Kinh Tế Thị Trường
Tác Giả : Phạm Văn Bản | Ngày đăng :2024-08-06 |
Mô hình Maslow
Trước những biến chuyển dân chủ của thế giới, những cuộc vùng dậy của nhân dân bị trị chống áp bức bất công đã khiến cho tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam hoảng sợ mà vội vàng cải tổ kinh tế thị trường, và rồi giải thích thêm “định hướng xã hội chủ nghĩa!” Kinh tế thị trường là đảng muốn giải tỏa sự nghèo đói, bất công, bất mãn của nhân dân, và cải tổ này cũng đồng nghĩa là đảng muốn xoa dịu quần chúng nhằm mục đích bảo toàn quyền lực cai trị về lâu về dài.
Với nền “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam” thì đảng mong muốn Hoa kỳ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Nhưng hôm nay, ngày 2 tháng 8 năm 2024 Bộ Thương Mại Hoa Kỳ mặc dù có ghi nhận những phát triển tích cực, nhưng không công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường.
I. Kinh Tế Thị Trường
Người Cộng Sản thấy rằng, nguyên lý độc tài áp bức của họ đã không mang lại thịnh vượng quốc gia, hay hòa bình thế giới. Mà trái lại, độc tài áp bức đó đang làm xói mòn niềm tin của quần chúng nhân dân.
Ðộc tài áp bức bóp chết sức phát huy sáng tạo và cản trở những bước khuyếch trương năng lực sản xuất, phát triển kinh tế xã hội. Nhất là vào thời đương đại, sự phát triển kinh tế xã hội, lại còn đòi hỏi nhiều tính năng động sáng tạo và uyển chuyển của toàn dân, được gọi là nguyên tắc đồng thuận.
Nhưng chế độ độc tài kinh tế đã trở thành phương tiện khủng bố, đàn áp nhân dân của nhà cầm quyền. Thành qủa phát triển kinh tế trong xã hội Cộng Sản không nhất thiết giúp nhân dân được hưởng, vì bất cứ lúc nào nhà nước cũng có thể tước đoạt, thâu dụng toàn bộ tài sản của dân mà người dân đang tư hữu.
Theo lý thuyết kinh tế, một cơ sở độc quyền có khả năng thâu dụng toàn bộ gía trị thặng dư xã hội, thì một chế độ độc quyền cũng có khả năng cướp đoạt toàn bộ tài sản của cải đất nước như thế! Do đó phát triển kinh tế như Việt Nam dưới chế độ Cộng Sản hiện nay, chưa phải là yếu tố bảo đảm cho nhân dân được hạnh phúc, cho nhân sinh được thăng tiến, cho nhân quyền được tôn trọng, cho đất nước được hùng cường và thịnh vượng.
II. Ðịnh Hướng Xã Hội Chủ Nghĩa
Có thể đảng Cộng sản Việt Nam nghiên cứu và thuộc nằm lòng phương pháp luận của Abraham Maslow (1908-1970), ngành học khích lệ tổ chức (organizational motivation) và phân loại nhu cầu con người (hierarchy of needs) trên 5 bậc thang thứ tự ưu tiên. Từ đó, ban chấp hành trung ương đảng mang ra áp dụng vào đường lối cai trị nhân dân bằng những chính sách bóc lột đàn áp như theo mô hình này.
1. Mô hình Maslow
Người Cộng Sản cho rằng, muốn cai trị nhân dân thì trước tiên cần xử dụng một chế độ được mệnh danh là “xiết hầu bao.” Nghĩa là đảng cứ việc nhắm vào cái bao tử của nhân dân mà lãnh đạo chỉ huy. Ðó chính là ý nghĩa trọng đại đầu tiên trong việc định hướng xã hội chủ nghĩa.
Cũng theo lý thuyết kinh tế, cái bụng bảo cái chân tay đi. Nhà nước Cộng Sản hơn lúc nào hết, phải buộc người dân lo nghĩ nhiều đến cái ăn cái mặc. Đang khi cái bụng người dân thì lúc nào cũng chỉ được phép chứa lưng lửng hầu bao, và luôn cảm thấy thèm khát, chớ không no đủ.
Bởi thế dân tộc Việt Nam đã phải chịu sống cảnh thiếu thốn mọi nhu yếu phẩm, và phải lo chạy gạo từng bữa. Ðược hôm nay lại thiếu ngày mai, đủ nồi cơm sáng thiếu nồi cơm chiều. Cuộc đời cứ quần quật lo cho chuyện đói rách như thế, thì xin hỏi, còn thì giờ đâu mà người dân nghĩ đến những việc tranh đấu chính trị hoặc đòi hỏi về tự do dân chủ, nhân quyền?
2. Hình Kim Tự Tháp
Căn cứ theo phân loại nhu cầu con người, Maslow đã giúp làm sáng tỏ khái niệm và giải thích kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trên 5 nấc thang theo như Hình Kim Tự Tháp. Bậc thang thấp nhất, mà cũng ưu tiên cao nhất của con người, là nhu cầu thể xác (physiological needs) bao gồm cái ăn, cái mặc, cái đi, cái ở ngay từ sinh lý cho tới cái không gian mà con người cần hít thở để sống.
Ưu tiên hai là nhu cầu cảm nhận an toàn (safety and security needs) chớ không bị lo sợ mỗi khi thấy công an khu vực bắt giam đánh đập tra tấn hoặc bị giết chết.
Ưu tiên ba là nhu cầu được thương yêu và kết tình bạn hữu (love and belonging needs).
Ưu tiên bốn là nhu cầu tôn trọng nhân phẩm (esteem needs), tức được tôn trọng từ chính bản thân và từ nhân quần xã hội bao quanh.
Ưu tiên năm là thứ ưu tiên thấp nhất, được gọi là nhu cầu tự thực hiện (self actualization needs).
3. Cộng Đảng Thực Hành
Theo Maslow, nhu cầu con người có thể nhận diện hay định nghĩa, là ước muốn trở thành chính mình và trở thành tất cả những gì mà mình muốn trở thành.
Nhưng yếu tố cần thiết để đạt đến trình độ tự thực hiện: self actualization needs, là con người cần phải được làm chủ thực sự đời sống của mình trong xã hội, làm chủ cấu trúc chính trị đang chi phối đời sống của mình, tức đời sống dân chủ, chế độ tự do dân chủ, chớ không thể chỉ được rêu rao “nhân dân làm chủ” mà thôi, mà đủ!
Học thuyết Maslow bao gồm hai hệ luận nhằm giải thích và tiên đoán hành vi của con người. Một là, con người cố gắng vượt qua những thứ tự ưu tiên để đạt đến mức độ cao, đó là có thể thực hiện.
Hai là, trong trường hợp phải chọn lựa giữa nhiều nhu cầu, thường thường nhu cầu thuộc ưu tiên cao, thì được chọn trước.
Ví dụ, người thường dân thì phải lo ăn, lo uống, lo cho sự an toàn bản thân mình, trước khi nghĩ tới nhu cầu tự thực hiện.
Chính cái điểm trọng yếu này mà trở thành quy luật, làm khuôn vàng thước ngọc giúp cho người Cộng Sản "hồ hởi phấn khởi" điều nghiên, để đưa vào đường hướng cai trị nhân dân căn cứ theo nhu cầu thể xác, và kìm kẹp con người nằm trong nấc thang thấp nhất, dễ thực hiện nhất, dễ mang lại hiệu quả thành công cao nhất.
Ðảng chỉ việc dùng kinh tế làm phương tiện đàn áp nhân dân, tức kinh tế chỉ huy chính trị. Bởi thế đảng phải kìm hãm toàn dân theo nhu cầu thể chất như cái ăn, cái mặc, cái đi, cái ở… là vấn đề sinh lý đòi hỏi thường xuyên của mọi người.
Vậy thì còn hơi sức đâu mà người dân dám nghĩ tới những chuyện đứng lên đấu tranh nhằm mục đích dành lại nhân quyền và tự do dân chủ như ở nấc thang thứ năm trong mô hình : đó là nhu cầu thực hiện! Chế độ hộ khẩu, tạm trú tạm vắng là ví dụ điển hình của nấc thang số một theo mô hình Maslow.
Từ mô hình Maslow, đảng Cộng Sản Việt Nam đã nắm trọn hầu bao của toàn dân, thì kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ tiến nhanh, tiến mạnh, và tiến vững chắc lên nấc thang số hai.
Thay vì nâng cao dân trí, thay vì giáo dục đào tạo, thay vì nâng cao đời sống dân nước… thì ngược lại đảng đã dồn tài nguyên quốc gia vào việc củng cố quân sự quốc phòng, mua sắm vũ khí… nhằm khủng bố và cai trị toàn dân một cách trường kỳ.
Cũng theo nấc thang số hai Maslow, người Cộng Sản Việt Nam chủ trương dân nghèo nước mạnh. Đảng phải có nhiệm vụ tạo ra sức mạnh bằng những phương án mua vũ khí, súng đạn hiện đại của Nga của Mỹ tới hàng tỷ Mỹ kim mỗi năm.
Căn cứ bảng thang Maslow và qua bản tin Việt Nam mua vũ khí của Nga của Mỹ, chúng ta thừa nhận rằng đảng Cộng sản có công dẫn dắt dân tộc ta đi lên từ nấc thang một, nhu cầu thể xác mà tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên nấc thang hai, nhu cầu an toàn của Xã Hội Chủ Nghĩa. Ðây cũng chính là thành quả to lớn nhất mà toàn đảng, toàn quân và toàn dân đã “phấn khởi” liên hoan ăn mừng trong suốt hơn nửa thế kỷ qua với danh hiệu “dân đói nước nghèo!”
Ðảng Cộng sản xưa nay cai trị nhân dân bằng ba biện pháp hỗ tương. Một là, đảng chủ trương việc vận động tâm lý quần chúng, phát động chiến tranh nhân dân và mang đến thành qủa là cướp chính quyền. Ngày nay đảng vẫn còn giữ vững lập trường và chủ trương tiếp tục tác động tâm lý quần chúng nhân dân bằng khẩu hiệu, bằng hứa hẹn, và truyền bá chủ thuyết Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, đảng khủng bố và đe dọa quần chúng, để tiêu trừ mầm mống chống đối đảng trong nhân dân.
Ba là, đảng sẵn sàng mềm mỏng với dân, mị dân và xoa dịu những bất mãn đối kháng từ quần chúng. Ðảng thừa hiểu rằng, nhu cầu đòi hỏi của dân là tự do dân chủ nhân quyền ở nấc thang năm nói về nhu cầu thực hiện dân chủ của Maslow.
Vì thế đảng phải chú tâm vào nấc thang hai bao gồm những biện pháp an toàn trong đảng, hạ lệnh cho công an khu vực đi rình rập lùng bắt khắp nơi, và cho tòa án nhân dân xài mả tấu chém khắp nước, nhằm đấu tố thanh trừng. Đang khi đảng lại “bị cú húych” để đương đầu với nấc thang ba, nhu cầu yêu thương, được yêu thương và có “đồng bào” để yêu thương.
Nhưng khổ nỗi, đảng đối diện với “tình yêu thương” lại chỉ là chém giết, là đấu tố, là cải cách ruộng đất, là đánh tư bản, và đó chính là chủ trương lớn của đảng. Bác đảng vô tư không yêu thương, không tới được nấc thang số ba.
Lịch sử chứng minh rằng, những chiêu bài vì dân vì nước, độc lập tự do, giải phóng dân tộc, chống Mỹ cứu nước, thống nhất lãnh thổ… chẳng qua là để thực hiện chủ nghĩa Cộng Sản tam vô.
Những kẻ khi có chủ trương vô gia đình, thì làm gì có dân tộc, có đồng bào để mà có yêu thương ! Những kẻ có chủ trương vô tổ quốc, thì làm gì có đất nước, có quê hương để mà giải phóng. Nếu như người Hồi Giáo dị ứng trước những biếm họa Mohamet, thì người Cộng Sản dị ứng mỗi khi nghe loài người nhắc đến hai chữ bác ái, từ bi, yêu thương.
Người Cộng Sản không yêu thương, không có trái tim. Yêu thương là một cái tát nảy lửa vào mặt chế độ Cộng Sản, là nấc thang ba của mô hình Maslow.
4. Chính Thuyết Tiên Rồng
Dân tộc Việt Nam ngay tự ngàn xưa đã có sẵn nếp sống yêu thương, thể hiện tinh thần Ðồng Bào (đồng là cùng và bào là bọc, tức anh em Bình Đẳng và Thân Thương trong Một Bọc Trăm Con. Một là trăm và trăm là một. Mình sống vì mọi người và mọi người cũng sống vì mỗi người), Bọc Mẹ Trăm Con của truyền thuyết “Con Cháu Tiên Rồng.”
Với nhu cầu ở nấc thang ba, như nói trên, thì coi như Hồ Chí Minh và Cộng Ðảng rớt đài và thua Dân Tộc Việt Nam ngay tại hiệp đầu. Bởi vì trong một xã hội Cộng Sản chỉ toàn xây dựng trên nguyên lý đấu tranh giai cấp, trên hận thù nghi kỵ lẫn nhau, lừa đảo lẫn nhau.
Hơn nửa thế kỷ cầm quyền mà đảng Cộng Sản lại không lên được nấc thang ba, đang khi muốn tới nấc thang năm Maslow, thì “từ vượn lên người mất mấy triệu năm… nhưng từ người xuống vượn chỉ mất ba hôm!” (lời của Ngục sĩ Nguyễn Chí Thiện).
Trên thực tế, không lên nấc thang ba, người Cộng sản lại học ngón đòn Tây Độc của Âu Dương Phong trong chuyện Kim Dung, vì tẩu hỏa nhập ma, chóng mặt mà lão độc vật phải lộn ngược đầu mà đi, gọi là “cáp mô công.” Cho nên người Cộng Sản được gọi là cáp mô công, là duy vật, duy là nghiêng hoặc lộn đầu về vật chất, thay vì con người cần sống hướng thượng, cao thượng.
Do chính đảng Cộng Sản đi ngược đầu, mà nhân dân Việt Nam giờ đây lại thấy xuất hiện cái đuôi “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.” Ðịnh hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Chúng ta có thể trả lời : Nó là “thắt lưng buộc bụng: tighten one’s belt!”
5. Thắt lưng buộc bụng
Lý thuyết kinh tế Cộng Sản nói rằng, “thắt lưng buộc bụng hôm nay, để ngày mai thế hệ con em sung sướng.” Chính sách phát triển kinh tế “thắt lưng buộc bụng” mà người Cộng sản chủ trương, được tiến hành theo hai giai đoạn.
Một là, đảng chú tâm phát triển ngành kỹ nghệ nặng. Hai là, sau đó đảng từ từ chuyển sang các ngành sản xuất tiêu thụ khác.
Ðầu tiên đảng Cộng Sản kêu gọi toàn dân sống “thắt lưng buộc bụng,” buộc chặt cỡ nào cũng phải buộc, miễn sao có thể có được vật chất thặng dư nhằm nuôi sống đảng. Nếu qủa thật chính sách kinh tế Cộng Sản này thành công, thì trong giai đoạn phát triển kỹ nghệ nặng, toàn thể nhân dân Việt Nam đã biến thành vô sản chân chính mất rồi !
Thiếu đủ mọi thứ nhu yếu phẩm. Không gạo không tiền, mà chỉ thấy dùng bo bo, mì lát, bắp đá. Không giầy dép, mà đi toàn một loại “dép râu cụ hồ” từ con nít cho chí ông già bà lão cũng phải mang thứ dép thổ tả này.
Kinh tế Cộng Sản, thoạt tiên có lẽ cũng tiến nhờ sự gia tăng sản xuất kỹ nghệ của toàn dân. Nhưng thực tế, tài liệu Hội Ðồng Tương Trợ Kinh Tế Cộng Sản (Council for Mutual Economic Assistance) thì sản lượng thuần tịnh quốc gia (net national product) chỉ tăng 3.2% trong giai đoạn 1981-1987, chỉ vì của chung, cha chung không ai khóc. Vì hầu hết các tài liệu Cộng Sản lại báo cáo bớt đi mức độ lạm phát trong việc tuyên truyền, bởi thế, sự phát triển kinh tế thấp hơn hoặc đình trệ.
Kết qủa, người dân thắt lưng buộc bụng đã sống qua vài thế hệ mà vẫn chưa thấy tương lai của đất nước ra sao, chưa thấy ngày mai ăn no mặc ấm, chưa thấy giấc mơ “các tận sở năng các thụ sở nhu: làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu – nguyên văn Hồ Chí Minh.”
Theo tài liệu của Liên Hiệp Quốc ước tính tổng sản lượng quốc gia chia đều theo đầu người, tại Việt Nam từ năm 1989 là $175US đến năm 2005 là $475US. Thực tế, chính sách thắt lưng buộc bụng của kinh tế cộng sản được coi như thất bại, không đúng.
6. Hy sinh đời bố củng cố đời con
Thi hào Tố Như tiên sinh khi xưa, không hiểu sao ông lại thốt ra lời khuyên độc đáo trong Kiều: “Một liều thì ba bảy cũng liều!” Câu thơ này đã khiến cho người Cộng Sản bừng tỉnh như đang buồn ngủ mà gặp chiếu manh, ngay lập tức chớp câu nói “một liều” mà áp dụng vào những cơ hội tham nhũng “ba bảy cũng liều” trong việc làm kinh tế Xã Hội Chủ Nghĩa: “Hy sinh đời bố củng cố đời con.” Nhà kinh tế xã hội chủ nghĩa Mai Văn Dâu, Bùi Tiến Dũng, Huỳnh Ngọc Sỹ… là những mẫu mực Cán Bộ Cộng Sản điển hình.
Vì mọi người thấy rằng phương pháp tổ chức kinh tế chỉ huy, và phủ nhận quyền tư hữu khó mà đạt được khả năng tối thuận (pareto efficiency). Trước sau gì định hướng kinh tế xã hội chủ nghĩa sẽ đi tới tình trạng hoang phí đình trệ.
Thôi thì liều, hy sinh đời bố củng cố đời con… vô tư tham nhũng làm giàu, rồi trước sau cũng được đảng cho phép hạ cánh an toàn.
Vì phủ nhận quyền tư hữu, nên kinh tế phải song hành với chính trị. Nói cách khác, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chính trị độc tài áp bức là một vấn đề bất khả phân.
Bởi cứ hễ là người thì ai cũng có nhu cầu, có khuynh hướng tư hữu, có thành quả do chính mình sản xuất. Vì thế định hướng xã hội chủ nghĩa là nhằm tước đoạt tư hữu, kiểm soát không cho ai tư hữu để nhân dân Việt Nam sớm trở thành chuyên chính vô sản!
Công hữu, giờ đây lại sản sinh ra nhu cầu mới và cần có cơ năng điều hành, tức kinh tế tập trung do đảng chỉ đạo. Từ đó lại dẫn tới, bộ máy tập trung kinh tế và bộ máy lãnh đạo chính trị phải là một. Và khi có kinh tế nhiều, thì có phương tiện khủng bố đàn áp nhiều. Như lời Lenin từng nói “Tự do thì tốt nhưng độc tài tốt hơn” (Freedom is good but control is better).
Ðiều này đã khiến cho nhiều nhà khoa bảng lầm tưởng rằng, hễ cứ phát triển kinh tế thì áp bức nhân quyền được giảm dần! Có lẽ chỉ đúng với thể chế độc tài không cộng sản mà thôi. Bởi kinh tế là phương tiện của nhà cầm quyền Cộng Sản dùng để thực hiện độc tài áp bức toàn dân, nhằm phục vụ trong mưu đồ phản dân hại nước.
Qua những cuộc cải cách ruộng đất hay cải tạo thương nghiệp thì mục tiêu của đảng là phải phế bỏ quyền tư hữu mà dành lại khả năng quyền lực chính trị từ tay nhân dân. Từ đó, đảng có thể tập trung quyền lực chính trị trong một chế độ chuyên chính vô sản để tạo ra bạo lực.
Những lớp nông dân, công nhân, hay trí thức tư sản bị mất hết của cải tài sản và quyền lực chính trị, thì dễ bị khống chế bởi các bí thư đảng ủy, trong hệ thống kiểm soát hộ khẩu và bình công chấm điểm. Toàn dân lúc giờ này chỉ còn được ăn lưng lửng bao tử, và lúc nào cũng cảm thấy đói khát, thiếu thốn. Ðó là chế độ nắm hầu bao chỉ huy mà người Cộng sản học được trên mô hình Maslow.
Trong tay người dân khi không còn tài sản, không còn tiền của, không còn vũ khí… cho nên họ dễ bị cô lập trong hệ thống công an, và dễ biến thành của lễ toàn thiêu trong hệ thống đảng.
Ngược lại, với chế độ dân chủ, nông dân hay công nhân dù có nghèo rớt mùng tơi thì vẫn còn chút vốn liếng phòng thân, và làm chủ được bản thân. Nghĩa là họ còn có chút quyền lực chính trị để tự lực cánh sinh.
Nếu ta đem thu góp những quyền lực chính trị nho nhỏ ấy lại, thì ta sẽ có một thế lực lớn để có thể tự bênh vực cho mình… Hiểu được như thế thì chúng ta mới hiểu được hậu quả của cuộc cải cách ruộng đất, hay cải tạo thương nghiệp đối với cuộc khủng bố của người Cộng sản man rợ ra sao, bộ máy kềm kẹp của chế độ Cộng sản là gì.
Tóm lại, vấn đề bất tương xứng để phủ nhận quyền tư hữu và hiệu năng của một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đã chẳng phải bắt đầu từ Việt Nam, mà nó đã có từ thập niên 1920, Ludwig Von Mises và trường phái kinh tế Áo đã biện luận cho điều này. Tới thập niên 1930, Oscar Langa và Abba Lerner chứng minh rằng trên lý thuyết, một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa tản quyền vẫn có thể vận dụng được những điều kiện tối thuận của một nền kinh tế tự do.
Và tiếp đến, Fredrick Hayek và Milton Friedman xác định rằng, mặc dầu trên lý thuyết, tổ chức kinh tế xã hội chủ nghĩa tản quyền có thể đạt được hiệu năng tối thuận, nhưng trên thực tế guồng máy này không tạo được sự khích lệ (economic incentives) cần đủ để đáp ứng hữu hiệu và kịp thời đúng lúc với những biến chuyển của nền kinh tế.
Vì nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã không đáp ứng được nhanh nhẹn, cho nên nó đã bị mắc nghẽn trì trệ, tạo ra hoang phí tài nguyên quốc gia, tạo ra giai cấp xã hội mới "Cò Đất và Dân Oan"và dẫn đến tình trạng phá sản hết sức nghiêm trọng như Việt Nam hôm nay.
Tóm lại, Hoa Kỳ đã không thừa nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường như 72 quốc gia trên thế giới đang được hưởng quy chế kinh tế thị trường. Theo Đạo Luật Thuế Nhập Khẩu Hoa Kỳ khoản 771 có 6 tiêu chuẩn để nhận định quốc gia kinh tế thị trường là
(1) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền
(2) Thỏa thuận tiền lương, tiền công giữa người công nhân và người điều hành quản trị
(3) Mức độ đầu tư ngoại quốc vào các hoạt động kinh tế
(4) Sở hữu quốc gia, sở hữu tư nhân
(5) Kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực vốn liếng và giá cã
(6) Các yếu tố khác.
III. Kết luận
Chúng ta đã giải thích được xã hội chậm tiến và nghèo đói trên nguyên lý định hướng xã hội chủ nghĩa ở hai nấc thang mô hình Maslow, và cả hai đều dẫn tới một hệ quả duy nhất là đảng Cộng Sản không mang lại hạnh phúc ấm no cho dân tộc, không được công nhận là nền kinh tế thị trường... Tập đoàn cai trị đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, thì trước sau gì cũng bị đào thải.
Một người đứng lên, triệu người đứng lên, toàn dân đứng lên. Ðạp đổ chế độ Cộng Sản phi nhân giành lại quyền sống, khôi phục nền văn minh nhân bản Tiên Rồng, và xây dựng lại đất nước Việt Nam thân yêu.
Phạm Văn Bản
----------
Ý kiến đóng góp và bài vở xin gởi đến This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. - Cám ơn |