BẢY MƯƠI NĂM TÌM LẠI. CHIẾN DỊCH VƯỢT ĐẾN TỰ DO" - 1954
("OPERATION PASSAGE TO FREEDOM" - 1954)
Tác Giả : BĐQ Đỗ Như Quyên Ngày đăng :2024-08-01
Bài viết này để kính tưởng niệm hàng triệu đồng bào đã chết vì cộng sản. Cũng để ghi nhớ và tỏ lòng biết ơn với những người đã mang tâm sức của mình, giúp đỡ người dân Việt Nam vượt thoát cộng sản trong cuộc di cư 1954 - 1955".
BĐQ Đỗ Như Quyên.
--0--
Nguyên Nhân Có Cuộc Di Cư 1954.
Suốt 60 năm qua, hầu như ai trong chúng ta cũng tin rằng: .. "Sở dĩ có cuộc di cư năm 1954 là vì đất nước bị chia hai bởi Hiệp Định Đình Chiến Geneva, một cách gián tiếp hơn, vì Pháp 'thua' cộng sản Việt Minh tại chiến trường Điện Biên Phủ, sau đó họ bỏ cuộc, bỏ luôn sự thống trị bằng cái ách thực dân gần một trăm năm ở một nơi luôn chống lại họ". Đại khái là như vậy, chúng ta ai cũng nghĩ như thế.
Thật ra điều đó chỉ đúng một phần nhỏ. Phần lớn sự thật là do chính phủ Mỹ, họ muốn Pháp phải tránh ra. Họ cần có một vùng địa lý như Việt Nam chia làm hai phần họ mới có thể đặt chân đến một nửa của vùng lãnh thổ này. Họ đã từng muốn và được làm thêm nhiều chuyện tiếp sau đó, tới năm 1975 thì họ chẳng muốn nữa.
Không phải đợi đến ngày 21/ 7/ 1954 vấn đề di chuyển người di cư mới được nói tới trong bản hiệp định, phía Mỹ đã tính tới chuyện này từ lâu, trước khi có trận Điện Biên Phủ, trước lúc có hội họp tại Geneva Thụy Sĩ thì Mỹ đã sắp đặt nước cờ cuả họ rồi.
Trong một cuộc họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia ở thủ đô Liên Bang Mỹ cuối tháng 1/ 1954, có sự hiện diện cuả Tổng Thống Dwight D. Eisenhower; Chủ Tịch Tham Mưu Liên Quân Đô Đốc Arthur W. Radford, vấn đề di tản người miền Bắc vào miền Nam - Việt Nam đã được vị đô đốc nêu trên nói tới. Đô Đốc Arthur W. Radford là người mà từ thời còn là Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương trước đó vài năm, đã từng bàn chuyện di tản người Việt miền Bắc vô Nam với Đại Tướng Jean J. M. G. de Lattre de Tassigny, Tư Lịnh Lực Lượng Viễn Chinh kiêm Cao Ủy Toàn Quyền cuả "Tây" ở vùng Đông Dương thuộc Pháp (sẽ được ghi tắt là vùng Đông Pháp, nơi có ba nước Cam Bốt; Lào; Việt Nam bị Pháp chiếm, không phải toàn Đông Dương nơi có tới 6 nước (Miến Điện; Thái Lan; Mã Lai Á) như nhiều người Mỹ cũng như Việt đã ghi lầm, xin đọc thêm nơi bài Đông Dương và Đông Pháp cuả Đỗ Tấn Thọ trên trang nhà BĐQ).
Sau khi nghe ông đô đốc Mỹ nói về chuyện di tản người Việt từ Bắc vô Nam, ông tướng Pháp trả lời tóm tắt rằng:… "cho dù trước khi một hoạt động (di tản) nào được hoàn tất, đoàn người cuối cùng chờ di tản chắc chắn sẽ bị (Việt Minh) tàn sát"... Tuy vậy, sau cuộc gặp gỡ cuả hai vị tướng nêu trên, phía Mỹ vẫn phác họa một kế hoạch di tản người ờ miền Bắc Việt Nam (tới đầu năm 1952 mới soạn xong).
Trong phần phân tích và ước tính chung cuả bản kế hoạch cho thấy: cuộc di tản sẽ là một chiến dịch quy mô về Thuỷ - Bộ để chuyển vận hơn 80.000 lính Pháp; 40.000 lính Quân Đội Quốc Gia và 10.000 người dân. Ngày 7/ 5/ 1954, khi nghe tin Điện Biên Phủ thất thủ nhưng quân đội Pháp vẫn bảo vệ vững vàng vùng châu thổ sông Hồng, kế hoạch nói trên lại trở thành cuộc thảo luận sôi nổi ngay tại buổi họp giữa bộ Tham Mưu Liên Quân và Bộ Quốc Phòng (họp trong ngày 7/ 5).
Trong tháng 2/ 1954, Quốc Trưởng Bảo Đại tiếp một đại diện cao cấp cuả Tổng Thống Dwight D. Eisenhower tại Pháp. Trong buổi tìếp kiến này, quốc trưởng Quốc Gia Việt Nam đã nói như sau: "nếu chuyển được 4 triệu người dân đến các tỉnh miền Trung và Cao Nguyên (Nam) Trung Phần, lực lượng quân sự sẽ được nhẹ tay hơn để đối phó với cộng sản ở miền Bắc" ... Quốc Trưởng Bảo Đại sau đó còn bàn chuyện này với Đại Sứ Mỹ Donald Heath, nhưng phiá Mỹ vẫn im lặng. Ngày 28/ 6/ 1954, sau hai ngày về đến Sài Gòn, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tiếp ông Robert McClintock, Xử Lý Thường Vụ Toà Đại Sứ Mỹ, (ông Donald Heath đang về Mỹ), vị thủ tướng Việt Nam cũng đem chuyện này ra thảo luận và còn tin rằng: ... "việc di tản người là cần thiết, dân chúng sẽ thoát được các hiểm họa từ cộng sản"..., nhưng phiá Mỹ vẫn giữ im lặng. Ngày 28/ 7/ 1954, chính phủ Quốc Gia Việt Nam chính thức yêu cầu Mỹ giúp cho 2.000 căn lều vải dành cho người tỵ nạn, Mỹ vẫn làm thinh (tới ngày 5/ 8/ 1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chính thức nhân danh cá nhân gởi thơ yêu cầu Mỹ giúp chuyển vận người di cư, lúc này Mỹ mới hành động).
Cuối tháng 6/ 1954, các hồ sơ về vấn đề di tản người tỵ nạn cộng sản ở Việt Nam được thẩm định lại bởi Cục Tình Báo Trung Ương - CIA. Nơi này "xét" xong còn thêm vô: .."chưa tính phương tiện đưa người ra đi, chỉ riêng phần quân cụ cuả Pháp và Việt Nam ở Hà Nội phải cần tới 600 chuyến bay mới chở hết. Nhân viên quân sự Việt - Pháp phải vào Nam có khoảng 83.000 đến 150.000 người với 65 tiểu đoàn dã chiến, 19 tiểu đoàn khinh chiến. Có thể cộng sản Việt Minh sẽ thả khoảng 9.600 tù binh". Bên hải quân cũng phỏng đoán sẽ chuyển hơn 110.000 thường dân, 83.000 quân nhân, 10.000 xe cơ giới các loại và khoảng 382 súng pháo binh lớn, nhỏ.
Nhưng chúng tôi sẽ không ghi thêm nữa, vì đây là một bản văn tìm lại các dữ kiện lịch sử trong biến cố "Di Cư 1954 - 1955". Sâu xa hơn, chúng tôi muốn tưỏng nhớ và ghi nhận công ơn cuả tất cả những ân nhân, không phân biệt quốc tịch đã từng có lòng nhân, mở rộng vòng tay giúp nhiều đồng bào Việt Nam chúng tôi thoát khỏi sự khống chế toàn diện một dân tộc bởi cộng sản. Nhờ đó, những người vượt thoát đã cùng đồng bào miền Nam tiếp tục chiến đấu với cộng sản thêm 20 năm, kịp tạo nên một thế hệ kế thừa hiểu rõ hơn về cộng sản kể từ sau năm 1975. Qua hai biến cố bi thảm nêu trên trong lịch sử cận đại cuả giống nòi Việt Nam, tổ quốc chúng tôi dù bị cộng sản cướp đoạt nhưng những thế hệ kế tục sẽ không mất niềm tin là cộng sản ở Việt Nam sẽ vĩnh viễn tồn tại, cũng như các đế quốc Hy Lạp; La Mã; Hán; Tống; Nguyên; Minh; Thanh v.v đã từng tan rã. Vì vậy chúng tôi vẫn còn chiến đấu và trận Điện Biên Phủ đã nói lên điều đó, tuy máu xương cuả những chiến sĩ nằm xuống nơi đây đã từng bị cộng sản lợi dụng như một vũ khí chính trị để chia phần với kẻ gian vẫn còn đang giấu mặt.
BĐQ Đỗ Như Quyên (Charlie Brown Phương)
Hawaii ngày 1 tháng 1 năm 2024.
--0--
"Năm Đánh Một Không Chột Cũng Què".
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau 54 ngày đêm bị bao vây, bị đủ thứ đạn pháo vùi dập, rồi liên tiếp những lớp lớp sóng người bị cấp trên hối thúc tràn tới, cuối cùng căn cứ Điện Biên Phủ cuả quân đội Pháp phải chịu thất thủ bởi xác người Việt Nam phủ kín khắp nơi. Lính Pháp tuy chịu thua nhưng họ chỉ không bắn nữa, và không treo cờ trắng đầu hàng. Những kẻ chỉ huy trực tiếp trận đánh này không phải là cán bộ cộng sản gốc Việt, là các tướng cuả Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa như
(1) Lã Quý Ba: Đặc Sứ cuả Mao Trạch Đông cạnh đảng CSVN, Trưởng Đoàn Cố Vấn "Chí Nguyện Quân" kiêm Tư Lệnh Mặt Trận Điện Biên Phủ.
(2) Vi Quốc Thanh: Tham Mưu Trưởng Mặt Trận kiêm Cố Vấn Chỉ Huy Tổng Quát về các vấn đề quân sự cho chiến trường;
(3) Trần Canh: Cố Vấn Trưởng về Chính Trị - Chiến Lược và Chiến Thuật;
(4) Mai Gia Sinh: Cố Vấn Trưởng về Liên Lạc và Điều Động (truyền tin và vận tải);
(5) Mã Tây Phu: Cố Vân Trưởng về Tiếp Liệu;
(6) Đặng Nhất Phấn: Cố Vấn Trưởng về Pháo Binh v.v...
Ngoài ra, còn có khoảng 6.000 "Chí Nguyện Quân" khác cuả CHNDTH (sẽ ghi tắt là Cộng Tàu) trực tiếp hay gián tiếp tham dự vào trận đánh này. Họ giữ các vai trò trọng yếu về chính trị, quân sự ở cấp tiểu đoàn, trung đoàn và sư đoàn cuả Cộng Sản Việt Nam ( ghi tắt là Cộng Việt) trong lãnh vực chuyên môn như pháo binh, truyền tin, quân y hoặc là tài xế thuộc các đoàn xe vận tải từ biên giới chở đạn dược, thực phẩm tới thẳng chiến trường Điện Biên Phủ. Nói tóm lại, cái gọi là "chiến thắng" Điện Biên Phủ thật ra chỉ là lối đánh giặc "lấy thịt đè người". Cán bộ Cộng Tàu và Cộng Việt dùng xác người Việt Nam đè bẹp người Pháp một cách không thương xót. Còn các ông như HCM; Trường Chinh; Phạm Văn Đồng; Võ Nguyên Giáp; Hoàng Văn Thái; Lê Trọng Tấn v.v là những con cờ bung xung nhận lệnh và chạy vòng ngoài, họ chỉ có bổn phận đôn đốc tinh thần binh sĩ ở các đơn vị người Việt mà thôi !
Nước Việt Chia Đôi - Tây Đi Về Pháp.
Một ngày sau biến cố Điện Biên Phủ, một hội nghị quốc tế về vùng Đông Dương thuộc Pháp được tổ chức ở thành phố Geneva Thụy Sĩ. Phái đoàn đại diện các nước đến tham dự có:
(1) Quốc Gia Việt Nam, do Tổng Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Quốc Định dẫn đầu (sau ông Nguyễn Trung Vinh thế, tới ngày 7/ 7/ 1954 ông Trần Văn Đỗ thay làm trưởng đoàn).
(2) Liên Bang Mỹ: Thứ Trưởng Ngoại Giao Walter Bedell Smith.
(3) Cộng Hoà Pháp: Bộ Trưởng Ngoại Giao Georges Bidault.
(4) Vương Quốc Anh: Bộ Trưởng Ngoại Giao Anthony Eden.
(5) Vương Quốc Lào: Hoàng Thân Phumi Sananikone.
(6) Vương Quốc Cam Bốt: ông Than Tep.
(7) Cộng Nga: Ngoại Trưởng Vvachcheslav M. Molotov.
(8) Cộng Tàu: Thủ Tướng Chu Ân Lai.
(9) Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (Cộng Việt): Trưởng Ban Đối Ngoại Trung Ương Đảng Phạm Văn Đồng cầm đầu.
Hai đại diện Anh và Nga làm đồng chủ tịch hội nghị (Hội Nghị Quốc Tế về vấn đề Đại Hàn và vùng Đông Pháp thật ra đã mở màn ở Geneva, Thụy Sĩ từ ngày 26. 4. 1954 với đại diện năm nước tham dự: Mỹ; Pháp; Anh; Nga; Trung Cộng, chương trình nghị sự là một ngày luận về Đại Hàn một ngày bàn về vùng Đông Pháp. Nhưng vì vấn đề Đại Hàn dù sao cũng có "lệnh ngưng bắn" (cho tới hôm nay vẫn còn) đã tạm giải quyết, người ta mới đem vấn đề Đông Pháp ra thảo luận thường xuyên hơn và rất căng thẳng. Lúc đó hội nghị mới quyết định mời thêm đại diện cuả cộng sản và quốc gia Việt Nam, đại diện Lào và Cam Bốt cùng tham dự chính thức. Hội Nghị Quốc Tế về Đông Pháp bắt đầu từ ngày 8/ 5 nhưng tới ngày 20. 6. 1954 thì bị đình trệ. Ngày 10. 7 mới họp lại và kết thúc lúc 1 giờ sáng ngày 21. 7. 1954).
Sau hơn hai tháng họp hành, vài lần tưởng như bế tắc vì sự đòi hỏi, lấn lướt quá đáng cuả Cộng Nga; Cộng Việt; Cộng Tàu, cuối cùng thì bản "Hiệp Định Đình Chỉ Chiến Sự" ở Đông Pháp (đọc tắt Hiệp Định Đình Chiến) cũng vẫn bị ký dù có sự phản đối bởi đại diện Quốc Gia Việt Nam và Liên Bang Mỹ. Tổng Trưỏng Ngoại Giao Trần Văn Đỗ tuyên bố chính phủ ông không đồng ý trước những áp đặt cuả các cường quốc trong hội nghị. Và người dân Việt Nam sẽ không chấp nhận chuyện đất nước bị cắt chia.
Trong bản "Hiệp Định Đình Chiến", Geneva 1954 có những quy định như sau về Việt Nam, chúng tôi xin ghi lại vắn tắt:
(A) Việt Nam bị chia làm hai phần lãnh thổ tại vĩ tuyến 17. Hướng Nam thuộc Quốc Gia Việt Nam, phiá Bắc vỹ tuyến là cuả Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà (Cộng Việt).
Sông Bến Hải (nơi có vị trí gần nhất từ vỹ độ tuyến 17) ở phía Bắc tỉnh Quảng Trị được chọn làm ranh giới giữa hai miền, kể từ ngày 14. 8. 1954 các hoạt động quân sự dọc theo con sông này đều bị cấm, tính từ cửa sông lên tới làng B'ohosu ở biên giới Việt - Lào. Mỗi bên tính từ bờ sông mở rộng thêm 5 cây số (km) là khu vực cấm các hoạt động quân sự, "Demilitarised Zone" (DMZ, Vùng Phi Quân Sự). Quốc Lộ 1 Nam - Bắc đến ngay giữa cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải sẽ được sơn một vạch trắng nằm ngang cầu (1*).
(B) Thời điểm ngưng bắn toàn miền Bắc là 8 giờ sáng ngày 27/ 7, miền Trung 8 giờ sáng 1/ 8 và miền Nam lúc 8 giờ sáng ngày 11/ 8/ 1954. (C) Dân chúng có 300 ngày được "tự do di chuyển" (free movement), được quyền chọn lựa nơi cư trú mà không bị cấm cản, hạn chót là ngày 18/ 5/ 1955. (D) Những đơn vị quân sự, hành chánh cuả các bên có từ 80 đến 300 ngày phải triệt thoái và tập trung ở từng địa điểm đã được thoả thuận.
(Đ) Riêng khu vực Hà Nội và vùng phụ cận chỉ có 80 ngày được "tự do di chuyển", thời hạn chót ở Hà Nội là ngày 9/ 10/ 1954; Hải Dương 100 ngày; Đồng Tháp Mười 100 ngày; Cà Mau 200 ngày; Hải Phòng và miền Trung 300 ngày.
(E) Một Ủy Ban Quốc Tế về Giám Sát và Kiểm Soát (International Committee for Supervision and Control - ICSC) đình chỉ chiến sự ở Đông Pháp được thành lập với 3 Ủy Viên là Ấn Độ; Ba Lan và Gia Nã Đại (tới năm 1973, Ấn Độ tuyên bố bản "Hiệp Định Đình Chiến", Geneva 1954 chỉ là mớ giấy lộn nên họ rút ra khỏi ủy ban ICSC, Nam Dương được đưa vô thay thế).
Ngày 5/ 8/ 1954, phiá Pháp bắt đầu tổ chức đưa người vào Nam bằng đường hàng không ở Hà Nội, Hải Dương, Nam Định, bằng đường biển tại Hài Phòng, Uông Bí v.v. Số người được đưa đi vào lúc này phần đông là những nhân viên hành chánh người Việt, người Pháp và thân nhân cuả họ, hoặc những gia đình giàu có ở Hà Nội (tới ngày 20/ 9, phiá Pháp đã huy động hầu hết máy bay vận tải quân sự mà họ có ở Đông Pháp, đồng thời cũng trưng dụng các máy bay hàng không dân sự vào việc chuyển người. Tuy nhiên, dù cố hết sức mình, phiá Pháp vẫn không đủ khả năng đáp ứng vai trò chuyển vận vì số người muốn vào miền Nam mỗi lúc thêm đông dần, vì thế Pháp phải nhờ phiá Mỹ giúp sức).
Trong khi hội nghị Geneva đang diễn ra, ngày 18/ 6/ 1954 Quốc Trưởng Bảo Đại chỉ định ông Ngô Đình Diệm làm thủ tướng, thế ông Nguyễn Phúc Bửu Lộc (Sắc Lệnh 038/ SL/ QT). Ông Ngô Đình Diệm về đến Sài Gòn ngày 26/ 6, chỉ năm ngày sau ông ra Hà Nội vì muốn đích thân quan sát và tìm hiểu tình hình thực tế ở miền Bắc, nhất là vấn đề người di cư. Ông trở về Sài Gòn ngày 3/ 7/ để tìm người cho nội các mới rồi tuyên bố thành lập chính phủ vào ngày 5/ 7/ 1954.
Đúng lúc này, chính phủ mới cuả Thủ Tướng Ngô Đình Diệm phải đối diện với những bất lợi trước mắt như vấn đề giáo phái, sự lộng hành cuả lực lượng Bình Xuyên, Pháp cố tình tạo ra những mầm mống chống đối, vụ tướng Nguyễn Văn Hinh bất tuân lệnh chính phủ, hàng trăm ngàn người ở miền Bắc đang chờ đợi được di cư vào miền Nam v.v.
Thủ Tướng Ngô Đình Diệm lúc mới về Sài Gòn, 26 (?) / 6/ 1954
Ngày 5/ 8/ 1954, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm nhân danh cá nhân ông, đã gởi đến Tổng Thống Dwight D. Eisenhower một bức thư qua trung gian Đại Sứ Donald R. Heath và Trung Tướng John "Iron Mike" O'Daniel, Tư Lệnh "Đoàn Cố Vấn Yểm Trợ Quân Sự - Đông Dương" (Military Assistance Advisory Group - Indochina, MAAG - I (2*), sẽ ghi tắt là MAAG). Trong thư ông Ngô Đình Diệm khẩn thiết yêu cầu chính phủ Mỹ và quốc tế giúp Việt Nam phương tiện vận chuyển người di cư, cũng như viện trợ nhân đạo cho những người mới vào Nam. Bức thư này cuả Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được tổng thống và chính phủ Mỹ đáp ứng nhanh chóng và rất tận tình.
Ngày 9/ 8/ 1954, chính phủ Quốc Gia Việt Nam cho thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư - Tỵ Nạn (Nghị Định số NĐ/ 111/ TTP/ - VP) với ba nha đại diện ở ba miền, ông Nguyễn Văn Thoại làm Tổng Ủy Trưởng, ông Đinh Quang Chiêu làm Phụ Tá Tổng Ủy. Cũng trong lúc này, ngoài xã hội có những đại diện tôn giáo, hiệp hội tư nhân (VN), thanh niên v.v cũng vận động cùng hợp tác và lập ra Ủy Ban Hỗ Trợ Định Cư do Giám Mục Phạm Ngọc Chi làm Chủ Tịch.
CHIẾN DỊCH “VƯỢT ĐẾN TỰ DO”
(OPERATION “PASSAGE TO FREEDOM”)
"Chiến Dịch Vượt Đến Tự Do" ("Operation Passage to Freedom)
Ngày 7/ 8/ 1954, Đô Đốc Robert B. Carney, Tham Mưu Trưởng Hành Quân/ Hải Quân Liên Bang Mỹ (Chief of Naval Operation of the United States Navy) chỉ thị đến Tổng Tư Lệnh - Thái Bình Dương kiêm Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương (Commander in Chief of Pacific and Commander Pacific Fleets) Đô Đốc Felix B. Stump's hãy chuẩn bị lực lượng cho một hoạt động hải vận quy mô trên biển để chuyển người và cơ giới từ miền Bắc vào miền Nam nước Việt Nam.
Ngày 12/ 8/ 1954, Phó Đô Đốc Alfred M. Pride, Tư Lệnh Hạm Đội 7 cho phổ biến Lệnh Hành Quân cuả "Chiến Dịch Vượt Đến Tự Do" (Operation Passage to Freedom) cùng với sự thành lập Lực Lượng Hải Quân Đặc Nhiệm 90 do Đề Đốc Lorenzo S. Sabin làm Tư Lệnh (Naval Task Forces 90, sẽ ghi tắt là Lực Lượng TF 90). Ban Tham Mưu cuả Lực Lượng TF 90 ban đầu gồm có: Tham Mưu Trưởng Toàn Chiến Dịch kiêm Chỉ Huy Đơn Vị Chiến Thuật Kiểm Soát Không Phận là Đại Tá Hải Quân Anthony Trusso; Tham Mưu Trưởng Lực Lượng TF 90: Đại Tá Hải Quân J. W. Higgins; Chỉ Huy Trưởng Tổng Quát các đơn vị tàu LCU: Trung Tá Hải Quân C. V. Thomas; Sĩ quan quân y chịu trách nhiệm tổng quát về y tế trong chiến dịch là Trung Tá Hải Quân James Grindell, kiêm Chỉ Huy Trưởng Lực Lượng Quân Y - Bờ; Đại diện cuả MAAG về liên lạc và phối hợp hành động: Đại Tá Rolland Hamelin; Đại diện cuả MAAG liên lạc về vận tải thuỷ bộ - hàng không: Trung Tá Kaipo F. Kaula; Tiểu Đoàn 1 Thuỷ Bộ - Kiến Tạo ( Amphibious Construction Battalion 1, ACB - 1); Đội Tháo Huỷ Chất Nổ Dưới Mặt Nước (Underwater Demolition Team- UDT); Soái hạm cuả Ban Tham Mưu Chiến Dịch là chiếc USS Estes, Hạm Trưởng: Đại Úy J. W. Waterhouse v.v. Ngoài ra, Tư Lệnh Lực Lượng Hải Quân Mỹ ở Phi Luật Tân, Phó Đô Đốc Hugh H. Goodwin chịu trách nhiệm về yểm trợ và tiếp liệu.
Ngày 10/ 8/ 1954, Đề Đốc Lorenzo S. Sabin đến Hải Phòng bằng máy bay để bàn về sự phối hợp giữa các bên với đại diện Pháp là Đô Đốc Jean M. Querville, Tư Lịnh Hải Quân vùng Đông Pháp, trong đó yêu cầu Pháp dành cho hải quân Mỹ vài điểm quân cảng và nhân viên hướng dẫn thuỷ lộ (cũng trong ngày 10/ 8, chiếc tàu thứ nhất cuả hải quân Mỹ xuất hiện ngoài khơi Hải Phòng là chiếc hải vận hạm USS Menard (tới từ hướng Hương Cảng). Lúc biết tin khi còn đang họp, vị đề đốc Mỹ ra lệnh chiếc USS Menard phải chạy tìm chỗ "nấp" tạm đâu đó ngoài Vịnh Hạ Long đến khi có lệnh mới).
"Chiến Dịch Vượt Đến Tự Do" bắt đầu ngày 18/ 8/ 1954 và kết thúc ngày 20/ 5/ 1955. Chiến dịch có sự tham dự trực tiếp hay gián tiếp bởi hơn 15.000 quân nhân các cấp của hải quân- không quân và bộ binh, được coi là cuộc vận chuyển dân sự trên mặt biển lớn nhất trong lịch sử hải quân cuả Liên Bang Mỹ. Chiến dịch này được tổ chức quy mô và chu đáo, được tính toán, sắp đặt, chuẩn bị v.v thật hoàn hảo và được theo dõi, giám sát bởi bộ quốc phòng, chính phủ cũng như công chúng Mỹ. Trên tất cả, sự hoạt động hữu hiệu cuả Lực Lượng TF 90 có được là nhờ sự yểm trợ tận lực cuả bốn cơ cấu quan trọng trong quân đội Mỹ:
(1) Công Tác Kỹ Thuật Đặc Biệt và Kinh Tế (Special Technical and Economic Mission - STEM);
(2) Quản Trị các Chiến Dịch Ngoài Lãnh Thổ (Foreign Operations Administration - FOM);
(3) Cục Vận Tải Quân Sự Đường Biển (Military Sea Transportation Services - MSTS);
(4) Công Tác Hải Ngoại - Liên Bang (United States Overseas Mission- USOM).
Để chuẩn bị cho chiến dịch, Đề Đốc Lorenzo S. Sabin yêu cầu Hạm Đội Thái Bình Dương tăng cường cho ông thêm một tàu chỉ huy thuỷ bộ (loại AGC), 8 tàu vận tải tác chiến (APA), 4 tàu vận tải xung kích (AKA), 4 tàu đổ bộ hạng trung (LSD), 4 tàu vận tải cao tốc (APD), 12 tàu đổ bộ chở quân cụ (LCU). Vào lúc này, tàu thuyền vận tải, đổ bộ các loại cũng đã có trong Lực Lượng TF 90. Lớn nhất có loại LST (Landing Ship, Tank), nặng trung bình 4.000 tấn, chở xuyên đại dương các loại xe cơ giới, thiết giáp, pháo binh v.v hoặc có thể chở hơn 2.000 người; LCI (Landing Ship, Infantry), dài 157 bộ (feet), chở được 200 người trang bị đầy đủ; LCM (Landing Craft, Medium), dài 50 bộ, chở được 100 người hay một xe tăng, LCPR (Landing Craft, Personel, Ramp), dài 36 bộ và chở được 40 người. Tổng số tàu loại lớn mà Lực Lượng TF 90 có trong tay là 74 chiếc. Sau đó được Cục Vận Tải Quân Sự Đường Biển (MSTS) tăng cường thêm 36 chiếc.
Bộ Tư Lệnh cuả chiến dịch đặt trên Soái Hạm USS Estes, sẽ thả neo trong Vịnh Hạ Long. "Bộ Chỉ Huy - Tập Trung và Phân Phối" quân nhu, thực phẩm, dược phẩm, nhiên liệu, thư tín, trạm truyền tin liên lạc v.v thì đặt trong Vịnh Đà Nẵng cùng với bản doanh cuả Lực Lượng Yểm Trợ Tiếp Liệu - Tây Thái Bình Dương (Logictics Suport Force - Western Pacific). Đề Đốc Lorenzo S. Sabin còn ra lệnh chở từ căn cứ hải quân cuả Mỹ ở Yokosuka, Nhật Bản đến Vịnh Hạ Long 85.000 áo phao cấp cứu cá nhân, 85.000 chiếc chiếu, 700.000 đôi đũa, 40.000 chiếc xô đựng nước loại 10 lít, 15.000 tấn gạo (trong tổng số 150.000 tấn sau này cho toàn chiến dịch), 12.000 tấn cá khô, 600 kg muối, chở khẩn cấp từ Okinawa (đảo Xung Thằng) tới Vịnh Hạ Long 600 và Sài Gòn 200 cái lều vải dã chiến quân đội (ODD Tent là tên chính thức, nhưng được biết phổ biến hơn với tên "Army Sixty - Man Tents", mỗi lều đủ chỗ cho 120 người).
Cùng với sự giúp đỡ cuả hải quân Mỹ, quân đội Pháp, chính phủ Quốc Gia Việt Nam cũng ráo riết chuẩn bị theo khả năng của mình. Ngoài Phủ Tổng Ủy Di Cư - Tỵ Nạn, Ủy Ban Hỗ Trợ Định Cư (tư nhân) v.v thì ở Hải Phòng "Ủy Ban Di Tản Người Việt Nam Tỵ Nạn" (Vietnamese Refugee Evacuation Committee) cũng được thành lập do ông thị trưởng Mai Văn Hàm làm Chủ Tịch, nhà báo Nguyễn Luật làm Tổng Đại Diện cho toàn khu vực tiếp cư. Các Đội Y Tế Công Cộng cũng lần lượt lập ra, chuẩn bị phối hợp hoạt động ở các khu trại lều sẽ được dựng lên ngoại ô Hải Phòng, dọc theo Quốc Lộ 10 trên đường đi Hà Nội, trại xa nhất được dự trù cách Hải Phòng khoảng 20 km. Bộ Tư Lệnh MAAG cũng cử đến Hà Nội 5, Hải Phòng 7 sĩ quan liên lạc. Đại diện USOM ở Hải Phòng là ông Mike Adler. Việc điều hành các trại sẽ do khoảng 20 quân nhân Mỹ các cấp và những ban đại diện ngưòi Việt cùng phối hợp hoạt động. Ngoài ra việc tiếp đón, hướng dẫn người mới đến sẽ được giúp sức bởi các cá nhân làm việc thiện nguyện từ những hiệp hội tư ở Việt Nam và quốc tế, thanh niên - học sinh, các vị đạo sư, linh mục, ni cô, sơ v.v. Chính phủ quốc gia cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ cho người di cư. Những nước nhận lời trợ giúp bước đầu có Anh; Tây Đức; Ba Lan; Ý Đại Lợi; Đại Hàn; Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan); Nhật Bản; Phi Luật Tân; Úc đại Lợi; Tân Tây Lan v.v. Các tổ chức nhân đạo quốc tế cùng những hiệp hội tư nhân nhận lời đến Việt Nam góp một bàn tay có UNICEF (United Nations Children's Fund - Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc); Hồng Thập Tự Quốc Tế; Catholic Relief Services (CRS); Church World Services (CWS); Thanh Thương Hội Quốc Tế; CARE; Mennonite Central Committee (MCC); International Rescue Committee (IRC) v.v.
Cam Go Nhưng Có Niềm Tin.
Ngày 18/ 8/ 1954, chiếc Soái Hạm Estes chở Ban Tham Mưu cuả Đề Đốc Lorenzo S. Sabin cùng 9 tàu (vận tải) theo sau hộ tống đến thả neo trong Vịnh Hạ Long, cách Hải Phòng khoảng 20 km về hướng chính Đông. Trước đó ngày 15/ 8 đã có năm tàu vận tải loại dương vận hạm đến trước thả neo trong vịnh, mục đích để thăm dò mức độ an ninh trong Vịnh Hạ Long và chờ lệnh.
Soái Hạm USS Estes trong Vịnh Hạ Long tháng 8/ 1954
Những tàu hiện diện trong vịnh gồm có chiếc USS Bay Field; USS Montague; USS Menard; USS Hickman County; USS Marine Adder; USS Cock; USS Bass; USS Begor; USS Balduck; USS Askari; USS Montrose; USS Diachenko; USS Skagit v.v. Sau bốn ngày tập trung thêm tàu thuyền và các nhu cầu cần thiết, ngày 22/ 8/ 1954 Lực Lượng TF 90 cho đổ bộ một trung đội công binh hải quân Ong Biển (Seabees (3*) tại bán đảo Đồ Sơn, vị trí ở Đông Nam thành phố Hải Phòng khoảng 21 km. Đơn vị này thuộc Tiểu Đoàn 1 Thuỷ Bộ - Kiến Tạo (ACB 1). Họ lên bờ như một tiền trạm lập đầu cầu, có nhiệm vụ ráp nối một bến đậu cho mấy chiếc loại nhỏ như LCPR; LCM. Lúc những chú "Ong Biển" của hải quân Mỹ đang cặm cụi làm việc thì một ông Tây dắt hiến binh tới ngăn cản công việc. Ông yêu cầu họ dọn vật dụng và lên tàu rời bờ ngay, vì họ đang vi phạm vào bản Hiệp Định Đình Chiến! Sĩ quan liên lạc cuả Lực Lượng TF 90 ở Hải Phòng phân trần với phiá Pháp: họ "đến để chuẩn bị đón người di cư theo yêu cầu từ phiá Việt Nam". Các viên chức Pháp rất lịch sự giải thích rằng:"trong bản hiệp định Geneva có ghi: ...."Cấm sự gia tăng lực lượng quân sự hoặc nhân viên quân sự cuả các bên hay sự có mặt cuả một quân đội ngoại quốc".... Trong lúc này, thành phố Hải Phòng đã có gần 150.000 người sống tạm bợ khắp nơi để chờ được lên tàu. Khi biết tin sự cản trở quá nguyên tắc cuả người Pháp, MAAG ở Sài Gòn trực tiếp gởi khuyến cáo tới Lực Lượng TF 90 là nên điều động đơn vị nêu trên tạm thời di chuyển đến ngoại ô hướng Tây Nam Hải Phòng. Tại đây họ sẽ khởi sự thiết lập một khu trại lều cho 15.000 người tạm trú. Toán công binh Ong Biển sau đó nhận lệnh từ Soái Hạm là chất đồ lên xe, trực chỉ hướng Tây Nam Hải Phòng ( thật ra các viên chức Pháp không thể làm gì được người Mỹ tại một bờ biển cách Hải Phòng 21 cây số! Phiá công binh Mỹ dù lên bờ một đơn vị nhỏ nhưng cũng có vài chiếc Jeep, Dodge kéo "rờ moọc", máy điện, và cả đống các loại kiện hàng nằm tràn lan trên bãi biển. Tàu đổ bộ đã chạy mất tăm, mấy ông Tây làm gì được).
Sau khi đoàn xe cuả Ong Biển tới được phiá Nam Quốc Lộ 10, ngay ngoại ô Hải Phòng, phiá Pháp đã gởi lời phàn nàn đến đại diện MAAG ở Hải Phòng. Ngày hôm sau, 23/ 8, toán Ong Biển bắt đầu khai quang (những thuở ruộng đã được gặt) dành ra một bãi đậu xe, một khu vực chưá hàng và dựng lên được 6 căn lều dã chiến. Ngày hôm sau nữa, mới sáng sớm thì toán Ong Biển nhận được lệnh bỏ đồ để đó, tới bến cảng có tàu đón về đơn vị ở ngoài ...Vịnh Hạ Long. Về tới tàu họ mới biết có sự khiếu nại cuả người Pháp với Đại Diện ICSC tại Hải Phòng rằng: ..." có sự xuất hiện cuả một đội quân nước ngoài cùng quân cụ cuả họ tại vùng lãnh thổ bị cấm, dựa theo bản hiệp định" ... Thế rồi các bên đều giữ im lặng, ai cũng ..."biết rồi..khổ lắm .. nói mãi" với giấy và tờ. Đại diện ICSC thì khó giải thích với Pháp. Ủy Ban Di Tản Người Việt Nam Tỵ Nạn tiếng nói không đủ mạnh, và, lỡ có bên nào đó cố "bới bèo ra bọ" thì quả thật phiá Mỹ "hình như" đã vi phạm vào quy định cuả bản hiệp định. Đây là chuyện tế nhị trong phạm trù nhân đạo cấp quốc tế, cả thế giới đang nhìn vô nên bên nào cũng làm thinh và chờ một giải pháp khôn khéo.
Thấy được sự lúng túng, nhẫn nại chờ đợi cuả phiá Pháp và đại diện ICSC ở Hải Phòng, ngày 26/ 8/ 1954 Lực Lượng TF 90 lần thứ hai cho Ong Biển đem đồ nghề lên bán đảo Đồ Sơn. Lần này là một đơn vị công binh thủy bộ cấp đại đội cùng với ... xe ủi đất, xe xúc, xe ben, xe khoan giếng, xe vận tải GMC v.v rầm rộ rời tàu lên bờ. Tất cả "bình yên vô sự" trước những viên chức người Pháp và đại diện ICSC, nhờ đơn vị này đã che hoặc sơn lấp mấỳ chữ như U.S NAVY, các hình phù hiệu, phiên hiệu đơn vị v.v, nói chung là giấu hết tất cả những "dấu vết" quân sự nơi các phương tiện cơ giới. Riêng quân nhân cũng tháo những huy hiệu, phù hiệu v.v đơn vị trên áo quần và không mang vũ khí. Với cách ăn mặc như vậy, họ trông giống như công nhân dân sự hơn là hình dáng cuả người lính.
Trong vòng năm ngày tiếp theo, Tiểu Đoàn 1 Thuỷ Bộ - Kiến Tạo với sự giúp sức cuả lính Pháp và người Việt làm thiện nguyện, Ong Biển ACB 1 đã hoàn tất việc thiết lập trại tiếp cư thứ nhất ở Hải Phòng, giúp 15.000 người có nơi nương náu. Với 149 căn lều nằm theo từng lô và ngay hàng thẳng lối, nhìn rất yên bình, trại này được đặt tên là "Trại Tỵ Nạn Cái Đình" ("Refugee Camp de la Pagode", lạ ở chỗ quanh khu vực trại chẳng có cái đình hay cái chuà nào cả). Từ đây, các trại lều tiếp đón và tạm trú người vượt thoát cộng sản lần lượt được dựng lên dọc theo Quốc Lộ 10 Hà Nội - Hải Phòng với những cái tên: Camp Shell; Camp Lạch Tray; Camp Cement; Camp Jardin des Enfants v.v.
Một nữa Trại Tỵ Nạn Cái Đình (Refugee Camp de la Pagode)
Bến Đi Và Bờ Đến Trên Đường Tìm Tự Do.
Đầu tháng 9/ 1954, lúc các trại tiếp đón người Việt vượt thoát cộng sản lần lượt được dựng lên và bắt đầu lo cho khoảng 90.000 ngưòi vừa mới đến, cũng là lúc các nguồn tiếp tế nhân đạo từ khắp nơi trên thế giới được gởi đến Việt Nam. Từ Châu Âu, từ Bắc Mỹ, từ Ấn Độ, Úc và Tân Tây Lan, từ Phi Luật Tân, Úc và Tân Tây Lan, từ Đài Loan; Okinawa; Yokosuka; Hawaii v.v. Các loại hàng cứu trợ được các ân nhân gởi đến nhiều nhất là gạo, thịt hộp, cá hộp, cá khô, mỡ thực vật hoặc mỡ động vật đóng hộp, dầu nấu ăn, dầu lửa, sữa bột, rau cải, trái cây, bánh kẹo, âu dược, quần áo, xà phòng, khăn tắm, bàn chải và kem đánh răng, bột DDT v.v. Hãng thuốc tây Pfizer Company tại Brooklyn New York hiến tặng đợt đầu 50.000 vỉ thuốc viên Terramycin. Các đợt sau hãng này gởi tặng thêm hàng trăm ngàn viên thuốc các loại như Penicilin; Streptomycin; Magnamycin v.v. Hãng máy bay Pan America Airway tặng 10.000 thỏi xà phòng; Hãng Meade - Johnson ở tiểu bang Indiana tặng hàng chục ngàn lít dược chất Vitamin tổng hợp v.v... Các phái đoàn cuả nhiều quốc gia cử người đến quan sát cuộc sống ở trại để tìm hiểu thêm các nhu cầu. Những phái đoàn cuả chính phủ Việt Nam, Mỹ cũng thường xuyên lui tới thăm viếng, kể cả Đại Tướng Joseph Lawton Collins, Đặc Sứ Liên Bang Mỹ ở Việt Nam; Tư Lệnh MAAG Trung Tướng John O'Daniel v.v. Hải Phòng lúc này tràn ngập người tỵ nạn nhưng không còn ai sống vất vưởng ngoài lề dường như trước đó. Phóng viên các tờ báo lớn, các hãng thông tấn quốc tế đến Hải Phòng làm phóng sự, nhận xét và chụp hình nhiều nhất là những tạp chí như LIFE, National Geographic, Paris March v.v...
Lúc đến trại, mỗi người dù lớn hay nhỏ tuổi cũng được phát 600 gr gạo cho mỗi ngày cùng với nhiều loại thực phẩm kèm theo. Việc nấu nướng thì tự túc vì hầu như gia đình nào lúc ra đi cũng mang theo soong nồi, riêng than, củi hoặc dầu lửa cũng được cấp mỗi ngày. Kể từ tháng 11/ 1954, người đến trại không ai ở lâu quá ba tuần lễ sau khi đã được khám sức khoẻ, điền phiếu thủ tục hành chánh, lãnh quần áo, chăn mền, cắt tóc v.v. Mỗi trại có ký hiệu mẫu tự riêng, từng căn lều có số thứ tự và người ở trại ai cũng có thẻ ghi tên họ và nguyên quán cuả mình v.v. Tuỳ theo địa thế cuả các trại, có nơi được đào giếng để lấy nước, có nơi thi máy bơm từ suối lên bồn chứa. Công binh Ong Biển cho dựng lên cao nhiều bồn cao su lớn, có thể chưá được 3.000 gallons nước. Nước trong các bồn sẽ được lọc, sát trùng rồi mới phân phối xử dụng. Trung bình mỗi ngày, có tới 12.000 gallons nước được cung cấp cho việc nấu ăn, uống, tắm ở mỗi trại. Riêng những căn lều cuả y tế thì đặc biệt khá lớn, có thể chưá được từ 300 tới 500 bệnh nhân nằm điều trị ngắn hạn. Nếu có người mang bệnh nan y hoặc quá trầm trọng, bệnh nhân sẽ được ưu tiên đưa đến bệnh viện Hải Phòng hay những bệnh viện hạm ngoài Vịnh Hạ Long. Các bệnh phổ biến nhất trong lớp người đến trại là sốt rét, đậu muà, thương hàn, cảm ho, lở mắt, ghẻ nhọt ngoài da v.v. Ở mỗi trại trung bình một ngày có gần 2.000 người xin khám bệnh. Hải quân Pháp ở Hải Phòng, được sự chấp thuận cuả Đô Đốc Jean Marie Querville, đã nhường cho hải quân Mỹ dùng một trung tâm thí nghiệm khá lớn để tập trung phân tích, tìm bệnh từ các mẫu máu cuả người đến trại. Ngay cả phu nhân cuả vị đô đốc nêu trên, Madame Querville cũng sốt sắng tham gia làm thiện nguyện ở bệnh viện Hải Phòng và thăm viếng các trại. Một vị phụ nữ đáng kính khác cũng âm thầm làm việc nhân đức là bà Vũ Thị Ngãi, được mọi người ưu ái gọi là Madame Ngãi. Bà là người đích thân lặn lội đi tìm và nuôi dưỡng hàng trăm trẻ em bất hạnh ở Thanh Hoá; Nam Định; Hải Phòng rồi vô tới Sài Gòn sau này. Các em bà cưu mang hầu hết là trẻ mồ côi, lạc gia đình vì chiến cuộc, bị bỏ rơi vì tật nguyền v.v. Việc quản trị về y tế cho người di cư ở Hải Phòng và các trại thì do Trung Tá Hải Quân, bác sĩ James Grindell đảm trách. Những bác sĩ hải quân thường trực ở các trại có Đại Úy Julius Amberson; Đại Úy William Cox's; Đại Úy Sidney Britten; Trung Úy Thomas A. Doolley v.v. Nhóm bác sĩ lo việc tiếp tế và phân phối y cụ, dược phẩm thì có Trung Úy Edmund Gleason; Trung Úy Richard Kaufman; Trung Úy David Davison. Nhóm y tá có các vị như Dennis Shepard; Peter Kessey; Norman Baker; Robert Prusso; Edward Maugre; J. Harris v.v...
Lúc hai tháng đầu hoạt động, trung bình mỗi ngày từng trại có từ 400 tới 600 người tìm đến. Về sau lên tới con số ngàn rồi chục ngàn. Có lúc nguyên cả một làng hàng ngàn người cũng tìm tới trại. Các trại đón tiếp vào khoảng tháng 10 về sau, mỗi nơi đông từ 12. 000 đến 15.000 người.
Chuyến tàu thứ nhất cuả hải quân Mỹ chở người di cư rời Vịnh Hạ Long ngày 17/ 8/ 1954 là chiếc USS Menard (vận tải hạm), tàu này chở vào Sài Gòn 1924 người.
(USS Menard, chuyến tàu thứ nhất của Mỹ chở 1.924 người di cư vào Nam)
Chuyến thứ hai ngày kế tiếp, chiếc USS Montrose mang theo được 2.100 người. Và còn nữa, .. còn rất nhiều người đến, và cũng còn rất nhiều tàu sẵn sàng chờ đưa những người không chấp nhận cộng sản vượt đến bến bờ tự do.
Cuối tháng 8/ 1954, một trận bão đổ ập xuống Hải Phòng và phá huỷ hơn một nữa tổng số trại lều trong khu vực. Sau trận bão, Lực Lượng TF 90 cho điều động thêm tàu vận tải, đồng thời cho tăng mức độ vận chuyển cuả từng con tàu, cứ ba ngày hai đêm là đến Sài Gòn, hôm sau trở ra Hải Phòng chở tiếp. Dọc theo thềm bờ biển Việt Nam vào cuối năm 1954, có tới hàng trăm con tàu trực chỉ hai miền Nam - Bắc suốt ngày và đêm, tàu ngược xuôi như những con thoi trên mặt nưóc. Trong vòng hai tuần đầu tháng 9 sau trận bão, các tàu Mỹ đã chuyển vận vào Nam được 47.000 người ! Từ giai đoạn này trở đi, số người di cư được chuyển dồn dập tới Sài Gòn, ngày nào cũng có vài chiếc cập bến. Người đông tới mức làm các tổ chức lo đón tiếp làm việc không xuể, họ buộc phải báo cáo lên Phủ Tổng Ủy Di Cư - Tỵ Nạn về vấn đề này. Chính phủ Việt Nam sau đó thông báo với phiá Mỹ, yêu cầu họ chỉ nên cho những tàu nào chở dưới 2.500 người mới được ghé Vũng Tàu hoặc Sài Gòn. Yêu cầu nêu trên chỉ tạm thời cho tới sau ngày 25/ 9/ 1954.
Ngày 9/ 10/ 1954, Pháp làm lễ hạ cờ tại Hà Nội, họ phải tập trung về Hải Phòng để rút toàn bộ khỏi miền Bắc Việt Nam. Ngày 12/ 12/ 1954, Mỹ đóng cửa Toà Lãnh Sự ở Hà Nội
Lúc đến được các trại tạm cư ở Đà Nẵng, Sài Gòn v.v, đồng bào di cư được cấp 12 đồng cho mỗi ngày đối với người lớn, trẻ em được 6 đồng, kèm theo thực phẩm cứu trợ và vật dụng cần thiết. Tới ngày 11/ 3/ 1955, cứ mỗi người mới đến, không phân biệt lứa tuổi sẽ được cấp một lần số tiền 800 đồng. Lúc tới nơi định cư chính thức, mỗi người sẽ được cấp một lần 3.000 đồng để tự túc làm nhà, không tính vào vật liệu được cung cấp, dụng cụ làm nông, các loại hạt giống, phân bón, giường, tủ, bàn ghế, chăn màn và thực phẩm cứu trợ được cung cấp đều đặn đến khi cuộc sống được ổn định. Ở thành phố Đà Nẵng có những trại định cư như Thanh Bồ; Đức Lợi; Tam Toà, xa hơn một chút thì Hội An v.v. Riêng ở thủ đô Sài Gòn và vùng phụ cận có khoảng 10 trại tiếp cư tạm thời được thiết lập ở Phú Thọ; Bình Đông 1; Bình Đông 2; Bình Đông 3; Bình Trị Đông; Bình Thới, khu vực cầu Nhị Thiên Đường; Bảo Hưng Thái; Rạch Dưà; Xuân Trường (Thủ Đức); Biên Hoà v.v. Đó là chưa tính nhiều địa điểm tiếp cư nhỏ hơn ở các trường học nội đô Sài Gòn, hoặc tại Gò Vấp; Thủ Dầu Một, khuôn viên Toà Hành Chánh tỉnh Gia Định, Hoà Khánh (Chợ Lớn), khuôn viên Sở Cứu Hoả Đô Thành trên đường Trần Hưng Đạo v.v. Từ những nơi tạm cư sau những ngày đầu vượt thoát cộng sản, đồng bào di cư sẽ đưọc đưa đến lập nghiệp dài lâu trong 156 Khu Định Cư ở miền Nam; 65 khu ở miền Trung và 34 khu ở Cao Nguyên Trung Phần.
Đến cuối tháng 3/ 1955, các trại lều tạm trú ở Hải Phòng lần lượt tháo gỡ, số người tìm tới trại cũng giảm dần. Sang đầu tháng 4/ 1955, chỉ còn lại ba khu trại và khoảng 30.000 người đang chờ xuống tàu. Đến ngày 10/ 5/ 1955, tất cả các trại lều đều được tháo gỡ, Người chờ xuống tàu còn khoảng 4.000. Số người này được đưa vào thành phố Hải Phòng tạm trú trong những khu vực do Pháp và Mỹ kiểm soát. Cùng lúc đó phiá người Pháp ở Hải Phòng cũng giảm xuống còn khoảng 300 người, những ngưòi này được lệnh gấp rút tháo gỡ và đem xuống tàu tất cả những gì hữu dụng, từ máy móc cho tới bàn ghế, tủ, giường. Nói tóm lại là dọn sạch. Người Pháp quyết không chừa một thứ gì có giá trị lọt vào tay cộng sản. Tính tới giữa tháng 4/ 1955, đại diện MAAG cuả Mỹ vẫn còn vài người ở Hải Phòng như các Thiếu Tá Ralph Walker; Roger Ackley; Mike Walker; John McGowan; Norman Paulin v.v. Chuyến máy bay cuối cùng cuả Mỹ rời Hải Phòng ngày 11/ 5/ 1955. Chuyến tàu chót cuả Lực Lượng TF 90 là chiếc USS General A.W. Brewster, rời Vịnh Hạ Long ngày 15/ 5/ 1955 cùng với 1.300 người. Chuyến tàu chở người di cư sau cùng cuả hải quân Pháp là chiếc Gascogne, rời Hải Phòng ngày 26/ 5/ 1955 với 888 người.
USS General A. W. Brewster, tàu vận tải sau cùng của Hải Quân Mỹ rời Vịnh Hạ Long cùng 1.300 người di cư ngày 15/ 5/ 1955.
Tổng kết: Trong Chiến Dịch Vượt Đến Tự Do, Lực Lượng Hải Quân Đặc Nhiệm 90 cuả Mỹ đã huy động được 114 tàu các loại, thực hiện được 109 chuyến xuôi Nam, chở được 310. 848 người, 68.757 tấn hàng các loại và 8.000 xe quân sự lẫn dân sự. Có 54 người qua đời trên tàu và được thuỷ táng. Có 184 em bé chào đời trên các chuyến tàu vào Nam.
Từ năm 1955 đến 1956, chính phủ Mỹ viện trợ Việt Nam 93 triệu mỹ kim để giúp chính phủ lo việc tái định cư cho đồng bào. Riêng công chúng Mỹ và các trường học, cũng tổ chức quyên góp được 11 triệu mỹ kim giúp đồng bào di cư. Chi phiếu hiến tặng này được đại diện Mỹ trao tận tay Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ngày 1/ 7/ 1955.
Một đồng bào di cư qua đời trên tàu Mỹ và được thuỷ táng
Về phiá Pháp: Không lâu sau ngày ký "Hiệp Định Đình Chiến", từ ngày 5/ 8/ 1954 người Pháp đã làm hết sức để vận chuyển vô Nam không những các nhân viên quân sự, hành chánh, công dân cuả họ mà còn giúp đưa người dân miền Bắc thoát khỏi tay cộng sản, bằng máy bay và bằng tàu thuỷ. Lúc tàu hải quân Mỹ đến Vịnh Hạ Long thì hải quân Pháp cũng đã vận chuyển được nhiều ngàn người.
Tàu hải quân LSM hạng trung cuả Pháp giúp đưa người từ bờ ra tàu lớn cuả Mỹ trong Vịnh Hạ Long, tháng 9/ 1954
Phiá Pháp đã phối hợp với hải quân Mỹ, họ xử dụng tối đa các loại tàu nhỏ đưa người di cư từ Hải Phòng ra chuyển lên tàu lớn cuả Mỹ, đồng thời cũng dùng tàu vận tải đưa người thẳng vào Nam. Dù trong thực tế, lực lưọng hải quân cuả họ ở vùng Đông Pháp không có nhiều tàu loại lớn như hải quân Mỹ, nhưng họ vẫn cố gắng làm hết sức mình để giúp người di cư. Tàu cuả Pháp thực hiện được 388 chuyến xuôi Nam, vận chuyển được hơn 240.000 người. Máy bay Pháp ở Hà Nội; Nam Định; Hải Phòng tính chung đã chở được khoảng 213.000 ngưòi với 4.280 chuyến bay, trong đó có 40.000 công dân Pháp, 4.000 người là các nhân viên hành chánh. Ngoài việc giúp đưa người đi, phiá Pháp cũng hợp tác với Việt Nam và Mỹ làm việc ở các khu trại, lập các toán an ninh tuần tra quanh khu vực Hải Phòng và giữ được trật tự trong thành phố. Pháp cũng lập ra các toán máy bay loại nhỏ, các con tàu chạy gần bờ để tìm kiếm và cứu những người trôi dạt trên biển. Điển hình như Đại Úy Gerald Cauvin, người chỉ huy một đội thuỷ phi cơ và tàu nhỏ ở Hải Phòng mà trách nhiệm là đi tìm người gặp nạn. Có lần ông đã cứu được một lúc hơn 1.000 người đã kiệt sức, sắp chết đói trên 14 chiếc ghe đánh cá đang thả trôi trên biển, cách xa bờ hơn 10 cây số. Tàu cấp cứu cuả Pháp được ông hướng dẫn đã tới cứu số người này và đưa về Hải Phòng. Họ là giáo dân ở Cửa Lò Nghệ An, một giáo xứ nằm cách xa phiá Nam - Hải Phòng hơn 300 km.
Về sự giúp đỡ chuyển vận người bằng đường biển, các nước sau đây cũng có góp phần: Tàu Anh giúp được 2 chuyến; Cộng Hoà Trung Hoa Dân Quốc (đài Loan) được 2 chuyến và tàu Ba Lan được 4 chuyến.
Năm 1957, chính phủ Việt Nam Công Hoà công bố có khoảng 928.152 người di cư vào miền Nam. Riêng số người được đưa vô bằng tàu thuỷ và máy bay có khoảng hơn 555.000. Những người tự túc tìm phương tiện ra đi có khoảng 110.000 người. Người Việt gốc Hoa ở các thành phố miền Bắc bỏ vào Nam khoảng hơn 15.000 người. Ngược lại, toàn miền Nam chỉ có 4.358 người xin trở về miền Bắc. Phần đông số người này vào lập nghiệp ở miền Nam lúc Pháp tuyển mộ phu đồn điền hoặc cạo mủ cao su. Những con số dẫn trên là thuộc dân sự.
Về quân sự: Lính Quân Đội Quốc Gia hoặc trong quân đội Pháp (kể cả tù binh mới trao trả) vào được miền Nam 190.000 người, 33.000 người khác đi theo là gia đình hay thân nhân cuả số quân nhân vừa kể. Có khoảng 25.000 quân nhân và thân nhân đồng bào Nùng, Thái, Mèo v.v được vận chuyển vào Nam.
Cuối năm 1955, Phủ Tổng Ủy Di Cư - Tỵ Nạn có đưa ra một con số ước tính: Trong tổng số người di cư, có 676.348 người theo công giáo, (76.3%); 209.132 người theo phật giáo (23.5%); 1.041 người theo tin lành (0.2%).
Sứ Vụ Quân Sự Sài Gòn: "Chiến Dịch Huynh Đệ " và Đại Đội Tự Do, 1954 - 1955.
(Saigon Military Mission: "Operation Brotherhood" and Freedom Company, 1954 - 1955)
.
Trong lúc chiến trường Điện Biên Phủ còn mịt mù trong lửa đạn, Mỹ đưa tới Sài Gòn một sĩ quan Không Quân, được tuyển dụng bởi CIA (Central Intelligence Agency, Cục Tình Báo Trung Ương) giúp chính phủ Quốc Gia Việt Nam vấn đề chống du kích, chống phản loạn cuả cộng sản.
Ngày 1/ 6/ 1954, Đại Tá Edward Gear Lansdale đến Sài Gòn trên một chiếc thuỷ phi cơ cuả Phi Đoàn 31 Hàng Không Cứu Cấp - Biển (31st Air Rescue - Sea Squadron) tại căn cứ không quân Clark ở Phi Luật Tân, cách Sài Gòn khoảng 1.600 km. Hành lý ông ta mang theo chỉ có một thùng nhỏ đựng hồ sơ, vài bộ áo quần và một máy đánh chữ mượn cuả người quen. Đây là lần thứ hai Đại Tá Eward G. Lansdale đến Việt Nam, lần đầu vào năm 1953, ông đến với vai trò cố vấn cho quân đội Pháp các kinh nghiệm chống du kích. Lần này thì khác, ông cần phải giữ bí mật các việc ông sẽ làm.
Để che đậy sự chú ý cuả "người ngoài", Tư Lệnh MAAG - I ở Sài Gòn Trung Tướng John W. O'Daniel sắp đặt cho ông ta giữ chức "Phụ Tá Tùy Viên Không Quân" tại Toà Đại Sứ Mỹ (lúc ấy do ông Robert McClintock Xử Lý Thường Vụ, đại sứ chính thức là ông Donald Heath đã về Mỹ từ tháng 1/ 1954). Khi đưa Đại Tá E. G. Lansdale tới Sài Gòn, ở thành phố này đã có một trạm CIA do ông Emmett McCathay chỉ huy (sau được thế bởi ông John Anderton). Hoạt động cuả trạm CIA này chủ yếu theo dõi, thu thập tin tức v.v từ những điệp viên cuả Nga Sô; Trung Cộng đang có mặt tại vùng Đông Pháp, được coi thuộc phạm vi tình báo dân sự và họ phải thường xuyên gởi các báo cáo về văn phòng trung ương ở Mỹ. Nhưng trạm CIA thứ hai cuả Đại Tá E. G. Lansdale thì khác, nó sẽ có những hoạt động bán quân sự như tuyên truyền và phản tuyên truyền, chống khủng bố, và gài người hoạt động v.v...ngay trong lãnh thổ do cộng sản Việt Minh đang kiểm soát. Trạm cuả ông Lansdale không lệ thuộc vào hệ thống hàng dọc nào, hơn nữa ông ta có toàn quyền hành động và chỉ báo cáo trực tiếp với ba người là giám đốc văn phòng trung ương ở Mỹ, viên đại sứ và tư lệnh MAAG tại Việt Nam mà thôi. Ông ta được đưa đến Sài Gòn để giúp chính phủ Quốc Gia Việt Nam những kế sách, phương thức chống du kích, chống khủng bố, phá hoại v.v cuả cộng sản mà chính ông đã làm và thành công khi giúp Tổng Thống Ramon F. Magsaysay ở Phi Luật Tân đánh bại phe cộng sản Hukbalahap.
Ngay sau khi tới Sài Gòn, Đại Tá Lansdale đã bắt đầu thiết lập một cơ cấu tình báo nấp dưới tên: Saigon Military Mission (Sứ Vụ Quân Sự Sài Gòn, sẽ ghi tắt là Quân Vụ Sài Gòn hoặc SMM). Bước đầu các thông tin cần thiết nhất về tình hình Việt Nam đương thời sẽ được cung cấp từ Bộ Tư Lệnh MAAG, từ văn phòng Cơ Quan Thông Tin Liên Bang (United States Information Services - USIS) ở Sài Gòn, do ông George Hellyen làm Trưởng Phòng (ông này nói tiếng Việt rất giỏi). Giữa tháng 6/ 1954, qua trung gian cuả Trung Tá William Rosson bên MAAG, một cuộc họp đã được sắp đặt cho Đại Tá Lansdale; Đại Tá Carbonel cuả MAAG; Đại Tá Nguyễn Văn Vỹ, Chỉ Huy Trưởng Ngự Lâm Quân Việt Nam (?- tháng 6/ 1954 chưa lên tướng). Cuối tháng 6, Đại Tá Nguyễn Văn Vỹ giới thiệu ông Lansdale làm cố vấn cho Đại Úy Phạm Xuân Giai thuộc Phòng 5, Bộ Tổng Tham Mưu/ Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Kể từ giai đoạn này, ông Lansdale bắt đầu phối hợp với quân đội quốc gia, chuyên viên đặc biệt Đài Loan; Phi Luật Tân cùng hợp tác cho một kế hoạch chung được đặt tên Chiến Dịch Huynh Đệ (Operation Brotherhood), một đơn vị bí mật là Đại Đội Tự Do (Freedom Company) sẽ thành lập trong tháng 9/ 1954.
Lúc bấy giờ ở Sài Gòn đã có nhiều phóng viên báo chí quốc tế, đại diện những hãng thông tấn v.v lập văn phòng thường trực để theo sát các diễn biến thời cuộc tại Việt Nam. Ông Lansdale thường phải nghe những câu hỏi, thắc mắc cuả giới này, đã nhiều lần phủ nhận điều họ nghi ngờ ông làm việc cho CIA và xác nhận mình làm việc ở Toà Đại Sứ với một vai trò khiêm nhường. Để chứng tỏ mình không có gì để che giấu, ông ta công khai thuê một căn nhà để sống ở số 51 đường Duy Tân, Sài Gòn.
Ngày 27/ 6/ 1954, Đại Tá Edward G. Lansdale đến thăm Thủ Tướng Ngô Đình Diệm.
Ngày 1/ 7/ 1954, CIA tăng cường cho Quân Vụ Sài Gòn (SMM) một người nữa là Thiếu Tá Lucien E. Conein, giấy tờ ghi là quân nhân cơ hữu cuả MAAG. Ông này đã từng hoạt động bí mật trên đất Pháp lúc Đức còn chiếm đóng. Đã tổ chức những toán kháng chiến người Pháp hoạt động sau lưng địch, rất giỏi trong lãnh vực phản tuyên truyền, phá hoại, gây rối loạn, hoang mang về tâm lý cho đối phương.
Thiếu Tá Lucien E. Conein
Chạy Đua Giữa Thời Và Thế
Ngay sau khi Điện Biên Phủ thất thủ vào ngày 5/ 7, hội nghị về Đông Pháp đang xúc tiến thì Quân Vụ Sài Gòn gấp rút làm việc tối đa. Trước khi bản hiệp định được các bên ký kết, SMM phải chuẩn bị xong mọi việc có lợi cho chính phủ quốc gia và cả phiá Mỹ nữa. Tuy nhiên trở ngại lớn nhất mà Quân Vụ Sài Gòn rất lo lắng là thiếu nhân sự. Các kế hoạch dự trù để hoạt động đã có sẵn, vậy mà họ không đủ người cho những vị trí cần thiết như kế hoạch đòi hỏi. Ngày 25/ 7/, Đại Tá Lansdale cầu cứu với Bộ Tư Lệnh MAAG ở Sài Gòn, ông cho biết nếu tình trạng này kéo dài thì các kế hoạch sẽ vô dụng vì bản hiệp định bắt đầu có hiệu lực vào ngày 11/ 8/ 1954. Trung Tướng John W. O'Daniel ngay lập tức gởi về Bộ Quốc Phòng một công điện khẩn, trong đó ông yêu cầu nơi đây và các cơ quan liên đới phải đáp ứng và nên quan tâm nhiều hơn về SMM ở Sài Gòn. Kết quả Bộ Tư Lệnh Hạm Đội Thái Bình Dương đã gởi đi những thông báo nội bộ, chỉ thị để các đơn vị trực thuộc tìm những sĩ quan ưu tú nhất đang có mặt trong vùng Thái Bình Dương, kêu gọi họ tình nguyện đến làm việc ở Việt Nam. Những người được chọn cần phải có kinh nghiệm chuyên môn, phải am tường và hiểu biết tổng quát về lịch sử, văn hoá, ngôn ngữ v.v cuả các nước vùng Đông Nam Á. Ngoài ra họ cũng phải có kinh nghiệm đối phó với cộng sản về chiến tranh tâm lý và tình báo. Đầu tháng 8/ 1954, sau các cuộc tìm kíếm, phỏng vấn v.v ờ Hawaii; Phi Luật Tân; Đài Loan; Đại Hàn; Okinawa thì CIA tuyển được 17 người, sau đó tất cả được gởi đến Sài Gòn trình diện Bộ Tư Lệnh MAAG theo giấy tờ "chính thức". Số sĩ quan tăng cưòng cho Quân Vụ Sài Gòn gồm có: Trung Tá Gordon Jorgenson (bộ binh); Trung Tá Raymond Wittmayer (BB); Thiếu Tá Fred Allen (BB); Trung Úy Edward Williams (BB); Trung Úy J. Phillip (BB); Đại Úy Richard Smith (TQLC); Đại Úy Arthur Arundel (TQLC); Trung Úy L. Andrews (hải quân); Trung Úy Edward Bain (HQ); Đại Úy Bernard Yoh (BB)- (danh tính những người còn lại đã bị che trong hồ sơ giải mật).
Việc yểm trợ cho Quân Vụ Sài Gòn, vấn đề vận chuyển bằng đường không cho kế hoạch sẽ do máy bay cuả "hãng" Civil Air Transport (CAT) đảm nhận (CAT thực ra là cuả CIA, về sau được đổi tên thành Air America). Để ngụy trang cho các hoạt động cuả mình ở Việt Nam, CIA đặt tên cho hồ sơ cuả địa bàn này là Combined Area Studies (CAS), hồ sơ về văn phòng CIA tại Sài Gòn được ngụy trang dưới tên Office of Special Assistance (OSA), hồ sơ bảo mật danh tính cho nhân viên hoạt động ở Viêt Nam thì mang tên Controlled American Source (CAS *).
Giữa tháng 8/ 1954, lần thứ nhất hàng loạt truyền đơn được tung ra ở miền Bắc với tin: "nguyên một trung đoàn lính Trung Cộng hãm hiếp tất cả phụ nữ ở một ngôi làng gần biên giới", tại miền Nam truyền đơn tung tin: " tất cả cán bộ Việt Minh tập kết đều được chở qua Trung Cộng làm lao công đường rầy xe lưả" !
Trong khi thúc đẩy những hoạt động cuả Quân Vụ Sài Gòn, Đại Tá Lansdale cũng thường lo lắng nghĩ đến vấn đề bảo vệ an ninh cho Thủ Tướng Ngô Đình Diệm. Vì thế ông qua Manila, bí mật thoả hiệp riêng với Tổng Thống Ramon Magsaysay để hỗ trợ chuyện này. Vị lãnh đạo nước Phi Luật Tân sau đó cử qua Sài Gòn Đại Tá Napoleon D. Valeriano và ba sĩ quan thân tín, những người này đã giúp Phủ thủ tướng lập được một đơn vị bảo vệ an ninh cấp tiểu đoàn (tiền thân cuả Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Phủ Tổng Thống).
Tính đến cuối tháng 8/ 1954, cơ cấu Quân Vụ Sài Gòn đã tạo được một quyền hạn riêng biệt đối với MAAG, lập được một uy tín đầy tin cậy với chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Mạng lưới hoạt động cuả nó nối kết nhiều nơi tại Á Châu, thiết lập đường dây "nóng" về thủ đô Liên Bang Mỹ và các thủ đô ở vùng Thái Bình Dương (ngoài MAAG - I ở Việt Nam, Mỹ cũng lập MAAG - Đại Hàn; MAAG - Đài Loan; MAAG- Thái Lan; Lào; Cam Bốt; Phi Luật Tân, riêng Vương Quốc Anh cũng có ở Sài Gòn: "Sứ Vụ Cố Vấn Anh tại Nam - Việt Nam" do ông Robert Thompson làm Trưởng Đoàn (British Advisory Mission to South - Vietnam , BRIAM - SVN).
Đại Đội Tự Do (Freedom Company).
Đầu tháng 9/ 1954, Thiếu Tá Lucien E. Conein ra Hà Nội lập một Bộ Chỉ Huy SMM cho khu vực miền Bắc, một trạm liên lạc ở thành phố Hải Phòng. Nhờ sự giúp sức cuả Phòng 2 Bộ TTM, phiá Mỹ đã tuyển được 13 người tình nguyện ở lại hoạt động, nhóm này được đặt tên là Toán Bình (hầu hết những người đựợc tuyển chọn đều nằm trong số người chờ di cư ở Hải Phòng, hoặc ngay tại Sài Gòn lúc họ vưà mới vào Nam, phần đông thuộc Đại Việt Quốc Dân Đảng và đều có gốc Bắc). Toán Bình sau đó được Trung Úy Andrews hướng dẫn tập trung đến bến cảng rồi biến mất dưới các tàu vận tải thuộc Lực Lượng Hải Quân Đặc Nhiệm 90, tiếp đó họ được chuyển tới một căn nhà bí mật ở Vũng Tàu để được huấn luyện. Toán Bình học kỹ thuật in ấn thủ công và những cách rải truyền đơn, phương pháp tạo tin đồn và tung tin đồn, cách ngụy trang hình dáng, làm thế nào để di chuyển cùng với vũ khí, thuốc nổ được an toàn đến địa điểm ấn định v.v. Cuối tháng 9, Toán Bình được chở về Hải Phòng, họ bắt đầu tỏa ra và biến mất trong đám đông người chờ di cư. Toán Bình được chỉ huy bởi một người mang bí danh Đinh Triệu, người liên lạc và yểm trợ là Đại Úy Arundel. Kể từ đầu tháng 10/ 1954, Toán Bình bắt đầu tung ra truyền đơn và đủ thứ tin đồn. Trong các loại truyền đơn cũng có thứ được làm giả y hệt cuả cộng sản Việt Minh với các tin như: "sau khi tiếp thu toàn miền Bắc, chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà có luật mới về tài sản cuả tư nhân", "sẽ có những thay đổi về tiền tệ theo quy định cuả nhà nước", "chuyện buôn bán riêng lẻ sẽ có nhiều cải cách" v.v. Quả thật các thứ tin loại này đã làm dân chúng ở Hà Nội; Hải Dương; Nam Định v.v xôn xao bàn tán. Nó gây hoang mang trong dư luận miền Bắc, tới mức một đài phát thanh cuả Việt Minh đặt gần biên giới phải lên tiếng đính chính. Nhưng dân chúng vẫn không tin, họ còn cho rằng đài đó là cuả Pháp vì Việt Minh làm gì có đài phát thanh ! Phiá Mỹ cũng mua chuộc được một số các thầy bói, chiêm tinh gia tham dự việc tạo tin đồn. Các "thầy" này rỉ tai truyền nhau là sau nhiều lần bói bài, coi quẻ, bấm độn, nhìn sao v.v thì chỉ thấy toàn các quẻ bất lợi cho Việt Minh, chỗ nào Việt Minh tới nơi đó sẽ ngập máu, Việt Minh chắc chắn sẽ sụp đổ vì Trung Cộng sẽ đưa quân qua trấn đóng khắp miền Bắc v.v. Ngoài các việc nêu trên, Toán Bình cũng có nhiệm vụ tìm cách phá hoại những nơi chưá nhiên liệu, đạn dược, đốt phá nhà ga, nhà máy điện, đường ray v.v. Họ đã được một toán chuyên viên người Đài Loan do CIA mướn đến Hải Phòng hướng dẫn.
Cùng lúc đó ở Sài Gòn, trong tháng 9/ 1954 nhân viên an ninh cuả Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ phối hợp với Trung Tá Raymond Wittmayer tuyển được 21 người. Nhóm này do Thiếu Tá Fred Allen; Trung Úy Edward Williams chỉ huy và được đặt tên là Toán Hoà. Ở Sài gòn họ được chia ra thành những tổ hoạt động riêng lẻ, có nhiệm vụ trà trộn đến các địa điểm tập kết cuả cộng sản Việt Minh để tung ra những tin đồn gây tâm lý bất an cho người muốn ra Bắc. Ngày 23/ 11/ 1954, Toán Hoà cùng hai đầu bếp giả dạng làm phu khuân vác ở bến tàu, họ lẫn lộn trong đám đông rồi biến mất dưới các hầm tàu mới chở người di cư cập bến. Từng người trong họ được Thiếu Tá Allen cho biết trước tên con tàu mình phải xuống, tìm nơi ẩn nấp và chờ người đến liên lạc. Khi những chiếc tàu này ra khơi, Toán Hoà sẽ được gom lại và chuyển qua tàu hải quân chở tới phi trường quân sự Clark ở Phi Luật Tân. Tại đây cả toán được đưa đến một khu vực biệt lập nằm trong môt thung lũng vắng vẻ, chương trình huấn luyện cho họ sẽ do hai Thiếu Tá Bohanan và John Wachtel cuả SMM chịu trách nhiệm.
Trong thời gian Toán Hoà được huấn luyện, những thứ cần thiết cho hoạt động cuả họ sau này cũng bắt đầu đưa tới Sài Gòn trong những kiện hàng, thùng giấy có bề ngoài nhìn rất "dân sự", việc vận chuyển do Không Đoàn 581 ở phi trường Clark đảm trách. Mỗi khi hàng tới, bộ chỉ huy Quân Vụ Sài Gòn cử các sĩ quan cuả họ đích thân ra phi trường ký nhận, chính những sĩ quan này cũng tự mình đem hàng xuống, ngưòi lạ không được phép đến gần khu vực. Đôi khi họ phải làm cật lực suốt đêm mới chuyển hết hàng tấn hàng đến nơi an toàn trước khi trời sáng.
Những Anh Hùng Vô Danh Đi Vào Nơi Bóng Tối.
Bắt đầu từ ngày 31/ 1/ 1955, các trang bị dành cho Đại Đội Tự Do lần lượt được chở ra Hải Phòng bằng máy bay cuả "hãng" Civil Air Transport (CAT). Để chuẩn bị việc phân tán số hàng nói trên, Thiếu Tá L. Conein đã triệu tập một cuộc họp với Toán Bình ở Hải Phòng. Cả toán được cho biết họ có trách nhiệm bí mật phân tán một số vật dụng đến nhiều địa điểm khác nhau. Ngoài ra, Toán Bình cũng được cho biết trước vài điểm hẹn bên bờ sông Hồng, sẽ có tàu loại nhỏ cuả hải quân Mỹ giả làm tàu tuần, xuất phát từ Hải Phòng đi ngược dòng sông chở hàng đến trao cho họ tại những tọa độ đã giao ước. Họ phải sống và xử sự như những người dân bình thường, tuỳ theo từng nơi hoạt động sẽ được cung cấp các loại giấy tờ hợp lệ cuả cộng sản Việt Minh để tiện cho việc di chuyển. Toán Bình có 30 ngày để hoàn tất công tác phân tán những vật dụng trang bị đang có ở Hải Phòng.
Ngày 16/ 4/ 1955, sau khi học xong chương trình huấn luyện, Toán Hoà được tàu hải quân chở đến Hải Phòng. Họ lên bờ với quần áo như những người dân khác rồi biến mất trong đám đông để tìm tới các địa điểm đã ghi nhớ trong đầu. Ngày 16/ 5/ 1955, lúc Việt Minh đến tiếp nhận thành phố Hải Phòng thì cả hai toán Hoà - Bình không còn để lại tông tích nào trên đất Bằc.
Tổng số lượng quân dụng trang bị cho Đại Đội Tự Do nặng khoảng 8 tấn rưỡi với 300 súng Carbine; 50 súng ngắn; 14 máy vô tuyến cá nhân; 90.000 viên đạn Carbine; 10.000 viên đạn súng ngắn; 200 kg thuốc nổ v.v. Hơn 2 tấn rưỡi được chuyển ra khỏi Hải Phòng bằng đường bộ, gần 6 tấn còn lại do tàu tuần cuả Mỹ đưa đến các điểm hẹn đã báo trước. Phần lớn số vũ khí trang bị nêu trên được giấu trong các quan tài rồi chôn tại nhiều nghĩa địa khác nhau.
Cuối năm 1956 Đại Tá Edward G. Lansdale rời Việt Nam, Saigon Military Mission được giải tán. Tháng 4/ 1960 ông được thăng cấp Thiếu Tướng, giữ chức Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng đặc trách Hành Quân Đặc Biệt và về hưu năm 1968 (Ông Edward G. Lansdale sinh ngày 6/ 2/ 1908, qua đời ngày 23/ 2/ 1987. Ông là tác giả cuốn In The Midst Of Wars - An Americans Mission to Southeast Asia, do Harper & Row, San Fransisco xuất bản năm 1972).
NHỮNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI.
Bà Vũ Thị Ngãi (Madame Ngãi).
Madame Ngãi đang chăm sóc một em bị ghẻ lở.
Bà Vũ Thị Ngãi sinh năm 1905 trong một gia đình giàu có ờ tỉnh Thanh Hoá. Năm 1946, cộng sản phát động khủng bố sát hại nhiều người ở khắp tỉnh, chồng bà cũng bị cộng sản giết chết vào lúc này. Sau khi gởi hai người con đi lánh nạn bên Pháp, bà Vũ Thị Ngãi ở lại và bắt đầu làm việc từ thiện, cứu giúp những trẻ em bất hạnh bị bỏ rơi vì loạn lạc. Bà đích thân hoặc nhờ người đi tìm đem về căn nhà rộng lớn cuả mình nuôi những trẻ em mồ côi cha mẹ, bị thất lạc người thân vì chiến cuộc, các em sống lang thang xin ăn ở bến xe, chợ buá, những em bị bỏ rơi bên lề đường vì tật nguyền v.v. Tính đến cuối năm 1947, bà đã đem về nhà nuôi gần 600 em có hoàn cảnh nêu trên. Năm 1948, thị xã Thanh Hoá trở thành nơi nhiều nguy hiểm vì cộng sản Việt Nam thường xuyên khủng bố, giết hại dân lành khắp nơi. Bà Vũ Thị Ngãi buộc phải bán hết nhà cửa, tư trang tìm đến thị xã Nam Định mua một căn nhà khác để tiếp tục việc làm từ thiện cuả mình. Năm 1949, cộng sản đánh phá Nam Định, bà phải mang hơn 1.000 em nhỏ dọn tới Hải Phòng. Hơn một nửa trong số này là những em bị mù, bị bại liệt, bị gù lưng, bị câm, điếc hoặc ghẻ lở v.v. Tại Hải Phòng bà được ông thị trưởng tạm cấp một căn nhà ở An Lạc, được giúp một phần lương thực cứu tế, thuốc men, điện và nước được cung cấp miễn phí. Năm 1954, khi chiến trường Điện Biên Phủ diễn ra, người Pháp đã đến chiếm căn nhà với lý do họ cần nơi điều trị cho quân nhân bị thương đưa về từ chiến trường. Lúc này số trẻ em mà bà cưu mang đã lên tới gần 1.200. Một lần nữa bà Vũ Thị Ngãi phải vất vả đi tìm một căn nhà nhỏ hơn để các em có nơi nương náu.
Sau ngày các đơn vị thuộc Lực Lượng Hải Quân Đặc Nhiệm 90 cuả Mỹ đến Hải Phòng, những trại lều được dựng lên thì bà Vũ Thị Ngãi cũng lặn lội đến các trại, vưà làm việc thiện nguyện vưà tìm kiếm các em bé bất hạnh không có ai để nương tựa trong lớp lớp sóng người chờ di cư. Ở đây, bà cũng được sự giúp đỡ cuả những vị như bác sĩ Phạm Văn Huyến, bác sĩ Phạm Hữu Chương, ông Mai Văn Hàm, ông Bùi Văn Lương, ông Ngô Ngọc Đối v.v.
Qua nhiều lần tới lui giữa các trại lều, bà gặp được một Trung Úy Quân Y Hải Quân, bác sĩ Thomas A. Dooley và mời ông này tới viếng thăm "cô nhi viện" cuả mình ở An Lạc. Vị bác sĩ này rất xúc động và cảm phục lúc biết việc làm đầy tình người cuả bà Vũ Thị Ngãi, ông viết thư kể rõ sự tình và gởi đến trường đại học University of Notre Dame ở tiểu bang Indiana. Các giáo sư và sinh viên tại trường sau khi đọc thơ, họ mới biết ở Hải Phòng Việt Nam đang có một "viện mồ côi lưu động" trong loạn lạc như thế. Bà Erma Konya làm đại diện cho trường đứng ra tổ chức các cuộc lạc quyên vì nhân đạo, sau đó họ gởi tặng "viện mồ côi" cuả bà Vũ Thị Ngãi khoảng 40 thùng quà gồm có áo quần trẻ em, âu dược, giày vớ, kẹo bánh, sách vở thiếu nhi và cả các thứ đồ chơi cho trẻ con v.v. Cũng trong lúc đó, những thuỷ thủ Mỹ ở Hải Phòng đã giúp thêm cho "viện mồ côi" này bánh mì, sữa bột, thịt đóng hộp, xà phòng và 400 mỹ kim do thuỷ thủ quyên góp.
Đầu tháng 3/ 1955, đại diện cuả Mỹ và Pháp ở Hải Phòng vài lần đến thúc hối bà Vũ Thị Ngãi nên đưa các em xuống tàu vào Nam, nhưng bà vẵn chưa chịu ra đi. Bà cho biết mình cần ở lại vì muốn tìm cho hết những em bị bỏ quên đâu đó trong các trại lều. Mãi tới giữa tháng 4/ 1955, khi có tin cộng sản sẽ vào Hải Phòng trong tháng 5, bà Vũ Thị Ngãi mới chịu đưa đàn con mình xuống tàu. Chiếc tàu USS General Brewster rời Vịnh Hạ Long và chở gần 1.500 người, trong đó có "viện mồ côi" cuả bà Vũ Thị Ngãi đến được bến bờ tự do ở miền Nam - Việt Nam. Tại Sài Gòn, "phái đoàn mồ côi" cuả bà Vũ Thị Ngãi được đại diện chính phủ và các hội từ thiện đón tiếp trang trọng. Với sự trợ giúp cuả Phủ Tổng Ủy Di Cư - Tỵ Nạn, các hội từ thiện và sự bảo trợ từ cơ quan USOM, bà Vũ Thị Ngãi và các em mồ côi được tạm cấp một căn nhà, nơi đây sẽ trở thành Viện Mồ Côi An Lạc do bà sáng lập.
Vào năm 1961, có một phụ nữ người Mỹ là bà Betty Mohl Tisdale (sinh năm 1923), sau khi được đọc các câu chuyện viết về bà Vũ Thị Ngãi ở Việt Nam và các trẻ mồ côi, bà đã đến Sài Gòn tìm thăm viện mồ côi này. Khi thấy được các hình ảnh thực tế về "Viện Mồ Côi An Lạc" với quá nhiều thiếu thốn, bà Betty M. Tisdale trở về Mỹ, chính thức bỏ nghề nghiệp cuả mình tại tiểu bang George và đứng ra vận động công chúng cứu giúp cho trẻ mồ côi cuả bà Vũ Thị Ngãi. Từ đó bà Betty M. Tisdale thường qua Sài Gòn làm việc thiện nguyện ở Viện Mồ Côi An Lạc. Chính ở nơi đây bà đã gặp một Đại Uý Quân Y, bác sĩ Patrick Tisdale, một trong số những quân nhân Mỹ hay đến giúp khám bệnh cho các em mồ côi. Hai người trở thành vợ chồng và cũng trở thành hai vị bảo trợ đáng kính cuả Viện Mồ Côi An Lạc (suốt thời gian làm thiện nguyện nơi đây, vợ chồng ông bà đã quyên góp được hơn 350.000 mỹ kim cho Viện Mồ Côi An Lạc, ông Patrick Tisdale về hưu với cấp bậc Đại Tá).
Ngày 10/ 4/ 1975, trước sự đe dọa cuả ngọn sóng đỏ cộng sản, bà Betty M. Tisdale cố gắng liên lạc và vận động Toà Đại Sứ Mỹ ở Sài Gòn giúp phương tiện di tản các trẻ em mồ côi cuả bà Vũ Thị Ngãi. Ngày 12/ 4/ 1975, tờ nhật báo Columbus Enquirer - Ledger ở Columbus tiểu bang George đăng một bản tin về một chuyến bay chở trẻ em mồ côi từ Sài Gòn sẽ tới Columbus trong ngày hôm đó. Cũng trong ngày 12/ 4/ 1975, chuyến bay nói trên đáp xuống phi trưòng Los Angeles tiểu bang California cùng với 219 em nhỏ cuả Viện Mồ Côi An Lạc. Trong cuộc hành trình từ Sài Gòn đến Mỹ, có một em qua đời vì bệnh nặng. Máy bay sau đó tiếp tục cất cách chở các em đến George, một số trong đó vì quá yếu sức nên được gởi lại bệnh viện trường đại học UCLA để điều trị. Riêng bà Vũ Thị Ngãi vẫn ở lại Sài Gòn dù biết tính mạng mình sẽ gặp nguy hiểm bởi cộng sản. Cuối cùng nhờ sự vận động cuả bà Betty M. Tisdale với Toà Đại Sứ, bà Vũ Thị Ngãi được đưa ra khỏi Sài Gòn đến đảo Guam trong ngày 20/ 4. Bà được vợ chồng ông bà Betty và Patrick Tisdale bảo lãnh vào Mỹ và đến Columbus, George đúng vào ngày 30/ 4/ 1975. Vợ chồng ân nhân bảo trợ đã xây riêng cho bà Vũ Thị Ngãi một căn nhà nhỏ xinh xắn ngay trong ngôi vườn cuả mình. Bà sống ở đây được ba năm và qua đời năm 1978, hưởng thọ 73 tuổi.
Bà Vũ Thị Ngãi (giữa) và một người cháu cùng bà Betty M. Tisdale ở phi trường Tân Sơn Nhất lúc tiễn 219 em mồ côi lên máy bay ngày 12/ 4/ 1975.
Trung Úy Quân Y Hải Quân, Bác Sĩ Thomas A. Dooley.
Bác sĩ Thomas A. Dooley ở Hải Phòng, 10/ 1954
Lúc "Chiến Dịch Vượt Đến Tự Do" bắt đầu được khai triển thì Trung Úy Thomas A. Dooley đang tòng sự tại căn cứ Yokosuka, Nhật Bản. Tháng 8/ 1954, cùng với một số sĩ quan quân y khác ở Hawaii; Phi Luật Tân; Okinawa ông được điều động tới Hải Phòng để làm việc trên vận tải hạm USS Montague trong Vịnh Hạ Long. Nhiệm vụ cuả ông là khám sơ quát cho những người di cư sắp được chuyển ra tàu lớn, khi trở về tàu thì ông vẫn khám tiếp cho những ai muốn xin được khám bệnh. Nhờ nói được tiếng Tây khá lưu loát, ông lại nhận thêm trách nhiệm làm thông dịch viên Anh - Pháp cho các đội tàu nhỏ chuyển người từ bờ ra tàu lớn. Ông rất sốt sắng trong công việc, gần gũi với mọi người, không ngại ngùng khi tiếp xúc với người tỵ nạn mà không ít người trong số họ áo quần bẩn thỉu, hôi hám sau những ngày đêm lặn lội tìm đến Hải Phòng với đôi chân lở loét. Cuối tháng 9/ 1954, ông được chỉ định làm bác sĩ thường trực trong đội Quân Y Hải Quân - Bờ. Đêm xuống thì về ngủ trong khu vực quân sự ở cảng Hải Phòng, trời sáng thì cùng những bác sĩ khác toả ra làm phận sự tại các lều y tế đã được dựng lên ở ngoại ô thành phố. Kể từ tháng 11/ 1954, ông trở thành vị sĩ quan chỉ huy cuả đội quân y hoạt động ở các trại lều.
Tình Nhân Đạo Không Có Biên Cương.
Thời gian làm việc ở các trại, ông Thomas A. Dooley mới cảm nhận được, mới thấm thiá sâu xa về sự khổ đau tận cùng cuả dân tộc một đất nước vừa bị thực dân bóc lột tàn tệ, vưà bị cộng sản man rợ gây ra nhiều thảm cảnh đau thương. Ông đã chứng kiến, đã nghe người chạy nạn kể lại những hành động tàn ác cuả cộng sản mỗi khi chúng bắt được ai cố tình muốn vào Nam. Nếu nạn nhân là người theo đạo công giáo thì họ phải chịu sự hành hạ đau đớn nhiều hơn như cắt bàn chân, xẻo tai, đâm mù mắt, chọc thủng lỗ tai, treo hỏng mặt đất v.v bất kể đó là người lớn hay trẻ em. Bên cạnh các cách tra tấn tàn bạo đó, cộng sản còn cho cán bộ đi tuyên truyền láo khoét khắp nơi. Nào là người Mỹ hút máu người và ăn sống trẻ con, Mỹ lén bỏ thuốc độc vào nước uống ở các trại làm nhiều người bị bệnh, cố tình xịt thuốc độc lên người đến trại làm họ bị phỏng và lở loét, Mỹ và Pháp cố tình bắt cóc người cưỡng bức di cư xuống tàu, ai ở trên tàu say sóng sẽ bị ném xuống biển, Mỹ là nước tư bản nên cần người qua đó làm cu li, thanh niên khoẻ mạnh sẽ bị đưa đi cạo mủ cao su v.v và v.v
Chính những bác sĩ Mỹ và ngay cả bản thân ông Thomas A. Dooley cũng vài lần thành nạn nhân về sự tuyên truyền cuả cộng sản. Có một lần, sau khi chích Penicillin cho một em nhỏ bị ghẻ lở khắp mình thì em bị co giật và khóc thét. Bà mẹ em gào lên, chụp một khúc củi đánh tới tấp làm ông bị bầm mắt. Sáng hôm sau bà mẹ này đầm đià nước mắt, quỳ xuống trước mặt ông Thomas Dolley xin nhận lỗi vì đã hiểu lầm. Bác sĩ Gleason một lần vác bình thuốc DDT đi xịt quanh trại, có mấy đưá nhỏ chạy theo đuà giỡn, thấy vui ông đưa cần phun thuốc về phiá các em. Ông này bị một lúc mấy bà mẹ rượt đánh vì tưởng ông xịt thuốc độc lên con họ! Chuyện này xảy ra thường xuyên trong vài tháng đầu vì ngày nào cũng có hàng ngàn người từ xa mới đến, chưa được hướng dẫn đầy đủ. Các quân nhân Mỹ phải mỉm cười thông cảm, họ chịu đựng và giữ hoà nhã để làm điều thiện. Những chuyện hiểu lầm "bá láp" như vậy rồi cũng không còn nữa. Ban đại diện trại lập ra nhiều tổ nhỏ đi giải thích cho người mới đến các điều cần biết trong lúc sống tạm ở trại lều.
Trung Úy Thomas A. Doolley cùng các bác sĩ, y tá trong toán quân y và những quân nhân khác cuả Mỹ phục vụ ở Hải Phòng, từ bến tàu vận chuyển cho đến các trại lều, tất cả đã tận tâm, tận lực đem hết khả năng để giúp người tỵ nạn vơi bớt những khổ đau, hết lo lắng, tự tin hơn ở tương lai sau nhiều ngày đêm trốn tránh các hiểm nguy mà cộng sản đã dành cho họ trên đường vượt thoát. Ngày12/ 5/ 1955, bác sĩ Thomas A. Doolley cùng toán quân y rời Hải Phòng ra tàu lớn, ngày đầu lên bờ ông cân nặng 180 pounds, ngày rời miền Bắc Việt Nam ông chỉ còn 120 pounds. Từng người trong họ ai cũng mang nét mặt buồn thảm, lắc đầu thở dài vì biết chắc vẫn còn rất nhiều người muốn ra đi nhưng thời hạn "tự do di chuyển" thì quá ngắn. Cũng trong ngày hôm đó ở Sài Gòn, phủ thủ tướng có quyết định trao tặng huy chương cho nhiều quân nhân thuộc Lực Lượng Hải Quân Đặc Nhiệm 90. Riêng Trung Úy Quân Y Hải Quân Thomas A. Doolley, chính đích thân Thủ Tướng Ngô Đình Diệm ân tặng Chương Mỹ Bội Tinh cho ông trong một buổi lễ tại Sài Gòn.
Việc ghi thêm về hoạt động cuả Mỹ ở Hải Phòng từ tháng 8/ 1954 đến tháng 5/ 1955, chúng tôi thấy không cần thiết vì chẳng thể nói hết được công việc mà những ân nhân ấy đã làm. Sáu mươi năm đã trôi qua trong lịch sử kể từ năm 1954. Những người xưa cuả Lực Lượng TF 90 nay đã ngoài 80 tuổi trở lên. Dù ai vẫn còn, hoặc người đã về nơi khuất bóng thì những gì đã ghi ra nơi đây, được xem như lời tri ân chung kính gởi đến quí ân nhân, những người có một thời đã san sẻ một phần khổ đau cuả đồng bào Việt Nam chúng tôi.
Riêng Trung Úy Thomas A. Doolley, sau ngày về Mỹ đã viết một cuốn sách kể lại những gì ông mắt thấy tai nghe tại Hải Phòng. Cuốn: "Deliver Us From Evil" - Đem Chúng Tôi Ra Khỏi Sự Dữ (Berkley Publishing Corp, 1956) đã làm công chúng Mỹ nói riêng, công luận khắp thế giới nói chung, hiểu biết thêm về sự tàn độc vô nhân tính cuả cộng sản Việt Nam. Cuộc đời ông Thomas A. Doolley về sau rất ly kỳ. Vì một nguyên nhân rất tế nhị, ông hợp tác với CIA qua sắp đặt cuả Đại Tá Edward G. Lansdale, đến vùng rừng núi Nam Tha ở Lào lập một bệnh xá giáp biên giới với Trung Cộng. Năm 1959 ông phải trở về Mỹ vì mắc bệnh ung thư. Bác sĩ Thomas Anthony Doolley sinh ngày 17/ 1/ 1927, qua đời ngày 18/ 1/ 1961, hưởng dương 34 tuổi. Ngày ông qua đời, cũng là ngày cộng sản tràn ngập bệnh xá cuả ông ở Nam Tha.
Những Bàn Tay Độc Ác Của Cộng Sản
Hình chụp quả tang cộng sản bắt giữ, hành hạ đồng bào VN muốn đến với Tự Do, tháng 10/ 1954.
Giáo phận Phát Diệm thuộc huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình, nằm về hướng Nam - Hà Nội và Hải Phòng khoảng hơn 100 km.
Từ ngày 30/ 6/ 1954, Giám Mục Lê Hữu Từ đã cho giáo dân di cư vào Nam. Bản thân ông cùng với 10 linh mục, khoảng 15 chủng sinh và 183 nữ tu xuống tàu nhỏ đi trước ở cầu Trì Chính, theo đường sông ra biển để lên tàu lớn. Tính tới ngày 11/7, Phát Diệm đã có khoảng 60.000 giáo dân, 124 linh mục đã vô được miền Nam. Sau ngày này, giáo dân vẫn còn tiếp tục ra đi, vừa bằng ghe nhỏ đi ra Hải Phòng hoặc bằng đường bộ về hướng Hà Nội.
Nhưng đến ngày 20/ 10/ 1954, Ủy Ban Di Tản Người Việt Nam Tỵ Nạn ở Hải Phòng nhận được tin báo: Ở Phát Diệm vẫn còn hơn 20.000 người muốn ra đi nhưng không được. Bộ đội cộng sản đã lập nhiều trạm gác quanh vùng này và không cho ai được rời Phát Diệm, Quốc Lộ 10 đi Hà Nội cũng bị cộng sản cấm lưu thông". Một cuộc họp giữa các đại diện Việt; Pháp; Mỹ đựợc tổ chức tại Hải Phòng, sau đó đề ra cách giải thoát người ở Phát Diệm. Những bức điện tố cáo sự vi phạm cuả công sản Việt Minh được gởi đi các nơi để báo động dư luận, kể cả gởi cho đại diện ICSC ở Hải Phòng; Hà Nội và Sài Gòn. Cùng lúc đó, vài giáo dân tín cẩn được phái tới Phát Diệm bằng đường biển để báo một tin mật: "Kể từ ngày 1/11, mọi người hãy tập trung quanh khu vực nhà thờ chánh toà, sẽ có đại diện ICSC tới đưa đi. Dù phái đoàn có đến trễ vài ngày, mọi người phải kiên nhẫn chờ đợi, không nên giải tán".
Ngày 2/11, cộng sản ở khu vực Phát Diệm cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Giáo dân sau khi dự lễ không về nhà như thường lệ, lần này họ ở lại ăn ngủ tại chỗ và số người tụ tập mỗi ngày càng đông dần. Cộng sản ra lệnh báo động trong toàn tỉnh Ninh Bình, họ đưa thêm nhiều đơn vị đến khu vực, lập thêm nhiều trạm gác và còn ra lệnh các làng lân cận không được đem thức ăn, nước uống vào khu vực nhà thờ Phát Diệm. Mục đích cuả cộng sản là làm cho mọi người vì thiếu thực phẩm, nước uống sẽ tự động giải tán. Trong khi đó ở Hải Phòng, tổ ICSC vẫn không đi được vì ủy viên Ba Lan cứ thoái thác với lý do không có phương tiện! Ngày 8/11, Bộ Tư Lệnh MAAG ở Sài Gòn báo ra Hải Phòng cho phép được xử dụng hai chiếc trực thăng chở đại diện ICSC tới Phát Diệm, một chiếc cuả Đề Đốc Lorenzo Sabin và một chiếc cuả Đô Đốc Jean Marie Querville (thời đó trực thăng còn rất hiếm).
Ngày 10/11, trực thăng chở mọi người đáp xuống cách nhà thờ Phát Diệm không xa, phái đoàn tận mắt chứng kiến cảnh gần 20.000 người chen chúc nằm ngồi la liệt cả một vùng rộng lớn quanh nhà thờ chính toà, họ kêu gào khóc than vì gần 10 ngày qua không có đủ nước uống và thực phẩm vì bị cộng sản bao vây. Đại diện Việt Nam, ISCS liền gởi thông tin về Hải Phòng cũng như gởi thẳng tới ông HCM tại Hà Nội để phản đối việc làm đó. Vì bị bắt quả tang nên cộng sản không thể chối cãi được. Họ ra lệnh cho viên chỉ huy quân sự ở Ninh Bình rút bỏ các trạm gác ngăn chặn người quanh khu vực. Tuy nhiên, bản chất gian manh cuả cộng sản muôn đời vẫn không thay đổi, họ chấp nhận rút quân không bao vây nữa thì họ lập ra ngay sân nhà thờ cái gọi là "ủy ban Việt Minh giúp người di chuyển". Họ còn hưá sẽ cung cấp xe (Molotova cuả Trung Cộng) giúp chở người đi Hà Nội. Ủy ban này sẽ cấp "giấy di chuyển" cho ai muốn đi Hải Phòng qua ngã Hà Nội và mỗi người phải đóng 8.000 đồng tiền Việt Minh, cộng sản giải thích số tiền đó để "bồi dưỡng" cán bộ làm việc, tài xế lái xe, tổn phí giấy, mực, xăng dầu và cả bánh xe bị mòn ! Nhưng sau khi đóng tiền, lên xe với tờ "giấy di chuyển" có thời hạn 15 ngày, đoàn xe cuả cộng sản lại lần lượt thay nhau "chết máy", nằm rải rác trên đường lộ. Người dân khốn khổ buộc phải xuống gánh gồng đi tiếp bằng đôi chân, họ không thể chậm trễ vì chưa tới Hải Phòng mà "giấy đi đường" hết hạn họ sẽ bị cộng sản chận bắt lại, lúc đó không những mất tiền mà còn mất luôn mạng sống nếu lọt vào tay cộng sản. Phiá đại diện ICSC lại lên tiếng phản đối, cộng sản lần này huy động hàng trăm ghe thuyền chở người theo đường sông lên Hà Nội, tại đây nếu "giấy đi đường" còn thời hạn thì họ lên xe lửa đi tiếp ra Hải Phòng. Nhưng trong thực tế thì không có bao nhiêu người đến kịp Hải Phòng trước thời hạn. Với hơn 20.000 người ở Phát Diệm muốn ra đi trong sự kiện ngày 1/ 11/ 1954, chỉ có hơn 5.000 người may mắn thoát khỏi tay cộng sản.
Giáo phận Bùi Chu thuộc tỉnh Nam Định, nằm về hướng Nam - Hà Nội và Hải Phòng khoảng hơn 70 km. Ngày 20/ 11/ 1954, đại diện Việt Nam; Mỹ; Pháp ở Hải Phòng nhận được tin tại Bùi Chu vẫn còn hơn 20.000 người bị kẹt lại, họ không thể đến Hải Phòng bằng đường bộ vì cộng sản không cho đi. Một cuộc họp khẩn cấp được triệu tập (không có ICSC) và một kế hoạch cứu người được chuẩn bị chu đáo. Hai giáo dân được trao trách nhiệm đi đường biển tới Bùi Chu báo tin: "Mọi người có 10 ngày, phải tìm các cách để tiến về bờ biển nơi có làng đánh cá Vạn Lý. Phải cố gắng đến đó tập trung trước ngày 30/11. Đúng 10 giờ tối ngày 30/11, mọi người dùng bất cứ phương tiện gì có thể bơi ra xa bờ vài trăm thước sẽ có tàu đón".
Ngày 29/ 11/ 1954, chiếc tàu công xưởng hạm Jules Verne cuả hải quân Pháp đến thả neo cách làng đánh cá Vạn Lý khoảng 4 km, sau đó thấy xuất hiện 4 chiếc tàu loại LSM của hải quân Mỹ chạy tới cập vô hai bên làm như đang sửa tàu. Chiều ngày 30/ 11, chiếc vận tải hạm General Brewster sau khi chở người di cư vô Nam, quay đầu chạy ra Bắc với khoang tàu trống trơn đến bỏ neo kế chiếc Jules Verne. Đúng 10 giờ tối ngày 30/11, dưới ánh trăng vằng vặc và dưới sự chỉ huy cuả các linh mục, hàng trăm ghe nhỏ, bè tre, thúng đánh cá, chuối cây cột chùm v.v lặng lẽ cỡi sóng tiến ra khơi. Ngay lúc này mấy chiếc LSM thong thả chạy vô vớt người đầy tàu rồi lui ra chuyển qua tàu lớn. Cứ như thế suốt đêm, hàng hàng lớp lớp bóng cứ người âm thầm tiến ra biển. Lúc trời sáng tỏ, chiếc General Brewster đã kịp làm bốn chuyến khứ hồi, đưa hơn 6.000 người về Hải Phòng. Tới trưa ngày 1/ 12, nhận thấy cộng sản Việt Minh vẫn chưa hay biết gì, Lực Lựợng TF 90 ra lệnh cho tiếp tục vớt người. Lần này tàu Mỹ, tàu Pháp làm việc liên tiếp hai ngày hai đêm cho tới lúc trên bờ chẳng còn ai bơi ra nữa. Số người vớt được ở Bùi Chu đợt thứ hai là 19.000 người.
Hai trường hợp nêu trên tại Phát Diệm; Bùi Chu chỉ là hai trường hợp may mắn rất hiếm hoi trong biến cố di cư 1954. Kể từ sau tháng 9, khi thấy số người bỏ đi vào miền Nam quá lớn, cộng sản Việt Nam cuả ông HCM bắt đầu tìm cách ngăn cản với đủ trò mưu ma chước quỷ. Không chỉ riêng người theo đạo công giáo, mà bất cứ ai muốn bỏ đi dù là phật giáo, đạo thờ cúng ông bà v.v công sản đều ngăn cản, hăm dọa. Cản không được thì ám sát, thủ tiêu không kể già trẻ lớn bé. Phần lớn các cuộc vượt thoát đều trải qua những chặng đường cam go, bi thảm, phập phồng trong lo sợ vì bóng dáng cộng sản Việt Minh chập chờn ấn hiện khắp nơi. Tới nay vẫn chưa có một con số chính thức về những nạn nhân bị sát hại, nhưng các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 40.000 người bị cộng sản giết chết vì muốn vào Nam. Ngoài ra cũng có khoảng 1 triệu rưỡi người khác không đi được vì cộng sản cản trở. Những vụ người muốn ra đi bị giết lẻ tẻ một lần vài trăm, trên một ngàn thì xảy ra rất nhiều. Nhưng vẫn không nhiều và tàn ác bằng vụ thảm sát mà cộng sản đã làm ở Thanh Hoá.
Ba Làng là một xứ đạo lớn nằm bên bờ biển xã Hải Thanh, huyện Tĩnh Gia tỉnh Thanh Hoá. Ngày 28/ 12/ 1954, có gần 20.000 người tập trung biểu tình ở nhà thờ Ba Làng để phản đối cộng sản không cho họ được di cư. Phiá cộng sản cử đến một toán bộ đội chửi bới và hăm dọa, sau đó hai bên xảy ra xô xát làm 4 người bị bắn chết, 6 người bị thương. Phiá bộ đội cộng sản sau đó bỏ chạy, họ có vài người bị thương do dân đánh lại. Nhưng cộng sản tháo chạy không xa, họ bao vây toàn khu vực và đánh điện ra Hà Nội báo tin. Ngày 29/ 12, Hà Nội cử vô một viên thượng tá ở Cục Chính Trị tên Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Sĩ Đồng. Ngày 6/1/ 1955, Thượng Tá Nguyễn Sĩ Đồng vô tới Bái Thượng Thanh Hoá, nơi có Sư Đoàn 330 cộng sản ở miền Nam mới tập kết ra đóng ở Sầm Sơn, thì họp với tư lệnh sư đoàn nói trên là Đại Tá Đồng Văn Cống.
Ngày 8/ 1/ 1955, dưới sự chỉ huy cuả Thượng Tá Nguyễn Sĩ Đồng, hơn 5.000 bộ đội có vũ trang tiến vào bao vây khu vực Ba Làng, họ bắn không thương tiếc những ai cố chạy thoát ra ngoài. Ngày hôm đó cộng sản bắn chết hơn 200 người, bắt trói đem đi biệt tích khoảng 2.000 người.
Tin tức về vụ tàn sát ở Ba Làng làm chấn động Sài Gòn và Hải Phòng. Chính phủ Quốc Gia Việt Nam đã lên tiếng tố cáo tội ác cộng sản ở Ba Làng trước dư luận quốc tế, đồng thời yêu cầu ICSC phải điều tra làm sáng tỏ chuyện này.
Khi biết có phái đoàn ICSC sẽ tới Ba Làng điều tra, Thượng Tá Nguyễn Sĩ Đồng cho lập ra hai toán đi đón phái đoàn uỷ hội quốc tế. Vài ngày sau, khi chiếc xe chở phái đoàn ICSC vừa vào ranh giới tỉnh Thanh Hoá chưa xa đã bị một toán cướp hung dữ chận đường. Đám cướp lột hết tư trang cuả các ủy viên, lúc chúng sắp ra tay giết bọn họ thì từ xa bỗng xuất hiện một toán bộ đội làm bọn cướp bỏ chạy mất. Sau khi được cứu và được đám bộ đội "cam đoan" sẽ hộ tống đi tiếp tới Ba Làng, nhưng các ủy viên ICSC vẫn nhất quyết quay đầu xe chạy về Hà Nội.
Những ngày tiếp theo, cộng sản cho lập "toà án nhân dân" ở Ba Làng để kết án nhũng người muốn vào Nam. Cộng sản xử bắn 40 người, 2 người chung thân khổ sai, 22 người bị 12 năm khổ sai, 4 người bị 20 năm tù, 60 người khác bị đem đi biệt tích vì cộng sản cho là những kẻ nguy hiếm nhất.
Biến cố thảm sát ở Ba Làng sau đó lan truyền rất nhanh ra miền Bắc, dân chúng xôn xao bàn tán cùng với những lời oán than uất hận. Đầu não cộng sản ở Hà Nội tìm cách đánh lưà dư luận, họ gọi Thượng Tá Nguyễn Sĩ Đồng về, cho lên đại tá và đổi tên thành Đồng Sĩ Nguyên, không cho người này giữ một chức vụ nào ngoài công khai với hy vọng thời gian sẽ làm quên mọi chuyện. Nhưng tội ác đó không thể nào làm người dân quên được, trái lại dân chúng đã truyền tụng một bài thơ tựa như bài "văn tế" sống dành cho kẻ sát nhân đó như sau:
"Đồng Sĩ Nguyên, Nguyễn Sĩ Đồng.
Theo Hồ ngươi giết con chiên Ba Làng.
Tội ác ngươi nhất thế gian.
Trẻ thơ cũng bắn già làng cũng đâm.
Cỏ cây cũng phải khóc thầm.
Núi sông cũng phải một lần phong ba.
Đảng ngươi đảng lũ Tàu Nga.
Cộng người cộng máu cộng hoà thịt xương.
Các ngươi một lũ bất lương.
Cùng quân ăn cướp cùng phường lưu manh.
Đảng ngươi tội ác rành rành.
Chứng nhân còn đó sử xanh ngất trời.
Lũ ngươi đền tội đời đời"

(Khuyết Danh).
Bài "văn tế" sống nêu trên, chúng tôi cũng xin được lấy nó để gởi đến đảng cộng sản hôm nay ở Việt Nam, vì dù có bao nhiêu năm nữa trôi qua, thì bản chất độc ác, bạo tàn vô nhân tính cuả người cộng sản vẫn không thay đổi.
Sáu Mươi Năm Tìm Lại, 1954 - 2014.
Hawaii ngày 1 tháng 1 năm 2024.
BĐQ Đỗ Như Quyên (Charlie Brown Phuong)
===
Nguồn tham khảo :
- "Cửu Long Cạn Dòng - Biển Đông Dậy Sóng", Ngô Thế Vinh, Văn Nghệ 2000. "Deliver Us From Evil", Thomas A. Doolley, Signet Book 1956.
- "Encyclopedia of the Vietnam War", Spencer C. Tucker 2011.
- "Hiệp Định Geneva (20/ 7/ 1954)", Trần Gia Phụng.
- "Hiệp Định Geneva 1954", Nguyễn Anh Tuấn, Sài Gòn 1964.
- "History of the USS Hickman County", Mobile Riverine Force Association/ This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it..
- "Hồi Ký Lã Quý Ba", google online.
- "In The Midst Of War - An Americans Mission to Southeast Asia", Edward G. Lansdale, Harper & Row, San Francisco 1972.
- "Nhìn Lại Cuộc Di Cư 1954 - 1955", Nguyễn Văn Lục.
- "Number Games: How Many Vietnamese Fled South in 1954 ?", John Prados. The VVA Veteran (Vietnam Veteran of America, Jan/Feb 2005.
- "Operation Passage to Freedom: the United States Navy in Vietnam, 1954 - 1955", Ronald Bruce Frankum, Texas Tech University Press 2007.
- "Passing the Torch", Vietnam Experience, Boston Publishing Company 1981.
- "The Pentagon Papers", Bantam Book/ New York Times 1971.
- "Seabees and Operation Passage to Freedom", Seabeesmagazine, 02/2013.
- "The Two Vietnams: A Political and Military Analysis", Bernard B. Fall, Westview Press (04/1985).
- "Việt Nam 1945 - 1995", Lê Xuân Khoa, Chương 6: Di Tản và Định Cư Tỵ Nạn 1954.
----------

Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn