịu. Còn “Don Quijote xứ An Nam” – Nguyễn Phú Trọng – gây hại cho cả một đất nước, một dân tộc bởi chính sự huyễn hoặc của bản thân mình.
Một điều khác nữa, đó là Don Quijote xứ Mancha đã viết di chúc lại cho đời, để nói rõ về sự nhận thức lại của mình, về những sai lầm của mình để đời sau biết mà tránh đi. Âu rằng đó cũng là việc làm có ích cho đời đôi chút.
Ngược lại, “Don Quijote xứ An Nam” – Nguyễn Phú Trọng – đến khi chết vẫn cứ cao giọng: “Nếu làm người, hãy làm người Cộng sản”. Mà tai hại thay, chính ông ta đã không tin điều đó. Chính Nguyễn Phú Trọng đã âm thầm vứt bỏ nó khi tự mình “Quy y” cửa Phật. Nhưng đã giấu lén việc đó để mặc thiên hạ trầm luân trong những câu chuyện viễn tưởng, những cuốn truyện hiệp sĩ về “Chủ nghĩa Xã hội tươi đẹp” mà chính ông ta là người đã góp công sáng tác, vẽ ra chiếc bánh mang độc hại đầu độc loài người.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
27.07.2024
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |