‘Tang chế kiểu Trung Hoa’ – Những động thái đáng lưu tâm
Tác Giả : Trần Hiếu Chân | Nguồn: RFA | Ngày đăng :2024-08-04 |
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng Đoàn lãnh đạo cấp cao Trung Quốc viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh hôm 20/7/2024
Việc Chủ tịch nước Tô Lâm sắp thăm chính thức Trung Quốc trong một ngày gần đây càng bộc lộ ý nghĩa sâu xa của ‘tang chế kiểu Trung Hoa’ vào tuần trước.
Còn lâu, sẽ còn rất lâu nữa, ở Việt Nam mới tái diễn một tang lễ kiểu như quốc tang cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Báo chí quốc tế ngay từ đầu đã chú ý đến ‘ngoại giao đám tang’ (1), nói chữ là ‘ngoại giao tang chế’ (2) xoay quanh sự ra đi của ông Trọng. Sinh thời, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch từng giải thích cho nhân viên Lễ tân, người ta đến chỗ đám tang chủ yếu vì người sống, chứ không chỉ vì người đã khuất… Nhà Trắng và Trung Nam Hải cho người đến viếng TBT Nguyễn Phú Trọng như dự quốc tang của một đối tác thân thiện, đủ nói lên phần nào các mối tương quan thiết yếu trong bang giao tay ba bất tương xứng Việt – Trung – Mỹ. Dù bận rộn tranh cử, nước Mỹ của Tổng thống Biden đã tỏ ra khá chu đáo với quốc tang của ĐCSVN (3).
Trường hợp hai ông Tập Cận Bình và Vương Hỗ Ninh tham gia tang lễ ông Trọng, có một số động thái nên được ‘giải mã’ để hiểu thêm về tầm mức quan hệ đối tác ‘cộng đồng chung vận mệnh’ giữa Việt Nam và Trung Hoa ngày nay. Tổng bí thư ĐCSTQ dù đang bận rộn sau Hội nghị Trung ương 3, nhưng khi được tin ông Nguyễn Phú Trọng vừa mất, Hà Nội chưa ‘phát tang’, chiều 20/7 ông Tập Cận Bình đã đích thân đến tận Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, để gập người, vái ba vái, thắp hương và ngồi vào ghi Sổ tang. Cũng ngay lập tức chiều 25/7, Bắc kinh đã cử Chủ tịch Chính hiệp Vương Hỗ Ninh dẫn đầu đoàn chính thức sang viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nếu như ông Tập vái ba vái, thì tại Hà Nội, ông Vương cúi gập người, kiểu Nhật Bản, trước linh sàng cố Tổng bí thư Việt Nam (4).
‘Tang chế’ kiểu Trung Hoa ở cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội dịp này càng cho thấy sự quan tâm và mối tương giao giữa hai nước ‘thắm thiết’ biết bao nhiêu. Vấn đề là thông điệp nào ĐCSTQ muốn chuyển tới ĐCSVN? Quan trọng nhất, Trung Quốc muốn nói với Chủ tịch nước Tô Lâm và Chính trị Bộ ĐCSVN: Sau ông Trọng, bất cứ ai lên nắm quyền ở Ba Đình nên đi theo đúng ‘quỹ đạo Nguyễn Phú Trọng’ thì mọi chuyện sẽ êm xuôi và tốt đẹp (5). Việc ông Tập phá lệ, hàng xóm chưa ‘phát tang’ đã đến ‘phúng viếng’ và cử Vương Hỗ Ninh, nhân vật thứ 4 trong 7 yếu nhân cao nhất ở Trung Nam Hải bay sang Hà Nội dự tang lễ, đơn giản là vì ban lãnh đạo Trung Quốc muốn cho các ‘thủ túc’ Nguyễn Phú Trọng thấy, Trung Quốc đánh giá cao TBT Trọng như thế nào. (5)
Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Hỗ Ninh. Reuters
Mười lăm năm trước, Vương Hỗ Ninh (vốn đang là ‘đế sư’, từng làm cố vấn về lý luận cho ba đời Tổng bí thư ĐCSTQ) đã cho xuất bản cuốn sách ‘Zhèngzhì de Luójí——Mǎkèsīzhǔyì yǔ Zhōngguó Zhèngzhì Fāzhǎn’, dịch sang tiếng Việt là “Logic của Chính trị: Chủ nghĩa Mác và Sự phát triển chính trị của Trung Quốc’ tại Bắc Kinh. Trong cuốn sách này, Vương Hỗ Ninh đã đặt nền móng lý luận cho tầm quan trọng của tập quyền để duy trì ổn định và phát triển ở Trung Quốc. Cả Tập lẫn Vương về sau này, đã khuyến cáo Nguyễn Phú Trọng đi theo con đường này, kiến tạo nên ‘chiếc lồng nhốt quyền lực’, một hình thức tập quyền ở Việt Nam để tiêu diệt hết tất cả các đối thủ, từ Nguyễn Tấn Dũng, Đinh La Thăng đến Nguyễn Xuân Phúc. Như một nhà nghiên cứu nước ngoài từng nhận xét, thay vì sắp nghỉ hưu, người đàn ông 77 tuổi, đi đứng loạng choạng nhưng vẫn đầy mưu chước, đã tìm kế để tiếp tục làm thêm nhiệm kỳ thứ ba (6).
Rõ ràng cả Tập lẫn Vương đã tìm thấy ở Nguyễn Phú Trọng một ‘truyền nhân cuồng tín’, say mê Chủ nghĩa Marx ‘một cách bệnh lý’, quyết tâm nhốt quyền lực vào ‘cái lồng riêng’ của mình. Không ngẫu nhiên, Nguyễn Phú Trọng là quốc khách đầu tiên sau khi Tập ngồi lại ghế TBT lần thứ ba đã sang thăm Trung Quốc và đã được Tập trao huân chương ‘sọ người’. Từ rất lâu trước đó, các nhà nghiên cứu quốc tế đã tìm cách lý giải những tác động của Trung Quốc đối với cơ cấu quyền lực ở Việt Nam (7). Phát biểu tại lễ tiếp đón TBT Nguyễn Phú Trọng ngày 30/10/2022, TBT Tập nhấn mạnh: “Sự phát triển của sự nghiệp tiến bộ nhân loại là quá trình dài và quanh co… Hai ĐCS Trung Quốc và Việt Nam cần kiên định hành động… đẩy mạnh hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa bằng tất cả nguồn lực của mình, không bao giờ để bất kỳ ai can thiệp vào bước tiến của chúng ta, hoặc để bất kỳ thế lực nào làm lung lay nền tảng thể chế trong sự phát triển”. Tuy nhên, Tuyên bố này đã không hề tìm thấy trên các bản tin của TTXVN (8).
Tại sao Vương Hỗ Ninh lại cúi gập người kiểu Nhật Bản, chứ không vái ba vái theo kiểu Trung Quốc như ông Tập hành xử tại Đại sứ quan Việt Nam? Chúng ta chỉ có thể dự đoán! Vương Hỗ Ninh dường như muốn nói với dàn lãnh đạo Ba Đình, các vị đừng theo đóm ăn tàn, hãy theo Trung Quốc! Cái gì Nhật Bản cho Việt Nam được thì Trung Quốc cũng có thể đáp ứng. Trung Quốc hoàn toàn biết cách ‘cúi gập người’ như xứ Phù Tang. Từ đầu năm nay, ‘Hai hành lang, một vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ’, hợp phần của BRI, đã được hai chính phủ Việt – Trung nhận thức chung trước cả khi ‘Hoàng đế Tập’ đăng quang và nói về ‘Nhất đới nhất lộ’. Các thỏa thuận xây dựng hạ tầng giao thông, thương mại biên mậu, giao lưu văn hóa, hợp tác an ninh… đã được thống nhất về chủ trương. Cho dù, tuyến đường sắt Côn Minh – Hải Phòng – Lào Cai, không khác gì ‘cây giáo đâm xuyên yết hầu’ Việt Nam (9).
Từ lịch sử ngàn năm nay, tang lễ ở Trung Quốc đều phục vụ cho mục đích chính trị. Xưa kia, Khổng Minh kích cho Chu Du tức hộc máu chết, nhưng khi đến dự đám tang đã khóc lóc rất thảm thiết, do đó đã đánh lừa được quân Đông Ngô, khiến bọn này chẳng hề nghi ngờ gì về nguyên nhân thực sự dẫn đến cái chết của Chu Du. Ngày nay, Tập và Vương cũng muốn dùng ‘tang chế’ kiểu Trung Hoa để buộc dàn lãnh đạo mới, dù là Tô Lâm hay Phạm Minh Chính… ‘nhận chiếu chỉ từ Thiên triều’: Trung thành với ‘mẫu quốc’ thì sẽ được yên thân! Còn câu chuyện Biển Đông, họ ra tay lúc nào cũng chẳng muộn. Mặc cho Bộ Ngoại giao Việt Nam tranh thủ lúc ông Trọng vừa nằm xuống, ngày 18/7, đã chủ động nộp Đệ trình Ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Khu vực Giữa Biển Đông lên LHQ. Hẳn nhiên, ngay cùng ngày, Người phát ngôn BNG Trung Quốc đã lên tiếng ‘cực lực phản đối yêu sách đơn phương của Việt Nam’ (10). Đáng chú ý là lời ‘phản đối yêu sách’ này đã không được Trung Quốc đưa ra LHQ, điều ấy nói lên thế yếu của Bắc Kinh trong cuộc đấu tranh về pháp lý trên Biển Đông./.
* Bài viết không phản ánh quan điểm của Đài Á châu Tự do |
Tham khảo:
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |